cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định 325/QĐ-UB năm 1977 ban hành điều lệ tạm thời về giữ gìn vệ sinh công nghiệp và bảo hộ lao động của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu văn bản: 325/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 25-04-1977
  • Ngày có hiệu lực: 25-04-1977
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7903 ngày (21 năm 7 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Quyết định 325/QĐ-UB năm 1977 ban hành điều lệ tạm thời về giữ gìn vệ sinh công nghiệp và bảo hộ lao động của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 325/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 4 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH CÔNG NGHIỆP VÀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ nghị định số 01/NĐ-74 ngày 12-9-74 của Hội đồng Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy chánh quyền địa phương ;
- Căn cứ nghị định số 194/CP ngày 31-12-1964 của Chánh phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân và thông tư số 29-BYT/TT ngày 21-10-1971 của Bộ Y tế nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hướng dẫn thực hiện nghị định số 194/CP ;
- Căn cứ nghị quyết của các hội nghị về chống ô nhiễm, bảo vệ môi sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh (tại các buổi họp ngày 02-12-1976, 23-12-1976 và 05-4-1977) ;  

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Nay ban hành “Điều lệ tạm thời về giữ gìn vệ sinh công nghiệp và bảo hộ lao động”.

Điều 2. - Điều lệ này có hiệu lực trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh và được áp dụng kể từ ngày ban hành.

Điều 3. - Ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, giám đốc các xí nghiệp công nghiệp hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng bảo vệ môi sinh thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Vũ Đình Liệu

 

ĐIỀU LỆ

TẠM THỜI VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH CÔNG NGHIỆP VÀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

I. GIỮ GÌN VỆ SINH CHUNG VÀ VỆ SINH CÔNG NGHIỆP :

Điều 1.- Các xí nghiệp, cơ sở sản xuất phải có hệ thống thải nước và thanh lọc nước bẩn, không được đưa nước thải còn có độc chất và vi trùng gây bệnh vào hệ thống nước công cộng, sông ngòi hay trên mặt đất.

- Các xí nghiệp không được để nước thải có ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân, làm ô nhiễm môi sinh như chết cá, hoa màu cây cối và nhiễm bẩn nước sinh hoạt của nhân dân.

- Nước thải của các xí nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn nước thải đã được ban hành.

Điều 2.- Các xí nghiệp phải có kế hoạch tái sử dụng nước thải (loại nước sạch hay nước đã thanh hóa) vào quy trình sản xuất để đảm bảo nguồn nước ngầm cần thiết cho sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Điều 3.- Các xí nghiệp phải có kế hoạch thâu hồi các phế liệu còn có thể sử dụng cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp hay các ngành nghề khác.

Điều 4.- Các xí nghiệp thải nhiều khói bụi, hơi độc phải có hệ thống thông gió và khử độc chu đáo. Hệ thống này phải bảo đảm cho các yếu tố độc hại trong không khí quanh xí nghiệp không có tác hại đến sức khoẻ nhân dân địa phương.

Điều 5.- Các cơ quan, xí nghiệp, nhà ở công cộng phải có đầy đủ các cơ sở vệ sinh tốt như hố xí, phòng tắm. Rác phải được thu gọn sạch sẽ và đem đổ tại các nơi đã được Sở Vệ sinh thành phố quy định.

II.- BẢO HỘ LAO ĐỘNG VÀ Y TẾ LAO ĐỘNG :

Điều 6.- Giám đốc các cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm thực hiện mọi mặt công tác bảo hộ lao động trong phạm vi cơ sở mình. Phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Y tế thành phố, giám đốc có trách nhiệm xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Điều 7.- Giám đốc các cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm chăm lo sức khoẻ của cán bộ, công nhân, viên chức trong đơn vị mình, phải kiện toàn tổ chức y tế và vệ sinh của đơn vị để làm tốt công tác phòng bịnh, chữa bịnh và vệ sinh lao động.

Điều 8.- Giám đốc các cơ quan, xí nghiệp tùy theo khả năng tài chánh, dành một số tiền để chi vào công tác bảo hộ lao động (theo thông tư số 11/TT-LB ngày 15-10-1963 của liên Bộ Lao động – Tài chánh). Ngoài ra có thể bổ sung 20% quỹ xí nghiệp vào kinh phí chi cho công tác bảo hộ lao động khi cần tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh.

Điều 9.- Giám đốc có trách nhiệm tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, ít nhất mỗi năm một lần, nhất là công nhân các khâu sản xuất có tính chất nặng nhọc, độc hại hay làm việc trong những điều kiện có thể hại đến sức khoẻ.

Điều 10.- Tại những khâu sản xuất có điều kiện làm việc nguy hiểm và có hại cho sức khoẻ công nhân, ngoài trách nhiệm chăm lo cải tiến thiết bị an toàn và trang bị phòng hộ lao động, giám đốc phải thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân, viên chức trực tiếp làm việc tại đây theo hướng dẫn của liên Sở Y tế và Lao động.

Điều 11.- Khi xảy ra tai nạn lao động, xí nghiệp phải cứu chữa kịp thời người bị nạn, điều tra nguyên nhân, giải quyết đúng chính sách, đồng thời giám đốc còn có trách nhiệm báo cáo về Sở Lao động, Sở Y tế và Liên hiệp Công đoàn thành phố, thống kê các tai nạn lao động và nghiên cứu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa cần thiết.

(Những quy định về khai báo, điều tra và thống kê tai nạn lao động được hướng dẫn theo thông tư số 2/LĐ-TT ngày 26-3-1965 của Bộ Lao động).

III.- NHIỆM VỤ CỦA NGÀNH, CÁC SỞ :

Điều 12.- Đối với công tác giữ gìn vệ sinh và bảo hộ lao động, các cơ quan chủ quản (tổng cục công nghiệp, thực phẩm, hóa chất, Bộ Công nghiệp nhẹ…), các Ủy ban nhân dân quận, huyện cần thường xuyên lưu ý đề ra chủ trương, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các xí nghiệp trực thuộc thi hành điều lệ này và giúp đỡ về mặt kỹ thuật, cũng như các phương tiện cần thiết như tài chánh, vật tư.

Điều 13.- Giám đốc các cơ quan, xí nghiệp hoạt động trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện toàn bộ bản điều lệ này và đảm bảo thực hiện kịp thời kế hoạch đã đề ra.

Điều 14.- Hội đồng Bảo vệ môi sinh Thành phố có nhiệm vụ :

- Nghiên cứu, hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc các cơ quan, xí nghiệp thực hiện điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo hộ lao động, bảo vệ môi sinh cũng như các quy định khác của Nhà nước liên quan đến các vấn đề nói trên.

- Nghiên cứu, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các điều lệ bảo vệ và bồi dưỡng sức khoẻ của công nhân, viên chức.

- Góp ý kiến và giúp đỡ các cơ quan xí nghiệp về kế hoạch xây dựng các công trình vệ sinh chung bảo đảm an toàn lao động…

Điều 15.- Những quy định trên đây được áp dụng cho tất cả các cơ quan, công trường, xí nghiệp đang hoạt động trong thành phố.

Điều 16.- Những cơ sở nào vi phạm điều lệ này sẽ bị chế tài theo luật pháp Nhà nước (từ khuyến cáo, phạt tiền, đình chỉ hoạt động đến đóng cửa vĩnh viễn và truy tố ra toà án).