cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 246/QĐ-UB ngày 07/12/1985 Quy định về cải tạo tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh ngành mỹ phẩm của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 246/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 07-12-1985
  • Ngày có hiệu lực: 07-12-1985
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4640 ngày (12 năm 8 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Quyết định số 246/QĐ-UB ngày 07/12/1985 Quy định về cải tạo tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh ngành mỹ phẩm của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 246/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 7 tháng 12 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CẢI TẠO TỔ CHỨC SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ KINH DOANH NGÀNH MỸ PHẨM THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983;
- Căn cứ Quyết định số 111/HĐBT ngày 25-8-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định những mặt hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh;
- Theo đề nghị của các đồng chí Trưởng ban cải tạo CTN tư doanh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Trưởng Ban quản lý thị trường thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về cải tạo tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh ngành mỹ phẩm của thành phố.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký, Sở Công nghiệp phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và UBND các quận, huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được quy định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Những quyết định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo qu‎yết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ CẢI TẠO SẮP XẾP LẠI SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ KINH DOANH NGÀNH MỸ PHẨM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 246/QĐ-UB ngày 7-12-1985 của UBND Thành phố)

Bột giặt, xà bông các loại, kem đánh răng và mỹ phẩm là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vừa mang tính thẩm mỹ và có quan hệ trực tiếp đến việc bảo vệ và tính an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Năng lực sản xuất rất lớn, và trong giai đoạn trước mắt còn phải nhập nhiều loại vật tư nguyên liệu từ nước ngoài, cần sử dụng hợp lý để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm mục đích phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, với chất lượng sản phẩm ngành càng được nâng cao, giá thành hạ và tính thẩm mỹ tranh thủ được sự tín nhiệm của đông đảo khách hàng.

Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quy định về cải tạo, tổ chức lại sản xuất và quản lý kinh doanh ngành sản xuất bột giặt, xà bông các loại, kem đánh răng, và mỹ phẩm (gọi tắt là ngành mỹ phẩm) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG:

Điều 1: Liên hiệp xí nghiệp mỹ phẩm, thuộc Sở Công nghiệp là cơ quan quản lý ngành sản xuất: bột giặt, xà bông các loại, kem đánh răng và hàng mỹ phẩm của thành phố (gọi tắt là ngành), theo nguyên tắc quản lý ngành kết hợp với quản lý theo địa bàn quận huyện.

Ngành được giao trách nhiệm phối hợp cùng với Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để tiến hành cải tạo, sắp xếp tổ chức lại sản xuất các cơ sở sản xuất thuộc ngành mỹ phẩm, trên địa bàn thành phố thành một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất và xuyên suốt từ các xí nghiệp quốc doanh thành phố và quận huyện đến các xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh, hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ cá thể và sản xuất gia đình theo đề án tổ chức ngành đã được duyệt.

Điều 2: Sau khi sắp xếp tổ chức lại sản xuất; ngành mỹ phẩm thành phố có các thành phần kinh tế sau:

- Xí nghiệp quốc doanh thuộc ngành và quận huyện.

- Xí nghiệp công tư hợp doanh.

- Xí nghiệp hợp doanh.

- Hợp tác xã, tổ sản xuất.

- Hộ sản xuất gia đình.

Điều 3: Ngành mỹ phẩm thành phố được tổ chức các nhóm sản xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của nhóm sản phẩm ban hành kèm theo quyết định số 24/QĐ-UB ngày 18-2-1982 của UBND Thành phố. Gồm 4 nhóm sau:

1- Nhóm sản phẩm kem đánh răng.

2- Nhóm sản phẩm chất tẩy rửa, xà bông.

3- Nhóm sản phẩm mỹ phẩm các loại.

4- Nhóm cơ khí bao bì mỹ phẩm.

- Nhóm sản phẩm được tổ chức theo nguyên tắc kế thợp chuyên môn hóa với quản lý trên địa bàn khu vực hợp lý. Xí nghiệp quốc doanh ngành hay quận huyện là xí nghiệp đầu đàn, giữ vai trò chủ đạo của từng nhóm sản phẩm (trường hợp chưa có xí nghiệp quốc doanh, thì xí nghiệp công tư hợp doanh hoặc xí nghiệp hợp doanh giữ vai trò chủ đạo)

- Mỗi nhóm sản phẩm có thể tùy tình hình thực tế trên địa bàn quận huyện để thành lập các phân nhóm theo yêu cầu quản lý.

Điều 4: Phân công sản xuất các mặt hàng ngành mỹ phẩm:

a) Sản phẩm kem đánh răng, bột giặt, xà bông thơm cao cấp, hàng mỹ phẩm cao cấp (son, phấn thoa mặt, phân rôm trẻ em, kem xoa mặt, nước hoa, dầu gọi đầu v.v…) thuộc tiêu chuẩn chất lượng do ngành quy định.

- Các thành phần kinh tế quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh, hợp tác xã cấp cao có đủ trang bị kỹ thuật và công nghệ cần thiết và hợp lý, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng theo quy định và hiệu quả kinh tế thì được giao nhiệm vụ sản xuất.

b) Các loại xà bông thông dụng khác (xà bông cục, xà bông nước, xà bông bột, xà bông có hương thơm, kem giặt), theo tiêu chuẩn chất lượng do ngành quy định.

- Các thành phần kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh, hợp tác xã đều được giao kế hoạch sản xuất tùy theo khả năng tự cân đối nguyên liệu vật tư và nhu cầu thị trường; tổ sản xuất và sản xuất gia đình được sắp xếp, làm vệ tinh cho các đơn vị quốc doanh công tư hợp doanh theo năng lực sản xuất, mặt hàng, công nghệ sản xuất và địa bàn sản xuất hợp lý.

c) Các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh và hợp tác xã các ngành khác có trang bị kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng theo quy định, đạt hiệu quả kinh tế đều được tham gia sản xuất sản phẩm cơ khí bao bì mỹ phẩm và chịu sự quản lý theo chuyên ngành kinh tế kỹ thuật của ngành mỹ phẩm.

Điều 5: Ngành được phép kinhdoanh, liên kết kinh tế với các ngành kinh tế khác trong khu vực, với các tỉnh bạn để phát triển sản xuất, tổ chức, hợp đồng thu mua nguyên liệu, hương liệu v.v… theo quy chế của các tỉnh và của thành phố bảo đảm phân phối thỏa đáng quyền lợi giữa các bên.

Được thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế hay tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức Việt kiều ở ngoài nước về vốn ngoại tệ, nguyên liệu, hương liệu, hóa chất chuyên ngành để phát triển sản xuất, hay các thiết bị, phụ tùng thay thế, các phương tiện kỹ thuật để phân tích thí nghiệm v.v… nhằm đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở các chính sách của Ủy ban Nhân dân thành phố quy định.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế thuộc ngành mỹ phẩm, huy động vốn ngoại tệ nguyên liệu hóa chất, hương liệu để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản phẩm xuất khẩu.

Thành phố sẽ miễn hoạc giảm thuế nhập khẩu đối với số nguyên liệu, hương liệu, hóa chất gởi từ nước ngoài về cho thân nhân sản xuất trong nước mà có hợp đồng bán sản phẩm lại cho Nhà nước theo giá thỏa thuận kể cả các tư gia trong nước theo giá thỏa thuận kể cả các tư gia trong nước được các cơ sở sản xuất có quan hệ kinh tế với Nhà nước, ký hợp đồng mua lại những hàng do thân nhân ở nước ngoài gởi về.

Điều 6: Ngành cần soạn thảo các văn bản sau đây trình Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành dưới dạng quy chế quản lý ngành:

1. Quy hoạch và phương hướng phát triển dài hạn và chính sách đầu tư phát triển ngành đúng với phương hướng phát triển xã hội của thành phố. Trong đó chú trọng phương án đầu tư khoa học kỹ thuật để nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu hóa chất trong nước, từng bước thay thế nguyên liệu nhập, phương án đẩy nhanh tốc độ tham gia xuất khẩu đối với sản phẩm của ngành đang có khả năng thực hiện.

2. Quy định tiêu chuẩn chất lượng cho những mặt hàng chuẩn của toàn ngành và định mức tiêu hao nguyên liệu.

3. Quy định cách xây dựng và chỉ đạo được thực hiện theo phương hướng làm kế hoạch từ cơ sở, theo hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

II- MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ:

Điều 7: Xí nghiệp liên hợp mỹ phẩm hiện nay được sắp xếp tổ chức lại thành Liên hiệp xí nghiệp mỹ phẩm thuộc Sở Công nghiệp, là đơn vị sản xuất kinh doanh, hạch toán kinh tế, có tư cách pháp nhân.

Liên hiệp xí nghiệp bao gồm các xí nghiệp sản xuất và hậu cần trực thuộc sau:

1. Xí nghiệp chất tẩy rửa và xà phòng.

2. Xí nghiệp kem đánh răng.

3. Xí nghiệp mỹ phẩm.

4. Xí nghiệp vật tư ngành mỹ phẩm.

5. Củng cố xưởng cơ điện đủ sức làm nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa các thiết bị và từng bước sản xuất các phụ tùng thay thế cho thiết bị chuyên ngành.

Các xí nghiệp trên hoạt dộng theo chế độ hạch toán kinh tế đầy đủ, có tư cách pháp nhân theo quy định hiện hành của Nhà nước, chịu sự quản lý trực tiếp của Liên hiệp xí nghiệp mỹ phẩm.

- Liên hiệp xí nghiệp được tổ chức phòng thí nghiệp và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

- Được mở một cửa hàng trung tâm trưng bày giới thiệu các sản phẩm ngành sản xuất lấy ý kiến góp ý của người tiêu dùng, được bán sản phẩm trung bày để thăm dò, thị hiếu và nhu cầu thị trường, mở các mối quan hệ liên doanh liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh của ngành mỹ phẩm.

Ngành cần đặt quan hệ với Sở Thương nghiệp để được sự giúp đỡ về kinh nghiệm và nghiệp vụ quản lý.

Điều 8: Các cơ sở sản xuất thuộc ngành mỹ phẩm thành phố bao gồm các thành phần kinh tế do quận huyện quản lý (kể cả các xí nghiệp được thành lập theo Chỉ thị 54/CT-UB đặt trên địa bàn quận huyện) được sắp xếp tổ chức lại sản xuất với các quy định:

- Thành phần kinh tế đã ghi ở điều 2.

- Sắp xếp theo nhóm sản phẩm ghi ở điều 3.

- Phân công sản xuất theo các mặt hàng mỹ phẩm, ghi ở điều 4.

- Các cơ sở sản xuất đang có nhưng không hội đủ các điều kiện trang bị kỹ thuật và công nghệ hợp lý đủ bảo đảm cho sản phẩm đạt chất lượng theo quy định hiệu quả kinh tế thấp kém mà không có khả năng đầu tư bổ sung và khắc phục thì không duy trì sản xuất.

- Duyệt xét cấp giấy phép cho thành lập cơ sở sản xuất mới cần có sự thống nhất giữa ngành và UBND các quận huyện để đảm bảo sự thống nhất quy hoạch và kế hoạch chung của toàn ngành nếu xét có đủ điều kiện cơ bản sau:

- Cơ sở sản xuất và trang bị thiết bị kỹ thuật đủ điều kiện sản xuất ra sản phẩm có chất lượng.

- Khả năng tự cân đối vật tư nguyên liệu.

- Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Giá thành sản phẩm bảo đảm giá bán được duyệt.

Điều 9: Để bảo đảm môi sinh và vệ sinh môi trường, khu dân cư, ngành và quận huyện cần quy hoạch lại địa điểm sản xuất cho phù hợp trên từng địa bàn; trước mắt những cơ sở xét thấy đã gây ô nhiễm làm hại sức khỏe nhân dân trong khu vực thì cần có kế hoạch di chuyển hoặc có biện pháp bảo vệ môi sinh. Nếu không có biện pháp thỏa đáng thì ngừng sản xuất.

Điều 10: Các xí nghiệp quốc doanh và các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế theo quy định ở điều 2, đều được quyền chủ động tìm khách hàng ký kết hợp đồng kinh tế, tạo nguyên liệu từ các nguồn bằng quan hệ hợp tác kinh tế, liên doanh liên kết hợp tác sản xuất trong ngành, ngoài ngành, liên phường, liên quận huyện trong khu vực và các địa phương khác nhằm phát triển sản xuất trên nguyên tắc:

- Tuân theo các quy định hiện hành của Ủy ban Nhân dân thành phố về quy chế gia công, ký kết hợp đồng kinh tế.

- Các cơ sở sản xuất có trách nhiệm thông báo lại ngành những nội dung về hợp tác kinh tế và hợp đồng kinh tế đã ký với các nơi, để ngành làm trách nhiệm quản lý theo chức năng quy định.

Điều 11: Kế hoạch toàn ngành được xây dựng từ cơ sở sản xuất theo địa bàn quận huyện. Sau khi kế hoạch được tổng hợp và UBND thành phố duyệt, các cơ sở sản xuất thuộc quyền quản lý cấp nào do cấp đó chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện. Liên hiệp xí nghiệp mỹ phẩm làm chức năng quản lý ngành theo quy định.

Điều 12: Tiêu thụ sản phẩm:

- Sản phẩm sản xuất theo kế hoạch được cân đối vật tư nguyên liệu và sản xuất theo hợp đồng gia công, các cơ sở sản xuất phải giao nộp sản phẩm đầy đủ cho khách hàng được chỉ thị và theo hợp đồng kinh tế.

- Sản phẩm thuộc diện kế hoạch tự cân đối các cơ sở sản xuất, ưu tiên tiêu thụ của thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, sản phẩm có hợp đồng xuất khẩu thì tiêu thụ ủy thác cho Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố.

- Được chủ động đối lưu với các tỉnh, các cơ quan có nhu cầu để tái tạo ngoại tệ, tái sản xuất.

- Được giữ lại sản phẩm để làm hàng đối lưu lấy vật tư nguyên liệu theo số lượng đã ghi và được duyệt cho kế hoạch.

Điều 13: Việc tổ chức bán lẻ các mặt hàng mỹ phẩm cho nhu cầu của nhân dân do ngành thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã cùng với các cửa hàng đại lý bán lẻ thực hiện.

- Không duy trì thành phần kinh tế tư nhân, cá thể và các ngành khác, không được giao trách nhiệm tổ chức thu mua nguyên liệu, hóa chất, hương liệu của chuyên ngành mỹ phẩm tiến hành dịch vụ thương mại hoặc dùng nguyên liệu vật tư để gia công lấy sản phẩm đem lưu thông phân phối trên thị trường.

Điều 14: UBND Thành phố ủy quyền cho Ủy ban Vật giá thành phố cùng Liên hiệp xí nghiệp mỹ phẩm, Sở Thương nghiệp, Ủy ban Nhân dân các quận huyện nghiên cứu vận dụng thống nhất giá bán buôn, bán lẻ sản phẩm do ngành mỹ phẩm sản phẩm trong khung giá chuẩn của Nhà nước.

Điều 15: Chánh quyền các cấp cùng các ngành có trách nhiệm phối hợp tổ chức quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc thi hành giá, về chất lượng sản phẩm hàng mỹ phẩm có tính an toàn đến sức khỏe của người tiêu dùng (phấn rôm trẻ em, phấn, kem, son, dầu gội đầu, xà bông thơm cao cấp thuộc hàng trang sức và vệ sinh cao cấp) có hình thức xử lý thích đáng đối với các trường hợp làm hàng gian hàng giả và vi phạm giá.

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Điều 16: Sở Công nghiệp, Liên hiệp xã thành phố, UBND các quận huyện, Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố, Liên hiệp xí nghiệp mỹ phẩm và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc thực hiện quy định này.

 ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ