Quyết định số 7-HĐBT ngày 04/01/1990 của Hội đồng Bộ trưởng Thành lập hệ thống kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 7-HĐBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Ngày ban hành: 04-01-1990
- Ngày có hiệu lực: 04-01-1990
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-04-1995
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1917 ngày (5 năm 3 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-04-1995
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7-HĐBT | Hà Nội, ngày 04 tháng 1 năm 1990 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỆ THỐNG KHO BẠC NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 155-HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tài chính, tiền tệ hiện nay;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay chuyển nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách Nhà nước và các quỹ dự trữ tài chính Nhà nước từ Ngân hàng Nhà nước sang Bộ Tài chính.
Thành lập hệ thống kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ trên.
Điều 2. Hệ thống Kho bạc Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn:
1- Quản lý quỹ ngân sách Nhà nước và tiền gửi của các đơn vị dự toán. Thực hiện nhiệm vụ tập trung các nguồn thu ngân sách Nhà nước, chi vốn ngân sách Nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị theo kế hoạch ngân sách đã được duyệt.
2- Trực tiếp giao dịch với khách hàng (về thu, chi ngân sách) bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản của các đơn vị kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc các cấp ngân sách.
3- Tổ chức huy động và quản lý các nguồn vốn vay dân và trả nợ dần.
4- Tổ chức quản lý, hạch toán kế toán, hạch toán nghiệp vụ, hạch toán thống kê các hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước, tiền gửi kho bạc và các nguồn vốn tài chính khác của Nhà nước gửi tại Ngân hàng, bao gồm quỹ ngoại tệ tập trung, quỹ dự trữ tài chính Nhà nước (kể cả vàng, bạc, kim khí quý, đá quỹ, ngoại tệ), các tài sản và tiền tạm giữ chờ xử lý, các khoản tịch thu đưa vào tài sản xủa Nhà nước...
5- Tuỳ điều kiện và tình hình cụ thể, có thể thực hiện một số nghiệp vụ uỷ nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ở những nơi không có tổ chức của ngân hàng.
Điều 3. Kho bạc Nhà nước được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng và có trách nhiệm thực hiện đẩy đủ các quy định về thanh toán và quản lý tiền mặt của Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước được giữ lại số tiền mặt cần thiết để bảo đảm nhu cầu chi tiêu theo kế hoạch đã được duyệt. Trường hợp số tiền mặt thu được vượt quá mức quy định thì phải gửi vào Ngân hàng nơi kho bạc Nhà nước mở tài khoản giao dịch.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều hoà, cân đối tiền mặt theo kế hoạch cho hệ thống kho bạc Nhà nước.
Điều 4. Ngân hàng được vay tiền nhàn rỗi của kho bạc Nhà nước; đồng thời cho kho bạc Nhà nước vay để bảo đảm chi tiêu theo kế hoạch khi nguồn thu ngân sách chưa tập trung kịp. Quan hệ vay, trả giữa Ngân hàng với kho bạc Nhà nước được thực hiện theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 5. Hệ thống kho bạc Nhà nước được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến huyện (quận và cấp tương đương).
- Ở Trung ương có Cục Kho bạc Nhà nước.
- Ở tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có Chi cục kho bạc Nhà nước.
- Ở huyện, quận và cấp tương đương có Chi nhánh kho bạc Nhà nước.
Điều 6. Hệ thống kho bạc Nhà nước là tổ chức sự nghiệp thuộc ngành tài chính - tín dụng - bảo hiểm Nhà nước theo quy định trong bảng phân ngành kinh tế quốc dân hiện hành của Nhà nước. Tiền lương và chi phí hoạt động của hệ thống kho bạc Nhà nước do ngân sách Trung ương đài thọ. Hệ thống kho bạc Nhà nước được trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
Điều 7. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của hệ thống kho bạc Nhà nước.
Điều 8. Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước bàn giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính nội dung công việc, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức bộ máy, cán bộ hiện đang làm công tác quản lý quỹ ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện Quyết định này. Việc bàn giao phải hoàn thành trong quý I năm 1990; chậm nhất đến ngày 1-4-1990, toàn bộ hệ thống kho bạc Nhà nước phải đi vào hoạt động bình thường.
Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |