cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 19-NH/QĐ ngày 27/04/1988 Ban hành tạm thời thể lệ tín dụng vốn lưu động đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh và tập thể của Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 19-NH/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 27-04-1988
  • Ngày có hiệu lực: 27-04-1988
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-01-1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 986 ngày (2 năm 8 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-01-1991
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-01-1991, Quyết định số 19-NH/QĐ ngày 27/04/1988 Ban hành tạm thời thể lệ tín dụng vốn lưu động đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh và tập thể của Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 04-NH/QĐ ngày 08/01/1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với các tổ chức kinh tế (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-NH/QĐ

Hà Nội , ngày 27 tháng 4 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TẠM THỜI THỂ LỆ TÍN DỤNG VỐN LƯU ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ QUỐC DOANH VÀ TẬP THỂ

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 53-HĐBT ngày 26-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Ban hành tạm thời Thể lệ tín dụng vốn lưu động đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh và tập thể.

Điều 2. - Thể lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các Thể lệ tín dụng vốn lưu động của Ngân hàng Nhà nước đã ban hành trước đây.

Điều 3. - Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam hướng dẫn cụ thể đối với từng ngành và từng loại hình tổ chức kinh tế.

Điều 4. - Các đồng chí Chánh văn phòng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam , Vụ trưởng, Viện trưởng của Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố, đặc khu hay khu vực chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

 

 

Lữ Minh Châu

(Đã Ký)

 

THỂ LỆ

TÍN DỤNG VỐN LƯU ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ QUỐC DOANH VÀ TẬP THỂ.
(Ban hành theo Quyết định số 19-NH/QĐ ngày 27-4-1988 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Phần thứ nhất:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Ngân hàng cho các tổ chức kinh tế quốc doanh, tập thể (sau đây gọi tắt là tổ chức kinh tế) vay vốn nhằm bổ sung nhu cầu vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh theo phương hướng kế hoạch, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Điều 2. - Tín dụng vốn lưu động phải bảo đảm có hiệu quả kinh tế (có vật tư bảo đảm, sử dụng vốn đúng mục đích), hoàn trả vốn và lãi đúng hạn.

Điều 3. - Tổ chức kinh tế muốn vay vốn Ngân hàng phải có đủ các điều kiện:

1. Có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động theo đúng quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

2. Hạch toán kinh tế độc lập, có vốn lưu động tự có theo chế độ, kinh doanh có lãi;

3. Tổ chức kinh tế tập thể phải có tài sản thế chấp, bảo đảm vốn vay;

4. Chấp nhận thể lệ tín dụng của Ngân hàng.

Điều 4. - Đối tượng tín dụng vốn lưu động là các giá trị hàng hoá, vật tư và chi phí cần vay vốn gồm:

- Đối với hoạt động sản xuất, vận tải, xây dựng thì giá trị vật tư hàng hoá và chi phí sản xuất trong các giai đoạn dự trữ, sản xuất, thành phẩm.

- Đối với hoạt động lưu thông, dịch vụ thì vốn dự trữ và luân chuyển hàng hoá, các chi phí lưu thông cần thiết.

Trường hợp đặc biệt có hướng dẫn riêng.

Điều 5. - Giá để tính toán và cho vay theo mức giá của cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Thủ trưởng tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm hoàn toàn về chấp hành chính sách giá của Nhà nước.

Điều 6. - Thời hạn cho vay vốn lưu động nói chung không quá 6 tháng.

Thời hạn vay cụ thể do tổ chức kinh tế thoả thuận với Ngân hàng.

Các thời hạn cho vay đặc thù có hướng dẫn riêng.

Điều 7. - Lãi suất tín dụng vốn lưu động thực hiện theo khung lãi suất do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Điều 8. - Hợp đồng tín dụng là cơ sở xác định trách nhiệm giữa Ngân hàng và tổ chức kinh tế trong quan hệ tín dụng; hợp đồng tín dụng được ký theo quý, tháng, một vụ sản xuất, một đợt thu mua, từng phương án kinh tế hay một dịch vụ kinh doanh ngắn ngày.

Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng nếu cần thay đổi những điểm đã cam kết, hai bên cùng nhau bàn bạc và ký phụ kiện bổ sung hợp đồng.

Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo thoả thuận hợp đồng.

Điều 9. - Ngân hàng phát tiền vay dần theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế. Thời hạn cho vay tính từ ngày tổ chức kinh tế nhận tiền vay đến ngày trả hết nợ.

Đến hạn trả, tổ chức kinh tế phải trả nợ Ngân hàng, trường hợp không trả, Ngân hàng chủ động trích tài khoản của tổ chức kinh tế để thu nợ hoặc chuyển sang nợ quá hạn, nếu tài khoản không đủ tiền trả.

Điều 10. - Ngân hàng thực hiện kiểm soát bằng đồng tiền trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay.

Ngân hàng không cho vay đối với các trường hợp xét thấy không bảo đảm các nguyên tắc và điều kiện tín dụng. Ngân hàng có thể thu hồi nợ trước hạn, chuyển nợ quá hạn, ngừng cho vay một phần hay toàn bộ, nếu tổ chức kinh tế không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Phần thứ hai:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. TÍN DỤNG VỐN LƯU ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Điều 11. - Tín dụng vốn lưu động đối với các xí nghiệp quốc doanh (gọi tắt là xí nghiệp) nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vượt mức vốn lưu động tự có và tự huy động của xí nghiệp.

Điều 12. - Tín dụng vốn lưu động thực hiện theo một trong hai phương thức tín dụng vốn lưu động theo luân chuyển và tín dụng vốn lưu động thông thường (từng đợt hay từng lần).

1. Tín dụng theo luân chuyển là phương thức vay vốn, trả nợ gắn liền với quá trình dự trữ và luân chuyển hàng hoá, vật tư; trang trải các chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp (có hướng dẫn cụ thể).

2. Tín dụng thông thường là phương thức áp dụng đối với xí nghiệp không thực hiện tín dụng theo luân chuyển.

Điều 13. - Kế hoạch tín dụng vốn lưu động do xí nghiệp cùng Ngân hàng cơ sở lập và thực hiện.

Hạn mức tín dụng từng quý do xí nghiệp cùng Ngân hàng cơ sở thoả thuận, căn cứ vào nhu cầu vay vốn lưu động cần thiết hợp lý và khả năng nguồn vốn của chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh.

Các nhu cầu vay vốn hợp lý ngoài hạn mức tín dụng quý, Ngân hàng xem xét cho vay căn cứ khả năng nguồn vốn.

Điều 14. - Tín dụng luân chuyển thực hiện theo hợp đồng tín dụng từng quý. Hợp đồng tín dụng được ký từ cuối quý trước để thực hiện cho cả quý kế hoạch.

Điều 15. - Áp dụng phương thức tín dụng theo luân chuyển hay thông thường do xí nghiệp lựa chọn và cùng chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh thoả thuận. Quá trình thực hiện, một trong hai bên muốn thay đổi phải báo bằng văn bản cho bên kia để áp dụng phương thức khác khi ký hợp đồng tín dụng quý kế tiếp.

A. Tín dụng vốn lưu động theo luân chuyển

Điều 16. - Tín dụng theo luân chuyển được thực hiện theo một tài khoản (gồm tiền gửi và tiền vay) hoặc hai tài khoản: một tài khoản tiền gửi và một tài khoản tiền vay. Việc dùng một hoặc hai tài khoản do xí nghiệp lựa chọn và thoả thuận với chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh.

1. Trường hợp áp dụng thể thức "một tài khoản", gọi là tài khoản " tín dụng vốn lưu động" phản ảnh mọi khoản vay, trả, gửi và rút tiền về vốn lưu động của xí nghiệp. Dư Nợ, phản ảnh số tiền còn vay Ngân hàng, xí nghiệp phải trả lãi Ngân hàng. Dư Có, phản ảnh số tiền còn gửi Ngân hàng, xí nghiệp được Ngân hàng trả lãi bằng mức lãi suất tiền gửi.

2. Trường hợp áp dụng thể thức "hai tài khoản" khi xí nghiệp vay vốn, Ngân hàng ghi nợ tài khoản "vay luân chuyển"; toàn bộ tiền bán hàng, dịch vụ và các thu nhập bằng tiền khác của xí nghiệp đều ghi Có tài khoản "vay luân chuyển". Định kỳ đã thoả thuận và theo yêu cầu của xí nghiệp, Ngân hàng trích khoản chênh lệch giữa giá bán với giá vốn đã cho vay cùng các khoản không thuộc tiền trả nợ Ngân hàng chuyển vào tài khoản "tiền gửi" để xí nghiệp sử dụng.

Điều 17. - Hạn mức tín dụng vay luân chuyển là giới hạn mức dư nợ xí nghiệp cùng Ngân hàng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng quý. Hạn mức này bao gồm các tài khoản vay phụ (nếu có).

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh được quyết định từng lần cho tạm thời vượt "Hạn mức tín dụng quý" một mức tiền nhất định trong một số ngày nhất dịnh, nhưng phải trong giới hạn nguồn vốn cho phép.

Điều 18. - Thời hạn cho vay luân chuyển là số ngày của một vòng luân chuyển vốn do xí nghiệp và Ngân hàng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.

Điều 19. - Lãi suất cho vay theo luân chuyển được ghi trong hợp đồng tín dụng, Ngân hàng tính lãi hàng tháng, thu lãi và trả lãi vào một ngày ấn định.

Điều 20. - Phát tiền vay:

1. Xí nghiệp làm dự trù tiền mặt (mức tiền mặt lĩnh và nộp Ngân hàng) được hai bên thoả thuận và thể hiện trong hợp đồng tín dụng quý.

2. Xí nghiệp không phải xin vay từng lần. Căn cứ vào hạn mức tín dụng quý đã thoả thuận, Ngân hàng phát tiền vay theo các chứng từ thanh toán hợp lệ của xí nghiệp. Xí nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chất, mục đích sử dụng vốn ghi trên các chứng từ thanh toán của mình; chấp hành chế độ quản lý tiền mặt và chế độ thanh toán không dùng tiền mặt của Nhà nước.

3. Khi phát tiền vay, Ngân hàng phải theo dõi chặt chẽ hạn mức tín dụng và mức lĩnh tiền mặt ghi trong hợp đồng tín dụng.

4. Ngân hàng từ chối thanh toán trong các trường hợp:

- Chứng từ thanh toán không hợp lệ;

- Quá hạn mức tín dụng quý;

- Chi trả bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng có tài khoản tại Ngân hàng hoặc trả cho tư nhân để mua hàng mà Nhà nước cấm tư nhân buôn bán.

5. Ngân hàng không cho vay để chuyển vào tài khoản tiền gửi của xí nghiệp, trừ trường hợp có hướng dẫn riêng.

Điều 21. - Trả nợ:

Xí nghiệp phải trả nợ Ngân hàng đúng hạn để được vay tiếp vòng sau.

Toàn bộ tiền bán hàng xí nghiệp đều phải nộp vào bên có tài sản khoản " tín dụng vốn lưu động" hoặc tài khoản "vay luân chuyển" để trả nợ Ngân hàng.

Trường hợp xí nghiệp giữ tiền mặt vượt quá mức thoả thuận không nộp trả nợ Ngân hàng đúng hạn, Ngân hàng chuyển số nợ luân chuyển tương ứng sang nợ quá hạn.

Nếu xí nghiệp vi phạm thời hạn trả nợ nhiều lần trong một quý, Ngân hàng ngừng cho vay vòng mới.

Điều 22. - Kết thúc thời hạn hiệu lực của hợp đồng tín dụng quý, nếu ký hợp đồng kế tiếp thì thực hiện theo hợp đồng mới. Nếu không ký hợp đồng kế tiếp thì xí nghiệp có trách nhiệm trả hết nợ. Theo đề nghị của xí nghiệp, Giám đốc Ngân hàng cơ sở có thể cho gia hạn nợ không quá 30 ngày. Quá thời hạn quy định, Ngân hàng chuyển số tiền chưa trả hết sang nợ quá hạn và theo dõi thu hồi dứt điểm.

B. Tín dụng vốn lưu động thông thường

Điều 23. - Thực hiện tín dụng vốn lưu động theo điểm 2 của điều 12, Ngân hàng mở cho xí nghiệp một tài khoản "cho vay thông thường". Việc lập kế hoạch tín dụng thực hiện theo điều 13 của Thể lệ này.

Điều 24. - Mỗi lần vay vốn trong phạm vi kế hoạch tín dụng quý, xí nghiệp không phải làm đơn xin vay mà lập khế ước kiêm kỳ hạn nợ.

Mỗi tháng là một kỳ hạn nợ, xí nghiệp có thể trả nợ nhiều lần trong tháng.

Căn cứ hạn mức tín dụng chưa sử dụng (mức kế hoạch tín dụng quý trừ (-) dư nợ, trừ (-) dư tiền gửi) Ngân hàng giải quyết cho vay. Trường hợp không chấp thuận cho vay, chậm nhất là 2 ngày làm việc Ngân hàng phải thông báo cho xí nghiệp biết để tự lo vốn.

Điều 25. - Ngân hàng phát tiền trả thẳng cho bên thụ hưởng theo yêu cầu của xí nghiệp, không cho vay chuyển vào tài khoản tiền gửi để xí nghiệp sử dụng dần.

Điều 26. - Các trường hợp xí nghiệp vay vốn cho một đợt thu mua hoặc chi phí nói dưới đây, xí nghiệp cùng Ngân hàng ký hợp đồng tín dụng cho cả đợt và thực hiện phát tiền vay từng lần theo chứng từ thanh toán hợp lệ của xí nghiệp:

- Thu mua, dự trữ, sản xuất và tiêu thụ theo thời vụ;

- Các xí nghiệp sản xuất, xây dựng có chu kỳ sản xuất dài ngày;

- Các trường hợp vay theo quyết định riêng.

Kết thúc thời hạn hiệu lực của mỗi hợp đồng tín dụng, xí nghiệp có trách nhiệm trả hết nợ như đã thoả thuận.

Điều 27. - Lãi suất cho vay vốn lưu thông thông thường được ghi trong khế ước kiêm kỳ hạn nợ hoặc hợp đồng tín dụng.

Điều 28. - Đến hạn trả, xí nghiệp phải trả nợ Ngân hàng. Nếu xí nghiệp không trả, Ngân hàng chủ động trích tài khoản để thu nợ hoặc chuyển sang nợ quá hạn, nếu tài khoản tiền gửi không đủ tiền trả.

II. TÍN DỤNG VỐN LƯU ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ TẬP THỂ

Điều 29. - Các tổ chức kinh tế tập thể, sau khi đã tận dụng hết các nguồn vốn tự có và tự huy động, có thể vay vốn Ngân hàng để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Điều 30. - Các tổ chức kinh tế, muốn vay vốn Ngân hàng phải có các điều kiện quy định ở điều 3 của Thể lệ này.

Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam quy định mức vốn tự có tối thiểu đối với từng lĩnh vực trong từng thời gian.

Điều 31. - Cho vay vốn lưu động các tổ chức kinh tế có hai phương thức cho vay theo luân chuyển và cho vay thông thường.

Cho vay theo luân chuyển có thể áp dụng cho các tổ chức kinh tế kinh doanh trong lĩnh vực lưu thông do tổ chức kinh tế lựa chọn và Ngân hàng thoả thuận.

Điều 32. - Trước quý kế hoạch, mùa vụ hoặc trước khi thực hiện dự án kinh tế 15 ngày, tổ chức kinh tế gửi đến Ngân hàng bản kế hoạch tín dụng. Sau khi xem xét có hiệu quả, bảo đảm trả được nợ đúng hạn và khả năng nguồn vốn. Ngân hàng chấp thuận cho vay thì cùng tổ chức kinh tế ký hợp đồng tín dụng quý, mùa vụ hoặc từng dự án.

Điều 33. - Cho vay theo luân chuyển đối với các tổ chức kinh tế thực hiện theo điều 16, điểm 2 và các điều 17, 18, 19, 20, 21, 22 của Thể lệ này.

Cho vay thông thường đối với các tổ chức kinh tế thực hiện theo các điều 23, 24, 25, 26, 27, 28 của Thể lệ này.

III. KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ NỢ VAY

Điều 34. - Hợp đồng tín dụng và khế ước kiêm kỳ hạn nợ là căn cứ để kiểm tra và xử lý vốn vay. Trong quá trình kiểm tra, Ngân hàng có thể xử lý như gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện tổ chức kinh tế:

- Không trả nợ đúng hạn;

- Để tiền mặt vượt mức tồn quỹ, vượt mức toạ chi trong ngày;

- Sử dụng vốn sai mục đích, không bảo đảm vòng quay vốn, găm giữ hàng hoá chờ nâng giá, để vật tư hàng hoá ứ đọng;

- Vi phạm các điểm cụ thể khác đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và khế ước kiêm kỳ hạn nợ.

Trong trường hợp có nợ quá hạn phải giảm tương ứng hạn mức tín dụng quý.

Điều 35. - Ngân hàng tiến hành kiểm tra vật tư, hàng hoá bảo đảm tiền vay hàng tháng hoặc đột xuất.

Giá trị vật tư hàng hoá bảo đảm nợ vay là những giá trị thuộc đối tượng vay vốn.

Điều 36. - Việc kiểm tra bảo đảm nợ vay, tiến hành nộp. Đối chiếu tổng giá trị vật tư; hàng hoá bảo đảm nợ với số dư nợ các loại, trường hợp thừa bảo đảm và khả năng nguồn vốn cho phép, Ngân hàng có thể cho vay tiếp, nếu tổ chức kinh tế yêu cầu. Trường hợp thiếu bảo đảm, Ngân hàng trích tài khoản tiền gửi (nếu có) để thu nợ, số còn lại chuyển nợ quá hạn và theo dõi thu hồi hết nợ.

Điều 37. - Ngân hàng thực hiện biện pháp tín dụng có phân biệt:

1. Đối với các tổ chức kinh tế hoạt động tốt, trả nợ Ngân hàng sòng phẳng, tăng nhanh vòng quay vốn, chấp hành nghiêm túc chế độ quản lý tiền mặt và chế độ thanh toán không dùng tiền mặt của Nhà nước thì được hưởng lãi suất ưu đãi.

2. Đối với các tổ chức kinh tế có nợ quá hạn nhiều lần trong quý, vòng quay vốn chậm, nhiều lần vi phạm chế độ quản lý tiền mặt, thanh toán, thông tin, báo cáo, mà không có biện pháp khắc phục có hiệu quả thì Ngân hàng áp dụng các biện pháp tác động như hạn chế hoặc đình chỉ cho vay có thời hạn, ngừng cho vay toàn bộ, phong toả tài sản thế chấp, thông báo về tình trạng không có khả năng chi trả của tổ chức kinh tế, áp dụng hình thức thanh toán bắt buộc, khiếu nại đến cơ quan trọng tài kinh tế xét xử hoặc khởi tố.

Phần thứ ba:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. - Các Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam, Vụ Kinh tế kế hoạch, Vụ Kế toán - Tài vụ chịu trách nhiệm cụ thể hoá, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Thể lệ này.