cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 250/QĐ-UB ngày 31/08/1988 Ban hành quy định tạm thời về hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 250/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 31-08-1988
  • Ngày có hiệu lực: 31-08-1988
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3642 ngày (9 năm 11 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Quyết định số 250/QĐ-UB ngày 31/08/1988 Ban hành quy định tạm thời về hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 250/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 08 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THƯƠNG NGHIỆP ĂN UỐNG, DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TP.HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983 ;
- Căn cứ đề nghị của Giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố và ý kiến của Sở Tư pháp thành phố và các ban ngành có liên quan ;
- Căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố tại phiên họp ngày 22 và 23-7-1988.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Nay ban hành bản quy định tạm thời về hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. - Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định ban hành trước đây trái với nội dung quy định đều bãi bỏ.

Điều 3. - Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành TP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Phan Văn Khải

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THƯƠNG NGHIỆP ĂN UỐNG, VÀ DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TP HỒ CHÍ MINH

Chương I

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Mọi hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trên địa bàn thành phố của các thành phần kinh tế, tổ chức hay cá nhân đều phải tuân theo quy định quản lý thống nhất của nhà Nước, vì lợi ích chung toàn xã hội, bảo hộ quyền kinh doanh hợp pháp, quyền lợi chinh đáng của người tiêu dùng, làm cho hàng hóa lưu thông thông suốt, phục vụ tốt sản xuất và đời sống, đưa thị trường đi vào trật tự theo pháp luật.

Các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng gian, hàng giả, kinh doanh trái phép, gây rối thị trường làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng đều bị xử lý theo pháp luật và những quy định về quản lý thị trường.

Điều 2. – Được hiểu trong quy định này :

Kinh doanh thương nghiệp, gồm hoạt động mua bán, lưu thông trao đổi hàng hóa, có cửa hàng cố định hay lưu động. bán buôn hay bán lẻ, bằng bất cứ hình thức và với bất cứ quy mô nào diễn ra trên thị trường.

Kinh doanh ăn uống: gồm các hoạt động mua bán các loại thức ăn thức uống đã chế biến sẵn hay tự chế biến cho thực khách bằng mọi hình thức.

Kinh doanh dịch vụ: gồm những hoạt động có tính chất phục vụ trực tiếp nhu cầu sinh hoạt đời sống nhân dân, trừ những loại dịch vụ có quy định riêng.

Điều 3. – Tất cả các tổ chức nhà nước, các tập thể và cá nhân có kinh doanh thương nghiệp, ăn uống và dịch vụ trên địa bàn thành phố đều phải có giấy phép kinh doanh và phải chấp hành các thể lệ, quy tắc về kinh doanh theo bản quy định này.

Điều 4. – Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế, văn hóa xã hội, lực lượng vũ trang trong thành phố không có chức năng kinh doanh thương nghiệp không được kinh doanh trong lãnh vực này trên thị trường.

Điều 5. – Các tổ chức thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã phải hoạt động theo đúng chức năng và sự phân cấp đã được quy định.

Điều 6. – Quyền kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ của các tổ chức và cá nhân đã có giấy phép kinh doanh hợp lệ được Nhà nước bảo hộ và mọi vi phạm trong hoạt động kinh doanh đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành. Nghiêm cấm mọi hành vi nhằm cản trở việc kinh doanh hợp pháp.

Điều 7. – Sở Thương nghiệp được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm quản lý Nhà nước toàn bộ hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trên thị trường nội địa tại thành phố theo bản quy định này.

Chương II

ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Điều 8. – Đối tượng phải đăng ký kinh doanh.

a) Các tổ chức kinh tế quốc doanh, hợp tác xã kể cả các cửa hàng bán hàng thu bằng ngoại tệ thuộc thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị của tỉnh, thành phố bạn được phép kinh doanh thương nghiệp, ăn uống. dịch vụ tại thành phố.

- Các cơ quan kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ của trung ương đóng trên địa bàn thành phố kinh doanh thêm ngoài chức năng được Trung ương giao.

- Các cửa hàng bán lẻ và giới thiệu sản phẩm của liên hiệp xã, các xí nghiệp sản xuất công nông trường và các xí nghiệp đời sống của các cơ quan, đoàn thề.

- Các cửa hàng các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn được phép mở tại thành phố Hồ chí Minh.

b) Các tư nhân kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ kinh doanh tại chổ hay lưu động, tạm thời hay lâu dài, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, tự mua tự bán hay làm đại lý mua bán cho các tổ chức kinh tế XHCN.

c) Các tổ chức hoặc cá nhân người nước ngoài có hoạt động kinh doanh.

Điều 9. – Không phải đăng ký kinh doanh theo quy định này :

- Các hoạt động phục vụ khách hàng của các ngành đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, hay phục vụ khách của khách sạn, công ty du lịch, cung ứng tàu biển, mà không mở cửa hàng, cửa hiệu.

- “Căn tin“ chỉ hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt nội bộ của các lực lượng vũ trang, cơ quan, xí nghiêp, bệnh viện, trường học, đoàn thể, không kinh doanh trên thị trường.

- Những người sản xuất (cá thể, tập đoàn) ngoài phần làm nghĩa vụ bán sản phẩm còn lại của họ theo từng chuyến, không mở cửa hàng, quầy hàng thường xuyên.

- Những người hoạt động dịch vụ không chuyên nghiệp không mở cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh thường xuyên.

- Những người buôn bán, dịch vụ quy mô nhỏ (sửa xe đạp lề đường…), những người bán hàng rong.

Điều 10. - Những điều kiện để xin đăng ký :

a) Kinh doanh thương nghiệp:

1. Đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh, hợp tác xã :

- Quyết định thành lập tổ chức và quyết định thành lập mạng lưới trực thuộc, hoặc quyết định cho phép mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu và tự tiêu thụ sản phẩm, do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Đối với tư nhân :

- Từ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe, không mất trí, không bị pháp luật cấm hành nghề.

- Có hộ khẩu thường trú tại thành phố.

- Không phải là cán bộ, công nhân viên, quân nhân, thanh niên xung phong tại chức, trừ trường hợp xin mở cơ sở dịch vụ ngoài giờ.

- Không phải là tư sản thương nghiệp đã cải tạo.

- Có địa điểm kinh doanh cụ thể thuận tiện, nếu kinh doan lưu thông (kể cả buôn chuyến) phải ghi rõ địa bàn hoạt động, không được chiếm lòng lề đường, làm trở ngại tằm nhìn ở các giao lộ.

b) Kinh doanh ăn uống, chế biến thực phẩm :

Ngoài các điều kiện nói trên, các tổ chức kinh tế cũng như tư nhân, những người trực tiếp đảm nhiệm kinh doanh, những người phục vụ phải bảo đảm không mắc các bệnh truyền nhiễm.

c) Kinh doanh dịch vụ :

Đối với những dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao như sửa radio cassette, truyền hình, tủ lạnh, đồng hồ, sửa xe hơi… đơn vị hoặc cá nhân xin đăng ký, hay người hợp tác trực tiếp hành nghề phải nộp thêm giấy chứng nhận trình độ chuyên môn dịch vụ.

d) Đối với các hoạt động kinh doanh có thể gây ô nhiễm môi trường, dễ gây cháy, nổ, các tổ chức kinh tế hay tư nhân phải chịu thêm thủ tục điều tra tiện và bất tiện theo quy định của Nhà nước.

Điều 11. - Mặt hàng được phép kinh doanh :

- Đối với tổ chức kinh tế quốc doanh, hợp tác xã mặt hàng, ngành hàng được cấp giấy phép kinh doanh bao gồm những mặt hàng hoặc ngành hàng được ghi rỏ trong quyết định thành lập do cơ quan có thẩm quyền ký. Muốn xin phép kinh doanh thêm mặt hàng, ngành hàng khác phải xuất trình quyết định hay văn bản bổ sung của cơ quan đã ký quyết định thành lập, để xét cấp phép.

- Đối với khu vực tư nhân, mặt hàng được cấp phép kinh doanh là mặt hàng ngoài diện Nhà nước có quy định cấm tư nhân kinh doanh.

Điều 12. - Cơ quan cấp phép :

1. Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho sở Thương nghiệp, là cơ quan quản lý Nhà nước về thương nghiệp chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức việc xét cấp giấy phép kinh doanh cho các tổ chức và cá nhân xin kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

2. Ủy ban nhân dân thành phố xét cấp giấy phép kinh doanh cho tổ chức và người nước ngoài.

Người và tổ chức nước ngoài đã đầu tư ở Việt Nam muốn mở cửa hàng tiêu thụ hay giới thiệu kinh doanh sản phẩm tại thành phố sẽ được giải quyết theo hợp đồng đầu tư đã ký kết với bên Việt Nam và giấy phép kinh doanh cũng do Ủy ban nhân dân thành phố xét cấp.

Điều 13. - Hội đồng xét duyệt đăng ký kinh doanh giúp Giám đốc Sở Thương nghiệp trong việc xét và cấp phép kinh doanh. Dựa vào ý kiến của Hội đồng, Giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố ra quyết định cấp hay không cấp giấy phép kinh doanh cho các tổ chức hay cá nhân đã có đơn xin .

Điều 14. - Quyết định cấp hay không cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị hoặc cá nhân đã đăng ký hợp lệ phải được công bố và thông báo chậm nhất là 1 tháng kể từ ngày Sở Thương nghiệp nhận hồ sơ và cấp biên nhận tạm.

Điều 15. - Trường hợp đơn xin đăng ký kinh doanh bị bác, Sở Thương nghiệp thành phố phải thông báo chính thức bằng văn bản cho tổ chức hay cá nhân đã xin đăng ký kinh doanh chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày có quyết định chính thức và phải thu hồi lại giấy biên nhận tạm ngay sau khi thông báo .

Tổ chức hay cá nhân bị bác đơn có thể làm đơn xin Ủy ban nhân dân thành phố cứu xét lại chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định về đơn xin cứu xét lại việc bác đơn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn.

Chương III

HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THƯƠNG NGHIỆP ĂN UỐNG, DỊCH VỤ.

MỤC I. – QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 16. - Các tổ chức thương nghiệp, ăn uống và dịch vụ cấp thành phố và quận, huyện phải thực hiện đúng chức năng kinh doanh theo quy định trong quyết định thành lập của Ủy ban nhân dân thành phố.

Sở Thương nghiệp là cơ quan quản lý ngành có chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ.

Các quận, huyện muốn thành lập hoặc giải thể tổ chức kinh doanh hạch toán độc lập của ngành thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ phải được sự thống nhất của Sở Thương nghiệp. Sau khi nghiên cứu đề nghị quận, huyện, Giám đốc Sở Thương nghiệp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét ra quyết định.

Điều 17. - Các tổ chức thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ cấp thành phố và quận, huyện, trong hoạt động kinh doanh được tổ chức các hình thức hợp tác kinh doanh, đại lý, được mở các cửa hàng bán hàng ký gởi, các trạm thu mua và nếu cần thiết được ký hợp đồng sử dụng tay nghề kỹ thuật phục vụ cho việc kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ của đơn vị mình, theo các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Thương nghiệp.

Điều 18. - Các tổ chức vá cá nhân kinh doanh thương nghiệp, ăn uống và dịch vụ có thiết lập kho bãi chứa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh đều phải đăng ký với Sở Thương nghiệp, nơi thiết lập kho bãi phải bảo đảm đủ điều kiện cần thiết của việc quản lý kho, bãi.

Tất cả những hàng hóa để trong kho bãi cũng như hàng hóa khi được vận chuyển, lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều phải có đầy đủ những chứng từ hợp lệ, trừ các loại hàng lưu thông với số lượng nhỏ, hàng do sản xuất phụ gia đình, hàng của xã viên và tập đoàn viên sản xuất nông nghiệp được phân chia theo công lao động, hàng của người nông dân cá thể.

MỤC II.- QUAN HỆ MUA BÁN.

Điều 19. - Các tổ chức kinh tế quốc doanh-hợp tác xã trong phạm vi thành phố.

Việc mua bán, trao đổi, ký gởi hàng hóa đều phải thể hiện bằng hợp đồng kinh tế (trừ bán lẻ).

Hợp đồng kinh tế phải hội đủ điều kiện pháp định về chế độ hợp đồng kinh tế và có hiệu lực ngay sau khi ký.

Điều 20. - Các tổ chức thương nghiệp quận, huyện và thành phố có chức năng bán buôn và bán lẻ được phép khơi mọi nguồn hàng trong và ngoài kế hoạch trên địa bàn thành phố hay qua liên kết với các địa phương bạn và ngoài việc bán cho các tổ chức kinh doanh xã hội chủ nghĩa thì được phép bán với số lượng hợp lý các mặt hàng tiêu dùng thông thường cho hộ tư nhân mua bán nhỏ, có giấy phép kinh doanh bán lẻ do thành phố hay các tỉnh bạn cấp.

Việc mua bán này ghi vào sổ mua hàng hoặc phiếu xuất kho kiêm hóa đơn.

Cấm các hành vi mua bán có tính chất móc ngoặc tuồn hàng nhằm mục đích giúp tư thương đầu cơ trục lợi lũng đoạn thị trường.

Điều 21. - Hợp tác xã mua bán và tiêu thụ phường, xã theo chức năng và nhiệm vụ phục vụ của mình được phép trực tiếp khơi mọi nguồn hàng trong và ngoài thành phố trừ các mặt hàng đã có quy định thống nhất quản lý ngành hàng, để đem về bán trong địa bàn hoạt động của phường, xã mình, có thể buôn bán trong hệ thống thương nghiệp hợp tác xã theo tinh thần hợp tác liên kết hỗ trợ nhau trong kinh doanh để phục vụ xã viên và người tiêu dùng hoặc nhận bán hộ các sản phẩm của các cơ sở sản xuất trên địa bàn phường, xã mình.

Điều 22. - Các tổ chức và cá nhân kinh doanh khi mua hàng của các cơ sở sản xuất hay của bất kỳ nguồn hàng nào phải có xuất xứ hợp pháp của món hàng, có giấy đăng ký nhãn hiệu, chất lượng hợp lệ nếu thuộc loại hàng theo quy định buộc phải có đăng ký.

Điều 23. - Quan hệ giữa các tổ chức kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị kinh tế Trung ương, tỉnh thành phố bạn.

Các đơn vị kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố bạn quan hệ mua bán phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định về quản lý hành chánh, quản lý thị trường của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bạn.

Trường hợp cần lập trạm trung chuyển để giao nhận hàng phải được phép của Ủy ban nhân dân địa phương.

Điều 24. - Các đơn vị kinh tế của các tỉnh, thành phố bạn trú đóng tại thành phố Hồ Chí Minh phải hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong quyết định thành lập và trong phạm vi kinh doanh đã được cấp giấy phép.

Các đon vị kinh tế của các tỉnh, thành phố bạn :

- Được mở cửa hàng bán buôn bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh để bán sản phẩm của địa phương mình, nếu là hàng ngoại nhập chỉ được ký gởi hoặc bán cho các tổ chức thương nghiệp cấp quận, huyện và thành phố.

- Được mua hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh qua các tổ chức thương nghiệp hay mua trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, để đem về địa phương mình, không được phép dùng địa bàn thành phố để mua nơi nầy bán nơi khác, mua của tổ chức này bán cho tổ chức khác tại thị trường thành phố.

Điều 25. - Các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn không được tổ chức thu mua hàng nông sản thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh để chế biến hoặc xuất khẩu tại chổ, không được dùng tư nhân ở thành phố để mua gom hàng và gia công chế biến.

Việc đặt trạm giao nhận hàng phải được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho phép.

Quan hệ mua bán giữa các tổ chức hay cá nhân kinh doanh hợp pháp với người tiêu dùng.

Điều 26. - Quyền và nghĩa vụ của bên bán:

Tổ chức hay cá nhân kinh doanh hợp pháp được Nhà nước bảo hộ quyền kinh doanh, hành nghề và có đầy đủ tư cách pháp lý trong mối quan hệ đối với các ngành khác, phải in số giấy phép kinh doanh trên các giấy tờ giao dịnh như hợp đồng kinh tế, hóa đơn, phiếu xuất kho, phiếu vận chuyển, phiếu thanh toán và được giới thiệu, quảng cáo việc kinh doanh và mặt hàng kinh doanh trên các phương tiện thông tin công cộng của Nhà nước.

Điều 27. - Tổ chức hay cá nhân kinh doanh hợp pháp được các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan kiểm tra, kiểm soát bảo hộ những quyền lợi chính đáng trong kinh doanh và có quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước can thiệp để ngăn chặn những hành vi xâm phạm quyền kinh doanh chính đáng.

Điều 28. - Những tổ chức hay cá nhân được cấp giấy phép kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ có nhiệm vụ :

1. Chỉ được kinh doanh những mặt hàng và ở địa bàn đã ghi trong giấy phép kinh doanh.

2. Không được thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn giấy phép kinh doanh.

3. Không được kinh doanh hàng gian, hàng giả và phải chịu trách nhiệm về chất lượng mặt hàng kinh doanh.

4. Đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

5. Cân, đong, đo, đếm chính xác.

6. Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

7. Ghi chép sổ sách, kế toán theo quy định của ngành tài chánh.

8. Chấp hành đầy đủ thể lệ của Nhà nước về kiểm dịch thực phẩm, vệ sinh phòng dịch và bảo vệ môi trường.

9. Chấp hành đầy đủ các quy tắc về trật tự, an toàn phòng cháy của chính quyền địa phương.

10. Xuất trình giấy phép kinh doanh và báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước quy định.

11. Chấp hành nghiêm chỉnh các thể lệ quy định về trật tự giao thông và an toàn công cộng.

Điều 29. - Tổ chức hay cá nhân kinh doanh khi bán các mặt hàng cho người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về :

1. Xuất xứ hợp pháp của món hàng.

2. Nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa hợp pháp và đúng tiêu chuẩn quy định.

3. Cân, đong, đo, đếm chính xác.

4. Giá cả đúng với giá niêm yết tại điểm bán, điểm phục vụ.

5. Đối với hàng hóa chế tạo theo quy trình công nghệ kỹ thuật theo danh mục mặt hàng do Sở Thương nghiệp quy định như máy khâu, quạt điện, máy thu thanh, thu hình, tủ lạnh, đồng hồ, xe đạp… Khi bán cho khách hàng nhất thiết phải có hóa đơn, có bảng hướng dẫn sử dụng (nếu có) và có phiếu bảo hành.

6. Mở cửa hàng bán và đóng cửa bán hàng phải đúng giờ giấc đã công bố và giữ đúng tác phong, nền nếp văn minh thương nghiệp do thành phố quy định.

Điều 30. - Quyền và nghĩa vụ của bên mua hàng :

Khi mua hàng tại các đại điểm kinh doanh của các tổ chức và cá nhân kinh doanh, người mua có nghĩa vụ trả tiền đầy đủ, tôn trọng nội quy cửa hàng và có những quyền như sau:

1. Quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của mình.

2. Quyền kiểm tra giá cả theo biểu giá niêm yết.

3. Quyền kiểm tra về mặt cảm quan nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa.

4. Quyền kiểm tra việc cân, đong, đo, đếm đối với những hàng hóa đã đóng gói sẵn hoặc kiểm tra lại tính chính xác của các dụng cụ đo lường.

5. Quyền được bảo đảm, buộc bên bán phải nhận lại, đổi lại, sửa lại hàng hóa giả mạo, hàng kém chất lượng so với chất lượng đã ghi trên bao bì hoặc phải bồi thường những thiệt hại gây ra do hàng giả mạo, hàng kém chất lượng hoặc hàng có khuyết tật không do mình gây ra.

6. Quyền góp ý về tác phong, thái độ phục vụ của các nhân viên tại các địa điểm bán hàng của các tổ chức và cá nhân kinh doanh hợp pháp.

7. Quyền yêu cầu các cơ quan có chức năng kiểm tra can thiệp khi phát hiện tổ chức hay cá nhân kinh doanh có hành vi dối trá.

8. Quyền yêu cầu đơn vị hay cá nhân kinh doanh bán hàng phải cấp hóa đơn và phiếu bảo hành đối với những hàng hóa được chế tạo theo quy trình công nghệ kỹ thuật theo danh mục mặt hàng do Sở Thương nghiệp quy định.

Chương IV

KIỂM TRA – XỬ LÝ.

MỤC I.- KIỂM TRA

Điều 31.- Cơ quan kiểm tra:

Ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng kiểm tra theo chuyên ngành đã có quy định riêng như vật giá, thuế vụ, hải quan, kiểm lâm, vệ sinh phòng dịch…Các tổ chúc sau đây có quyền kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương nghiệp –ăn uống-dịch vụ trên địa bàn thành phố.

1. Trong phạm vi chợ, Ban quản lý chợ có quyền kiểm tra và xử phạt tại chổ các vi phạm nhỏ về kinh doanh trái phép.

2. Đội kiểm tra công nhân thuộc Liên hiệp Công đoàn có quyền kiểm tra theo các quy định hiện hành.

3. Đội kiểm soát quản lý thị trường các cấp hoạt động theo quyết định số 144/QĐ-UB ngày 25-05-1988 của Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Các đoàn kiểm tra phối hợp nhiều ngành, hoạt động có thời hạn do Ủy ban nhân thành phố, Sở Thương nghiệp hoặc UBND quận, huyện ra quyết định thành lập.

Điều 32. - Đối tượng kiểm tra :

Tất cả mọi hoạt động kinh doanh về thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ như : mua bán, phục vụ, vận chuyển, chứa trữ trong kho, bãi trên thị trường thành phố của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đều phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát theo các điều khoản trong bản quy định.

Điều 33. - Đơn vị và cá nhân bị kiểm tra phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, xuất trình các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu, không được ngăn cản, chống đối người kiểm tra.

Trường hợp thấy người kiểm tra không thực hiện đúng thể thức quy định, đơn vị, cá nhân bị kiểm tra có quyền yêu cầu Ủy ban nhân địa phương chứng kiến việc kiểm tra.

Mọi hành vi lợi dụng việc kiểm tra để sách nhiễu hoặc do vượt quyền, lạm quyền mà gây phiền hà hoặc gây thiệt hại về vật chất, tinh thần cho đơn vị hay cá nhân bị kiểm tra đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Cấm các cá nhân khác can thiệp vào việc kiểm tra nhằm ngăn chặn việc kiểm tra, bao che đơn vị cá nhân bị kiểm tra.

Điều 34. - Tất cả các tổ chức và công dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý thị trường và báo cáo kịp thời cho các cơ quan có chức năng kiểm tra, quy định tại điều 31.

Khi được phát hiện, cơ quan có chức năng kiểm tra phải xúc tiến ngay việc xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm phải tổ chức kiểm tra ngay. Trường hợp tổ chức hay công dân phát hiện cam kết chịu trách nhiệm về sự phát hiện của mình, cơ quan có chức năng kiểm tra nhất thiết không được từ chối hay trì hoãn việc kiểm tra.

Việc kiểm tra phải tuân theo các thủ tục quy định hiện hành.

MỤC II:- XỬ LÝ.

Điều 35.- Các hành vi vi phạm thể lệ, quy tắc kinh doanh trong bản quy định này tùy theo tính chất, mức độ sẽ áp dụng các hình thức xử lý cụ thể đối với từng loại vi phạm theo các quy định hiện hành :

1. Xử phạt hành chánh :

- Cảnh cáo trong nội bộ ngành nghề, phường,xã.

- Phạt tiền theo mức quy định hoặc theo giá trị hàng phạm pháp.

- Thu hồi các khoản thu chênh lệch trái phép nộp ngân sách hoặc trả lại cho khách hàng.

- Đình chỉ lưu thông hàng hóa mang nhãn hiệu bất hợp pháp, hàng hóa kém phẩm chất.

- Trưng mua hàng phạm pháp.

- Tịch thu hàng hóa và phương tiện dùng vào việc vi phạm.

- Đình chỉ có thời hạn hoặc không thời hạn việc kinh doanh.

2. Người vi phạm là cán bộ, công nhân viên cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, cán bộ chiến sĩ lưc lượng vũ trang, ngoài việc xử phạt theo các hình thức nêu ở điểm 1, còn bị xử lý về kỷ luật hành chánh theo nghị định số 217/CP ngày 8-6-1979 của Hội đồng Chính phủ về 4 chế độ trách nhiệm.

3. Truy tố ra tòa án xét xử theo luật hình sự.

Điều 36. - Các vi phạm pháp luật về quản lý thị trường phải bị xử lý hành chánh (Có quy định riêng của Ủy ban nhân dân thành phố).

Điều 37. - Tổ chức hay cá nhân đã được cấp giấy phép kinh doanh mà có các hành vi vi phạm trong quy định này, thì ngoài các biện pháp xử lý đối với từng loại vi phạm, còn có thể bị thu hồi có thời hạn hay không có thời hạn giấy phép kinh doanh.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 38. - Tất cả các cá nhân, đơn vị phải nghiêm chỉnh thi hành quy định này. Các vi phạm phải xử lý nghiêm khắc. Đối với cá nhân cố ý bắt giữ, xử lý sai pháp luật, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước hoặc tài sản riêng của cá nhân đó.

Điều 39. - Cán bộ nhân viên có trách nhiệm trong công tác quản lý thị trường theo các quy định trên và cán bộ công nhân viên của các ngành khác hoặc nhân dân đã thực sự góp công sức vào việc phát hiện, điều tra vụ vi phạm hoặc bắt giữ tang vật phạm pháp sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.

Điều 40. - Ngoài việc khen thưởng thường xuyên theo quy định chung, việc thưởng vật chất chỉ được thực hiện sau khi có quyết định, biên bản xử lý của cơ thẩm quyền.

Trường hợp có khiếu nại thì việc thưởng chỉ thực hiện sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết lại vụ khiếu nại.

Điều 41. - Mức thưởng cho mỗi vụ được quy định từ 10% đến 15% trị giá hàng vi phạm bị tịch thu hay tiền phạt được nộp và do cơ quan ra quyết định xử lý quyết định mức thưởng đó.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 42. - Tổ chức và cá nhân đang kinh doanh hợp pháp phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về quản lý thị trường trong bản quy định này.

Điều 43. - Sở Thương nghiệp thành phố Hồ Chí Minh dựa vào các điều khoản trong bản quy định này có nhiệm vụ hướng dẫn việc thi hành và phối hợp với các quận, huyện, ban ngành có liên quan để triển khai.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ