cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 163-HĐBT ngày 19/10/1988 Ban hành bản quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước của Hội đồng Bộ trưởng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 163-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 19-10-1988
  • Ngày có hiệu lực: 19-10-1988
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-04-2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5294 ngày (14 năm 6 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 18-04-2003
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 18-04-2003, Quyết định số 163-HĐBT ngày 19/10/1988 Ban hành bản quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước của Hội đồng Bộ trưởng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 19/2003/NĐ-CP ngày 07/03/2003 của Chính phủ Quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163-HĐBT

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN TRONG VIỆC BẢO ĐẢM CHO CÁC CẤP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào điều 9, điều 86 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều 21 Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981 và Nghị quyết số 176a-HĐBT ngày 21-12-1984;
Căn cứ vào đề nghị của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc tạo điều kiện cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước; giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN TRONG VIỆC BẢO ĐẢM CHO CÁC CẤP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 163-HĐBT ngày 19-10-1988)

Điều 1. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhân dân các cấp (sau đây gọi chung là các cấp chính quyền) khi xây dựng kế hoạch Nhà nước, hoặc có chủ trương giải quyết các vấn đề kịnh tế xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em phải bàn với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp. Trong quá trình thực hiện các chủ trương và kế hoạch nói trên, nếu có sự thay đổi bổ sung quan trọng cũng phải trao đổi lại với Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Điều 2. Các cấp chính quyền khi nghiên cứu xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật có liên quan đến phụ nữ, trẻ em như chính sách lao động nữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chính sách thai sản, hôn nhân gia đình, v.v...phải gửi văn bản dự thảo hoặc trực tiếp bàn bạc với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp, đối với những vấn đề quan trọng thì cơ quan chính quyền thông báo cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cử cán bộ tham gia vào việc chuẩn bị soạn thảo văn bản ngay từ đầu. Trong quá trình soạn thảo nếu có ý kiến không nhất trí thì cơ quan chủ trì việc soạn thảo văn bản phải trình rõ những ý kiến khác nhau đó lên cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để xem xét và quyết định.

Điều 3. Các cấp chính quyền khi lập ra các tổ chức tư vấn (Ban, Hội đồng) mà nội dung hoạt động có liên quan nhiều đến phụ nữ, trẻ em như tuyển sinh, tuyển lao động trong nước, đi nước ngoài, hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết yếu của phụ nữ như đất đai, nhà cửa, khen thưởng, kỷ luật, v.v...phải mời Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp cử đại diện tham gia với tư cách thành viên chính thức.

Điều 4. Để tạo điều kiện cho việc Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra, phát hiện những việc làm tốt cần biểu dương và những việc làm sai trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến phụ nữ , trẻ em, các cấp chính quyền phải:

- Định kỳ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức các cuộc họp đại biểu phụ nữ để thu thập ý kiến về tình hình thực hiện chủ trương, chính sách. pháp luật; phát hiện những chủ trương hoặc hành vi xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

- Khi Hội Liên hiệp Phụ nữ thông báo hoặc hỏi về những vụ vi phạm quyền lợi lao động, quyền công dân, đối xử bất công đối với phụ nữ, trẻ em, các cơ quan chính quyền có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết và trả lời cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp. Thời hạn trả lời không quá một tháng kể từ khi nhận được ý kiến của Hội. Nếu quá thời hạn quy định mà không trả lời thì Hội Liên hiệp Phụ nữ báo cáo lên cấp trên của cấp đó và cấp cao của Nhà nước.

- Giao trách nhiệm cho các đơn vị được kiểm tra cung cấp số liệu, tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra khi các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tự tổ chức đoàn kiểm tra những vấn đề liên quan đến quyền lợi, sức khoẻ, đời sống phụ nữ, trẻ em.

- Mời đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia đoàn kiểm tra của cơ quan chính quyền về những vấn đề nói trên.

Đối với những trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp có liên quan đến tính mạng phụ nữ, trẻ em, khi đoàn kiểm tra đề nghị thì cơ quan có thẩm quyền phải có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 5. Chính quyền các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ như cấp kinh phí, phương tiện làm việc theo các chế độ đã quy định. Giải quyết kịp thời các đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ về tổ chức sản xuất, dịch vụ theo đúng chính sách của Nhà nước.

Điều 6. Để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và Hội Liên hiệp Phụ nữ, cần có các buổi làm việc trực tiếp định kỳ giữa các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền.

- Mỗi năm một lần Thường vụ hoặc Thường trực Hội đồng Bộ trưởng làm việc với Ban thư ký Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

- 3 tháng hoặc 6 tháng một lần Thường trực Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu làm việc với Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp;

- 3 tháng 1 lần Thường trực Uỷ ban Nhân dân quận, huyện, xã, phường làm việc với Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp để nghe thông báo tình hình hoạt động của Hội, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, tình hình thực hiện những chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em; bàn chương trình hoạt động chung giữa cơ quan chính quyền với Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Điều 7. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp (từ tỉnh đến xã, phường) chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kết quả thi hành Quy định này.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)