cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 125/QĐ-UB ngày 16/06/1987 Ban hành quy định tạm thời các biện pháp cụ thể thi hành việc xử lý tập trung cải tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 125/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 16-06-1987
  • Ngày có hiệu lực: 01-05-1987
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4212 ngày (11 năm 6 tháng 17 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-11-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-11-1998, Quyết định số 125/QĐ-UB ngày 16/06/1987 Ban hành quy định tạm thời các biện pháp cụ thể thi hành việc xử lý tập trung cải tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 5987/QĐ-UB-NC ngày 11/11/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực nội chính ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

Số: 125/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 06 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ THI HÀNH VIỆC XỬ LÝ TẬP TRUNG CẢI TẠO Ở T.P HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983 ;
Căn cứ vào Nghị quyết số 49/NQ-TVQH ngày 20-6-1961 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội và các Thông tư số 121/CP ngày 9 tháng 8 năm 1961, quyết định số 154/CP ngày 01-10-1973 của Hội đồng Chính phủ, quyết định số 128/TTg ngày 25-2-1978 của Thủ tướng Chính phủ ;
Để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, thi hành nghiêm chỉnh Bộ luật hình sự phù hợp với đặc điểm tình hình của Thành phố Hồ Chí Minh ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố và sau khi trao đổi với các cơ quan liên quan ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định tạm thời các biện pháp cụ thể thi hành việc xử lý tập trung cải tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh” .

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01-5-1987. Bãi bỏ quyết định số 1531/QĐ-UB ngày 25-11-1977 của Ủy ban nhân dân ban hành quy định về việc cải tạo các đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội trong thành phố.

Điều 3. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiêm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ THI HÀNH VIỆC XỬ LÝ TẬP TRUNG CẢI TẠO Ở TP. HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 125/QĐ-UB ngày 16-6-1987của Ủy ban nhân dân thành phố)

Để việc tâp trung giáo dục cải tạo ở thành phố thành phố Hồ Chí Minh đúng với tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TVQH ngày 20-6-1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thông tư số 121/CP ngày 20-6-1961 và quyết định số 154/CP ngày 01-10-1973 của Hội đồng Chính phủ, quyết định số 128/TTg ngày 25-2-1978 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị số 427/VP-P4 ngày 14-8-1961, thông tư số 03/TT ngày 3-11-1973, chỉ thị số 03/CT-BNV (C16) ngày 25-3-1985 của Bộ nội vụ, phù hợp với Bộ luật hình sự, phù hợp với đặc diểm tình hình của thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định tạm thời các biện pháp cụ thể thi hành việc xử lý các đối tượng tập trung giáo dục cải tạo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Chương I.

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Tập trung giáo dục cải tạo là biện pháp xử lý hành chánh đặc biệt áp dụng đối với những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội, đã được chánh quyền giáo dục nhiều lần mà không sửa chữa nên cần phải cách ly họ với xã hội để quản lý, giáo dục họ thành người lương thiện.

Điều 2. Việc tập trung cải tạo phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, đối tượng, thủ tục được quy định dưới đây nhằm bảo đảm việc xử lý được thận trọng, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Điều 3. Các đối tượng phạm pháp hình sự không thuộc diện xử lý bằng biện pháp tập trung giáo dục cải tạo mà phải bị xem xét xử lý đúng theo quy định của Bộ luật hình sự.

Chương II.

ĐỐI TƯỢNG PHẢI ĐƯA ĐI TẬP TRUNG CẢI TẠO

Điều 4. Những đối tượng sau đây từ 18 tuổi trở lên đều là những đối tượng phải đưa đi tập trung cải tạo theo quy định của Nghị quyết số 49/NQ-TVQH ngày 20-6-1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông tư 121/CP ngày 9-8-1961, quyết định 154/CP ngày 01-10-1973 của Hội đồng Chính phủ và quyết định số 128/TTg ngày 25-2-1978 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng tập trung giáo dục cải tạo gồm có:

A. Những phần tử phản cách mạng trước kia, hoặc hiện nay có nhiều tội ác, được Chính phủ khoan hồng, được giáo dục nhiều lần vẫn ngoan cố không chịu cải tạo, có hành động phương hại đến an ninh chung.

Cụ thể là:

1) Những tên gián điệp, chỉ điểm, mật thám nguy hiểm, những phần tử ngụy quân, ngụy quyền, biệt kích cũ hoặc các phần tử cốt cán trong các tổ chức đảng phái phản động.

2) Bọn lợi dụng tôn giáo, bọn phản động trong các tầng lớp văn nghệ sĩ trước đây đã làm tay sai cho địch.

3) Bọn gián điệp, bọn phản động lợi dụng đạo tôn giáo, bọn phản động trong các tổ chúc đảng phái phản động đã hết hạn tù, hết hạn tập trung cải tạo nhưng không chịu cải tạo tiến bộ.

B. Những tên lưu manh chuyên nghiệp:

1) Những tên lưu manh đã bị tòa án xử phạt nhiều lần về các tội: cướp giựt, trộm cắp, lừa đảo, buôn lậu, chứa chấp tiêu thụ của gian, bắt cóc tống tiền, không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp chỉ để ”ngụy trang nhưng không chịu sửa chữa vẫn có những hành vi phạm pháp chưa đến mức truy tố ra tòa án.

2) Những tên tội phạm hình sự đã bị chế độ Mỹ ngụy kết án tù giam, nhưng đã trốn ra sau ngày giải phóng, không có công ăn việc làm chính đáng, có hành vi phạm pháp nhưng chưa đến mức truy tố ra tòa án xét xử.

3) Những tên côn đồ, du đãng, những phần tử ngang ngược luôn luôn gây rối trật tự trị an, tụ tập ăn chơi, đánh nhau, chơi bời đàng điếm, trụy lạc... vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý trật tự trị an đã hai lần được cơ quan có thẩm quyền giáo dục nhắc nhở xử phạt hành chánh vẫn không chịu sửa chữa.

4) Những đối tượng tệ nạn xã hội như: gái điếm chuyên nghiệp, người xì ke ma túy ở các trại cứu tế xã hội hoặc đã bị đưa đi trại bắt buộc lao động nhưng đã trốn trại đến lần thứ hai ra ngoài tiếp tục làm nghề cũ, làm ăn phi pháp.

Những gái điếm chuyên nghiệp ở các trại nói trên sau khi được trả tự do, không chịu lao động lương thiện, vẫn tiếp tục làm nghề cũ.

5) Những người có sức lao động mà không chịu lao động có hành vị trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, chuyên hành nghề mê tín dị đoan đã bị đưa đi bắt buộc lao động, đã được chính quyền giáo dục cảnh cáo hoặc xử phạt hành chánh nhưng không sửa chữa.

6) Những người có sức lao động nhưng không chịu lao động làm ăn chính đáng chuyên đầu cơ, buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm, làm hàng giả hoặc buôn bán hàng giả... gây tác hại đến quản lý thị trường, nhưng mức độ vi phạm nhỏ đã bị cơ quan có thẩm quyền 3 lần xử phạt hành chánh nhưng không sửa chữa.

7) Những tên có đủ điều kiện để đưa đi tập trung giáo dục cải tạo nhưng đã được chiếu cố để lại cải tạo cở địa phương hoặc những tên bị quản chế nhưng vẫn không tôn trọng pháp luật, có hành vi vi phạm ở mức hình sự nhỏ.

8) Những tên lưu manh đã hết hạn tù về các tội hình sự, nhưng chịu cải tạo, có những hành vi phạm pháp trong trại mức độ hình sự nhỏ, hoặc sau khi trả tự do lại tiếp tục vi phạm.

Điều 5. Những đối tượng quy định ở điều 4 trong trường hợp sau đây có thể được xét cho tạm hoãn việc thi hành quyết định tập trung giáo dục cải tạo trong một thời gian cần thiết:

- Phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.

- Đang bị bệnh nặng phải điều trị.

- Những người mà gia đình thuộc diện thương binh liệt sĩ, thuộc diện xét chiếu cố theo chính sách.

- Những đối tượng có nơi cư trú nhất định ở thành phố, mức độ vi phạm nhẹ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn như vợ hoặc chồng con bệnh nặng, chết, là người có trách nhiệm chính lo liệu trong gia đình hoặc già yếu đang có bệnh.

Trong thời gian tạm hoãn đương sự phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương và nếu đương sự tỏ ra tiếng bộ, ăn năn hối lỗi thì có thể được xét miễn thi hành quyết định tập trung cải tạo.

Nếu trong thời gian tạm hoãn, đương sự lại tiếp tục vi phạm thì quyết định tập trung cải tạo phải được thi hành ngay.

Điều 6. Những đối tượng sau đây không thuộc diện xử lý bằng biện pháp tập trung cải tạo:

1) Những phần tử phản cách mạng và lưu manh chuyên nghiệp quy định ở điều 4, nay lại có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì phải lập hồ sơ truy tô ra tóa án xét xử.

2) Những phần tử phản cách mạng và bọn tội phạm hình sự mà cơ quan công an đang tiến hành điều tra trinh sát thì phải tiếp tục điều tra để tìm ra âm mưu tổ chức hoạt động của chúng.

Không được dùng biện pháp tập trung cải tạo để giải quyết khi công tác điều tra trinh sát đang tiến hành.

Chương III.

THỦ TỤC XỬ LÝ TẬP TRUNG CẢI TẠO

Điều 7.

1) Công an phường, xã thông qua công tác quản lý trật tự trị an ở địa phương, qua phát hiện của quần chúng, căn cứ theo tiêu chuẩn quy định ở điêu 4, tiến hành điều tra xác minh lập hồ sơ, danh sách các đối tượng cần đưa đi tập trung cải tạo để Ủy ban nhân dân phường, xã đề nghị lên Ủy ban nhân dân quận, huyện xét duyệt.

2) Công an quận, huyện, qua công tác quản lý trật tự trị an, căn cứ theo tiêu chuẩn quy định tự mình lập hồ sơ các đối tượng hoặc xem xét các hồ sơ do Ủy ban nhân dân phường, xã chuyển lên, tiến hành điều tra xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu và báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện sơ duyệt và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Công an thành phố) đối tượng cần đưa đi tập trung cải tạo.

3) Sau khi nhận được hồ sơ của các đối tượng và đề nghị của Ủy ban nhân dân quận, huyện, Giám đốc Công an thành phố kiểm tra lại toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, đối chiếu các tiêu chuẩn và làm văn bản kèm theo hồ sơ của từng đối tượng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt chính thức.

4) Ủy ban nhân dân thành phố xét hồ sơ của từng đối tượng cần đưa đi tập trung cải tạo và đề nghị Bộ Nội vụ phê duyệt.

Sau khi có sự duyệt y của Bộ nội vụ, Công an thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định tập trung cải tạo.

Điều 8. Hồ sơ của từng đối tượng đưa lên Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt đưa đi tập trung cải tạo phải có các giấy tở sau:

1) Bản tóm tắt lý lịch của đương sự.

2) Những tài liệu, chứng minh hành vi phạm pháp quá khứ và hiện tại của đương sự.

Tài liệu thu thập phải đầy đủ, chính xác.

3) Bản kiến nghị của đoàn thể quần chúng ở cơ sở về đối tượng tập trung cải tạo (nếu có).

4) Công văn của Ủy ban nhân dân huyện và của Công an thành phố đề nghị đưa các đối tượng đi tập trung cải tạo.

Cần ghi rõ thời gian tập trung giáo dục cải tạo kể từ ngày nào. Nếu đề nghị gia hạn tập trung giáo dục cải tạo cũng cần ghi rõ kể từ thời gian nào và lý do xin gia hạn, gia hạn lần thứ mấy.

Điều 9. Ủy ban nhân dân thành phố:

- Xét và quyết định việc tập trung cải tạo cho các đối tượng căn cứ đề nghị của Công an thành phố.

- Xét và quyết định đưa đi tập trung cải tạo những phạm nhân thuộc các đối tượng nêu ở điều 4 đang thi hành án tù và sắp hết hạn tù nhưng chưa chịu cải tạo.

- Xét và quyết định những trường hợp cần gia hạn tập trung cải tạo, rút ngắn thời gian tập trung cải tạo.

- Quyết định việc hoãn hoặc miễn thi hành quyết định tập trung cải tạo trường hợp quy định ở điều 5

Điều 10.

1) Chỉ được bắt các đối tượng đưa đi tập trung cải tạo sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.

Nghiêm cấm việc bắt người đưa đi tập trung cải tạo trước rồi mới tiến hành làm thủ tục hồ sơ hợp thức hóa sau.

2) Trường hợp những người phạm pháp đã bị bắt, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, họ đúng tiêu chuẩn phải đưa đi tập trung cải tạo nhưng không có nơi thường trú ở thành phố, nếu trả tự do có khả năng trốn thì Công an thành phố để lưu trại, báo cho Viện kiểm sát nhân dân biết đồng thời khẩn trương lập thủ tục hồ sơ trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày sau khi có quyết định miễn tố của Viện kiểm sát nhân dân thành phố và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 11.

1) Những người bị coi như phạm pháp hình sự và bị bắt giam nhưng được Viện kiểm sát miễn tố thì phải được trả tự do.

Nếu đương sự thuộc diện phải đưa đi tập trung cải tạo thì cơ quan công an phả tiến hành làm thủ tục để đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định ở điều 7, 8.

Nghiêm cấm việc tiếp tục giam giữ người được Viện kiểm sát nhân dân miễn tố, hoặc căn cứ quyết định miễn tố của Viện kiểm sát nhân dân để xử lý tập trung cải tạo mà không qua thủ tục quy định.

2) Trường hợp đối tượng không nơi cư trú nhất định thì áp dụng theo điều 10, điểm 2.

Trường hợp này, nếu hồ sơ đưa đối tượng đi tập trung cải tạo được Ủy ban nhân dân thành phố duyện thì thời gian tập trung cải tạo được tính từ ngày bị bắt.

Trường hợp hồ sơ không được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt thì phải trả tự do ngay cho đương sự

Điều 12.

Công an quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định đưa đối tượng đi tập trung cải tạo.

Quyết định tập trung cải tạo phải được công bố cho đương sự và gia đình đương sự có sự chứng kiến của đại diện chính quyền cơ sở. Phải giải thích lý do việc đưa đối tượng đi tập trung cải tao cho bản và gia đình đối tượng.

Không được khám xét, thu giữ tài sản của người bị tập trung cải tạo.

Khi có quyết định tập trung cải tạo của Ủy ban nhân dân thành phố, cơ quan công an làm thủ tục cắt hộ khẩu của đương sự và chuyển đến trại cải tạo. Khi đưa đối tượng vào trại cải tạo phải kèm theo hồ sơ và quyết định tập trung cải tạo.

Điều 13. Người bị đưa đi tập trung cải tạo hoặc gia đình thân nhân của đương sự nếu thấy việc xử lý tập trung cải tạo không đúng có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Ủy ban thanh tra hoặc Ủy ban nhân dân thành phố. Đơn khiếu nại của đương sự phải được khẩn trương xét và giải quyết chậm nhất không quá thời hạn 30 ngày.

Trong khi chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đương sự vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định tập trung cải tạo. Việc trả lời đơn khiếu nại được thông báo cho trại cải tạo và đương sự biết thi hành.

Chương IV.

VIỆC RÚT NGẮN VÀ GIA HẠN THỜI GIAN TẬP TRUNG CẢI TẠO

Điều 14. Thời hạn tập trung cải tạo là ba năm (03 năm). Những người hết hạn tập trung cải tạo phải được trả tự do đúng thời hạn.

Căn cứ báo cáo của Ban Giám thị trại cải tạo, Giám đốc Công an ký giấy tha và giới thiệu đương sự về địa phương, đồng thời báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 15.

1) Những trường hợp sau đây được xét cho về trước thời hạn:

- Những người cải tạo tốt: chấp hành tốt nội qui của trại, trong quá trình cải tạo đã lập nhiều thành tích trong lao động sản xuất.

- Người già yếu hoặc đang bệnh nặng.

- Người có hoàn cảnh gia đình khó khăn cần chiếu cố như: vợ, chồng, con cái ốm nặng, chết.

2) Thời hạn tập trung cải tạo có thể kéo dài đối với những đối tượng đặc biệt nguy hiểm, trong quá trình cải tạo không tiến bộ, vi phạm nghiêm trọng nội qui, kỷ luật trại.

Điều 16. Việc rút ngắn hoặc gia hạn thời gian tập trung cải tạo do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định định theo đề nghị của Giám đốc Công an thành phố, căn cứ vào nhận xét của Ban Giám thị trại cải tạo đối với từng trường hợp.

Ban Giám thị trại cải tạo phải tổ chức tốt việc lưu giữ hồ sơ của từng đối tượng, thường xuyên có nhận xét đánh giá kết quả học tập và phân loại từng đối tượng để giải quyết kịp thời thủ tục tha về đúng hạn, rút ngắn hoặc gia hạn thời gian tập trung cải tạo.

Trong mọi trường hợp, nghiêm cấm tiếp tục giữ người bị tập trung cải tạo đã hết hạn tập trung cải tạo nếu không có quyết định gia hạn tập trung cải tạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 17. Trường hợp người tập trung cải tạo học tập tốt, có đủ điều kiện để được tha về (đúng hạn hoặc trước thời hạn), nhưng không biết tha về đâu, không có địa chỉ rõ ràng, không còn gia đình hoặc xét không thể đưa về địa phương cũ vì lý do an ninh trật tự chung thì trước khi có lệnh tha, cơ quan công an cùng các ngành có liên quan xác định nơi cư trú trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định bắt buộc cư trú.

Vấn đề này phải được ngành Công an chuẩn bị trước, cấm không được vì đương sự không có địa chỉ rõ ràng, không nên cho về địa chỉ cũ mà tiếp tục giữ lại trại cải tạo.

Điều 18. Đối với những tên tội phạm hình sự đặc biệc nguy hiểm không có nơi cư trú nhất định, hoạt động lưu động đã bị kết án như: cướp của, tên cầm đầu băng ổ có sử dụng vũ khí, giết người với tình tiết nghiêm trọng đã hết thời hạn ở tù hoặc hết thời hạn tập trung cải tạo vẫn không chịu cải tạo, có những biểu hiện hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức truy tố ra tòa án, nếu tha về sẽ gây nguy hiểm cho an ninh xã hội thì cơ quan công an lập hồ sơ danh sách báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Bộ nội vụ duyệt đưa đi tập trung cải tạo dải hạn theo quyết định số 128/TTg ngày 25-2-1978 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 19. Đối với các đối tượng bị tập trung cải tạo có hành vi phạm tội hình sự ở trại (như: đâm người thành thương tích, giết người, ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa…) hoặc đã phạm tội hình sự trước đây nay mới bị phát hiện thì phải lập hồ sơ truy tố ra tòa án xét xử theo đúng Bộ Luật hình sự, không gia hạn thời gian tập trung cải tạo hoặc đưa đi tập trung cải tạo dài hạn.

Chương V.

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ ĐƯA ĐI TẬP TRUNG CẢI TẠO

Điều 20. Những người được đưa đi tập trung cải tạo không bị coi như những phạm nhân bị án tù và được hưởng một chế độ về lao động, học tập, ăn ở và gởi thư về thăm gia đình, hoặc gia đình đến thăm theo quy định trong Nghị quyết số 49/NQ-TVQH ngày 20-6-1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đồng nhân dânội và thông tư số 121/CP ngày 9-8-1961 của Hội đồng Chính phủ.

Trong thời gian cải tạo, người bị tập trung cải tạo phải tuân theo kỷ luật, qui chế của trại giáo dục cải tạo và không được hưởng một số quyền công dân theo quy định của pháp luật.

Nếu vi phạm kỷ luật của trại thì tùy theo tính chất mức độ của vi phạm nhẹ hay nặng mà bị xử lý theo kỷ luận trại, xét kéo dài thời gian tập trung cải tạo hoặc truy tố ra tòa án xét xử.

Điều 21. Khi hết hạn tập trung cải tạo và được trả tự do, người bị tập trung cải tạo đương nhiên được phục hồi quyền công dân. Địa phương nơi họ được tha về phải giải quyết hộ khẩu cho họ theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và có trách nhiệm giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.

Chương VI.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22.

1) Để bảo đảm thực hiện quy định này, Ủy ban nhân dân quận huyện, phường xã (thông qua công an quận, huyện, phường xã) nắm chắc các đối tượng quy định ở điều 4 trong địa phương mình:

- Chỉ đạo công an phường, xã, quận, huyện làm tốt khâu phân loại và xử lý kịp thời các vụ phạm pháp ở cơ sở theo thông tư 01/TTLN ngày 27-3-1980 của Liên ngành Bộ nội vụ - Viện kiểm sát nhân dân thành phố, tăng cường nhắc nhở, giáo dục xửa phạt hành chánh theo thẩm quyền quy định.

- Điều tra, xác minh lập hồ sơ, danh sách các đối tượng phải đưa đi tập trung cải tạo để đề nghị lên Ủy ban nhân dân thành phố.

- Giúp đỡ tạo điều kiện cho người tập trung cải tạo được tha về ổn định cuộc sống.

2) Công an thành phố có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ cho công an các cấp trong công tác sưu tra, thu thập hồ sơ từng đối tượng trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp xét.

Công an thành phố chịu trách nhiệm sưu tra tập hợp nghiên cứu, xác minh… các đề nghị đưa đi tập trung cải tạo của quận huyện và các đơn vị trực thuộc trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét.

Bảo đảm chất lượng hồ sơ và thủ tục quy định.

Giám đốc Công an thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra đôn đốc công an các cấp thực hiện bản quy định này và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về công tác xử lý tập trung cải tạo ; Thường xuyên phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thành phố trong xét duyệt xử lý tập trung cải tạo và tiến hành kiểm tra, kiểm soát các trại cải tạo.

3) Ban Giám thị trại cải tạo chịu trách nhiêm tổ chức quản lý giáo dục cải tạo các đối tượng theo đúng các quy định của Nhà nước tổ chức quản lý tốt việc theo dõi nhận xét quá trình học tập của các đối tượng làm cơ sở cho việc xét rút ngắn hoặc kéo dài thời hạn tập trung cải tạo đúng chính sách, đúng pháp luật.

Điều 23. Những người có trách nhiệm thi hành quy định về công tác xử lý tập trung cải tạo, nếu vi phạm một hoặc các trường hợp sau đây tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị thi hành kỷ luật hành chánh theo Nghị định số 217/CP ngày 8-6-1979 của Hội đồng Chính phủ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

1) Vì cảm tình, nể nang hoặc nhận hối lộ, che chở cho các đối tượng quy định ở điều 4 không bị xử lý tập trung cải tạo.

2) Vì thành kiến cá nhân hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý đề nghị sai đối tượng bị đưa đi tập trung cải tạo, hoặc nhận xét sai về kết quả lao động, học tập cải tạo dẫn đến chỗ kéo dài thời hạn tâp trung cải tạo không đúng chế độ quy định.

3) Đưa đối tượng đi tập trung cải tạo mà không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, hoặc tiếp tục giữ người bị tập trung cải tạo quá thời hạn không đúng chế độ quy định.

Điều 24. Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra công an quận, huyện thực hiện quy định này, và kịp thơi uốn nắn sửa chữa lệch lạc của cán bộ công nhân viên, đảm bảo đề nghị tập trung cải tạo chính xác, đúng đối tượng và đúng thủ tục quy định.

Điều 25. Sở Tư pháp thành phố phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân thành phố theo dõi việc thực hiện quy định này, kịp thời báo cáo và kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố những vấn đề cần uốn nắn, sửa đổi, bổ sung.