cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 668-BNgT/TCCB ngày 29/12/1986 Quy định trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng xuất khẩu và sự hoạt động của bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 668-BNgT/TCCB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Ngoại thương
  • Ngày ban hành: 29-12-1986
  • Ngày có hiệu lực: 29-12-1986
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-05-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4877 ngày (13 năm 4 tháng 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-05-2000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-05-2000, Quyết định số 668-BNgT/TCCB ngày 29/12/1986 Quy định trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng xuất khẩu và sự hoạt động của bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 669/2000/QĐ-BTM ngày 21/04/2000 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ NGOẠI THƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 668-BNgT/TCCB

Hà Nội , ngày 29 tháng 12 năm 1986

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG HÀNG XUẤT KHẨU VÀ SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHẬN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HÀNG XUẤT KHẨU ĐỊA PHƯƠNG.

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 231-CP ngày 21-6-1979 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại thương;
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Kiểm nghiệm hàng hoá xuất nhập khẩu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng xuất khẩu và sự hoạt động của bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương.

Điều 2.- Quy định này được áp dụng trong phạm vi các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu thuộc các địa phương và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Điều 3.- Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, các Giám đốc tổ chức sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu địa phương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

Cục trưởng Cục Kiểm nghiệm hàng hoá xuất nhập khẩu có nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi và thực hiện quy định này.

 

 

Đoàn Duy Thành

(Đã Ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG HÀNG XUẤT KHẨU VÀ SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHÂN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HÀNG XUẤT KHẨU ĐỊA PHƯƠNG.
(ban hành kèm theo Quyết định số 668-BNgT/TCCB ngày 29-12-1986 của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương).

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hàng xuất khẩu của các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu địa phương phải được bảo đảm về chất lượng trong quá trình sản xuất và kinh doanh theo đúng các quy định của Nhà nước và theo bản Quy định này.

Hàng xuất khẩu của các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu địa phương nói trên bao gồm hàng xuất khẩu trong và ngoài chỉ tiêu pháp lệnh Trung ương giao cho địa phương.

Điều 2. Hàng xuất khẩu của các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu địa phương phải được bộ phận kiểm tra chất lượng của tổ chức sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu địa phương (dưới đây gọi tắt là bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương) kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng.

Điều 3. Trước khi xuất khẩu, hàng xuất khẩu đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng phải được Cục Kiểm nghiệm hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc Bộ Ngoại thương (dưới đây gọi tắt là Cục kiểm nghiệm) kiểm tra hoặc thanh tra và xác nhận cấp chứng nhận chất lượng theo chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại thương.

Điều 4. Căn cứ để bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương và Cục kiểm nghiệm kiểm tra, thanh tra, cấp giấy chứng nhận và xác nhận cấp chứng nhận chất lượng hàng xuất khẩu theo chức năng của mình là những thoả thuận về chất lượng giữa người mua người bán được quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu trong hợp đồng kinh tế có liên quan trên cơ sở quy định của tiêu chuẩn (tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn cơ sở) hoặc theo yêu cầu về tiêu chuẩn của người mua phù hợp với hợp đồng mua bán ngoại thương đã được ký kết.

Điều 5. Tổ chức sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu địa phương chịu trách nhiệm hành chính trước cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên và bồi thường vật chất cho tổ chức mà mình ký kết hợp đồng trong những trường hợp do lỗi của mình không thực hiện đúng cam kết về chất lượng hàng xuất khẩu (khi có khiếu nại về phẩm chất).

Điều 6. Các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu địa phương tổ chức bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương phù hợp với cơ chế tổ chức của mình, bảo đảm các lô hàng xuất khẩu đều được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng theo chức năng quản lý sản xuất kinh doanh.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ PHẬN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HÀNG XUẤT KHẨU ĐỊA PHƯƠNG

Điều 7. Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hàng xuất khẩu của địa phương, bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương có trách nhiệm cụ thể sau:

7.1. Tiến hành kiểm tra nguyên vật liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu, theo dõi và kiểm tra quy trình xản xuất, chế biến, đóng gói, bao bì, ký mã hiệu và quá trình vận chuyển, bảo quản hàng hoá trong phạm vi sản xuất kinh doanh của mình một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác theo đúng các quy trình kỹ thuật và công nghệ về bảo đảm chất lượng.

7.2. Sau khi kiểm tra, nếu các lô hàng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn chất lượng như đã quy định thì cấp giấy chứng nhận chất lượng.

7.3. Trường hợp sau khi kiểm tra, nếu các lô hàng xuất khẩu không đủ tiêu chuẩn chất lượng thì không cấp giấy chứng nhận chất lượng và báo cáo với giám đốc để xem xét và giải quyết, đồng thời có quyền đưa ra các biện pháp để tạo điều kiện cho các bộ phận hữu quan khắc phục những thiếu sót nhằm bảo đảm chất lượng hàng xuất khẩu.

7.4. Cùng với cơ sở tạo điều kiện giúp đỡ bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương cấp trên và cán bộ Cục Kiểm nghiệm thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra và xác nhận cấp giấy chứng nhận chất lượng như cung cấp các tài liệu kỹ thuật có liên quan đến sản xuất hàng xuất khẩu và các phương tiện cần thiết khác cho kiểm tra.

7.5. Theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ kiểm tra và hướng dẫn sự hoạt động của các tổ thu hoá trong đơn vị cũng như chịu sự giúp đỡ, bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ của Cục Kiểm nghiệm.

7.6. Bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu của các chi nhánh Tổng công ty đóng tại các cảng khẩu không được phép kiểm tra lại các lô hàng xuất khẩu đã được Cục Kiểm nghiệm xác nhận cấp giấy chứng nhận chất lượng trong thời hạn quy định. Trong những trường hợp phát hiện nghi vấn hàng bị đánh tráo, hàng không nguyên đai nguyên kiện, hàng nghi không bảo đảm phẩm chất, phải báo cáo cho bộ phận gần nhất của Cục Kểm nghiệm để cùng xem xét và giải quyết.

7.7. Bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình nếu có ý kiến mà không được sự nhất trí của giám đốc đơn vị thì có quyền báo cáo lên bộ phận kiểm tra chất lượng cấp trên và Cục Kiểm nghiệm để giải quyết.

7.8. Việc đề bạt, kỷ luật và thuyên chuyển trưởng bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương phải được sự nhất trí của Cục Kiểm nghiệm.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Bộ phận kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu địa phương chịu sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc tổ chức kinh doanh hàng xuất khẩu địa phương; đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của Cục Kiểm nghiệm.

Điều 9.  Các hành vi vi phạm bản Quy định này tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật của Nhà nước.

Điều 10. Trong quá trình thi hành, nếu gặp mắc mứu khó khăn gì cần phản ánh về Cục Kiểm nghiệm (Bộ Ngoại thương) để nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.