cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 200/QĐ-UB ngày 12/09/1985 Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của trường bổ túc văn hóa vừa học vừa làm do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 200/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 12-09-1985
  • Ngày có hiệu lực: 12-09-1985
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4841 ngày (13 năm 3 tháng 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Quyết định số 200/QĐ-UB ngày 12/09/1985 Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của trường bổ túc văn hóa vừa học vừa làm do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 200/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 09 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG BỔ TÚC VĂN HÓA VỪA HỌC VỪA LÀM.

ỦY BAN NHÂN DÂN TP.HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983;
Căn cứ vào nhu cầu học tập của con em nhân dân lao động thành phố;
Xét đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Cho phép Sở Giáo dục thành lập hệ trường bổ túc văn hóa trung học vừa học vừa làm bên cạnh các trường phổ thông trung học. Tổ chức và hoạt động của hệ trường này được thực hiện theo quy chế tạm thời ban hành theo quyết định này.

Điều 2. Giám đốc Sở Giáo dục có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, kiểm tra nội dung, chất lượng giảng dạy theo quy chế hiện hành.

Điều 3. Các đồng chí ChánhVăn phòng UBND Thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền Thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Duy Liên

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ TRƯỜNG BTVH – VỪA HỌC VỪA LÀM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 200/QĐ-UB ngày 12 tháng 9 năm 1985 của UBND TP. Hồ Chí Minh)

Do yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, ngành học bổ túc văn hóa chẳng phải phát triển mạnh cấp 1, 2 mà còn phải cố gắng xây dựng và phát triển các trường – lớp cấp 3.

Chỉ thị 115 của Ban Bí thư Trung ương đã chỉ rõ:”Cần mở nhiều trường lớp bổ túc văn hóa vừa học vừa làm ở cơ sở cho cán bộ và thanh niên ưu tú”.

Để việc phát triển trường – lớp được thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, quản lý và giúp các trường dần dần đi vào thế ổn định, có nền nếp, UBND Thành phố giao trách nhiệm cho Sở Giáo dục hướng dẫn việc xây dựng và phát triển các trường – lớp bổ túc văn hóa trung học vừa học vừa làm trên địa bàn thành phố:

I. HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG, CHƯƠNG TRÌNH VÀ CHẾ ĐỘ HỌC:

Điều 1. Ngoài những trường bổ túc văn hóa tập trung, dân chính do Sở và các Quận Huyện quản lý, cho phép Sở Giáo dục mở thêm hệ trường, bổ túc văn hóa trung học vừa học vừa làm bên cạnh các trường phổ thông trung học.

Điều 2. Đối tượng tuyển sinh của trường bổ túc văn hóa trung học vừa học vừa làm chủ yếu là học sinh đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở, đang tham gia lao động sản xuất ở gia đình, ở cơ sở sản xuất tập thể, Nhà nước.

Điều 3. Trường bổ túc văn hóa trung học sẽ dạy theo chương trình đào tạo của hệ bổ túc văn hóa trung học tại chức.

Học sinh sẽ học 5 buổi (trong tuần) và 1 buổi (3 tiết) lao động.

Các môn học tạm thời được quy định như sau:

(trong tuần)

Văn: 2,5

Chính trị: 1

Ngoại ngữ: 1,5 (Anh, Pháp, Nga)

Toán: 5,5

Lý: 2,5

Hóa: 1,5

Sinh: 1,5

16 tiết + 1 tiết sinh hoạt tập thể

Tổng cộng: 17 tiết 1 tuần

Như vậy: học sinh sẽ học 20 tiết / tuần, trong đó có 17 tiết học văn hóa, 3 tiết lao động. Học sinh sẽ học cấp trung học trong 3 năm, tên gọi thống nhất là lớp 10, 11, 12. Cuối năm lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học. Trong điều kiện hiện nay chưa có đủ sách bổ túc văn hóa, có thể sử dụng sách giáo khoa phổ thông. Phòng bổ túc văn hóa Sở sẽ hướng dẫn việc sử dụng sách.

Các buổi lao động nhất thiết phải có giáo viên phụ trách (hưởng bồi dưỡng như giáo viên văn hóa). Hướng tốt nhất là dạy một nghề phổ thông hoặc tổ chức lao động sản xuất. Năm 1985 1986 mỗi trường tổ chức thí điểm dạy nghề ít nhất 1 lớp phù hợp với kế hoạch kinh tế của địa phương (phổ thông, cơ bản, có ích). Ngoài ra có thể tổ chức vệ sinh – xây dựng trường sở, lao động xã hội chủ nghĩa…

II. TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO TRƯỜNG BỔ TÚC VĂN HÓA TRUNG HỌC VỪA HỌC VỪA LÀM:

Điều 4. Năm học 1985 – 1986, toàn thành phố mở thí điểm 1 trường bổ túc văn hóa trung học vừa học vừa làm với nhiều phân hiệu đặt tại các trường phổ thông trung học.

Ban chỉ đạo các phân hiệu trường bổ túc văn hóa trung học vừa học vừa làm gồm có:

Trưởng ban: Phụ trách chung.

Một hoặc hai phó ban: Phụ trách tổ chức, chuyên môn và cơ sở vật chất.

Một vài ủy viên: Phụ trách giáo vụ, kế toán, hành chánh…

Tổ chức của các lớp giống như các lớp của trường phổ thông trung học. Mỗi lớp không quá 50 học sinh, có giáo viên chủ nhiệm phụ trách chung và có 1 ban cán sự lớp do lớp cử ra.

Điều 5. Nguồn cung cấp giáo viên ở các phân hiệu là ở các trường sở tại. Nếu thiếu có thể mời thêm giáo viên ở các trường khác. Danh sách phải thông qua Ban chỉ đạo của Sở.

Các trường phổ thông trung học, bổ túc văn hóa có mở hệ bổ túc văn hóa trung học vừa học vừa làm được phép sử dụng cơ sở vật chất: bàn ghế, phòng ốc, thư viện, thí nghiệm, thực hành v.v…của nhà trường cho hệ trường này.

III. SẮP XẾP LẠI SẢN XUẤT VÀ CẢI TẠO TỔ CHỨC LẠI NGÀNH KIM KHÍ XÂY DỰNG:

Điều 6. Các trường phổ thông trung học cần tạo mọi điều kiện cho phân hiệu bổ túc văn hóa hoạt động được thuận lợi, thực hiện tốt “một hội đồng, hai nhiệm vụ” và được giữ một số phần trăm tiền học phí để hoạt động công ích – phúc lợi cho trường.

a) Quyền lợi của giáo viên:

Được bồi dưỡng chuyên môn bổ túc văn hóa, dự giờ thăm lớp.

Được hưởng tiền thù lao.

Được xét tặng các danh hiệu thi đua và tính điểm thi đua.

Nhiệm vụ: thực hiện quy chế chuyên môn ngành học bổ túc văn hóa, cụ thể:

Dạy đúng chương trình bổ túc văn hóa.

Lên lớp phải có giáo án, chấm bài, cho điểm… đầy đủ.

Có trách nhiệm giảng dạy và giáo dục học sinh.

b) Quyền lợi của học sinh:

Học đầy đủ 7 bộ môn, tham gia lao động sản xuất.

Được thi lên lớp, cấp học bạ.

Được miễn giảm học phí (nếu đúng đối tượng).

Nhiệm vụ:

Thi hành nội quy của nhà trường (đối với thầy, bạn bè, nhân dân, cán bộ nhà trường…).

Học tập, tu dưỡng, lao động, bảo vệ trường sở.

Đóng góp học phí đúng thời hạn để xây dựng trường thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng sự nghiệp giáo dục”.

Gắn với địa phương tham gia công tác địa phương sinh hoạt đoàn thể địa phương.

IV. MỘT SỐ BIỆN PHÁP TRƯỚC MẮT:

Điều 7. Điều kiện mở trường và xin học:

Phải chuẩn bị mọi điều kiện (nhân sự, cơ sơ vật chất…).

Chỉ được chiêu sinh, mở phân hiệu khi có đơn xin và được Ban chỉ đạo cấp giấy phép.

Học sinh muốn học phải có hồ sơ sau đây:

Đơn xin học

Học bạ phổ thông cơ sở

Khai sinh

Bản sao giấy chứng nhận huân chương, huy chương, giáo viên.

Điều 8. Quy định tạm thời về thu chi:

Thu:

+ Học phí: 120đ/tháng/1 học sinh, thu từng tháng từ ngày 01 đến ngày 07

+ Điều kiện miễn giảm:

Miễn học phí: học sinh là con liệt sĩ, con thương binh.

Giảm 50% học phí: học sinh có cha hay mẹ có huân, huy chương, hay là giáo viên.

Chi: Tổng số thu hàng tháng được dự chi theo các mức sau:

65% dùng để bồi dưỡng cán bộ quản lý, phục vụ và giáo viên.

20% cơ sở vật chất cho trường và tái sản xuất mở rộng.

10% quỹ phúc lợi cho công đoàn nhà trường.

 5% quỹ phúc lợi của Sở trong đó 3% cho quỹ hoạt động của Phòng bổ túc văn hóa để phục vụ việc kiểm tra tổ chức, chỉ đạo và các hội nghị,…

Điều 9. Các trường muốn mở hệ trường bổ túc văn hóa trung học vừa học vừa làm phải nộp đơn xin phép Phòng bổ túc văn hóa Sở Giáo dục.

Gởi danh sách cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phục vụ và danh sách học sinh về Phòng bổ túc văn hóa (sẽ có mẫu hướng dẫn).

Các trường thống nhất tổ chức khai giảng và sau đó học ngay vào ngày thứ hai 9-9-1985.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 11. Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố có trách nhiệm phổ biến rộng rãi chủ trương này trong và ngoài ngành giáo dục, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tranh thủ sự giúp đỡ tích cực của Hội Phụ huynh học sinh nhằm bảo đảm cho việc thực hiện chỉ thị 115 của Ban Bí thư Trung ương đạt hiệu quả cao nhất.