cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định 152-CP năm 1981 về việc tổ chức lại bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu văn bản: 152-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 09-04-1981
  • Ngày có hiệu lực: 09-04-1981
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-08-1983
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 862 ngày (2 năm 4 tháng 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-08-1983
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-08-1983, Quyết định 152-CP năm 1981 về việc tổ chức lại bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện do Hội đồng Chính phủ ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 86-HĐBT ngày 04/08/1983 của Hội đồng Bộ trưởng Về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 152-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 152 -CP NGÀY 9 THÁNG 4 NĂM 1981 VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC BAN CHUYÊN MÔN THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp ban hành năm 1962;
Căn cứ Nghị quyết số 33-CP ngày 4-2-1978 của Hội đồng Chính phủ về bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Căn cứ Quyết định số 139 - CP ngày 14-6-1978 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác và lề lối làm việc của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện; và tình hình thực hiện bản quy định đó từ sau khi ban hành đến nay,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện nói ở điều 7 của bản quy định ban hành kèm theo Quyết định số 139-CP ngày 14-6-1978 của Hội đồng Chính phủ, nay điều chỉnh, sắp xếp lại, gồm có các ban như sau:

1. Ban kế hoạch, bao gồm các ngành các mặt công tác:

- Quy hoạch,

- Kế hoạch,

- Thống kê,

- Trọng tài kinh tế.

2. Ban nông nghiệp (hoặc nông- lâm- ngư nghiệp) bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Nông nghiệp,

- Lâm nghiệp,

- Ngư nghiệp,

- Kinh tế mới,

- Định canh, định cư,

- Quản lý ruộng đất.

3. Ban thuỷ lợi, giao thông vận tải, bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Thuỷ lợi,

- Thuỷ nông,

- Giao thông,

- Vận tải.

4. Ban công nghiệp- xây dựng cơ bản, bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Công nghiệp

- Tiểu công nghiệp,

- Thủ công nghiệp,

- Xây dựng cơ bản.

5. Ban Vật tư - thương nghiệp - đời sống (gọi tắt là ban thương nghiệp) bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Thương nghiệp,

- Lương thực,

- Hợp tác xã mua bán.

6. Ban tài chính, giá cả, bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Tài chính,

- Giá cả.

7. Ban văn hoá và thông tin, bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Văn hoá,

- Thông tin,

- Truyền thanh.

8. Ban giáo dục, bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Giáo dục phổ thông,

- Bổ túc văn hoá,

- Mẫu giáo,

- Nhà trẻ.

9. Ban y tế- thể dục thể thao, bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Y tế,

- Thể dục thể thao.

10. Ban tổ chức - lao động - xã hội, bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Tổ chức và cán bộ,

- Lao động,

- Thương binh và xã hội.

11. Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện bao gồm các ngành, các mặt công tác:

- Tổng hợp, pháp chế,

- Thi đua, khen thưởng,

- Hành chính, quản trị.

12. Ban thanh tra.

13. Ban chỉ huy quân sự huyện.

14. Ngân hàng Nhà nước huyện.

15. Công an huyện.

16. Bưu điện huyện.

Các ban nói trên là quy định chung cho các huyện. Trong khi thực hiện, các Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có thể căn cứ vào đặc điểm cụ thể và cơ câú kinh tế của từng vùng, để bố trí, sắp xếp bộ máy cho phù hợp với tình hình thực tế của từng huyện. Nếu địa phương nào muốn thành lập thêm một ban mới ở huyện, thì phải được sự đồng ý của Hội đồng Chính phủ.

Điều 2.- Các ban là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện, có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc huyện quản lý; đồng thời có nhiệm vụ bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các ngành dọc cấp trên đối với các đơn vị cơ sở thuộc huyện; cụ thể là giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện các việc như sau:

a. Xây dựng quy hoạch ngành, trên cơ sở quy hoạch tổng thể của huyện đã được duyệt.

b. Xây dựng kế hoạch ngành, trên cơ sở số kiểm tra của Uỷ ban nhân dân trung ương giao cho Uỷ ban nhân dân huyện.

c. Xem xét để trình Uỷ ban nhân dân huyện giải quyết những việc nảy sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh vượt quá thẩm quyền quyết định của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp.

d. Theo dõi, kiểm tra đôn đốc và giúp đỡ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật, chế độ, thể lệ của Nhà nước; thực hiện các biện pháp khoa học, kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật của Nhà nước.

e. Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, công nhân viên do cấp trên giao cho huyện thực hiện.

Điều 3.- Các ban ( trừ ban chỉ huy quân sự, công an, ngân hàng và bưu điện huyện) không phải là tổ chức cấp trên của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc huyện quản lý. Mọi việc quản lý và điều hành các cơ sở này đều thống nhất tập trung vào Uỷ ban nhân dân huyện. Các ban không phải là đơn vị dự toán, kinh phí hoạt động của các ban đều do văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện dự trù, sau khi đã bàn với các ban.

Điều 4.- Các ban chuyên môn của huyện, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo của các ngành cấp trên theo những nội dung quản lý thống nhất toàn ngành từ trung ương đến cơ sở. Những ban có nội dung công tác liên quan đến nhiều ngành dọc cấp trên thì phải báo cáo và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh tế, kỹ thuật của các ngành đó.

Điều 5.- Mỗi ban có một trưởng ban và có từ một đến hai phó ban giúp việc. Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ra quyết định bổ nhiệm, có sự tham gia ý kiến của các ty, sở có liên quan. Trong các ban không thành lập phòng, mà thành lập các tổ chuyên môn, do các phó trưởng ban trực tiếp làm tổ trưởng. Cán bộ của các ban phải là những người có phẩm chất, đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Biên chế quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân huyện, thực hiện theo quyết định số 139-CP của Hội đồng Chính phủ.

Ban tổ chức của Chính phủ bàn với các ngành ở trung ương để hướng dẫn cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể và biên chế cho từng ban, theo mức biên chế mà Nhà nước đã quy định cho từng loại huyện.

Điều 6.- Các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan có liên quan ở trung ương, với sự tham gia của Ban tổ chức của Chính phủ nghiên cứu trình Chính phủ quy định tổ chức các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc ngành đặt trên địa bàn huyện và do huyện trực tiếp quản lý.

Điều 7.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định về tổ chức, nhiệm vụ của các ban chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện ghi trong Quyết định số 139-CP ngày 14-6-1978 và trong các văn bản khác của Chính phủ trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 8.- Các đồng chí Bộ trưởng phủ thủ tướng và Bộ trưởng các Bộ, chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Tố Hữu

(Đã ký)