Quyết định số 192/QĐ-UB ngày 02/12/1986 Quy định về tổ chức, quản lý và vận dụng một số chế độ chánh sách khuyến khích sản xuất đối với khu vực kinh tế tập thể tiểu công nghiệp-thủ công nghiệp thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 192/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 02-12-1986
- Ngày có hiệu lực: 02-12-1986
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 12-04-1990
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1227 ngày (3 năm 4 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 12-04-1990
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 192/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 12 năm 1986 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ VẬN DỤNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHÁNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT ĐỐI VỚI KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ TIỂU CÔNG NGHIỆP – THỦ CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983 ;
- Căn cứ Nghị quyết (dự thảo) số 306/BCT ngày 08-4-1986 của Bộ chánh trị về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở ;
- Căn cứ vào quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành các bản quy định tạm thời về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở ;
- Xét đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố và đồng chí Trưởng ban chỉ đạo cải tạo thành phố.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về tổ chức, quản lý và vận dụng một số chế độ chánh sách khuyến khích sản xuất đối với khu vực kinh tế tập thể TCN-TCN thành phố.
Điều 2: Liên hiệp xã thành phố, Sở Công nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận huyện và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những điều quy định trước đây trái với bản quy định kèm theo quyết định này nay hủy bỏ.
Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ VẬN DỤNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHÁNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT ĐỐI VỚI KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ TCN – TCN THÀNH PHỐ
(kèm theo Quyết định số 192/QĐ-UB ngày 02-12-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Nhằm mục đích thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể TCN – TCN thành phố phát triển sản xuất mạnh mẽ theo hướng “Tiểu công nghiệp hiện đại, thủ công nghiệp tinh xảo” để cùng với kinh tế quốc doanh và các thành phần kinh tế khác phát triển sản xuất theo một cơ cấu kinh tế hợp lý, phục vụ yêu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng càng cao, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, giải quyết việc làm và ổn định đời sống nhân dân lao động; Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc tổ chức quản lý và vận dụng một số chế độ, chánh sách khuyến khích như sau:
I. VỀ TỔ CHỨC KINH TẾ TẬP THỂ TCN – TCN:
Điều 1: Để phát huy vai trò và vị trí của khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã và Tổ hợp tác sản xuất phải được củng cố và phát triển đúng hướng.
a) Đối với Hợp tác xã: Hợp tác xã TCN – TCN là thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, là lực lượng nòng cốt của kinh tế tập thể được tổ chức và quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật để cùng với kinh tế quốc doanh chiếm vị trí chủ lực trong nền kinh tế quốc dân.
Hợp tác xã là đơn vị kinh tế cơ sở của nền kinh tế quốc dân, hạch toán kinh tế độc lập, tự chủ về tài chánh, thực hiện nguyên tắc quản lý kinh tế kinh doanh xã hội chủ nghĩa, bình đẳng với các đơn vị kinh tế của Nhà nước và cùng với kinh tế quốc doanh tiến lên chủ nghĩa xã hội.
1. Đối với Hợp tác xã bậc vừa: phải có các tiêu chuẩn cơ bản sau đây:
- Tổ chức sản xuất tập thể, xã viên hưởng thụ theo lao động.
- Tư liệu sản xuất chủ yếu được tập thể hóa (cổ phần góp vào Hợp tác xã còn là của riêng của xã viên)
- Phân phối thu nhập và chia lãi cổ phần đúng chánh sách.
2. Đối với Hợp tác xã bậc cao: phải có thêm các điều kiện:
- Tư liệu sản xuất và tài sản hoàn toàn thuộc sở hữu tập thể.
- Không thực hiện chia lãi cổ phần.
b) Đối với các tổ hợp tác sản xuất: Tổ hợp tác sản xuất là tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa ở trình độ thấp, hoạt động theo quy mô nhỏ, tư liệu sản xuất và tiền vốn do tổ viên đóng góp, cùng sản xuất tập thể (không thuê mướn nhân công sản xuất chính) và cùng hưởng thụ theo lao động.
Đối với các tổ hợp tác sản xuất có đủ tiêu chuẩn như Hợp tác xã theo điều 1 được coi như Hợp tác xã bậc vừa. Tùy theo tình hình khi đủ điều kiện, được tổ chức thành hợp tác xã.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN:
Điều 2: Hướng phát triển của khu vực kinh tế tập thể bao gồm Hợp tác sản xuất (dưới đây gọi chung là hợp tác xã) như sau:
1. Trong việc củng cố quan hệ sản xuất mới, phải chọn bước đi thích hợp giữa các hình thức (tổ hợp tác sản xuất, Hợp tác xã bậc vừa, hợp tác xã bậc cao) nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, nâng cao mức sống của người lao động không gò ép.
2. Kinh tế tập thể phải được xây dựng cùng kinh tế quốc doanh ngày càng vững mạnh, làm cho kinh tế xã hội chủ nghĩa chiếm ưu thế và phát huy tính hơn hẳn đối với các thành phần kinh tế khác, trước mắt không đưa hợp tác xã lên quốc doanh.
3. Không đưa Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác sản xuất đang hoạt động đúng theo điều lệ vào các tổ chức xí nghiệp hợp doanh, xí nghiệp tự túc hoặc xí nghiệp đời sống.
4. Hợp tác xã phải tạo cho mình hướng sản xuất tương đối ổn định, phát triển sản xuất với hiệu quả kinh tế toàn diện.
5. Hợp tác xã được phép sản xuất kinh doanh tất cả các ngành nghề ngoài các ngành nghề mà Nhà nước độc quyền sản xuất kinh doanh như: rượu, thuốc lá, tân dược, in ấn… và một số sản phẩm theo quy hoạch ngành quy định riêng cho xí nghiệp quốc doanh.
6. Hợp tác xã tham gia vào các nhóm sản phẩm ngành kinh tế kỹ thuật làm vệ tinh cho xí nghiệp quốc doanh theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng và cùng có lợi.
Đối với những ngành nghề không có tổ chức xí nghiệp quốc doanh. Hợp tác xã đầu đàn là đơn vị chủ đạo, làm chủ nhóm sản phẩm.
III. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHÁNH SÁCH, KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT ĐỐI VỚI KINH TẾ TẬP THỂ:
Điều 3: Về quyền lợi và nghĩa vụ của xã viên Hợp tác xã:
Ngoài các quyền lợi và nghĩa vụ như điều lệ Hợp tác xã đã quy định, xã viên Hợp tác xã được hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ sau đây:
1. Được đào tạo bồi dưỡng văn hóa, chánh trị, chuyên môn nghiệp vụ, kể cả việc gởi đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn tại các trường, lớp Nhà nước theo chế độ hiện hành áp dụng cho khu vực quốc doanh. Đối với Hợp tác xã bậc cao, con của xã viên được đào tạo, bồi dưỡng như đối với con của cán bộ công nhân viên chức Nhà nước.
2. Được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như hưu trí, tai nạn lao động, mất sức lao động, trợ cấp mai táng theo chế độ hiện hành áp dụng cho công nhân viên chức Nhà nuớc, do quỹ Bảo hiểm xã hội của Liên hiệp xã thành phố đài thọ.
3. Đối với các Hợp tác xã có trích nộp y tế phí cho ngành y tế thì xã viên được lập sổ khám bệnh, khám và điều trị theo các tuyến như công nhân viên chức Nhà nước.
4. Xã viên Hợp tác xã được cơ quan lương thực quận huyện bán theo tiêu chuẩn định lượng lương thực như công nhân viên chức quốc doanh cùng ngành nghề.
5. Hợp tác xã phải làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và chịu sự quản lý hành chánh kinh tế của các cơ quan chức năng Nhà nước (quận, huyện hoặc phường xã) và chịu sự chỉ đạo về một đầu mối cấp trên trực tiếp là Liên hiệp xã quận huyện. Các cơ quan khác phối hợp hướng dẫn.
6. Hợp tác xã được chủ động khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm thường xuyên và tổ chức tốt đời sống vật chất văn hóa cho xã viên thu hút thêm lao động xã hội vào sản xuất.
7. Hợp tác xã phải quan tâm đầy đủ đến việc giáo dục xã hội chủ nghĩa, tổ chức xây dựng cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng, thực hiện tốt chánh sách đối với nữ xã viên.
8. Xã viên Hợp tác xã có nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa như công nhân viên quốc doanh.
Điều 4: Về tài sản của Hợp tác xã:
1. Tài sản của Hợp tác xã là tài sản xã hội chủ nghĩa thuộc quyền sở hữu tập thể của xã viên được pháp luật Nhà nước bảo vệ không ai được sử dụng làm của riêng.
2. Cổ phần nghĩa vụ và ngoài nghĩa vụ của xã viên đóng góp vào Hợp tác xã, không hạn chế Hợp tác xã phải bảo đảm cho việc phân phối theo lao động từ hiệu quả sản xuất kinh doanh được khuyến khích cao hơn lãi cổ phần.
3. Hợp tác xã được nhận cổ phần tham gia của tư nhân hoặc tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài qua các phương thức góp vốn, vật tư, đầu tư thiết bị… để hiện đại hóa dây chuyền công nghệ và nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả.
4. Đối với những tài sản cố định không sử dụng hết, Hợp tác xã có quyền cho thuê hoặc nhượng cho cơ sở sản xuất khác (ưu tiên cho khu vực tập thể), khoản tiền đó được nộp vào quỹ tích lũy của Hợp tác xã.
5. Đối với tài sản vắng chủ kể cả tài sản Nhà nước tạm giao và tài sản của xã viên vắng mặt chưa hóa giá mà Hợp tác xã đang sử dụng sẽ được xem xét xử lý theo hướng trả lại quốc doanh hoặc được Nhà nước bán hóa giá để đưa vào tài sản của tập thể.
Điều 5: Về kế hoạch hóa và hợp đồng kinh tế.
a) Về kế hoạch hóa: Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch Nhà nước với sự hướng dẫn của cấp trên trực tiếp, Hợp tác xã được chủ động tìm nhu cầu thị trường và quyết định phương hướng, quy mô sản xuất, tổ chức quản lý, tự xây dựng kế hoạch toàn diện cho mình theo hướng ưu tiên cho những mục tiêu của kế hoạch Nhà nước.
Nhà nước thực hiện kế hoạch hóa đối với Hợp tác xã chủ yếu bằng hình thức bán nguyên liệu mua thành phẩm thông qua hợp đồng kinh tế và các chánh sách kinh tế.
b) Về hợp đồng kinh tế: Hợp tác xã được bình đẳng trước pháp luật trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế và được tiến hành theo quy định sau đây:
1. Hợp đồng kinh tế, hợp tác xã ký kết cới các đơn vị kinh tế trong thành phố thì không phải qua thủ tục xét duyệt nhưng phải gởi đến các cơ quan quản lý theo quy định chung để hướng dẫn, kiểm tra. Sau thời gian không quá 3 ngày, nếu các cơ quan hữu quan không có ý kiến gì thì hợp đồng có giá trị thực hiện.
2. Hợp đồng kinh tế, Hợp tác xã ký kết với các đơn vị kinh tế ngoài địa bàn thành phố (trung ương, tỉnh, thành phố bạn…) phải được Ủy ban nhân dân quận, huyện xét duyệt và gởi đến các cơ quan có liên quan đồng thời gởi cho Ủy ban kế hoạch thành phố và Trọng tài kinh tế thành phố để theo dõi. Thời gian xét duyệt hợp đồng không quá 3 ngày.
3. Việc gởi hợp đồng cho các cơ quan quản lý được coi là kỷ luật phải tuân thủ. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý.
4. Khi vận chuyển hàng ra khỏi thành phố, đối với các hợp đồng mua nguyên liệu bán thành phẩm, gia công hoặc trao đổi 2 chiều, phải có hợp đồng kinh tế được duyệt và hóa đơn hợp lệ; Đối với các hợp đồng mua bán phải theo các quy định hiện hành.
Điều 6: Về vật tư
1. Hợp tác xã được góp vốn hoặc thông qua kiều hối nhờ các tổ chức xuất nhập khẩu nhập thiết bị vật tư, được vận động thân nhân nước ngoài gởi thiết bị, vật tư cho sản xuất, không hạn chế số lượng và số lần gởi.
2. Theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh và hợp đồng đã ký với các đơn vị kinh tế quốc doanh, căn cứ vào định mức vật tư được duyệt, Hợp tác xã được ký hợp đồng mua vật tư với các tổ chức kinh doanh vật tư như xí nghiệp quốc doanh.
3. Được xét định mức điện ưu tiên hơn các hộ cá thể. Theo định mức điện hàng tháng có thể xin điều chỉnh lên xuống quan Ban quản lý phân phối điện quận huyện trong phạm vi định mức cả năm.
4. Được mua lại của cơ quan, xí nghiệp quốc doanh những thiết bị vật tư dư thừa, ứ đọng, kém phẩm chất, phế liệu theo quy định của Nhà nước.
- Được chủ động khai thác vật tư thông qua liên doanh liên kết và hợp đồng trao đổi sản phẩm lấy hàng đối lưu để tạo nguồn vật tư cho sản xuất của Hợp tác xã.
5. Đối với một số vật tư chuyên ngành để sản xuất sản phẩm theo hợp đồng kinh tế với Nhà nước, Hợp tác xã được cấp thẳng theo chỉ tiêu kế hoạch như các đơn vị kinh tế quốc doanh.
6. Sử dụng vật tư Nhà nước quản lý dưới định mức hoặc sử dụng vật tư trong nước thay vật tư nhập khẩu, hợp tác xã được thưởng như xí nghiệp quốc doanh.
7. Được nhận vật tư thiết bị của các tổ chức viện trợ nhân đạo, tổ chức quốc tế, tổ chức Việt kiều nước ngoài để phát triển sản xuất theo quy định chung của thành phố.
Điều 7: Về tiêu thụ và xuất nhập khẩu:
1. Hợp tác xã được chủ động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình, những sản phẩm ngoài chỉ tiêu ký hợp đồng với Nhà nước; Hợp tác xã được tổ chức tiêu thụ theo giá thỏa thuận, sản phẩm tự cân đối hợp tác xã được giữ lại một phần để đối lưu vật tư cho sản xuất như xí nghiệp quốc doanh cùng ngành nghề.
Sản phẩm theo hợp đồng ký với Nhà nước, Hợp tác xã phải giao đúng theo hợp đồng.
Sản phẩm Nhà nước không mua hoặc không mua hết hợp tác xã được phép tổ chức tiêu thụ.
2. Hợp tác xã được Nhà nước khuyến khích tìm thị trường nước ngoài, được cử người đi tham quan nghiên cứu thị trường nước ngoài bằng nguồn vốn tự có theo quy định của Nhà nước để mở rộng thị trường xuất khẩu.
3. Thực hiện thí điểm ở Hợp tác xã bậc cao về quyền sử dụng ngoại tệ do xuất sản phẩm, để mua thiết bị vật tư cho sản xuất.
Điều 8: Về giá
a) Giá sản phẩm:
1. Sản phẩm mà nhà nước cân đối vật tư và có quy định giá, Hợp tác xã sản xuất ký hợp đồng theo giá quy định.
2. Sản phẩm Nhà nước không cân đối vật tư nhưng có quy định khung giá, thì ký hợp đồng theo giá thỏa thuận trong khung giá, không phải duyệt giá nhưng phải đăng ký giá.
3. Sản phẩm do Hợp tác xã tự cân đối vật tư, không có khung giá thì hợp đồng theo nguyên tác “thuận mua vừa bán” có đăng ký giá với cơ quan quản lý giá địa phương và bán theo giá đăng ký.
4. Sản phẩm mới chế thử, bán ra có tính chất thăm dò thị trường, Nhà nước không quy định giá, nhưng Hợp tác xã phải đăng ký giá với cơ quan quản lý giá địa phương và bán theo giá đăng ký.
b) Tiền công và phụ cấp
1. Tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp của xã viên được tính tương đương với tiền lương và phụ cấp lương của công nhân quốc doanh địa phương cùng ngành nghề để làm căn cứ cho việc tính các định mức…
Hợp tác xã được vận dụng các hình thức trả công cho xã viên theo nguyên tắc phân phối theo lao động trên cơ sở mở rộng và hoàn thiện phương pháp khoán sản phẩm.
2. Sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật – mỹ thuật cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhà nước, sản phẩm xuất khẩu được tính tiền công cao hơn so với các sản phẩm bình thường.
3. Đối với sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm tinh xảo có giá trị cao, sản phẩm chất lượng cao, phần lãi định mức được tính cao hơn sản phẩm xuất khẩu được hưởng chánh sách trợ giá.
4. Sản phẩm được cấp dấu chất lượng cấp Nhà nước, sản phẩm là nguyên liệu, sản phẩm thay thế hàng nhập (được công nhận), sản phẩm xuất khẩu được hưởng chánh sách trợ giá.
Điều 9: Về thuế:
1. Thực hiện đúng đắn chánh sách, giảm thuế miễn thuế đối với kinh tế tập thể theo điều lệ thuế công thương nghiệp.
2. Miễn thuế lợi tức từ 1 – 2 năm đối với sản phẩm sản xuất do thiết bị mới nhập qua thân nhân nước ngoài, sản phẩm mới, sản phẩm thay hàng nhập, sản phẩm là nguyên liệu cho các ngành sản xuất vật chất mà nguồn nguyên liệu ban đầu chủ yếu là khai thác tài nguyên trong nước, sản phẩm sản xuất bằng nguyên vật liệu trong nước thay nguyên vật liệu nhập, hợp tác xã có đầu tư thêm trang thiết bị Nhà xưởng mở rộng sản xuất bằng nguồn vốn trong nước hoặc nhập của nước ngoài, và hợp tác xã mới thành lập có nhiều khó khăn.
Miễn các loại thuế trong thời gian sản xuất thử.
3. Miễn giảm thuế từ 6 tháng đến 1 năm đối với sản phẩm xuất khẩu và Hợp tác xã tự tìm thị trường.
4. Miễn, giảm thuế vật tư nhập do thân nhân ở nước ngoài gởi về. Thiết bị hiện đại, vật tư quý hiếm nhập khẩu lần đầu được miễn thuế.
5. Miễn, thuế lợi tức đối với Hợp tác xã gia công hàng xuất khẩu cho Nhà nước có khó khăn.
6. Tính thuế lợi tức dứt điểm cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất theo thời điểm quyết toán của cơ sở, tránh tạm thu, truy thu.
7. Đối với các trường hợp phải thu thuế hàng hóa hoặc thuế buôn chuyến (kể cả trường hợp vật tư mà Hợp tác xã mua để sản xuất), Chi cục thuế thành phố cùng với Liên hiệp xã thành phố hướng dẫn cụ thể.
Điều 10: Về tín dụng, ngân hàng:
1. Các hợp tác xã có vốn tự có, theo quy định là 50% đối với vốn lưu động và 30% đối với vốn cố định, được Ngân hàng Nhà nước cho vay để đủ vốn sản xuất hoặc bổ sung thêm thiết bị để cải tiến kỹ thuật hiện hại hóa thiết bị, mở rộng sản xuất. Trường hợp hợp tác xã chưa đủ vốn tự có theo quy định, Ngân hàng có thể cho vay nhưng Hợp tác phải có kế hoặc tăng nguồn vốn tư có hoặc tăng vốn tích lủy hằng năm tương ứng trong thời gian 1 năm đối với vốn lưu động và 2 năm đối với vốn cố định.
2. Các hợp tác xã có quan hệ hợp đồng hoặc có liên doanh liên kết kinh tế với Nhà nước hoặc ưu tiên cho vay và rút tiền mặt ở ngân hàng.
3. Các hợp tác xã có trình độ kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế tốt. Ngân hàng có thể cho vay trong và ngoài kế hoạch như xí nghiệp quốc doanh.
4. Hợp tác xã được sử dụng linh hoạt các quỹ gởi Ngân hàng chưa dùng đến trong một thời gian nhất định, nếu không gây ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng từng loại quỹ và hoàn trả lại cho các quỹ sau mỗi kỳ quyết toán.
5. Hợp tác xã được quyền huy động tiền mặt theo lãi suất thống nhất và được giữ lại quỹ để sử dụng theo thỏa thuận với Ngân hàng.
6. Các hợp tác xã có tín nhiệm được sử dụng séc chuyển khoản để thanh toán với các cơ quan Nhà nước và giữa các Hợp tác xã trong thành phố được sử dụng séc thanh toán với các đơn vị ngoài thành phố theo sự chỉ định của Ngân hàng.
Hợp tác xã được cùng khách hàng chọn phương thức thanh toán, theo hướng của Ngân hàng.
Điều 11: Về lao động và đào tạo:
1. Hợp tác xã được phép thu nhận thêm lao động phụ thường xuyên theo điều lệ.
Nếu có nhiệm vụ kế hoạch đột xuất được Nhà nước giao hoặc sản xuất theo thời vụ thì được thu nhận thêm lao động ngoài tỷ lệ quy định của điều lệ nhưng không kéo dài quá thời gian thời vụ.
2. Cán bộ quản lý kỹ thuật nghiệp vụ do Nhà nước điều động về làm việc ở Hợp tác xã được giữ nguyên các chánh sách, chế độ công nhân viên chức Nhà nước.
Điều 12: Về khoa học kỹ thuật
1. Đối với việc quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, những sản phẩm đã có tiêu chuẩn Nhà nước hoặc tiêu chuẩn ngành, Hợp tác xã phải thực hiện tiêu chuẩn đó, những sản phẩm chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, Hợp tác xã phải xây dựng tiêu chuẫn, cơ quan quản lý ngành kinh tế kỹ thuật hay cơ quan cấp trên trực tiếp xét duyệt để thực hiện.
2. Sản phẩm của Hợp tác xã đưa ra tiêu thụ phải ghi rõ phẩm cấp, có bảo hành và có nhãn hiệu.
3. Hợp tác xã được chuyển nhượng hoặc mua sáng chế phát minh, bí quyết kỹ thuật, sở hữu công nghiệp như xí nghiệp quốc doanh.
4. Công nghiệp quốc doanh với vai trò chủ đạo của mình có trách nhiệm hướng dẫn Hợp tác xã về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin khoa học và ứng dụng công nghệ mới, thiết kế sản phẩm mới, định mức tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, chuyển nhượng cho Hợp tác xã thiết bị, dụng cụ khi có điều kiện, giúp hợp tác xã đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại để cùng với công nghiệp quốc doanh giữ vị trí chủ lực của nền kinh tế quốc dân.
Điều 13: Về phân phối thu nhập
1. Đối với việc đóng góp tài chánh: sau khi làm nghĩa vụ thuế, ngoài việc đóng góp kinh phí, quỹ công ích ngành theo điều lệ và các khoản đóng góp theo quy định chung, Hợp tác xã và Tổ hợp tác sản xuất không phải đóng góp thêm một khoản kinh phí nào khác, trường hợp đóng góp có tính chất xã hội như xây dựng phúc lợi công cộng, cứu trợ… theo tự nguyện.
2. Việc phân phối thu nhập phải quán triệt nguyên tác phân phối theo lao động; đồng thời tăng dân các quỹ không chia nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, tăng cường sở hữu tập thể xã hội chủ nghĩa và phúc lợi tập thể cải thiện đời sống xã viên.
Hợp tác xã được chủ động sử dụng linh hoạt các quỹ đó và điều hòa hợp lý giữa các quỹ thông qua Đại hội xã viên và theo tỷ lệ hướng dẫn của Liên hiệp xã cấp trên.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Điều 14: Liên hiệp xã thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp cùng Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện bản quy định này.
Các cơ quan sau đây hướng dẫn một số nội dung cụ thể:
- Công ty vật tư tổng hợp hướng dẫn việc mua bán vật tư phế liệu.
- Sở Điện lực hướng dẫn cụ thể về cung cấp điện cho khu vực kinh tế tập thể.
- Liên hiệp xã thành phố cùng Công ty xuất nhập khẩu thành phố, Công ty Thủ công Mỹ nghệ xuất khẩu và các cơ quan có liên quan hướng dẫn về huy động vốn trong nước và ngoài nước nhập vật tư kỹ thuật để đổi mới trang thiết bị và phát triển sản xuất.
- Sở Tài chánh và Hải quan thành phố hướng dẫn việc thủ tục hải quan, thu thuế, miễn giảm thuế.
- Sở Lao động và Ủy ban Vật giá hướng dẫn về tiền công, giá gia công, xây dựng và đăng ký phương án giá.
- Ngân hàng thành phố hướng dẫn về tín dụng.
- Sở y tế hướng dẫn về kinh phí nộp cho ngành để chữa trị tại Bệnh viện.
- Sở Thương nghiệp và Trọng tài kinh tế TP hướng dẫn về hợp đồng kinh tế và mua bán sản phẩm khác.
Điều 15:
Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các điều quy định trong các văn bản trước đây trái với quy định này nay hủy bỏ.
ỦY BAN NHÂN DÂN TP. HỒ CHÍ MINH