cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 34/QĐ-UB ngày 29/01/1986 Quy định về sắp xếp, tổ chức, quản lý và một số chính sách khuyến khích sản xuất đối với các hộ Tiểu công nghiệp-Thủ công nghiệp cá thể, Tiểu công nghiệp-Thủ công nghiệp gia đình và nghề phụ gia đình do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 34/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 29-01-1986
  • Ngày có hiệu lực: 29-01-1986
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4587 ngày (12 năm 6 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Quyết định số 34/QĐ-UB ngày 29/01/1986 Quy định về sắp xếp, tổ chức, quản lý và một số chính sách khuyến khích sản xuất đối với các hộ Tiểu công nghiệp-Thủ công nghiệp cá thể, Tiểu công nghiệp-Thủ công nghiệp gia đình và nghề phụ gia đình do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 34/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 01 năm 1986

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT ĐỐI VỚI CÁC HỘ TCN-TCN CÁ THỂ, TCN-TCN GIA ĐÌNH VÀ NGHỀ PHỤ GIA ĐÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983 ;
- Căn cứ Thông tư số 91/TTg ngày 17/3/1979 của Phủ Thủ tướng về đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục sắp xếp tổ chức lại các ngành, nghề TCN-TCN nhằm phát triển thêm nhiều hàng hóa đối với các tỉnh miền Nam ;
- Xét đề nghị của đồng chí Trưởng ban cải tạo thành phố và đồng chí Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ủy ban ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về sắp xếp, tổ chức, quản lý và một số chính sách khuyến khích sản xuất đối với các hộ Tiểu công nghiệp – Thủ công nghiệp cá thể, TCN-TCN gia đình và nghề phụ gia đình.

Điều 2: Liên hiệp xã thành phố cùng Sở Công nghiệp và Ban Cải tạo thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các quận huyện tổ chức thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký, những điều quy định trước đây trái với bản quy định kèm theo quyết định này nay hủy bỏ.

Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT ĐỐI VỚI CÁC HỘ TCN-TCN CÁ THỂ, TCN-TCN GIA ĐÌNH VÀ NGHỀ PHỤ GIA ĐÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-UB ngày 29-01-1986 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh)

Nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; phát triển những ngành nghề truyền thống, những sản phẩm độc đáo tinh xảo; phát huy tính phong phú, đa dạng của mặt hàng để thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng; tận dụng được năng lực sản xuất sẵn có và đổi mới trang bị kỹ thuật; huy động được nguồn vốn và lao động nhàn rỗi, giải quyết việc làm cho người lao động; khuyến khích những người buôn bán đầu tư vốn để chuyển sang sản xuất góp phần hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và tổ chức lại sản xuất trong khi vực TCN-TCN.

Ủy ban nhân dân Thành phố quy định việc tổ chức quản lý các hộ tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể và gia đình, và thực hiện một số chính sách khuyến khích sản xuất như sau:

I. QUY ĐỊNH VỀ CÁC LOẠI HỘ TIỂU CÔNG NGHIỆP – THỦ CÔNG NGHIỆP CÁ THỂ VÀ GIA ĐÌNH

Điều 1. Xác định tiêu chuẩn :

Các hộ tiểu thủ công nghiệp cá thể cần được phân loại theo đúng tính chất hoạt động kinh doanh của từng loại hộ như sau :

- Hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia đình.

- Hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể.

- Hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp nghề phụ gia đình đối với công nhân viên Nhà nước và xã viên (dưới đây gọi tắt là hộ sản xuất nghề phụ gia đình).

a) Hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia đình :

Tiêu chuẩn để xác định hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia đình là :

Lao động sản xuất trong hộ gồm những người trong gia đình như: cha mẹ, vợ chồng, con, dâu rể, anh chị em ruột (có thể khác hộ nhưng bản thân chưa đăng ký kinh doanh riêng), không thuê mướn nhân công, không mang tính chất bóc lột.

b) Hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể :

Tiêu chuẩn để xác định hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể là :

Số công nhân thuê mướn không quá 10 người (kể cả lao động kỹ thuật).

Chủ hộ là người trực tiếp sản xuất hoặc điều hành. Tư liệu sản xuất hoàn toàn thuộc quyền sở hữu riêng của chủ yếu.

Quy mô sản xuất, xét về sản lượng, không vượt quá năng lực lao động được phép. (Các cơ quan quản lý ngành có thể quy định thêm các tiêu chuẩn như giá trị tài sản cố định, công suất… để làm căn cứ xét quy mô sản xuất đối với một số ngành cần thiết.

c) Hộ sản xuất nghề phụ gia đình :

Tiêu chuẩn để xác định hộ sản xuất nghề phụ gia đình :

Lao động trong hộ là lao động nhàn rỗi của công nhân viên, xã viên hợp tác xã và lao động nhàn rỗi trong gia đình (đối với cán bộ về hưu, có quy định riêng).

II. PHƯƠNG HƯỚNG SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ :

Điều 2: Các hộ sản xuất nói ở điều 1, làm những ngành nghề sau đây được khuyến khích huy động vốn đầu tư, không hạn chế vào sản xuất và được Nhà nước bảo hộ :

a) Đối với hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia đình :

1. Những hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia đình có tay nghề truyền thống, sản xuất những mặt hàng có kỹ thuật độc đáo, có giá trị cao phục vụ cho yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Những hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia đình nhận gia công chi tiết hoặc phụ tùng, sản phẩm cho cơ sở quốc doanh hay tập thể, đã hình thành sự phân công chuyên môn hóa ổn định, sản phẩm có chất lượng.

3. Những hộ dịch vụ nhỏ có tính chất công nghiệp (đóng giày đo, may đo, sữa chữa máy móc dụng cụ chủ yếu thuộc hàng tiêu dùng…)

4. Những hộ sản xuất các mặt hàng mà khu vực quốc doanh và tập thể chưa sản xuất hoặc chưa đáp ứng nhu cầu…

b) Đối với hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể :

1. Những hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể (môn bài bậc 3 trở lên) gia công cho đơn vị quốc doanh, tập thể, sản xuất những mặt hàng có kỹ thuật cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, sản xuất có tính thời vụ, không ổn định, máy móc thô sơ, quy trình công nghệ đơn giản không đòi họi có sự phân công và hợp tác lao động.

2. Những hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ cần hoạt động phân tác hoặc lưu động để thuận tiện cho người tiêu dùng.

3. Những người vì điều kiện sức khỏe phải làm việc tại nhà.

c) Đối với hộ sản xuất nghề phụ gia đình :

Nghề phụ gia đình được Nhà nước khuyến khích phát triển sản xuất các ngành nghề mà mọi thành phần kinh tế được phép hành nghề.

Nghề phụ gia đình được miễn các thủ tục đăng ký kinh doanh mà chỉ báo cho tổ dân phố hoặc ủy ban nhân dân phường, xã tùy theo tính chất ngành nghề.

Điều 3. Đối với việc phát triển cơ sở mới :

Cho phép phát triển cơ sở mới để sản xuất những mặt hàng mà các cở sở quốc doanh và tập thể chưa sản xuất hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu.

Việc phát triển cơ sở mới hoặc mẫu mã mới, sản phẩm thay cho hàng nhập hoặc thay nguyên liệu nhập, sản phẩm có chất lượng cao với trang bị thiết bị mới hiện đại; ưu tiên cho các đối tượng là những người lao động chưa có việc làm, công nhân viên, xã viên làm nghề phụ gia đình, công nhân viên hưu trí để tăng thêm thu nhập và những người buôn bán chuyển sang sản xuất.

Điều 4. Về quản lý :

Ủy ban nhân dân phường, xã là cấp trực tiêp quản lý hành chánh kinh tế đối với các hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia đình, cá thể và nghề phụ gia đình theo hướng dẫn của Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp quận huyện được Ủy ban nhân dân quận huyện ủy quyền.

Nhiệm vụ quản lý chủ yếu là :

1. Hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh theo quy định ngành và địa phương, đăng ký chất lượng và nhãn hiệu sản phẩm, bảo đảm môi trường và môi sinh trong việc phát triển sản xuất.

2. Nắm chắc tính chất hoạt động kinh doanh của từng hộ mà đề ra quy hoạch cải tạo, sắp xếp lại sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể và gia đình ở địa phương theo hướng dẫn của cấp trên và tổ chức thực hiện quy hoạch đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triên nghề phụ gia đình, bảo đảm kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo địa phương.

3. Hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật Nhà nước và sản xuất kinh doanh. Giải quyết khó khăn cho sản xuất trong phạm vi quyền hạn của mình.

4. Cùng với các cơ quan có liên quan hướng dẫn cơ sở sản xuất thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế, tăng cường quan hệ kinh tế với Nhà nước, hợp tác sản xuất với khu vực quốc doanh và tập thể, tham gia trong việc quy định tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật, mức thuế…

5. Giáo dục chính trị tư tưởng, đường lối chính sách, động viên phát triển sản xuất; tổ chức sinh hoạt các nhóm sản xuất đường phố.

III. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

Điều 5. Về quan hệ hợp đồng đặt hàng :

Các hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp theo quy định ở Điều 2 được ký kết hợp đồng kinh tế với khách hàng theo hướng dẫn của quận, huyện theo quy định về tổ chức quản lý ngành kết hợp với quản lý trên địa bàn quận huyện.

Các hộ sản xuất nghề phụ gia đình được nhận gia công hoặc sản xuất theo hợp đồng cho xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp hợp doanh hoặc hợp tác xã bằng các nguồn nguyên liệu Nhà nước cho phép.

Điều 6. Về vật tư :

Các hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp có quan hệ hợp đồng với Nhà nước, làm vệ tinh cho quốc doanh hay tập thể, có mặt hàng truyền thống và sản phẩm xuất khẩu được khuyến khích trong việc giải quyết vật tư như

- Được góp vốn bằng tiền Việt Nam, quý kim, hoặc thông qua kiều hối mua thiết bị vật tư nước ngoài thông qua Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố hay cơ quan được ủy quyền.

- Được Nhà nước bán vật tư theo chế độ bán nguyên liệu mua thành phẩm và cung ứng điện năng, thiết bị vật tư khác theo chính sách.

- Được vận động thân nhân ở nước ngoài gởi thiết bị vật tư (nhất là thiết bị hiện đại, vật tư quý hiếm) về cho sản xuất theo chính sách khuyến khích.

- Sản xuất sản phẩm xuất khẩu thì được Nhà nước dành một phần ngoại tệ thỏa đáng để nhập vật tư cho sản xuất sản phẩm đó.

Điều 7. Về giá và thuế :

Những sản phẩm mà các hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp tự lo nguyên liệu thì được tính theo giá thỏa thuận có sự hướng dẫn của cơ quan vật giá. Đối với những sản phẩm mới chế thử và bán ra có tính chất thăm dò thị trường, Nhà nước không quy định giá.

Lợi tức từ những sản phẩm sản xuất do thiết bị nhập qua thân nhân ở nước ngoài, những sản phẩm mới và những hộ sản xuất mới thành lập có khó khăn được xét miễn thuế lợi tức doanh nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm.

Các hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp được xét miễn giảm thuế trong các trường hợp tận dụng phế liệu phế thải, sử dụng nguyên liệu địa phương thay thế nguyên liệu nhập, đổi mới trang thiết bị… Trong thời gian sản xuất thử, Nhà nước không thu thuế.

Các hộ sản xuất nghề phụ gia đình được miễn tất cả các loại thuế.

Điều 8. Về giao dịch và tiêu thụ :

Các hộ sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp có sản xuất xuất khẩu được tín nhiệm lâu đời, nếu cần quan hệ với thị trường nước ngoài để bắt mối cũ, được Nhà nước cho phép dưới sự bảo trợ của một xí nghiệp quốc doanh cùng ngành nghề hay cơ quan quản lý ngành đứng danh nghĩa để giao dịch.

Các hộ sản xuất nghề phụ gia đình được bán sản phẩm làm bằng vật tư tự lo cho Nhà nước theo giá thỏa thuận ; nếu Nhà nước không mua thì được phép tự tiêu thụ.

Điều 9. Về tín dụng :

Các hộ tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp có quan hệ kinh tế với Nhà nước, có sản phẩm xuất khẩu nếu thiếu vốn hoạt động, được Ngân hàng cho vay theo chính sách ưu tiên cho những sản phẩm có kỹ thuật cao và các hộ tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia đình.

Nếu thiếu vốn, các hộ sản xuất nghề phụ gia đình được vay của quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã tín dụng hoặc nguồn khác theo chế độ của Ngân hàng.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10: Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố phối hợp với Sở công nghiệp, Ban cải tạo thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện cùng các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện bản quy định này và hướng dẫn cụ thể về các nội dung sau đây :

- Các ngành nghề mà khu vực tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể, gia đình và nghề phụ gia đình được phép kinh doanh.

- Quy mô sản xuất hợp lý đối với một số ngành nghề cho các hộ tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể và gia đình (nếu cần).

- Danh mục sản phẩm mà thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã cần tập trung thu mua.

- Danh mục vật tư, phế liệu phế thải mà các hộ tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp được phép thu mua. Phương thức mua bán các loại vật tư, phế liệu phế thải mà Nhà nước quản lý.

- Chính sách thuế đối với tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cá thể và gia đình (theo quy mô) và các trường hợp được xét ưu đãi về thuế…

Điều 11: Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các điều quy định trước đây trái với quy định này nay hủy bỏ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH