cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 09/CT-UB ngày 04/06/1993 Tăng cường công tác đo đạc và cấp giấy quyền sử dụng đất để phục vụ cho việc tổ chức và quản lý sản xuất do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 04-06-1993
  • Ngày có hiệu lực: 04-06-1993
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-10-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1945 ngày (5 năm 4 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 01-10-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-10-1998, Chỉ thị số 09/CT-UB ngày 04/06/1993 Tăng cường công tác đo đạc và cấp giấy quyền sử dụng đất để phục vụ cho việc tổ chức và quản lý sản xuất do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1992/1998/QĐ.UB ngày 01/10/1998 Về chấm dứt hiệu lực pháp lý 152 văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ năm 1990 đến năm 1996 (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 09/CT-UB

Long Xuyên, ngày 04 tháng 06 năm 1993

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐO ĐẠC VÀ CẤP GIẤY QSDĐ ĐỂ PHỤC VỤ CHO VIỆC TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT

Đến hết tháng 5/93, toàn Tỉnh đã đo đạc, kiểm tra và cấp giấy QSDĐ xong cho 13.324 hộ nông dân với 14.280 ha đạt 21,3% KH 93. Ngoài ra, các Huyện còn đo đạc và đang kiểm tra với diện tích khoảng 60% của KH cấp giấy năm 1993. Kết quả trên là cố gắng lớn của các cấp và ngành QLĐĐ, nhất là từ sau hội nghị tổng kết tại Thoại Sơn. UBND Tỉnh đã quyết định thành lập Chi cục quản lý đất đai để đủ sức đảm đương công việc. Nhưng do còn một số trở ngại trên tiến độ có chậm. Để thúc đẩy công tác này được khẩn trương hơn, Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ thị:

1. Chỉ còn 6 tháng nữa là vào niên vụ mới, nếu ND không có giấy QSDĐ và biên nhận đăng ký xin cấp giấy QSDĐ thì sẽ có rất nhiều khó khăn cho công tác tổ chức và quản lý sản xuất. Và cũng có khả năng không đạt KH cấp giấy cho 70.000 ha. Vì vậy, Chủ tịch UBND các Huyện, Thị và thủ trưởng các ngành có liên quan phải rà soát lại công việc đang làm và có biện pháp tích cực, hữu hiệu nhất để thúc đẩy công tác này.

2. Phải có biện pháp giải quyết ngay một số trở ngại như: ở Tịnh Biên, Châu Phú, giấy đã viết xong nhưng việc tổ chức cấp cho dân lại làm chậm, riêng Tịnh Biên dân không tích cực đến nhận. Ở Châu Phú do biên nhận đăng ký phải thế chấp ở ngân hàng nên không tiến hành được các bước tiếp theo. Ở Phú Tân, Châu Đốc, Tịnh Biên, Châu Thành số ND ngoài Huyện đến sản xuất không chịu kê khai đăng ký. Huyện Thoại Sơn tuy đạt hơn 80% nhưng số còn lại có xáo canh nên chưa ổn định để cấp giấy (Vọng Thê, Tây Phú, Vĩnh Khánh).

3. Trong các biện pháp cần chú ý các biện pháp cơ bản sau đây:

a) Làm quán triệt trong nội bộ ngành và đoàn thể, nhất là ở xã, ấp để từ đó cán bộ vừa gương mẫu thực hiện vừa tích cực tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trong nông dân, đây là vấn đề vừa mang tính kỷ luật, vừa mang tính pháp luật mà đảng viên, cán bộ phải gương mẫu.

b) Các phương tiện thông tin đại chúng: Báo, Đài, thông tin cổ động…. phải tích cực tham gia một cách thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức thích hợp và có hiệu quả.

c) Các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân phải mở cuộc vận động ND làm cho ND thông suốt và chấp hành. Vì đây là vấn đề có quan hệ trực tiếp đến quyền lợi của ND được luật pháp bảo vệ như: quyền sử dụng đất và quyền sở hữu về thành quả lao động trên thửa đất; quyền chuyển nhượng và thừa kế do Luật quy định; quyền tranh tụng trước pháp luật, nếu có xảy ra tranh chấp; quyền được hưởng các chính sách của Chính phủ như: các hình thức khuyến nông, tín dụng và các hợp đồng kinh tế khác đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

d) Đối với đồng bào Khmer ở 2 Huyện miền núi, cần vận động các sư sải tham gia học tập làm cho các vị thông suốt và cùng với cán bộ chính quyền, đoàn thể tuyên truyền vận động ND Khmer dưới nhiều hình thức thích hợp, kể cả đối với loại đất mà dòng họ quản lý chung, luân phiên sản xuất vẫn phải kê khai rõ để đăng ký cấp giấy; vì theo quy định một thửa đất cũng có thể đồng thời có nhiều người đứng tên chủ quyền sử dụng đất.

4. Như chủ trương đã ban hành đầu năm 1993, kể từ vụ Đông xuân 93-94 trở đi ngân hàng sẽ không cho vay đối với hộ nào không có giấy QSDĐ hoặc biên nhận đăng ký xin cấp giấy QSDĐ. Đối với hộ ngoài Huyện không đăng ký thì Chủ tịch UBND Huyện phải có biện pháp cần thiết mà thẩm quyền cho phép để khắc phục tình trạng vô chính phủ nói trên. Chủ trương này cần phải phổ biến rộng rãi ngay từ bây giờ để đến lúc vào vụ ND sẽ không trách là do không hay biết. Năm 1994 sẽ thực hiện việc xử phạt theo quy định đối với những người không kê khai hoặc khai man diện tích.

5. Ban Tổ chức chính quyền nghiên cứu cho biên chế ngành QLĐĐ, trước hết là Chi cục đủ sức làm việc. Cần thiết, hợp đồng bên ngoài đủ lực lượng để thực hiện cho nhanh. Các ngành, nhất là Sở TC-VG tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí để hoạt động và mua sắm trang bị kỹ thuật phục vụ cho công tác này. Đối với Chi cục LQĐĐ, ngoài nhiệm vụ chính, UB cho phép được hợp đồng đo đạc đối với các tổ chức và cá nhân có yêu cầu tranh chấp, sang nhượng… với giá thỏa thuận để bù đắp thêm cho kinh phí hoạt động.

Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo, đài phát thanh Tỉnh một cách thường xuyên, liên tục. Các Huyện, Thị thực hiện đến đâu báo cáo đến đó, kể cả các khó khăn phải báo cáo thỉnh thị kịp thời, quyết tâm thực hiện đạt kế hoạch đo đạc cấp giấy QSĐĐ năm 1993.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH