Quyết định số 43/QĐ-UB ngày 17/01/1990 Ban hành quy định về chế độ niêm yết giá và không bán quá giá niêm yết của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 43/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 17-01-1990
- Ngày có hiệu lực: 17-01-1990
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3253 ngày (8 năm 11 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 01 năm 1990 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ NIÊM YẾT GIÁ VÀ KHÔNG BÁN QUÁ GIÁ NIÊM YẾT.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chánh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 7 tháng 12 năm 1989;
Căn cứ vào thực tế kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ ở thành phố và theo đề nghị của Trưởng Ban Vật giá thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành Quy định về chế độ niêm yết giá và không bán quá giá niêm yết trên địa bàn thành phồ kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho những điểm quy định về chế độ niêm yết giá, xử ký vi phạm về niêm yết giá và bán quá giá niêm yết trong bản quy định kèm theo Quyết định số 193/QĐ-UB ngày 5-12-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Vật giá thành phố, Thủ trưởng các Sở ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân hoạt động kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ NIÊM YẾT GIÁ VÀ KHÔNG BÁN QUÁ GIÁ NIÊM YẾT Ở THÀNH PHỐ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/QĐ-UB ngày 17-01-1990 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Điều 1. Tất cả các cửa hàng, quầy hàng, các sạp mua bán và kinh doanh dịch vụ trong và ngoài chợ, các cơ sở phục vụ và cho thuê tiện ích như: khách sạn, rạp hát, tiệm cho thuê quần áo… xe chuyên chở công cộng đều phải niêm yết giá ở nơi khách hàng dễ nhìn thấy nhất và không được lấy cao hơn giá đã niêm yết. Khi cần thiết phải thay đổi giá bán hoặc công phục vụ thì phải niêm yết giá lại. Mức giá niêm yết do chủ kinh doanh quy định, riêng những sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá thì phải niêm yết giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
Điều 2. Việc niêm yết giá phải đảm bảo yêu cầu sau:
- Giá niêm yết phải ghi rõ ràng bằng tiền đồng Việt Nam (hoặc bằng ngoại tệ ở các cửa hàng được phép bán hàng thu ngoại tệ) có ghi rõ ký hiệu, mã hiệu từng loại hàng theo đơn vị thương mại thông dụng: thước, lít, kilogam…
Giá phải niêm yết trên từng mặt hàng.
- Đối với nông sản, thực phẩm tươi sống thì có một bảng chung ghi giá các mặt hàng mà cơ sở có kinh doanh có ghi rõ phẩm cấp, chủng loại.
- Đối với công dịch vụ và cho thuê tiện ích thì phải ghi rõ giá kèm theo tên dịch vụ tiện ích, quy ước phục vụ. Bảng giá phải ghi rõ ràng dễ đọc, dễ nhìn.
- Đối với cước vận tải phải ghi rõ mức giá kèm theo cự ly cụ thể.
Điều 3. Biện pháp xử lý vi phạm:
1/ Không niêm yết giá, hoặc niêm yết giá không đầy đủ, không rõ ràng, không để nơi thuận tiện để khách hàng nhìn rõ bị phạt như sau:
- Vi phạm lần đầu: phạt tiền từ 10.000đ đến 50.000đ.
- Vi phạm lần thứ hai:rút giấy phép kinh doanh30 ngày và phạt tiền từ 50.000đồng đến 100.000đồng.
- Vi phạm lần thứ ba: rút giấy phép kinh doanh không thời hạn và phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
2/ Bán quá giá niêm yết hoặc giá chỉ đạo (nếu là sản phẩm dịch vụ do Nhà nước định giá) hay các hình thức bán quá giá trá hình như: cân, đong, đo, đếm thiếu, hạ phẩm cấp, hoặc phục vụ không đúng như quy định kèm theo giá niêm yết thì phải trả lại tiền chênh lệch giá do bán cao hơn giá niêm yết cho khách hàng hoặc nộp vào ngân sách (nếu không xác định được khách hàng bị thiệt hại), ngoài ra còn bị xử lý như sau:
- Vi phạm lần đầu: rút giấy phép kinh doanh từ 7 ngày đến 15 ngày và phạt tiền từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng.
- Vi phạm lần thứ hai: rút giấy phép kinh doanh từ 30 ngày đến 60 ngày và phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Vi phạm lần thứ ba: rút giấy phép kinh doanh không thời hạn và phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.
3/ Riêng đối với việc lấy quá giá giữ xe 2 bánh bị xử lý như sau:
- Vi phạm lần đầu: rút giấy phép kinh doanh 15 ngày đến 30 ngày và phạt tiền 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Vi phạm lần thứ hai: rút giấy phép kinh doanh không thời hạn và phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
4/ Đối với các trường hợp có hành động thô bạo đối với khách hàng như khách hàng yêu cầu chấp hành đúng quy định của thành phố về niêm yết giá, hoặc có thái độ chống đối Đoàn kiểm tra thì bị phạt gấp đôi mức nêu trên. Nếu gây thương tích cho khách hàng hoặc kiểm tra viên thì ngoài các hình thức phạt như nêu trên còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 4. Thẩm quyền xử lý các vụ vi phạm chế độ niêm yết giá, bán quá giá niêm yết như sau:
1/ Các Đội, Tổ kiểm tra giá do Ban Vật giá thành phố, Công an thành phố, Sở thương nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận huyện tổ chức được phạt tiền tại chỗ đến 20.000 đồng. Khi phạt tiền phải cấp biên lai thu tiền phạt do Sở tài chính phát hành và phải lập biên bản.
2/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, Trưởng Ban quản lý chợ được phạt tiền đến 50.000 đồng.
3/ Trưởng phòng cảnh sát trật tự thành phố, Trưởng phòng thương nghiệp quận, huyện được phạt tiền đến 200.000 đồng.
3/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện, Giám đốc Sở thương nghiệp, Trưởng Ban Vật giá thành phố được áp dụng tất cả các hình thức phạt và mức phạt nêu trong Chỉ thị này.
Điều 5. Về thủ tục xử phạt, thời hạn phải chấp hành quyết định xử phạt, quyền khiếu nại của người bị xử phạt, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt… áp dụng theo chương IV của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 7 tháng 12 năm 1989.
Điều 6. Được trích 10% tổng tiền phạt để thưởng cho đơn vị và cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra việc chấp hành quy định niêm yết giá và không bán quá giá niêm yết.
Điều 7. Thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng các đơn vị kinh doanh có trách nhiệm quán triệt quy định này đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc phạm vi mình quản lý để mọi người thông suốt và chấp hành tốt.
Điều 8. Trưởng Ban Vật giá thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này.