Quyết định số 198/QĐ-UB ngày 04/04/1989 Ban hành Quy định về kinh doanh và quản lý mặt hàng thịt gia súc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 198/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 04-04-1989
- Ngày có hiệu lực: 04-04-1989
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3426 ngày (9 năm 4 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 198/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 4 năm 1989 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH VÀ QUẢN LÝ MẶT HÀNG THỊT GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983 ;
- Căn cứ các Quyết định 183/HĐBT, 193/HĐBT, 318/CT ngày 23 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng ;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương nghiệp, Công ty Thực phẩm 1 và các sở, ngành có liên quan về kinh doanh và quản lý ngành hàng thịt gia súc trên địa bàn thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Ban hành “Quy định về kinh doanh và quản lý mặt hàng thịt gia súc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với nội dung này đều được bãi bỏ.
Điều 3. -Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ KINH DOANH, QUẢN LÝ MẶT HÀNG THỊT GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 198/QĐ-UB ngày 04-4-1989 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I.- CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH :
Điều 1.- Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cho Công ty thực phẩm có 1 trách nhiệm tổ chức kinh doanh thịt gia súc nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố, với giá cả ổn định. Công ty phải có một lực lượng dự trữ cần thiết để ứng phó với những đột biến của thị trường về giá cả, nhất là những ngày lễ, Tết. Ủy ban nhân dân thành phố định mức vốn cần thiết cho dự trữ này và nếu vay Ngân hàng thì được hưởng quy chế lãi suất hợp lý.
Các Công ty thương nghiệp quốc doanh quận, huyện, hợp tác xã mua bán và tư nhân được kinh doanh thịt gia súc, và phải chấp hành những điều trong bản quy định này, có nghĩa vụ góp phần vào việc giữ gìn sự ổn định giá cả thịt gia súc trên thị trường. Nghiêm cấm mọi hành vi đầu cơ nâng giá thịt gia súc trên thị trường.
Điều 2.- Đối với tư nhân bán lẻ thịt gia súc :
- Phải có giấy phép kinh doanh do Phòng thương nghiệp quận huyện cấp, bán đúng nơi được phép, bảo đảm vệ sinh, mỹ quan và trật tự ; nộp thuế theo quy định Nhà nước và chỉ được nhận hàng từ các tổ chức được phép kinh doanh.
- Tư nhân được làm đại lý bán lẻ cho thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán. Đơn vị nào cho tư nhân làm đại lý bán lẻ phải có trách nhiệm cung cấp hàng, quản lý giá, chất lượng, vệ sinh và văn minh thương nghiệp.
Cấm các tổ chức thương nghiệp quốc doanh và Hợp tác xã mua bán cho tư nhân mang danh nghĩa đại lý tự chạy mua hàng từ các nguồn, giết mổ lậu, lưu thông ngoài sự kiểm soát sát sinh và vệ sinh thực phẩm của Nhà nước để bán trên thị trường.
Điều 3.- Các đơn vị thương nghiệp có sử dụng thương lái đường dài kinh doanh gia súc sống chịu trách nhiệm phối hợp các ngành liên quan (thuế, thú y,…) bảo đảm thu đủ thuế, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và thực hiện đúng các quy định khác về sử dụng tư thương của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 4.- Liên hiệp xí nghiệp chăn nuôi heo được tổ chức một lò giết mổ heo tự chăn nuôi để chế biến sản phẩm thịt và bán ra thị trường một lượng thịt từ nguồn heo tự chăn nuôi. Lò mổ của Liên hiệp xí nghiệp chăn nuôi phải có đủ các điều kiện quy định (về vệ sinh, kiểm dịch…).
Liên hiệp xí nghiệp chăn nuôi heo được liên doanh với Công ty thực phẩm 1 theo hình thức liên doanh liên kết sản xuất, lưu thông.
II.- VỀ GIẾT MỔ .
Điều 5.- Việc giết mổ gia súc (heo, trâu, bò…) tập trung chủ yếu tại Nhà máy Vissan. Công ty thực phẩm 1 được tổ chức và quản lý một số lò mổ thủ công ở một số khu vực theo quy định hợp lý và hội đủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh, kiểm dịch do Sở thương nghiệp cấp phép (sau khi thống nhất với Hội đồng bảo vệ môi sinh thành phố và Trạm thú y thành phố).
Các công ty thương nghiệp huyện được tổ chức và quản lý lò mổ thủ công tại các thị trấn, bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh, kiểm dịch… và do Sở thương nghiệp cấp phép.
Ở ngoại thành các thành phần kinh tế và tư nhân kinh doanh thịt gia súc phải xin cấp giấy phép ở Phòng thương nghiệp huyện, phải hội đủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh, kiểm dịch, sát sinh… theo quy định.
Các lò mổ không có giấp phép phải ngưng hoạt động; những trường hợp vi phạm phải được xử lý theo luật.
Điều 6.- Các lò mổ được phép hoạt động nói ở điều 5 phải tổ chức giết mổ gia công cho các đối tượng được phép kinh doanh thịt gia súc với nhiều phương thức linh hoạt, thuận tiện, kịp thời, bảo đảm quyền lợi và nhu cầu kinh doanh của các đối tượng.
Sở Thương nghiệp quy định chi tiết về việc gia công giết mổ gia súc về phương thức, giá cả… nhằm bảo đảm cho đơn vị được phép kinh doanh lò mổ phải phục vụ thuận tiện cho các yêu cầu đúng đắn của người đi thuê giết mổ và các yêu cầu kiểm soát sát sinh của Nhà nước.
III.- GIÁ CẢ :
Điều 7.- Công ty thực phẩm 1 được tự định giá mua và giá bán thịt gia súc. Công ty chỉ đăng ký giá với Sở thương nghiệp và Ủy ban Vật giá thành phố. Khung giá của Công ty thực phẩm 1 được coi là hướng chỉ đạo giá thịt gia súc trên địa bàn thành phố.
Giá bán và giá mua của các tổ chức thương nghiệp khác và tư nhân phải được đăng ký ở phòng thương nghiệp ở quận huyện.
IV.- MÀNG LƯỚI BÁN LẺ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ :
Điều 8.- Công ty thực phẩm 1 cùng với hệ thống các cửa hàng thực phẩm quận huyện của mình được tổ chức màng lưới bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố; đặc biệt là Công ty phải tổ chức quầy, điểm bàn lẻ tại các chợ, các điểm đông dân cư, các thị trấn, thị tứ… đáp ứng nhu cầu mua thuận tiện, vệ sinh và mỹ quan của thành phố. Sở thương nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận huyện và Phòng thương nghiệp quận huyện với chức năng quản lý Nhà nước ngành thương nghiệp có trách nhiệm giải quyết các điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu bố trí, mở rộng mạng lưới bán lẻ cần thiết của Công ty để bảo đảm cho công ty thi hành nhiệm vụ được giao.
Các Công ty thương nghiệp quốc doanh quận huyện, Hợp tác xã mua bán và tư nhân kinh doanh bán lẻ thịt gia súc phải được cấp giấy phép theo quy định bảo đảm vệ sinh, mỹ quan và trật tự của thành phố. Ủy ban nhân dân các phường xã không được cấp giấy phép cho tư nhân kinh doanh bán lẻ thịt heo, trâu, bò…
Điều 9.- Các cửa hàng thực phẩm quận huyện thuộc Công ty thực phẩm 1 có trách nhiệm trích nộp một khoản lãi cho ngân sách quận, huyện.
V.- QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG THỊT GIA SÚC :
Điều 10.- Thịt gia súc (heo, trâu, bò…) bán ra thị trường phải có dấu kiểm dịch. Thịt gia súc bán ra thị trường không có dấu kiểm dịch sẽ bị tịch thu, người bán sẽ bị phạt, rút giấy phép, cảnh cáo, nếu tái phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Điều 11.- Thịt gia súc giết mổ (heo, trâu, bò…) từ các tỉnh về có giấy chứng nhận đã kiểm dịch nhưng không có dấu kiểm dịch phải được thú y thành phố tái kiểm đóng dấu kiểm dịch và được thu lệ phí hợp lý. Thú y thành phố có trách nhiệm trao đổi với các thú ý các tỉnh về việc kiểm dịch đúng theo những quy định của Nhà nước (có đóng dấu…) để tránh phiền hà cho nhân dân.
Điều 12.- Giao trách nhiệm cho lực lượng quản lý thị trường thành phố, quận huyện và các lực lượng cảnh sát kinh tế các cấp phối hợp cùng các ngành hữu quan tổ chức kiểm tra kiểm soát theo chức năng của mình về giá mua, giá bán đã đăng ký, vệ sinh thực phẩm, thịt gia súc lậu không kiểm dịch, lò giết mổ trái phép, v.v… của tất cả các thành phần kinh tế có tham gia kinh doanh thịt gia súc trên địa bàn thành phố và tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý theo pháp luật. Bất cứ tổ chức và cá nhân nào có hành vi dung túng bao che việc giết mổ buôn bán lậu gia súc đều phải được xử lý kiên quyết theo pháp luật.
Điều 13.- Chi cục thuế công thương nghiệp, thành phố, Trạm thú y thành phố nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố mức thu lệ phí tái kiểm thịt gia súc từ các tỉnh về, mức thu các loại thuế hợp lý đối với các tổ chức và tư nhân kinh doanh thịt gia súc, bảo đảm thu đủ và đúng chính sách.
Điều 14.- Trong quá trình thi hành quy định này, có điều khoản cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị thực hiện kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỒ