cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 211-HĐBT ngày 09/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng Về việc thu phí giao thông đường bộ, đường sông (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 211-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 09-11-1987
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-1988
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-1995
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2557 ngày (7 năm 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-1995
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-1995, Quyết định số 211-HĐBT ngày 09/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng Về việc thu phí giao thông đường bộ, đường sông (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 186-CP ngày 07/12/1994 của Chính phủ Về việc thu lệ phí giao thông qua giá xăng dầu Chính phủ (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 211-HĐBT

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THU PHÍ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SÔNG.

Nước ta hiện có 54.000 ki lô mét đường bộ, 41.000 cây số đường sông, trị giá hàng trăm tỷ đồng, cần được gìn giữ bảo quản để khai thác và sử dụng. Song hiện nay, nhiều tuyến đường đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, làm giảm tốc độ vận chuyển, tăng giá thành, tăng phí lưu thông vật tư, hàng hoá.

Trước đây, nhà nước đã cho phép thu lệ phí sửa đường bộ theo Nghị định số 83-CP ngày 1-8-1962 của Hội đồng Chính phủ, nhưng đã tạm hoãn thi hành từ sau khi miền Bắc có chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và kéo dài đến nay. Vốn sửa chữa đường bộ, đường sông hiện nay hoàn toàn do ngân sách nhà nước cấp bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và chỉ đáp ứng 50% - 60% yêu cầu.

Thi hành Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, lần thứ 3 (khoá VI), theo đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải, nhằm bảo đảm nhu cầu vốn sửa chữa đường bộ, đường sông, khắc phục tình trạng đường sá hư hỏng hiện nay, thúc đẩy hạch toán kinh tế ở các đơn vị vận tải, Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

Điều 1. Nay tiến hành thu phí giao thông đường bộ, đường sông:

a) Phải chịu phí là:

- Các loại phương tiện cơ giới đường bộ, đường sông kinh doanh vận tải hoặc không kinh doanh vận tải;

- Các loại phương tiện vận tải thô sơ đường bộ, đường sông đăng ký kinh doanh vận tải.

b) Được miễn phí là:

- Các loại máy kéo, xe cần cẩu, xe nâng hàng... của các xí nghiệp quốc doanh hoạt động trên các đường chuyên dùng, không thuộc hệ thống đường công cộng do cơ quan giao thông vận tải quản lý.

- Các loại xe lu, xe rải nhựa, tầu quốc, tầu hút bùn của các xí nghiệp quốc doanh chuyên dùng vào việc sửa chữa và xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường sông.

- Các loại xe cứu thương, xe cứu hoả, xe tang, xe làm vệ sinh đường phố.

c) Người nộp phí là chủ phương tiện vận tải bao gồm:

- Các tổ chức và đơn vị kinh doanh;

- Các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội;

- Các cơ quan Ngoại giao, các tổ chức quốc tế;

- Cá nhân công dân.

Điều 2. Phí giao thông đường bộ, đường sông thu căn cứ vào phương tiện thực tế sử dụng và mức độ tác động gây hao mòn đường giao thông. Mức thu cụ thể là:

- Đối với phương tiện của các đơn vị vận tải quốc doanh, công tư hợp doanh và hợp tác xã kinh doanh vận tải thu 5 % doanh thu cước phí và nằm trong giá cước vận tải;

- Đối với các phương tiện khác thu theo đầu phương tiện đăng ký lưu hành căn cứ biểu thu kèm theo quyết định này.

Phí giao thông được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh và vào chi phí quản lý hành chính đối với các đơn vị không sản xuất kinh doanh.

Điều 3. Chủ phương tiện man khai, hoặc đóng phí giao thông không đúng kỳ hạn sẽ bị phạt. Nếu vi phạm lần đầu sẽ bị phạt gấp hai lần mức phí phải đóng; nếu tái phạm lần thứ ba sẽ phải phạt gấp ba lần mức phí phải đóng.

Nếu vi phạm nhiều lần hoặc có những hành vi chống lại việc thu phí giao thông, thì người phạm pháp có thể bị truy tố trước pháp luật.

Điều 4. Phí giao thông đường bộ, đường sông do cơ quan tài chính thu để thành lập quỹ sửa chữa đường, thay thế toàn bộ nguồn cấp phát của ngân sách Nhà nước.

Hàng năm, Bộ Tài chính cùng bộ giao thông vận tải căn cứ vào việc phân cấp quản lý đường bộ , đường sông, tình trạng đường sá, lưu lượng xe cộ, tầu thuyền trong từng địa phương và căn cứ vào khả năng cân đối vật tư của Nhà nước mà phân phối quỹ sửa chữa đường cho các địa phương để dùng vào việc sửa chữa đường bộ , đường sông, bảo đảm giao thông thông suốt.

Tiền thu về phí giao thông chỉ được dùng để sửa chữa đường bộ , đường sông. Đơn vị được phân phối vốn có trách nhiệm quản lý và sử dụng có hiệu quả cao, bảo đảm đường sá tốt. Nghiêm cấm việc sử dụng nguồn vốn này để chi cho các việc khác.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1988.

Bộ Tài chính cùng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành quyết định này và phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ quy định thể thức thu phí giao thông đối với phương tiện vận tải của các lực lượng vũ trang.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

BIỂU THU PHÍ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SÔNG.
(kèm theo Quyết định số 211- HĐBT ngày 9-11-1987)

Các loại phương tiện vận tải

Mức thu một tháng

I. ĐƯỜNG BỘ

 

A.Đối với phương tiện của các đơn vị vận tải quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã kinh doanh vận tải

Thu 5% doanh thu cước phí

B.Đối với phương tiện của các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế không kinh doanh vận tải của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, của cá nhân công dân (thu theo đầu phương tiện có đăng ký lưu hành) :

 

1. Xe ô tô vận tải hàng hoá, xe đặc chủng khác thu theo tấn trọng tải của xe.

1.000 đồng/tấn trọng tải

2. Xe ô tô chở khách:

 

- Loại chở khách dưới 30 ghế

2.900 đồng/xe

- Loại chở khách từ 30 ghế trở lên

4.300 đồng/xe

3. Xe du lịch (xe con)

1.000 đồng/xe

4. Xe lam

1.900 đồng/xe

5. Xe 3 bánh, xích lô máy

1.000 đồng/xe

6. Xe máy loại 2 bánh:

 

- Cỡ xe dưới 50 m3

50 đồng/xe

- Cỡ xe từ 50 cm3 trở lên

100 đồng/xe

7. Xe cẩu bánh lốp các loại thu theo đầu xe hoạt động (riêng các loại xe cẩu bánh xích thu theo từng lần đi trên đường giao thông công cộng, mức thu 5 đồng/ km tấn xe tự trọng )

3.800 đồng/xe

8. Xe súc vật kéo

1.500 đồng/xe

9. Xe ba gác, xe xích lô, xe lôi.

600 đồng/xe

II. ĐƯỜNG SÔNG

 

A. Đối với phương tiện của các đơn vị vận tải quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã kinh doanh vận tải.

Thu 5% doanh thu cước phí

B. Đối với các phương tiện khác.

Tạm thời chưa thu