Quyết định số 250-BXD ngày 14/10/1989 Ban hành Quy chế đăng ký hành nghề kinh doanh thiết kế xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 250-BXD
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
- Ngày ban hành: 14-10-1989
- Ngày có hiệu lực: 01-01-1990
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 17-04-1993
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1202 ngày (3 năm 3 tháng 17 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 17-04-1993
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 250-BXD | Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 1989 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG 250-BXD NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 1989 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KINH DOANH THIẾT KẾ XÂY DỰNG
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 59-HĐBT ngày 14-4-1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ xây dựng,
Căn cứ vào quyết định số 80- HĐBT ngày 9-5-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về các chính sách đổi mới cơ chế quản lý xây dựng cơ bản,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản "quy chế đăng ký hành nghề kinh doanh thiết kế xây dựng"
Điều 2. Bản quy chế này được thi hành thống nhất trong cả nước bắt đầu từ ngày 1-1-1990. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông chánh văn phòng Bộ, thủ trưởng các Cục Vụ trực thuộc Bộ và các ông Giám đốc sở xây dựng các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các ngành các cấp thực hiện Quyết định này.
| Phan Ngọc Tường (Đã ký) |
QUY CHẾ
VỀ ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KINH DOANH THIẾT KẾ XÂY DỰNG
( Ban hành kèm theo quyết định số 250- BXD ngày 14-10-1989 của Bộ trưởng Bộ xây dựng)
I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Tất cả các tổ chức thiết kế xây dựng thuộc các thành phần kinh tế được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập và các cá nhân được phép hành nghề thiết kế xây dựng đều phải đăng ký theo bản quy chế này trước khi hoạt động kinh doanh về thiết kế xây dựng.
Điều 2. Các đồ án thiết kế xây dựng bao gồm đồ án quy hoạch xây dựng và thiết kế công trình xây dựng đều phải do các tổ chức thiết kế có tư cách pháp nhân thực hiện và đứng tên chịu trách nhiệm.
Điều 3.Tất cả các đồ án thiết kế xây dựng đều phải có chủ nhiệm đồ án là người trong danh sách của tổ chức thiết kế đã được đăng ký kinh doanh hành nghề.
Chủ nhiệm đồ án và các chức danh chuyên môn trong bản thiết kế đều phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về chất lượng của đồ án đó.
II. ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦAn CÁC TỔ CHỨC THIẾT KẾ XÂY DỰNG
Điều 4. Viện thiết kế xây dựng.
- Các Viện thiết kế xây dựng bao gồm Viện chuyên ngành, Viện tổng hợp, Viện chuyên đề do chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hoặc do Bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ tướng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) và chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh) quyết định thành lập được thiết kế các công trình với mọi quy mô trong cả nước theo chức năng ghi trong quyết định thành lập là phạm vi ghi trong đăng ký hành nghề.
- Các viện thiết kế quy hoạch xây dựng được thiết kế mọi loại đồ án quy hoạch xây dựng (bao gồm quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị nông thôn, quy hoạch chi tiết và đồ án xây dựng) .
- Các viện thiết kế công trình xây dựng chỉ thiết kế quy hoạch ở giai đoạn "đồ án xây dựng" trên cơ sở quy hoạch chung đã được duyệt.
Điều 5. Xí nghiệp thiết kế xây dựng.
Các xí nghiệp thiết kế xây dựng thành lập theo quyết định của Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bao gồm:
- Xí nghiệp trực thuộc Bộ, Tổng cục có nhu cầu lớn về thiết kế chuyên ngành nhưng chưa đủ điều kiện lập Viện.
- Xí nghiệp trực thuộc Sở chuyên ngành (xây dựng, giao thông thuỷ lợi).
- Xí nghiệp trực thuộc các tổ chức khoa học lớn (trường đại học kỹ thuật, viện nghiên cứu khoa học), Viện thiết kế lớn.
- Xí nghiệp trực thuộc các liên hiệp, Tổng công ty xây dựng lớn.
Các xí nghiệp kể trên được nhận thầu toàn bộ thiết kế loại công trình quy mô vừa và nhỏ dưới hạn ngạch và nhận thầu lại theo khả năng thiết kế từng phần công trình lớn trên hạn ngạch.
Các xí nghiệp thiết kế công trình chỉ được thiết kế "đồ án xây dựng" trên cơ sở quy hoạch chung đã được duyệt.
Điều 6. Xưởng thiết kế xây dựng.
Khi có nhu cầu thật cần thiết, chủ yếu để đáp ứng yêu cầu thiết kế xây dựng nội bộ hoặc gắn liền chức năng chính của đơn vị thì Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hoặc cho phép thành lập các xưởng thiết kế công trình xây dựng trực thuộc các tổ chức khoa học (Trường đại học, trung học kỹ thuật, viện nghiên cứu), các tổ chức sản xuất kinh doanh (xí nghiệp, công ty, xí nghiệp liên hợp, Liên hiệp xí nghiệp, Tổng công ty) hoặc trực thuộc các sở địa phương.
Các Hội khoa học kỹ thuật xây dựng, Hội kiến trúc sư, có thể lập xưởng thiết kế trực thuộc Trung ương Hội, hoặc trực thuộc các phân hội chuyên ngành ở Trung ương và chi hội tại các tỉnh. Các xưởng thiết kế công trình xây dựng thuộc các Hội kể trên do người đứng đầu tổ chức cấp Trung ương ra quyết định thành lập.
Các xưởng thiết kế cần đảm bảo số lượng lao động thiết kế trực tiếp cần thiết (kiến trúc sư, kỹ sư, kỹ thuật viên) với cơ cấu phù hợp yêu cầu thiết kế các loại công trình đã được đăng ký hành nghề.
Tuỳ theo tính chất của tổ chức cấp trên trực tiếp, các xưởng thiết kế được đăng ký hoạt động trong những phạm vi sau đây:
- Xưởng thiết kế của các Sở được thiết kế công trình chuyên ngành nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, sửa chữa cải tạo các công trình thuộc Sở quản lý.
- Xưởng thiết kế của các Trường trung học, đại học kỹ thuật ngoài nhiệm vụ chính hỗ trợ giảng dạy, học tập, nghiên cứu, được nhận thầu thiết kế các công trình đặc thù mà trường có thế mạnh về chuyên môn kỹ thuật.
- Xưởng thiết kế của Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chủ yếu thiết kế thực nghiệm, ứng dụng kết qủa nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật và nhận thầu thiết kế các công trình đặc thù mà viện có thế mạnh về chuyên môn kỹ thuật.
- Xưởng thiết kế của các tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu thiết kế xây dựng nhỏ, sửa chữa cải tạo công trình nội bộ đơn vị. Riêng xưởng thiết kế của các liên hiệp xí nghiệp. Tổng công ty, xí nghiệp liên hợp, công ty xây dựng công nghiệp dân dụng, giao thông, thuỷ lợi nếu đủ điều kiện có thể được thiết kế các công trình loại vừa và nhỏ thuộc chuyên ngành.
- Xưởng thiết kế của các Hội khoa học kỹ thuật xây dựng, Hội kiến trúc sư chủ yếu được thiết kế các công trình đặc thù mà Hội có thế mạnh về chuyên môn kỹ thuật và các công trình khác có quy mô vừa và nhỏ thuộc chuyên ngành của Hội.
Đối với quy hoạch xây dựng, các xưởng thiết kế chỉ được lập các "đồ án xây dựng" trên cơ sở đồ án quy hoạch chung đã được duyệt.
Cơ quan cấp trên của các xưởng thiết kế xây dựng phải trực tiếp chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của xưởng.
Điều 7. Các trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật.
Tùy theo quy mô tính chất và năng lực của từng tổ chức, các trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật được hoạt động thiết kế xây dựng theo các quy định dưới đây:
- Các trung tâm chuyên thiết kế xây dựng (bao gồm các trung tâm của Trường trung học, đại học kỹ thuật, Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên ngành, các hội khoa học kỹ thuật xây dựng, Hội kiến trúc sư, các Liên hiệp sản xuất xây dựng) được hoạt động thiết kế xây dựng như xí nghiệp, Xưởng thiết kế xây dựng theo các quy định tại Điều 5, 6 mục II.
- Các trung tâm hoạt động ở nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật trong đó có hoạt động thiết kế xây dựng thì cần tổ chức bộ phận ( xưởng, phòng thiết kế) và chỉ được thiết kế ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mà trung tâm có thế mạnh về chuyên môn kỹ thuật, thiết kế công trình dân dụng quy mô nhỏ.
- Các trung tâm dịch vụ kinh tế của các cơ quan hành chính các đoàn thể quần chúng (theo Quyết định 92-CT ngày 22-4-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) nếu có hoạt động thiết kế xây dựng thì phải được chấp nhận bằng văn bản của Bộ xây dựng ( đối với các tổ chức ở Trung ương) hoặc Sở xây dựng (đối với các tổ chức ở địa phương) về điều kiện và phạm vi hoạt động thiết kế của từng tổ chức.
Điều 8. Những tổ chức tư nhân và cá nhân hành nghề thiết kế xây dựng.
1. Những người không phải là cán bộ viên chức Nhà nước tại chức có điều kiện sau có thể được thành lập "Văn phòng thiết kế".
- Là công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Có văn bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên môn chính của đồ án thiết kế.
- Có năng lực chuyên môn được sở xây dựng xác nhận (có ít nhất 5 năm công tác thiết kế và 5 công trình thiết kế).
Văn phòng thiết kế tự do một người hoặc một nhóm người có đủ điều kiện lập nên và có quyết định cuả Bộ trưởng Bộ xây dựng (nếu hoạt động trong phạm vi cả nước) hoặc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu hoạt động trong phạm vi tỉnh).
Các văn phòng thiết kế tư không được nhận thầu thiết kế quy hoạch xây dựng chỉ được nhận thiết kế công trình xây dựng dưới hạn ngạch của Nhà nước và các công trình của tư nhân.
2. Những cá nhân là kỹ sư xây dựng (ngành dân dụng), kiến trúc sư có quyền công dân trong hoặc ngoài biên chế Nhà nước đều được nhận thiết kế nhà ở của dân sau khi đã đăng ký và được phép hành nghề.
III. ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ
Điều 9. Các tổ chức hoạt động thiết kế xây dựng thuộc tất cả các loại hình đã đăng ký hoặc chưa đăng ký theo Thông tư 128-UBTT ngày 17-10-1986 của Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước đều phải đăng ký hành nghề theo bản quy chế này. Sau khi có thông báo công nhận đủ điều kiện của các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức trên mới được coi là có đủ tư cách pháp nhân hành nghề thiết kế xây dựng.
Điều 10. Nơi gửi đăng ký.
- Các tổ chức hoạt động thiết kế xây dựng thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương, của các Hội khoa học kỹ thuật, đoàn thể quần chúng và các cơ quan Trung ương khác gửi bản đăng ký hành nghề về Bộ Xây dựng và một bản về Bộ chủ quản (theo mẫu 1 của bản quy chế này).
- Các tổ chức hoạt động thiết kế xây dựng thuộc tỉnh và của Hội khoa học kỹ thuật, đoàn thể quần chúng cơ quan cấp tỉnh gửi bản đăng ký về Sở xây dựng và một bản về sở chủ quản (theo mẫu 1).
- Các văn phòng thiết kế tư gửi bản đăng ký và đơn xin hành nghề có xác nhận của công dân và trình độ chuyên môn (theo mẫu 2, 3) về Sở xây dựng. Riêng các văn phòng thiết kế tư đăng ký hoạt động trong phạm vi cả nước thì gửi về Bộ xây dựng, đồng thời có gửi một bản về Sở Xây dựng nơi cư trú về hoạt động.
- Các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng xin đăng ký thiết kế nhà ở cho dân trong phạm vi quận huyện nào thì gửi bản đăng ký và đơn xin có xác nhận (mẫu 2,3) về uỷ ban nhân dân quận huyện đó.
Điều 11. Xét cấp đăng ký.
1. Bộ xây dựng sau khi xem xét thẩm tra và thống nhất với các Bộ chủ quản sẽ ra thông báo công nhận các tổ chức thiết kế xây dựng thuộc các Bộ, Hội khoa học kỹ thuật, đoàn thể quần chúng thuộc Trung ương và các văn phòng thiết kế tư hoạt động trong phạm vi cả nước (mẫu số 4).
2. Các sở xây dựng sau khi tập hợp đăng ký thẩm tra và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận các tổ chức thiết kế của các cơ quan, Hội khoa học kỹ thuật, đoàn thể thuộc tỉnh và các văn phòng thiết kế tư hoạt động trong phạm vi tỉnh (mẫu số 5).
3. Uỷ ban nhân dân quận huyện cấp đăng ký hành nghề thiết kế nhà ở cho dân trong phạm vi quận huyện cho các kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư sau khi có thoả thuận của Sở xây dựng.
Điều 12. Quản lý tổng hợp.
Bộ xây dựng tổng hợp danh sách các tổ chức được phép hành nghề thiết kế của Trung ương công bố vào tháng 1 hàng năm và thông báo với cơ quan tổng hợp của Nhà nước (kế hoạch, tài chính, ngân hàng, nội vụ) và chính quyền địa phương nơi tổ chức thiết kế đóng trụ sở.
Sở xây dựng tổng hợp danh sách các tổ chức thiết kế xây dựng thuộc điạ phương (kể cả cá nhân hành nghề thiết kế) thông báo với các cơ quan tổng hợp (Kế hoạch, tài chính, ngân hàng, nội vụ) của tỉnh và báo cáo về Bộ xây dựng vào tháng 1 hàng năm. Các trường hợp bổ sung trong năm Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng thông báo từng trường hợp sau khi làm xong thủ tục đăng ký.
Các cơ quan được phân công, phân cấp quản lý kinh doanh, quản lý tài chính căn cứ vào thông báo của ngành xây dựng để thực hiện việc quản lý tài chính, thu thuế, thu quốc doanh đối với các tổ chức hành nghề thiết kế xây dựng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Các chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng giao thầu thiết kế xây dựng với các tổ chức thiết kế đã được thông báo đủ tư cách hành nghề thiết kế và đã được thực hiện đăng ký kinh doanh.
IV. KIỂM TRA, THANH TRA
Điều 13. Các tổ chức thiết kế phải ghi mã số đăng ký (của cơ quan cấp đăng ký thông báo) vào tất cả mọi sản phẩm thiết kế xuất ra, chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung, chất lượng các tài liêu đó (kể cả việc sử dụng kết quả khảo sát, nghiên cứu vào đề án thiết kế) và đảm bảo sản phẩm phù hợp với đối tượng đã được đăng ký hành nghề.
Điều 14. Các bản đăng ký hành nghề thiết kế xây dựng chỉ có giá trị trong thời hạn 3 năm.
Trong thời hạn 3 năm nếu có thay đổi cần gửi bản bổ sung đăng ký trước 1 tháng.
Các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết thủ tục cấp bổ sung hoặc đăng ký lại (hoặc từ chối) trong vòng 15 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ.
Điều 15. Các tổ chức và cá nhân hành nghề thiết kế vi phạm một trong các điều sau đây tuỳ mức độ nặng nhẹ sẽ bị thu hồi tạm thời hoặc thu hồi vĩnh viễn đăng ký hành nghề.
- Thiết kế không đúng đối tượng đã đăng ký.
- Không làm đầy đủ nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước (không nạp hoặc dây dưa thuế).
- Có sản phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc vi phạm chế độ thể lệ tiêu chuẩn Nhà nước hiện hành.
Cơ quan nào có quyền cấp đăng ký hành nghề thì cơ quan đó có quyền thực hiện việc thu hồi.
Trường hợp khi phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, các tổ chức thanh tra, giám sát các cấp sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý theo pháp luật.
Điều 16. Bộ xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra, tổng hợp tình hình hoạt động thiết kế xây dựng trong cả nước và trực tiếp kiểm tra đăng ký và hoạt động đúng đăng ký hành nghề của các tổ chức thiết kế xây dựng dân dụng và công nghiệp ở Trung ương.
Các Bộ chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra đăng ký, hoạt động đúng đăng ký các tổ chức thiết kế chuyên ngành ở Trung ương.
Các Sở xây dựng phối hợp với các Sở chuyên ngành kiểm tra đăng ký và hoạt động đúng đăng ký hành nghề của các tổ chức và cá nhân thuộc tỉnh.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Bản quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 1-1-1990, những quy định trái với văn bản này đều được bãi bỏ.
Sản phẩm thiết kế của các tổ chức cá nhân chưa đăng ký hành nghề theo quy chế này không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không được chấp thuận để triển khai các bước tiếp theo trong xây dựng cơ bản, không cấp đất và cấp giấy phép xây dựng.
Điều 18. Các tổ chức thiết kế xây dựng phải gửi bản đăng ký hành nghề về các cơ quan theo Điều 10 trong quý IV/1989. Danh sách các tổ chức có tư cách pháp nhân thiết kế sẽ được công bố đợt I vào đầu quý I-1990.
Điều 19. Tất cả các cá nhân tổ chức hành nghề thiết kế ngoài địa bàn ghi trong bản đăng ký đều phải trình bản thông báo được hành nghề thiết kế với cơ quan quản lý xây dựng cơ bản và cơ quan quản lý kinh doanh tại địa phương đến hành nghề.
BỘ, TỔNG CỤC, UBND TỈNH THÀNH PHỐ, HỘI KHKT | (Mẫu số 1) |
PHỤ LỤC
( Kèm theo quy chế hành nghề KDTK)
PHIẾU ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG THIẾT KẾ XÂY DỰNG (DÙNG CHO CÁC TỔ CHỨC T.K.X.D)
1. Sổ đăng ký
2. Tên tổ chức
3. Địa chỉ: Số nhà đường phố
thành phố ( thị xã)
4. Điện thoại
5. Thành lập theo QĐ số ngày
( có bản sao kèm)
6. Văn bản thoả thuận của
(có bản sao kèm)
7. Cấp trên trực tiếp.
8. Đối tượng thiết kế và địa bàn hoạt động.
9. Lực lượng cán bộ.
9.1. Tổng số
9.2. Đại học và trên đại học
9.3. Kỹ sư công nghệ
9.4. Kiến trúc sư
9.5. Kỹ sư xây dựng( XD,CT, TL...)
9.6. Kỹ sư nước khác
9.7. Trung cấp, nhân viên, công nhân
9.8. Cán bộ quản lý
10. Tài sản
10.1. Tài sản cố định đồng Việt Nam
10.2. Diện tích làm việc m2
10.3. Số lượng máy móc
( ghi chú các tên máy móc hiện đại)
11.Năng lực thiết kế ( theo năm trung bình)
Trên HN
Tổng số
11.2. Tổng số vốn đầu tư công trình được thiết kế( năm)
11.3. Doanh thu tổng đ/năm
Thiết kế:
Khảo sát:
Nghiên cứu khoa học:
12. Số tài khoản (ghi đủ các tên và ngân hàng quản lý).
Ngày..... tháng....... năm
Thủ trưởng cơ quan đăng ký
(Ký tên và đóng dấu)
QUẬN, HUYỆN TỈNH,THÀNH PHỐ NĂM | (Mẫu số 2) |
PHIẾU ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG (DÙNG CHO VĂN PHÒNG THIẾT KẾ TƯ VÀ CÁ NHÂN)
1. Số đăng ký
2. Tên văn phòng thiết kế ( hoặc cá nhân)
3. Địa chỉ: Số nhà Phố quận, huyện, T.phố
4. Điện thoại:
5. Quyết định thành lập số ngày tháng năm
(có bản kèm theo).
6. Danh sách lao động (nếu nhiều thì lập bản kèm theo cả họ tên và chức danh kỹ thuật).
7. Tài sản (vốn, trang bị, diện tích nhà).
8. Phạm vi thiết kế xin đăng ký (loại công trình, chuyên môn và địa bàn hoạt động).
Ngày..... tháng....... năm
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VĂN PHÒNG
( hoặc cá nhân ký tên)
QUẬN, HUYỆN TỈNH, THÀNH PHỐ | (Mẫu số 3) |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
ĐƠN XIN HÀNH NGHỀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG (DÙNG CHO VP THIẾT KẾ TƯ VÀ CÁ NHÂN)
1. Họ và tên
2. Ngày sinh tháng năm
3. Địa chỉ thường trú: số nhà phố
4. Văn bằng đại học
( kèm theo bản sao)
5. Số công trình đã thiết kế
6. Sở trường chuyên môn (số năm, đã công tác thiết kế)
7. Lời cam kết (thực hiện đúng luật lệ hiện hành và đúng phạm vi đăng ký hành nghề)
Ngày..... tháng..... năm
NGƯỜI LÀM ĐƠN KÝ
Xác nhận năng lực chuyên môn, sở trường, thời gian và số lượng công trình đã thiết kế của Sở xây dựng tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương.
Ngày...... tháng..... năm
GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG
Xác nhận hộ khẩu và quyền công dân của Uỷ ban nhân dân phường nơi người làm đơn cư trú.
Ngày.... tháng.... năm
UỶ BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG
BỘ XÂY DỰNG Số: | (Mẫu số 4) |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do - Hạnh phúc
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC CÔNG NHẬN TƯ CÁCH PHÁP NHÂN THIẾT KẾ XÂY DỰNG
Bộ xây dựng công nhận Tổ chức có tên sau đây được hoạt động thiết kế xây dựng theo phạm vi và địa bàn ghi trong Thông báo như:
1. Tên tổ chức
2. Địa chỉ số nhà , phố quận (huyện) thuộc
Tỉnh, Thành phố.
3. Sổ đăng ký (tổ chức và sản phẩm đã vào số)
T.U- 00
4. Phạm vi (công trình, công việc và quy mô):
5. Địa bàn hoạt động.
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Nơi nhận:
Ghi chú
1. Số đăng ký của các tổ chức thuộc Trung ương và văn phòng thiết kế tự hoạt động trong cả nước do Bộ xây dựng ghi trong thông báo này và quản lý mã số.
2. Bản thông báo này in thành 8 bản gửi đi:
- Bộ chủ quản
- Tổ chức được công nhận
- UBND tỉnh, thành phố sở tại.
- 4 cơ quan tổng hợp (kế hoạch, tài chính, nội vụ, ngân hàng).