cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 51/CT-UB ngày 26/10/1993 Về việc thực hiện quản lý dân số và lao động bằng hệ thống máy tính do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 51/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 26-10-1993
  • Ngày có hiệu lực: 26-10-1993
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1875 ngày (5 năm 1 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 51/CT-UB ngày 26/10/1993 Về việc thực hiện quản lý dân số và lao động bằng hệ thống máy tính do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 51/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 10 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUẢN LÝ DÂN SỐ VÀ LAO ĐỘNG BẰNG HỆ THỐNG MÁY TÍNH.

Thành phố Hồ Chí Minh có số dân đông nhất so với các tỉnh và thành phố khác trong cả nước. Trong những năm qua, thành phố đã phấn đấu hạ thấp dần tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, nhưng , với vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa, đầu mối giao lưu quốc tế, thành phố thường xuyên phải chịu sức ép tăng dân số cơ học và hết sức khó khăn về giải quyết việc làm cho người lao động.

Công tác quản lý hộ khẩu, quản lý lao động, thống kê dân số, giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp ở thành phố trong những năm qua tuy có đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, nhưng còn ở mức thấp, do trình độ tổ chức, nghiệp vụ và phương tiện quản lý chưa khoa học và hiện đại.

Để nâng cao trình độ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực dân số, lao động và giải quyết việc làm, ngày 15/10/1993 Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã duyệt đề án “Tổ chức quản lý nhân hộ khẩu và lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bằng hệ thống máy tính”. Mục tiêu của đề án là:

- Thông qua đợt đổi sổ hộ khẩu gia đình tiến hành theo quyết định 1074/QĐ-UB ngày 13/7/1993 của Ủy ban nhân dân thành phố, tổ chức một hệ thống quản lý thống nhất toàn bộ dân cư đang thực tế cư trú trên địa bàn thành phố (bao gồm toàn bộ nhân khẩu đã được đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng thực tế cư trú trên địa bàn thành phố) nhằm quản lý dân số và lao động ở các cấp từ phường, xã đến thành phố, tổ chức cơ sở dữ liệu thông tin ban đầu trên hệ thống máy tính điện tử để quản lý từng người với các chỉ tiêu cần thiết.

- Xây dựng quy trình và cập nhật thường xuyên theo từng địa bàn mọi biến động về dân số (sinh tử, đi đến, kết hôn, ly hôn…), những biến động về lực lượng lao động, về tình trạng thất nghiệp.

- Xây dựng các hệ thống chương trình khai thác số liệu, cung cấp truyền đưa thông tin về dân số lao động, phục vụ cho mọi yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ cho yêu cầu nghiên cứu kinh tế - xã hội, công tác kế hoạch hóa dân số và các chương trình xã hội khác.

Đây là một đề án quy mô lớn và hết sức phức tạp về tổ chức chỉ đạo cũng như về kỹ thuật nghiệp vụ tin học, đòi hỏi phải tổ chức có hệ thống và đồng bộ, có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở phường, xã.

Để đảm bảo thực hiện tốt đề án trên đây, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1/ Giám đốc Công an thành phố, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Cục Thống kê – trung tâm Máy tính thống kê, Ủy ban Kế hoạch thành phố và Sở Tài chánh thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức chỉ đạo thực hiện đề án này, bắt đầu từ việc thực hiện quyết định 1074/QĐ-UB ngày 13/7/1993 về việc kiểm tra và đổi sổ hộ khẩu gia đình.

Sở Tư pháp thành phố có trách nhiệm phối hợp với Công an thành phố, Cục Thống kê – Trung tâm máy tính thống kê xây dựng chế độ ghi chép, truyền đưa thông tin thường xuyên về sinh, tử, kết hôn, ly hôn và chỉ đạo hệ thống tư pháp phường, xã, quận, huyện thực hiện chế độ cập nhật thường xuyên.

2/ Cục Thống kê – Trung tâm Máy tính thống kê cùng với Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Công an thành phố xây dựng chế độ cập nhật thông tin thường xuyên các biến động cơ học về di chuyển, đi đến, tình trạng lao động cần giải quyết việc làm, thực hiện chế độ định kỳ kiểm tra, bổ sung hiệu chỉnh thông tin về dân số, lao động; đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát khu vực thực hiện tốt quy trình kiểm tra, ghi chép, báo cáo kịp thời những thông tin thay đổi, bổ sung. Nhân viên thống kê và lao động phải được đào tạo nghiệp vụ để làm tốt chức năng kiểm tra, thu nhận, truyền đưa và sử dụng thông tin dân số, lao động phục vụ cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã.

3/ Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình có trách nhiệm hợp tác với các ngành trên thực hiện tốt đề án để có cơ sở thông tin thống nhất cho việc quản lý kế hoạch phát triển dân số của thành phố.

Sở Tài chánh có trách nhiệm xem xét dự toán và cấp phát kinh phí theo đề án đã được Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố thông qua.

4/ Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo các ngành : Công an, Thống kê, Lao động – Thương binh và xã hội, Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng của thành phố tổ chức chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã thực hiện đầy đủ các bước trong giai đoạn kê khai đổi sổ hộ khẩu, chế độ báo cáo, cập nhật thông tin theo đúng quy trình kế hoạch của đề án vạch ra.

Mỗi quận, huyện cần dành một khoản ngân sách tiết kiệm để tự trang bị máy tính gắn vào hệ thống Trung tâm Máy tính thống kê để thường xuyên cập nhật và khai thác thông tin về dân số, lao động phục vụ cho địa phương.

5/ Ủy ban nhân dân các phường, xã là cấp trực tiếp chỉ đạo thực hiện đề án, có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành tốt việc kê khai đổi sổ hộ khẩu và thực hiện tốt các chế độ đăng ký cập nhật để thường xuyên nắm vững các biến động về dân số và lao động theo quy định của Nhà nước như: khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú, tạm vắng, theo dõi đăng ký những người cần giải quyết việc làm, đảm bảo chuyển giao đầy đủ, kịp thời các thông tin cập nhất và số liệu kiểm tra theo quy định của Ban Chỉ đạo thành phố.

Các Quận, Huyện cần phải chú trọng việc trang bị và huấn luyện nhân viên sử dụng máy vi tính ở cấp phường, xã gắn vào mạng máy tính của Trung tâm Máy tính thống kê để thực hiện việc cập nhật và khai thác thông tin của địa phương mình từ cơ sở dữ liệu của Trung tâm Máy tính thống kê.

6/ Từ quý 4/1993 đến hết năm 1994 phải hoàn thành các bước kê khai đổi sổ hộ khẩu gia đình và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân số từng địa bàn phường, xã, quận, huyện và toàn thành phố, đồng thời phải thiết lập xong chế độ và quy trình cập nhật thông tin. Những năm tiếp theo sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống và khai thác thông tin trên quy mô hiện đại.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các sở, ngành hữu quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã phải quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt yêu cầu của chủ trương này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang