Quyết định 874/QĐ-UB ban hành Quy định tạm thời về quản lý thống nhất bảo vệ động vật – thực vật rừng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu văn bản: 874/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 31-05-1978
- Ngày có hiệu lực: 31-05-1978
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7387 ngày (20 năm 2 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 874/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 5 năm 1978 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TẠM THỜI QUẢN LÝ THỐNG NHẤT BẢO VỆ ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT RỪNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;
Căn cứ pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng số 147/LCT ngày 11-9-1972 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa;
Căn cứ nghị định của Hội đồng Chính phủ số 39/CP ngày 5-4-1963 ban hành điều lệ tạm thời về săn, bắt chim, thú rừng;
Căn cứ tình hình bảo vệ động vật, thực vật rừng hiện nay còn nhiều tùy tiện, bất hợp lý, gây tác hại nghiêm trọng, nên cần tăng cường quản lý thống nhất về việc bảo vệ động vật, thực vật rừng;
Theo đề nghị của đồng chí Trưởng Ty Lâm nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành bản quy định tạm thời về việc quản lý thống nhất bảo vệ động vật – thực vật rừng ở thành phố Hồ Chí Minh (đính kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 3. Các đồng chí ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, giám đốc các sở, ban, ngành, Trưởng Ty Lâm nghiệp và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp trong thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC QUẢN LÝ THỐNG NHẤT BẢO VỆ ĐỘNG VẬT VÀ THỰC VẬT RỪNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 874/QĐ-UB ngày 31-5-1978)
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, sinh cảnh phong phú, cây cỏ nhiều loài xanh tốt quanh năm, sinh trưởng nhanh chóng; sông rạch chằng chịt, đều khắp, do đó điều kiện thức ăn, nước uống và nơi sống cho các loài động vật được bảo đảm tốt.
Về cây rừng: Trong thời gian qua, rừng đã bị người và bom đạn giặc phá hại nghiêm trọng (như khu rừng lịch sử huyện Củ Chi, khu rừng Sát huyện Duyên Hải, v.v…), cho nên diện tích rừng bị thu hẹp một cách nhanh chóng, tài nguyên rừng ngày càng giảm sút, nhiều đặc sản quý trong rừng hầu như không còn nữa. Nạn úng lụt, hạn hán, xói mòn,… xảy ra ngày càng nhiều, đe dọa đời sống của đồng bào, gây khó khăn lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của thành phố ta.
Về chim muông, thú rừng: Cây rừng càng sinh trưởng, phát triển nhanh thì chim muông, thú rừng càng thêm phong phú, không những có tính chất riêng ở thành phố mà còn tổng hợp tính chất của nhiều loài trong khu liên đới tiếp cận như: hổ, báo, gấu, chó rừng, nai, heo vòi, lợn rừng, hoãng, cheo, nhím, các loại chồn, rái cá, cầy hương, các loại khỉ, các loại sóc, mèo rừng và các loài chim cũng rất phong phú và đa dạng, v.v… có nhiều giá trị, tác dụng đối với đời sống con người, sản xuất và nghiên cứu khoa học.
Chim muông, thú rừng có giá trị lớn như trên, nhưng từ trước đến nay chưa được bảo vệ và nuôi dưỡng, bị chiến tranh tàn phá làm giảm sút nghiêm trọng. Diện tích rừng lại bị thu hẹp ngày càng tăng, nên làm mất dần môi trường sinh sống của chim, thú, có loài có nguy cơ bị tiêu diệt.
Hiện nay, thành phố ta đang tập trung tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, tận dụng mọi khả năng tiềm tàng của đất, rừng để phát triển nền kinh tế lớn mạnh, xứng đáng với vị trí trung tâm lớn của đất nước. Vì vậy, việc bảo vệ động vật, thực vật rừng là một yêu cầu quan trọng và cấp thiết.
Chương I
BẢO VỆ THỰC VẬT RỪNG
Điều 1. Rừng và đất rừng thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, tức là của toàn dân, không ai được xâm phạm.
Ủy ban Nhân dân thành phố có trách nhiệm quy hoạch toàn diện; căn cứ vào quy định của Nhà nước mà phân định ranh giới rừng và đất rừng đến tận xã, quy định các chế độ, chính sách, nhằm khuyến khích hợp tác xã và nhân dân những nơi có đất rừng và rừng tích cực tham gia trồng rừng, làm nghề rừng, bảo vệ cây rừng tự nhiên cũng như cây rừng nhân tạo, góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Điều 2. Nhà nước bảo đảm quyền lợi cho những tập thể và cá nhân đã có công trồng cây trên đất rừng. Tất cả các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp công nghiệp và nông nghiệp, công trường, đơn vị vũ trang nhân dân, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và toàn dân đều có nghĩa vụ bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng; phải triệt để làm theo luật lệ bảo vệ rừng và chống mọi hành động vi phạm luật lệ đó.
Điều 3. Cấm mọi hành động bao chiếm đất rừng và rừng, chặt phá cây rừng tùy tiện, làm thiệt hại đến tài nguyên rừng. Trong trường hợp cần thiết phải phá rừng để lấy đất trồng trọt, chăn nuôi ngư nghiệp, xây dựng theo chủ trương và kế hoạch chung của Nhà nước hoặc để làm bất cứ việc gì khác thuộc lợi ích công cộng thì phải được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép.
Điều 4. Cấm mọi hành động chặt cây rừng trái với các điều quy định của Nhà nước
Việc chặt cây rừng tự nhiên hay rừng trồng (kể cả việc chặt cây rừng trồng trong đường phố, trong đất thổ cư, v.v…) đều phải theo đúng kế hoạch, chế độ và thể lệ của Nhà nước và phải được Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép.
Lâm trường, nông trường, công trường, xí nghiệp công nghiệp, hợp tác xã, cơ quan, nhân dân địa phương, các đơn vị vũ trang nhân dân khi chặt cây rừng đều phải nộp tiền nuôi rừng (theo thể lệ làm luật hiện hành) và được trừ vào chỉ tiêu cung cấp lâm sản cho đơn vị, cơ quan đó.
Chặt cây rừng đến đâu phải dọn đường, tu bổ và trồng lại rừng đến đó dưới sự hướng dẫn và kiểm tra của Ty Lâm nghiệp.
Điều 5. Xúc tiến việc quy hoạch rừng và đất rừng làm căn cứ cho việc trồng cây, tu bổ, bảo vệ rừng.
Ngành lâm nghiệp cùng với Ủy ban Nhân dân các cấp và các sở, ban, ngành liên quan làm sớm quy hoạch các vùng trồng cây rừng tập trung, tu bổ hoặc khoanh nuôi, vùng rừng khai thác, các vùng rừng đầu nguồn, chống cát bay, những khu vực cấm nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc phục vụ các lợi ích đặc biệt khác.
Đối với những vùng rừng nguyên liệu, rừng phòng hộ, rừng phong cảnh phải nhanh chóng thi hành biện pháp quản lý chặt chẽ, theo như văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố và cấp trên quy định.
Ở những khu rừng này, cấm chặt cây, trừ trường hợp để dọn rừng và tu bổ rừng; cấm săn bắt chim muông, thú rừng.
Điều 6. Ngành lâm nghiệp, căn cứ vào các điều kiện đất đai, khí hậu, cây rừng, căn cứ vào các yêu cầu về lâm sản và phòng hộ, phối hợp chặt chẽ với các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và Ủy ban Nhân dân các cấp để có kế hoạch sử dụng hợp lý khả năng đất đai và lao động, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương làm quy hoạch và kế hoạch trồng cây rừng, bảo vệ rừng, đồng thời phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn xã hội chủ nghĩa, nhằm bảo đảm yêu cầu không ngừng phát triển nền kinh tế cân đối, có kế hoạch, nâng cao đời sống của nhân dân.
Điều 7. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, ngành lâm nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động và Ủy ban Nhân dân các cấp, có kế hoạch chuyển những nhân lực lao động thừa cũng như những lực lượng hiện nay đang phá rừng thành lực lượng trồng cây gây rừng; bảo vệ rừng, tạo ra những vùng rừng lớn có giá trị khoa học, kinh tế cao, trên cơ sở xây dựng và phát triển các lâm trường quốc doanh, các hợp tác xã kinh doanh nghề rừng, đồng thời đề cao vai trò nòng cốt của các lâm trường, phát huy rộng rãi và mạnh mẽ vai trò của các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất trong việc bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Điều 8. Cấm phá rừng, đốt lửa ở trong rừng và ven rừng để dọn đường, hạ cây, lấy củi, làm nương rẫy, săn bắt thú rừng.
Những trường hợp đốt lửa ở trong rừng và ven rừng để sinh hoạt, đốt lửa để sản xuất, xây dựng hoặc phục vụ chiến đấu đều phải được phép của Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã, Ty Lâm nghiệp, giám đốc nông trường, lâm trường và thủ trưởng đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên.
Khi đốt lửa trong rừng và ven rừng, phải nghiêm ngặt thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.
Khi xảy ra cháy rừng, Ủy ban Nhân dân các cấp có quyền huy động lực lượng và phương tiện của các cơ quan, đơn vị và của nhân dân ở địa phương để chữa cháy rừng.
Điều 9. Ngành lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức việc phòng và trừ sâu bệnh phá hại rừng,
Các lâm trường, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị và đoàn thể được phép kinh doanh rừng có nhiệm vụ thực hiện việc phòng và trừ sâu bệnh dưới sự chỉ đạo của ngành lâm nghiệp địa phương.
Điều 10. Nhân dân những phường, xã ở nơi có rừng, cấm không được chặt cây tươi, cành cây tươi dưới bất cứ hình thức nào để làm củi mà chỉ được kiếm củi khô, mục trong rừng đã được khoanh cho sử dụng để dùng và được thu nhặt lâm sản phụ theo quy định của Ty Lâm nghiệp.
Nhân dân những xã ở nơi nào có rừng, cần lấy gỗ để sửa chữa nhà, làm nhà hoặc để dùng vào những việc cần thiết khác trong gia đình thì phải được Ty Lâm nghiệp cho phép, theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Điều 11. Các lâm trường, nông trường, các xã, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất được Nhà nước giao rừng để kinh doanh và đất để trồng rừng, phải nghiêm chỉnh chấp hành các luật lệ về bảo vệ rừng, kinh doanh nghề rừng, trồng rừng và được hưởng quyền lợi theo chính sách khuyến khích.
Chương II
BẢO VỆ CHIM, THÚ RỪNG
Điều 12. Cấm không được bắn chết, bẩy chết, làm bị thương hoặc bắt sống, thu nhặt trứng, đào hang, phá tổ những loài chim, thú rừng hiếm sau đây:
1 Công
2 Chim trĩ
3 Gà sao, gà lôi
4 Heo vòi
5 Hươu sao
6 Hươu sạ
7 Cheo
8 Sóc bay
9 Cầy bay
10 Chồn mực
11 Cu ly (cù lần)
12 Vượn, khỉ
13 Vẹt (vá, cáng, tắc mộc)
14 Tê tê (trúc, xuyên sơn giáp)
15 Cá sấu
Ngoài số chim, thú rừng nêu trên, nếu sau này thấy cần thiết sẽ bổ sung thêm.
Điều 13. Có thể bắn chết, bẩy chết hoặc bắt sống các loại thú rừng sau đây trong những trường hợp đặc biệt là chúng trực tiếp tấn công, uy hiếp tính mạng người, phá hoại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp:
1. Hổ (cọp, hùm)
2. Báo, beo, gấm
3. Gấu
4. Chó rừng
5. Cá sấu
Điều 14. Nhân dân có thể săn, bắt các loại chim, thú rừng ngoài những loại kể trong điều 12 và điều 13 nói trên với mục đích cải thiện đời sống, giải trí, thể thao trong mùa săn, ở những khu rừng được cho phép săn bắn.
Điều 15. Để phục vụ yêu cầu khoa học, văn hóa, chăn nuôi và xuất khẩu hoặc những yêu cầu đặc biệt khác được Ủy ban Nhân dân cho phép, ngành lâm nghiệp tổ chức săn, bắt một số loài chim, thú rừng, kể cả những loài ghi trong điều 12, 13 nói trên, trong hoặc ngoài mùa săn, kể cả khu vực cấm săn nêu trong điều 17 dưới đây.
Điều 16. Để bảo đảm an toàn cho người và gia súc, tránh làm bị thương hoặc giết hại chim, thú rừng hàng loạt, nhằm bảo vệ rừng cùng đất rừng nên cấm dùng những phương pháp và phương tiện săn, bắt kể dưới đây:
1. Đốt đồng cỏ, bụi rậm, rừng cây để săn bắn;
2. Soi đèn săn đêm;
3. Gài súng;
4. Súng trận và súng trận cải tiến, đạn bọc đồng đầu nhọn (trừ trường hợp bộ đội, công an, dân quân, du kích dùng bắn thú dữ để bảo vệ người và bảo vệ sản xuất như điều 13);
5. Mìn, lựu đạn;
6. Tên tẩm thuốc độc;
7. Chất độc để đánh bả;
8. Hầm, hố cắm chông;
9. Bẩy kiềng lớn và các loại cạm bẩy nguy hiểm khác như bẩy cắm chông, bẩy gài lao, bẩy sập dùng khúc gỗ lớn hoặc răng sắt lớn.
Điều 17. Để bảo đảm an ninh chung và tạo điều kiện cho các loài chim, thú rừng sinh sống yên ổn, cấm săn, bắt trong các khu vực sau đây:
Những nơi tập trung đông người như nội thành, nội thị (thị xã, thị trấn), v.v…
Những khu bảo vệ thiên nhiên, những khu nuôi và quy tụ chim, thú rừng đã được Ủy ban Nhân dân thành phố và cấp trên quy định.
Điều 18. Để chim, thú rừng có điều kiện sinh sản và phát triển, tạm thời cấm săn bắt chim, thú rừng trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm như đã nêu ở điều 14 và 15.
Điều 19. Muốn săn bắt chim, thú rừng như nêu trong điều 14 và 15 thì phải xin cấp giấy phép săn bắt tại Ty Lâm nghiệp thành phố và người sử dụng các loại súng săn đều phải đến Sở Công an thành phố làm thủ tục khai trình, đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng súng săn (có hướng dẫn cụ thể riêng của Sở Công an thành phố).
Chương III
GIÁO DỤC VÀ THƯỞNG PHẠT
Điều 20. Quy trình này phải được phổ biến và áp sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công nhân, chiến sĩ và nhân dân.
Các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công nhân viên và nhân dân cần gương mẫu chấp hành bản quy định tạm thời việc quản lý thống nhất bảo vệ động vật, thực vật rừng. Những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích bảo vệ động vật và thực vật rừng sẽ được khen thưởng thích đáng.
Điều 21. Cá nhân và đơn vị nào vi phạm những điều quy định trên đây, đều phải lập biên bản, xử lý thích đáng.
Điều 22. Ty Lâm nghiệp, các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện bản quy định tạm thời này. Riêng ngành lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức lực lượng thực hiện theo chức năng đã quy định.