Quyết định 176/QĐ-UB năm 1983 Quy chế tạm thời về tổ chức quản lý các lớp dạy văn hóa ngoài giờ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu văn bản: 176/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 05-11-1983
- Ngày có hiệu lực: 05-11-1983
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5518 ngày (15 năm 1 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 176/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 11 năm 1983 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC LỚP DẠY VĂN HÓA NGOÀI GIỜ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983;
Căn cứ Quyết định số 15/CP ngày 14-01-1981 của Hội đồng Chánh phủ và Thông tư số 32/TT ngày 21-11-1981 của Bộ Giáo dục về việc giáo viên dạy thêm ngoài giờ lên lớp;
Tiếp theo các Chỉ thị 03/CT-UB ngày 15-1-1981, Thông báo số 16/TB-UB ngày 28-1-1983 và Văn bản số 1350/UB ngày 30-6-1983 của Uỷ ban Nhân dân thành phố về tổ chức quản lý các lớp dạy văn hóa và dạy nghề;
Để đưa việc dạy và văn hóa (kể cả sinh ngữ) vào nề nếp, đảm bảo lợi ích của người dạy và người học;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành “Quy chế tạm thời về tổ chức quản lý các lớp dạy văn hóa ngoài giờ” ở thành phố (kèm theo).
Điều 2. Các đồng chí Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố, Giám đốc Sở giáo dục có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC LỚP DẠY VĂN HÓA NGOÀI GIỜ
(Ban hành kèm theo quyết định số 176/QĐ-UB ngày 05-11-1983 của Uỷ ban Nhân dân thành phố)
Sau ngày giải phóng, thành phố đã công lập hóa toàn bộ các trường tư nhưng do công tác quản lý của ta chưa chặt chẽ nên vừa qua một số cơ quan, đoàn thể ngoài ngành giáo dục, một số cơ sở tôn giáo và một số tư nhân tùy tiện mở nhiều trường lớp tư dưới hình thức các trung tâm luyện thi văn hóa, ngoại ngữ hoặc nhà nuôi dạy trẻ mẫu giáo v.v.. từ đó đã sinh ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong giảng dạy và học tập.
Nhằm khắc phục các hiện tượng tiêu cực, nâng cao chất lượng giảng dạy đối với các lớp học bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ ngoài giờ, đồng thời thực hiện nguyên tắc nhà nước XHCN thống nhất quản lý sự nghiệp giáo dục, Uỷ ban Nhân dân thành phố ban hành qui chế tạm thời về việc tổ chức quản lý các lớp dạy văn hóa ngoài giờ như sau:
Chương I.
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Sự nghiệp giáo dục dưới chế độ ta do nhà nước thống nhất quản lý. Ngành giáo dục có nhiệm vụ tổ chức việc học tập cho học sinh trong nhà trường theo chương trình và chế độ thống nhất, đồng thời phối hợp với các đoàn thể, đặc biệt với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, với gia đình và xã hội để giáo dục, đào tạo học sinh, thành người công dân tốt của chủ nghĩa xã hội.
Điều 2. Trong giai đoạn trước mắt, do cơ sở vật chất và điều kiện học tập hạn chế, đồng thời do nhu cầu học thêm của một bộ phận học sinh không có điều kiện ôn tập, học tập ở gia đình, Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép ngành giáo dục tổ chức các lớp dạy văn hóa thêm ngoài giờ. Ngành giáo dục có trách nhiệm quản lý chặt chẽ về nội dung chương trình, người dạy và chỉ đạo các hình thức tổ chức dạy và học, đảm bảo cho việc học tập của học sinh có hiệu quả.
Chương II.
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ
Điều 3. Những đối tương sau đây được xin mở lớp dạy văn hóa ngoài giờ :
a) Các trường học thuộc ngành giáo dục quản lý (phổ thông, bổ túc văn hóa, sư phạm, mẫu giáo…)
b) Các trường đại học và trung học chuyên nghiệp đóng tại thành phố.
c) Các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các cơ sở Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ giáo dục, có điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện giáo dục “chỉ được mở lớp sinh ngữ phục vụ đối tượng người lớn ngoài độ tuổi đi học trường phổ thông”.
Điều 4. Những người sau đây được tham gia giảng dạy :
a) Giáo viên các cấp hiện đang công tác trong ngành giáo dục, hoặc cán bộ, giáo viên đã hưu trí.
b) Giáo viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và các trường thuộc ngành khác.
c) Những người có trình độ và khả năng dạy sinh ngữ theo chương trình của ngành giáo dục và được Sở Giáo dục chấp thuận.
Điều 5. Nội dung chương trình giảng dạy:
a) Đối với các lớp bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ nhằm nâng cao trình độ học tập cho học sinh (gồm các lớp không dự thi như cấp 1, lớp 6, 7, 8 ở cấp 2, lớp 10, 11 ở cấp 3) thì nội dung giảng dạy nhất thiết phải theo chương trình và sách giáo khoa của Bộ Giáo dục.
b) Đối với các lớp luyện thi (bao gồm thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, thi vào lớp 10 phổ thông trung học, thi vào đại học và trung học chuyên nghiệp) thì ngoài chương trình và sách giáo khoa của Bộ Giáo dục, giáo viên có thể biên soạn thêm các phần bài tập, bài mẫu, bảng hệ thống tổng kết v.v… nhưng phải đảm bảo tính tư tưởng chánh trị của bài giảng.
c) Trường hợp cần cho học sinh sử dụng tài liệu, sách tham khảo, tài liệu biên soạn ngoài chương trình và sách giáo khoa quy định thì phải được chấp thuận của Sở Giáo dục.
Trường hợp cần in ấn tài liệu bán cho học sinh sử dụng (lưu hành nội bộ) phải thông qua Sở Giáo dục về nội dung số lượng phát hành, làm thủ tục xuất bản với Sở Văn hóa Thông tin và xin ý kiến của Uỷ ban Vật giá về giá cả;
Điều 6. Về giá biểu tiền học:
- Căn cứ tình hình thực tế từng niên học, Sở Giáo dục có trách nhiệm làm việc với các cơ quan liên quan quy định giá biểu cụ thể cho từng cấp học, từng loại lớp học và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn thành phố.
- Thực hiện chế độ giảm, miễn phí cho một số học sinh nghèo và con gia đình thuộc diện chính sách như:
+ Giảm 50% cho con thương binh, con giáo viên.
+ Miễn phí con liệt sĩ, con gia đình lao động lao động quá nghèo (có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội).
Điều 7. Về nguyên tắc thu, chi:
a) Nguyên tắc thu: thu hàng tháng, thu tiền học những môn học sinh đăng ký học (không được phép ép học sinh đóng học phí những môn không học), phải có kế hoạch sổ sách rõ ràng, tiền thu học sinh phải cấp biên lai đầy đủ.
b) Nguyên tắc chi: phương pháp chủ yếu là đảm bảo bồi dưỡng thỏa đáng cho các thầy cô giáo để khuyến khích nâng cao chất lượng giảng dạy kể cả ở trường và ở các lớp học thêm.
Nguyên tắc phân phối tạm thời qui định theo tỷ lệ 3/7 tùy theo tình hình từng trường mà vận dụng cho thích hợp (căn cứ vào số lượng học sinh, tình trạng cơ sở vật chất bộ máy phục vụ v.v..). Cụ thể:
+ 30% dùng cho bộ máy điều hành và phục vụ, bổ sung thêm tiện nghi, cơ sở vật chất cần thiết.
+ 70% dùng cho bồi dưỡng giáo viên đứng lớp.
Việc chi bồi dưỡng khoáng theo lớp dạy hay chi theo số lượng giờ dạy của giáo viên trong tháng tùy theo từng đơn vị quyết định sau khi đã bàn bạc với tập thể giáo viên và hội cha mẹ học sinh.
c) Hàng tháng, Ban phụ trách lớp phải báo cáo tài chánh công khai trước tập thể giáo viên tham gia giảng dạy.
Điều 8. Về việc dạy kèm ngoài giờ tại địa phương:
Việc tổ chức dạy kèm ngoài giờ tại nhà phải thực hiện nghiêm túc các quy định cụ thể trong Chỉ thị 03 và Thông báo 16 của Uỷ ban Nhân dân thành phố.
a) Đối tượng được dạy kèm : Như điều 3 chương II.
b) Điều kiện quy định : chỉ dạy kèm một số nơi (nơi cư ngụ) số lượng không quá 10 học sinh (chỉ dạy 1 suất trong ngày).
c) Thủ tục đăng ký : dạy kèm từ 5 đến 10 học sinh phải thực hiện đăng ký sau đây:
- Được sự chấp thuận của Hiệu trưởng (nếu là giáo viên) hoặc của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác (nếu là giáo viên đang công tác tại ngành khác).
- Được sự chấp thuận của Uỷ ban Nhân dân phường xã nơi đặt nhóm dạy kèm.
Đơn xin phép tổ chức dạy kèm cần làm 4 bản: 1 bản gởi Sở Giáo dục hoặc Ban giáo dục nhà trẻ, quận huyện (tùy theo cách học), 1 bản lưu tại cơ quan công tác, 1 bản lưu ở Uỷ ban Nhân dân địa phương và 1 bản đương sự giữ đề xuất trình khi được kiểm tra.
Chương III.
PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ, THANH TRA, KIỂM TRA
Điều 9. Sở Giáo dục chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức mạng lưới các lớp dạy thêm ngoài giờ và luyện thi (văn hoá, ngoại ngữ) để đáp ứng nhu cầu học thêm của học sinh trong các trường học thuộc ngành giáo dục, đồng thời có trách nhiệm quản lý toàn bộ các lớp học thêm của đối tượng học sinh phổ thông do các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và các cơ sở Nhà nước được cấp giấy phép tổ chức.
Điều 10. Phân cấp quản lý:
a) Sở Giáo dục trực tiếp quản lý các lớp học thêm có trình độ văn hoá cấp 3 và các lớp luyện thi đại học các lớp sinh ngữ thuộc các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức.
b) Ban Giáo dục nhà trẻ các quận huyện trực tiếp quản lý các lớp học thêm từ mẫu giáo đến phổ thông cơ sở và các lớp luyện thi vào lớp 10 phổ thông trung học.
Điều 11. Thủ tục xin mở lớp:
a) Các đối tượng được phép xin mở lớp (quy định ở điều 3 chương II), muốn tổ chức lớp dạy thêm ngoài giờ và luyện thi các học sinh phổ thông phải làm đầy đủ thủ tục hồ sơ sau đây :
- Đơn xin mở lớp dạy thêm : ghi rõ địa điểm mở lớp, các loại trình độ, tổ chức thời gian học như thế nào và cam đoan bảo đảm thực hiện quy chế quản lý của Sở Giáo dục.
- Danh sách Ban phụ trách lớp : Ghi rõ tên họ, chức vụ, công tác trong đơn vị của từng người.
- Danh sách người dạy : Nếu là cán bộ, giáo viên của đơn vị trường học được phép mở lớp thì chỉ cần danh sách họ tên, nếu là cán bộ giáo viên đang công tác thuộc ngành khác, đơn vị khác được mời tham gia giảng dạy thì cần ghi rõ họ tên, văn bằng chuyên môn, chức vụ và đơn vị công tác, địa chỉ thường trú.
b) Nơi nộp và xét hồ sơ : Hồ sơ đăng ký xin phép mở lớp nộp theo hệ thống phân cấp quản lý như quy định ở điều II chương III.
Cụ thể :
- Ở thành phố : Sở Giáo dục
- Ở quận, huyện : Ban giáo dục nhà trẻ.
Tất cả các cơ sở dạy thêm không thi hành đúng thủ tục trên đây đều không được phép mở lớp hoạt động.
Điều 12. Chế độ thanh tra, kiểm tra :
a) Sở Giáo dục, Ban giáo dục nhà trẻ quận huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra, thanh tra các cơ quan dạy thêm để giám sát việc thực hiện các quy định đã đề ra ở các phần trên.
b) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tóm tắt tình hình hàng tháng của các cơ sở được phép hoạt động.
c) Ủy ban Nhân dân các cấp với trách nhiệm là cơ quan quản lý hành chánh Nhà nước, dựa vào sự tham mưu của cấp quản lý giáo dục, cần phối hợp với các lực lượng ban ngành, đoàn thể để theo dõi giám sát và kiểm tra việc thực hiện quy chế, đồng thời phát hiện các trường hợp mở trường lớp bất hợp pháp để xử lý kịp thời.
d) Các trường hợp vi phạm, trái với quy chế tạm thời này làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội và sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ, khi phát hiện có thể xử lý từ khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ giảng dạy đối với cá nhân, rút giấy phép cho mở lớp hoặc tuỳ mức độ sai phạm mà xử lý theo pháp luật.
Chương IV.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Quy chế tạm thời này dựa trên cơ sở pháp lý của Chỉ thị 03/CT-UB Thông báo 16/TB-UB và Văn bản 1350/UB của Ủy ban Nhân dân thành phố, cần được phổ biến rộng rãi trong và ngoài ngành giáo dục, trong Hội đồng giáo dục các cấp và Hội cha mẹ học sinh các trường học, trong cán bộ và nhân dân địa phương để phối hợp cùng ngành giáo dục và các cấp chính quyền quận huyện, phường xã theo dõi, giám sát việc thực hiện, đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục thành phố tiếp tục phát triển đúng hướng như Nghị quyết cải cách giáo dục của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5 đã vạch ra.
Điều 14. Quy chế tạm thời này có hiệu lực trong toàn thành phố kể từ ngày ký ban hành.