Quyết định 1789/QĐ-UB năm 1977 về việc thống nhất quản lý lâm sản ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu văn bản: 1789/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 29-12-1977
- Ngày có hiệu lực: 29-12-1977
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7540 ngày (20 năm 8 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1789/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 12 năm 1977 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ LÂM SẢN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa công bố ngày 11-9-1972 ;
- Căn cứ nghị định của Hội đồng Chính phủ số 24-CP ngày 2-2-1976 ban hành Bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lãnh vực quản lý kinh tế ;
- Căn cứ quyết định số 17-CP ngày 3-2-1972 của Hội đồng Chính phủ về quản lý thống nhất việc khai thác, thu mua, phân phối gỗ và các cơ sở cưa xẻ gỗ ;
- Căn cứ nghị định số 101-CP ngày 21-5-1973 của Hội đồng Chính phủ quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân ;
- Để tăng cường quản lý lâm sản, khắc phục tình trạng tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng lâm sản trái phép, nhằm bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên rừng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Nay ban hành Bản Quy định về việc thống nhất quản lý lâm sản ở Thành phố Hồ Chí Minh (đính kèm theo).
Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 4. - Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở, ban, ngành, Trưởng ty Lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ LÂM SẢN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 1789/QĐ-UB ngày 29-12-1977)
Chương I
VIỆC MUA BÁN, TÀNG TRỮ VÀ VẬN CHUYỂN LÂM SẢN
Điều 1.- Nhà nước thống nhất quản lý các lâm sản chủ yếu sau đây : gỗ, cừ, tre, than, củi, dầu trong, chai cục, dầu chai, song, mây, mun và các lâm sản khác, v.v…
Mọi việc mua bán vận chuyển, tàng trữ, phân phối sử dụng lâm sản kể trên phải được Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trương và Trưởng ty Lâm nghiệp cấp giấy phép.
Điều 2.- Việc phân phối gỗ cho các nhu cầu của các ngành, các địa phương, đơn vị bộ đội hay cá nhân đều phải căn cứ vào kế hoạch của Thành phố.
Cấm tư nhân buôn bán gỗ và các lâm sản khác thuộc diện Nhà nước quản lý.
Điều 3.- Các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, hợp tác xã hoặc cá nhân được cung cấp gỗ, phải quản lý việc sử dụng gỗ. Gỗ được cấp phải được sử dụng đúng mục đích phân phối và hết sức tiết kiệm. Số gỗ không sử dụng hết phải giao lại cho ngành lâm nghiệp thu mua, không được tự tiện phân phối bán lại hoặc trao đổi cho bất cứ ai.
Điều 4.- Cơ quan lâm nghiệp thành phố tổ chức cung cấp bán cho nhân dân những lâm sản gia dụng cần thiết (làm nhà mới, sửa chữa nhà cũ) theo danh sách và kế hoạch cân đối của các quận, huyện và nông trường quốc doanh.
Cơ quan thương nghiệp tổ chức việc bán lẻ cho nhân dân : tre, than, củi và gỗ đã được khai thác và chế biến thành sản phẩm gia dụng.
Điều 5.- Các trại cưa xẻ (trừ các cơ sở cưa xẻ của ngành công nghiệp nhẹ), các trại mộc, vựa gỗ xẻ, các vựa lâm sản khác và các xưởng chế biến lâm sản thuộc phạm vi quản lý của thành phố đều do ngành lâm nghiệp thành phố thống nhất quản lý (trừ một số cơ sở giao cho công nghiệp, xây dựng, v.v…).
Điều 6.- Các cơ sở kinh doanh lâm sản muốn hoạt động phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Ủy ban nhân dân quận, huyện và giấy phép hành nghề do Trưởng ty Lâm nghiệp Thành phố cấp.
Các cơ sở nói trên phải kinh doanh theo đúng phạm vi hoạt động, đúng đối tượng phục vụ đã được quy định, giá cả do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và phải nộp thuế đầy đủ theo thể lệ hiện hành.
Điều 7.- Việc nhập xuất gỗ gia công cưa xẻ, sản xuất đồ mộc và lâm sản phải được các chủ trại đăng ký tại Ty Lâm nghiệp Thành phố theo định kỳ nhập xuất.
Cơ quan lâm nghiệp phải hướng dẫn các trại cưa, xí nghiệp cưa xẻ quốc doanh làm thủ tục và ghi sổ sách xuất, nhập lâm sản thống nhứt.
Điều 8.- Các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang và các trại cưa xẻ, trại mộc, khi giao nhận gỗ gia công cưa xẻ, chế biến cho nhu cầu thành phố, cũng như cho xuất khẩu phải làm hợp đồng cụ thể về giá cả, về tỷ lệ gỗ tròn ra gỗ xẻ, về quy cách sản phẩm và tận dụng bìa bắp, v.v… theo sự hướng dẫn của Ty Lâm nghiệp Thành phố.
Mùn cưa, phoi bào, gỗ đầu thừa khi gia công chế biến phải được đưa vào kế hoạch tận dụng hoặc phân phối sử dụng thay cho than củi.
Điều 9.- Người vận chuyển lâm sản trên các tuyến đường phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ sau đây:
1.- Giấy phép vận chuyển lâm sản do Trưởng ty Lâm nghiệp Thành phố cấp.
2.- Bản lý lịch gỗ, hóa đơn kiểm phiếu xuất kho khối lượng lâm sản vận chuyển.
3.- Phiếu thu tiền hoặc biên lai nộp tiền bán lâm sản (mẫu biên lai do sở Tài chánh phát hành).
- Trường hợp lâm sản đã nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi chuyển tiếp đi nơi khác, phải có thêm giấy bản chiếu (trích lục) của chi cục Kiểm lâm nhân dân Thành phố cấp.
- Giấy phép để vận chuyển các loại lâm sản từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương khác đều do Trưởng ty Lâm nghiệp Thành phố cấp.
Chương II
VIỆC KIỂM SOÁT LÂM SẢN VÀ XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM
A. VIỆC KIỂM SOÁT LÂM SẢN
Điều 10.- Chi cục Kiểm lâm nhân dân Thành phố chịu trách nhiện tổ chức và bố trí lực lượng kiểm soát lâm sản ở những nơi tập trung đầu mối giao thông quan trọng (đường thủy, đường bộ, đường sắt), kiểm tra viêc sử dụng lâm sản trong các cơ quan, đơn vị vũ trang, xí nghiệp và nhân dân ở phạm vi nội ngoại Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chỉ đạo của Ty Lâm nghiệp Thành phố và Cục Kiểm lâm nhân dân Bộ Lâm nghiệp.
Điều 11.- Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân.
a) Tất cả cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân, trong khi thi hành nhiệm vụ kiểm soát việc mua bán, vận chuyển lâm sản, đều có quyền ra lệnh cho người điều khiển các phương tiện vận tải đang chở lâm sản trên đường thủy, đường bộ dừng lại để kiểm soát.
b) Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng, Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng và những cán bộ kiểm lâm nhân dân thi hành lệnh viết của các cấp này, được quyền khám xét trong nhà ga, trên toa xe lửa, trong nhà tư nhân và trong các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị… (đối với nhà dân, xí nghiệp, cơ quan và đơn vị thì có sự kết hợp chặt chẽ với chánh quyền địa phương và lãnh đạo cơ quan đơn vị).
Điều 12.- Thủ tục khám xét lâm sản
Khi bắt giữ tang vật (những lâm sản trái phép, những dụng cụ và phương tiện trực tiếp dùng để phạm pháp), cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân phải lập biên bản theo mẫu in thống nhất của Cục Kiểm lâm nhân dân.
Trong biên bản phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người vận chuyển lâm sản ; họ, tên, chức vụ, đơn vị của người bắt giữ ; số lượng và chất lượng lâm sản, trường hợp vi phạm
Biên bản phải có chữ ký của người vi phạm và người bắt giữ ; người vi phạm giữ một bản.
Điều 13.- Trường hợp tạm giữ lâm sản.
Những lâm sản bị tạm giữ hoặc bị tịch thu chờ xử lý, phải được quản lý chặt chẽ, nếu để mất mát, hư hỏng thì người giữ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu tự tiện sử dụng hoặc lấy cắp thì sẽ bị nghiêm trị như thi hành kỷ luật nội bộ hoặc bị truy tố trước pháp luật.
B. VIỆC THƯỞNG PHẠT
Điều 14.- Tập thể hoặc cá nhân nào phát hiện được các vụ phạm pháp lâm nghiệp mà đương sự bị xử phạt tiền hay bị tịch thu lâm sản sẽ được thưởng một khoản tiền bằng từ 5% đến 40% số tiền phạt hay tiền bán lâm sản bị tịch thu. Số tiền thưởng nhiều nhất không quá 500đ.
Khoản tiền thưởng này không áp dụng cho nhân viên lâm nghiệp và cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm nhân dân.
Điều 15.- Hình thức xử phạt :
Những người mua bán, vận chuyển hoặc tàng trữ lâm sản trái phép và những người tòng phạm tùy theo mức độ vi phạm nặng, nhẹ sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo một hoặc các hình thức dưới đây :
- Cảnh cáo ;
- Phạt tiền từ 1 đồng đến 2.000 đồng ;
- Tịch thu tang vật ;
- Thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn giấy phép kinh doanh hay giấy phép vận chuyển ;
- Truy tố trước Tòa án nhân dân (trường hợp gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, hoặc đã bị xử phạt mà còn tái phạm nhiều lần).
Điều 16.- Thẩm quyền xử phạt :
- Cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân có quyền cảnh cáo hoặc phạt tiền người phạm pháp từ 1 đồng đến 10 đồng.
- Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng kiểm lâm nhân dân được phạt tiền từ 11 đồng đến 100 đồng.
- Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng phạt tiền từ 101 đồng đến 200 đồng. Trong việc xử phạt, Chi cục trưởng, Chi cục phó Kiểm lâm nhân dân cần tạo điều kiện tranh thủ sự nhất trí của Ủy ban nhân dân địa phương. Trường hợp đương sự khiếu nại thì cùng với Ủy ban nhân dân cùng cấp xét và quyết định, đồng thời, báo cáo lên Trưởng ty Lâm nghiệp biết. Nếu người bị xử phạt chưa thông, có thể khiếu nại lên Ủy ban nhân dân Thành phố xét quyết định.
Điều 17.- Sau khi có quyết định xử lý, toàn bộ lâm sản bị trưng mua hay bị tịch thu phải được giao cho Công ty Gỗ và lâm sản I để đưa vào kế hoạch phân phối theo chỉ tiêu của Ủy ban Kế hoạch Thành phố, Công ty Gỗ và lâm sản I Thành phố phải tiếp nhận lâm sản do Chi cục Kiểm lâm nhân dân giao, chậm nhất trong thời gian 5 ngày khi được báo.
Cơ quan Kiểm lâm nhân dân chịu trách nhiệm thu tiền phạt và tiền bán lâm sản, tiền bán khoán lâm sản (tức là truy thu tiền nuôi rừng) nộp vào ngân sách Nhà nước theo đúng chế độ kiểm thu lâm sản.
Điều 18.- Những hàng đồ gỗ cũ (tủ, bàn, ghế, v.v…) cùng các loại tre, gỗ của các loại cây trồng ở vườn, những sản phẩm chế biến từ các loại tre, gỗ đó để sử dụng không có tính chất buôn bán, không thuộc phạm vi quản lý của quy định này.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19.- Các đồng chí Trưởng ty Lâm nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhân dân thành phố, thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định này.