Quyết định số 53/QĐ-UB ngày 09/04/1986 Quy định về huy động và sử dụng ngày công lao động xã hội chủ nghĩa do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 53/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 09-04-1986
- Ngày có hiệu lực: 09-04-1986
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 25-02-1988
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4632 ngày (12 năm 8 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 04 năm 1986 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983 ;
Xét đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Lao động thành phố.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về huy động và sử dụng công lao động xã hội chủ nghĩa.
Điều 2. Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Bãi bỏ những điều quy định trước đây trái với nội dung bản quy định này.
Điều 3. Các đồng chí Chánh văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Lao động, Giám đốc Sở Tài chánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 53/QĐ-UB ngày 09-4-1986 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh)
Nhằm đẩy mạnh công tác huy động lao động xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả ngày công lao động nghĩa vụ của nhân dân, UBND Thành phố quyết định sửa đổi và bổ sung một số điểm trong Bản quy định về huy động lao động xã hội chủ nghĩa ban hành kèm theo Quyết định 316/QĐ-UB ngày 21–12-1984 của UBND Thành phố như sau :
I. VỀ NGÀY CÔNG NGHĨA VỤ
Điều 1. Mỗi công dân trong độ tuổi lao động (nam từ 18 đến 50, nữ từ 18 đến 45) cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh (kể cả những người tạm trú dài hạn, chưa có hộ khẩu tại thành phố) hàng năm phải đóng một số ngày công lao động XHCN theo quy định, trừ những đối tượng được miễn hoãn quy định tại điều 7 và điều 8 của Quyết định 648/QĐ-UB ngày 03-6-1977 của UBND thành phố (quy định nghĩa vụ lao động XHCN). Nay bổ sung vào diện tạm hoãn đóng góp công lao động XHCN trong năm đầu cho các trường hợp sau:
1. Bộ đội, thanh niên xung phong mới xuất ngũ.
2. Người thực hiện triệt sản, nạo thai, đặt vòng sinh đẻ có kế hoạch (có giấy xác nhận của bệnh việc chuyên khoa)
Điều 2. Cán bộ, công nhân viên trong biên chế; thành viên Ban điều hành khu phố, Tổ dân phố, Ban điều hành ấp, Tổ nhân dân, học sinh các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp, có nghĩa vụ đóng góp 7 ngày công lao động XHCN trong một năm. Số ngày công này tính ngoài mức ngày công lao động theo chế độ chung của Nhà nước.
Điều 3. Các đối tượng khác, ngoài diện nói ở điều 2 phải đóng góp 15 ngày công lao động XHCN trong một năm.
Điều 4. Riêng đối với các huyện ngoại thành, ngoài số 15 ngày công nghĩa vụ, Chủ tịch UBND huyện được quyền huy động thêm ngày công của nhân dân trong huyện đóng góp để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân địa phương. Số ngày huy động thêm không quá 15 ngày/người/năm.
Điều 5. Công lao động XHCN phải thực hiện tại cư trú. Phường, xã, quận, huyện trực tiếp xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn này. Riêng đối với công nhân quốc phòng, học sinh các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp, huy động theo kế họach do Sở Lao động thống nhất với Ủy ban Kế hoạch thành phố (giao cho Sở Lao động tổ chức huy động), không tính vào quỹ công lao động xã hội chủ nghĩa tại các quận, huyện, phường, xã.
Điều 6. Nguyên tắc đóng góp lao động XHCN là đóng góp bằng công lao động trực tiếp, có năng suất, có hiệu quả tại hiện trường. Hiệu quả của 1 ngày công lao động XHCN quy định bằng giá trị đào đắp 1m3 đất.
II. ĐIỀU KIỆN VÀ MỨC TIỀN ĐÓNG THAY NGÀY CÔNG:
Điều 7. Lao động là học sinh trong độ tuổi tại các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp phải đóng bằng công lao động trực tiếp tại hiện trường do Sở Lao động huy động.
Điều 8. Học sinh nghỉ học, bộ đội, thanh niên xung phong xuất ngũ (quá hạn miễn tại điều 1) phải đóng bằng công lao động trực tiếp tại hiện trường do quận huyện huy động.
Điều 9. Lao động được địa phương bố trí việc làm nhưng không chịu làm việc, ở nhà sống bám vào gia đình, ăn chơi lêu lổng phải đóng bằng công lao động trực tiếp tại hiện trường. Nếu có lý do chính đáng được Ủy ban nhân dân phường, xã xét cho phép đóng tiền thay công, mức tiền phải đóng là 50đ/ngày công.
Điều 10. Lao động ở huyện ngoại thành:
1. Lao động nông nghiệp phải đóng bằng công lao động trực tiếp. Nếu có lý do chính đáng được UBND xã xét cho phép đóng tiền thay công, mức tiền đóng góp là 35đ/ngày công.
2. Lao động ở ngoại thành nhưng không làm nông nghiệp được UBND xã xét cho phép đóng tiền thay công, mức đóng tiên như các trường hợp nêu ở điều 11.
Điều 11. Đối với các loại lao động khác phép đóng tiền thay công, thì mức tiền đóng thay công quy định như sau:
1. Cán bộ, công nhân viên (trừ công nhân quốc phòng) thành viên Ban điều hành khi phố, Tổ dân phố, Ban điều hành ấp, Tổ nhân dân, mức tiền đóng góp là 10đ/ngày công.
2. Xã viên hợp tác xã sản xuất TTCN, kinh doanh dịch vụ do Nhà nước trực tiếp quản lý mức đóng góp tiền 20đ/ngày công.
3. Lao động sản xuất kinh doanh cá thể:
a) Chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, mức đóng cụ thể cho:
- Hộ A: 50đ/ngày công.
- Hộ B: 45đ/ngày công.
- Hộ C: 40đ/ngày công.
b) Chủ hộ sản xuất kinh doanh đã liên doanh với Nhà nước, mức đóng tiền: 40đ/ngày.
c) Người lao động và thành phần phụ thuộc (con em và người làm công trong độ tuổi lao động) trong các hộ sản xuất kinh doanh cá thể và hợp tác kinh doanh với Nhà nước mức đóng tiền: 25đ/ngày công.
4. Lao động không có việc làm chính đáng có nguồn hàng nước ngoài gởi về, mức đóng tiền: 50đ/ngày công.
5. Lao động ngành nghề tôn giáo, phụ nữ làm nội trợ, mức đóng tiền: 10đ/ngày công.
III. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ CÔNG LAO ĐỘNG XHCN:
Điều 12. Việc phân phối quản lý sử dụng quỹ công lao động XHCN được thực hiện theo Quyết định số 316/QĐ-UB ngày 21-12-1984 của UBND Thành phố.
Điều 13. Quỹ công lao động XHCN (gồm công lao động trực tiếp và số tiền thay công) phải được quản lý chặt chẽ và quyết toán hàng năm (từ thành phố đến quận, huyện, phường xã) và được thể hiện trong kế hoạch của từng cấp. Sở Lao động phối hợp với Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Tài chánh hướng dẫn các cấp xây dựng kế hoạch hằng năm về huy động và sử dụng lao động XHCN. Giao cho ngành lao động chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện thu chi quỹ công lao động XHCN hằng năm theo đúng quy định.
Điều 14. Việc sử dụng quỹ công lao động XHCN cho các công trình của thành phố, quận huyện, phường, xã phải đúng theo quyết định số 648/QĐ-UB ngày 03-6-1977 và quyết định số 404/QĐ-UB ngày 25-11-1983 của UBND Thành phố về huy động lao động XHCN.
Điều 15. UBND quận huyện chịu trách nhiệm duyệt kế hoạch sử dụng số ngày công lao động XHCN hàng năm dành lại cho quận huyện, phường xã và trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác huy động lao động XHCN theo kế hoạch UBND TP. giao cho quận huyện quản lý.