Quyết định 225/QĐ-UB năm 1980 về chế độ hoạt động đối với cơ quan Tổng Lãnh sự Cộng hòa dân chủ Đức tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu văn bản: 225/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 07-06-1980
- Ngày có hiệu lực: 07-06-1980
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6649 ngày (18 năm 2 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 225/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 6 năm 1980 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ QUAN TỔNG LÃNH SỰ CỘNG HÒA DÂN CHỦ ĐỨC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
– Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp ngày 27-10-1962;
– Căn cứ Hiệp định lãnh sự được ký kết ngày 31-10-1979 giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ Đức;
– Căn cứ đề nghị của Sở Ngoại vụ thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về một số chế độ hoạt động đối với cơ quan Tổng Lãnh sự Cộng hòa dân chủ Đức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. – Giao cho Sở Ngoại vụ:
a) Truyền đạt cho cơ quan Tổng Lãnh sự Cộng hòa dân chủ Đức tại thành phố Hồ Chí Minh nội dung bản Quy định được ban hành và những luật lệ hiện hành của nước Việt Nam đối với người nước ngoài và cơ quan nước ngoài để cơ quan Tổng Lãnh sự Cộng hòa dân chủ Đức tại thành phố Hồ Chí Minh biết và chấp hành.
b) Phổ biến nội dung bản Quy định đến các ban ngành, Sở cảu thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để mỗi nơi tùy theo chức năng và trách nhiệm của mình thực hiện những vấn đề có liên quan đến mình, đảm bảo cho các quy định của thành phố, cũng như các luật lệ của Nhà nước đối với người nước ngoài và cơ quan nước ngoài được chấp hành tốt.
Điều 3. – Bản Quy định về một số chế độ hoạt động đối với cơ quan Tổng Lãnh sự Cộng hòa dân chủ Đức tại thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định này.
Điều 4. – Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc Sỏ Ngoại vụ thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ QUAN TỔNG LÃNH SỰ CỘNG HÒA DÂN CHỦ ĐỨC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(ban hành kèm theo quyết định số 225/ QĐ-UB ngày 7-6-1980 của UBND thành phố)
Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào Hiệp định Lãnh sự ngày 31-10-1979 giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ Đức, và luật lệ hiện hành của Việt Nam, quy định cụ thể như sau nhằm giúp cơ quan Tổng Lãnh sự Cộng hòa dân chủ Đức tại thành phố Hồ Chí Minh hoạt động được thuận lợi:
1) Khi đến thành phố Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên của cơ quan Tổng Lãnh sự và những người trong gia đình của họ làm thủ tục đăng ký ở Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh trong thời hạn 48 giờ.
2) Khu vực lãnh sự dành cho Tổng Lãnh sự Cộng hòa dân chủ Đức hoạt động là thành phố Hồ Chí Minh (nội và ngoại thành). Cán bộ, nhân viên của cơ quan Tổng Lãnh sự và những người trong gia đình của họ được đi lại bình thường trong khu vực nội thành là giấy chứng nhận lãnh sự do Sở Ngoại vụ thành phố cấp. Việc đi lại ngoài khu vực nội thành cần có giấy thông hành do Sở Ngoại vụ thành phố cấp.
3) Người đứng đầu và cán bộ cơ quan Tổng Lãnh sự được ra, vào các cảng và sân bay thuộc thành phố để đón tiễn khách, lên tàu thủy hoặc máy bay mang quốc tịch nước mình đang đậu ở cảng và sân bay sau khi được Sở Ngoại vụ cấp giấy phép. Giấy phép ra vào cảng, sân bay có thể được cấp với thời hạn 6 tháng cho Tổng Lãnh sự, Phó Tổng Lãnh sự và 3 tháng cho các cán bộ bộ lãnh sự khác. Nhân viên cơ quan Tổng Lãnh sự muốn ra vào cảng và sân bay để lên tàu thủy hoặc máy bay mang quốc tịch nước mình được Sở Ngoại vụ cấp giấy phép từng trường hợp một theo đề nghị cảu cơ quan Tổng Lãnh sự.
4) Trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh sự:
a) Cán bộ lãnh sự được tiếp xúc với cơ quan, đoàn thể của thành phố Hồ Chí Minh trong khu vực hoạt động lãnh sự thông qua Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.
b) Cơ quan Tổng Lãnh sự trực tiếp giao dịch với các cơ quan sau đây:
- Cơ quan ngân hàng để lãnh tiền, gởi tiền, thanh toán.
- Cơ quan bưu điện, hải quan để gởi, nhận thư từ, bưu kiện, bưu phẩm, làm các thủ tục hải quan.
- Cơ quan phục vụ đại diện nước ngoài và các cơ quan phục vụ công cộng để giải quyết những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng khác, điện nước, cấp cứu, cứu hỏa, chữa bệnh, …
5) Cơ quan Tổng Lãnh sự muốn tổ chức chiêu đãi, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, … tại trụ sở cơ quan có mời khách Việt Nam thì phải báo cho Sở Ngoại Vụ thành phố biết trước 48 giờ,đồng thời báo cho Sở Ngoại vụ rõ lý do, thời gian, nội dung triển lãm, phim định chiếu và danh sách khách Việt Nam định mời. Cơ quan Tổng Lãnh sự muốn tổ chức các hoạt động tương tự ngoài trụ sở cơ quan phải được phép của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
6) Cơ quan Tổng Lãnh sự muốn tuyển dụng người Việt Nam hoặc người có quốc tịch khác tại thành phố làm nhân viên phục vụ cho cơ quan hoặc cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan (ngoài biên chế chính thức đã quy định) phải được sự đồng ý của Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.
7) Khi có người không thuộc biên chế cơ quan Tổng Lãnh sự tạm trú ở cơ quan tổng Lãnh sự hoặc ở nhà của cán bộ, nhân viên lãnh sự thì phải đem hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác của người tạm trú đến làm thủ tục đăng ký tạm trú. Người tạm trú có hộ chiếu ngoại giao và công vụ thì đăng ký tại Sở Ngoại vụ, những người tạm trú khác thì đăng ký tại Sở Công an thành phố.