Quyết định 392/QĐ-UB năm 1977 về việc tập trung đầu mối tổ chức thu trong dân do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu văn bản: 392/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 19-04-1977
- Ngày có hiệu lực: 19-04-1977
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7909 ngày (21 năm 8 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 392/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 4 năm 1977 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TẬP TRUNG ĐẦU MỐI TỔ CHỨC THU TRONG DÂN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ nghị định 01/NĐ-74 ngày 12-9-74 của Hội đồng Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy chánh quyền địa phương ;
- Xét cần thiết phải tập trung đầu mối thu trong dân để giảm bớt phiền hà cho nhân dân và đảm bảo nguyên tắc chế độ quản lý tài chánh Nhà nước, tập trung nhanh chóng mọi khoản thu về cho ngân sách Thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Các khoản thu cho ngân sách nay tập trung vào cho Sở Thuế và Sở Tài chánh tổ chức thu như sau :
a) Sở Thuế chịu trách nhiệm tổ chức thu các loại thuế : môn bài, thổ trạch, trước bạ và con niêm, xe tự động, doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt (hàng hóa), lợi tức, lợi tức siêu ngạch.
b) Sở Tài chánh chịu trách nhiệm tổ chức thu : thuế nông nghiệp, các loại lệ phí : tiền chỗ, bến xe, bến ghe, bến đò, chỗ giữ xe hai bánh.
c) Đối với các xí nghiệp quốc doanh do Thành phố hoặc Trung ương quản lý trong khi Nhà nước chưa ban hành chế độ thu quốc doanh, xí nghiệp phải nộp cho ngân sách số lợi nhuận, khấu hao cơ bản, hoàn vốn lưu động thừa và các khoản thu xí nghiệp khác (nếu có).
Hàng năm (chia theo qúy) căn cứ kế hoạch tài vụ xí nghiệp được xét duyệt, Sở Thuế có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc từng xí nghiệp làm đầy đủ nghĩa vụ trích nộp tích lũy tiền tệ và các khoản thu khác theo chế độ cho ngân sách. Sở Tài chánh thông qua công tác cấp phát vốn và tình hình thực hiện kế hoạch tài vụ xí nghiệp thuộc Thành phố quản lý có nhiệm vụ cùng với Sở Thuế bàn bạc những biện pháp đảm bảo thúc đẩy các ngành nộp đủ và kịp thời số phải nộp cho ngân sách.
d) Sở Tài chánh cùng với các ngành bàn bạc mức thu, thủ tục thu, tổ chức thu các khoản thu sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các trạm trại nghiên cứu thí nghiệm, các khoản thu về tiền phạt vi cảnh, tịch thu hàng hóa lưu thông, tích trữ trái phép, các lệ phí hành chánh, v.v… tùy đối tượng mà áp dụng chế độ gắng thu bù chi, thu đủ, chi đủ, hoặc đưa vào hạch toán kinh tế.
Đối với tiền cho thuê nhà đất, Sở Tài chánh bàn bạc với Sở Quản lý nhà đất và công trình công cộng về giá cho thuê. Trên cơ sở đó, Sở Quản lý nhà đất và công trình công cộng lập bộ thu và tổ chức thu. Đối với nhà cho cán bộ, công nhân viên Nhà nước thuê, thì khi có chế độ ban hành, cơ quan quản lý cán bộ thuê nhà chịu trách nhiệm thu và nộp theo kỳ phát lương hàng tháng.
Số tiền cho thuê nhà đất thu được, Sở Quản lý nhà đất có trách nhiệm thông báo đầy đủ cho Sở Tài chánh và được gởi vào một tài khoản riêng tại ngân hàng gọi là tài khoản “sửa chữa nhà cửa”. Khi cần sửa chữa nhà cửa thì Sở Quản lý nhà đất lập dự toán chi, bàn bạc với Sở Tài chánh và Ủy ban Kế hoạch Thành phố và trên cơ sở dự toán đã được trao đổi thống nhất đó Ngân hàng thành phố cho rút tiền từ tài khoản riêng để sửa chữa nhà cửa.
Điều 2.- Các ngành, các cấp quận, huyện, phường, xã không được tùy tiện đặt ra khoản thu nào khác ngoài các khoản đã phân công thu theo chế độ chánh sách.
Tất cả các khoản thu đều phải tập trung vào ngân sách để phân phối thông qua dự toán của các ngành, các cấp.
Điều 3.- Thống nhất chế độ quản lý ấn chỉ, biên lai thu như sau :
a) Các khoản do Sở Thuế tổ chức thu thống nhất, do Sở Thuế phát hành biên lai, ấn chỉ.
b) Các khoản do Sở Tài chánh tổ chức thu thống nhất do Sở Tài chánh phát hành biên lai, ấn chỉ.
Ấn chỉ dùng cho các khoản thu sự nghiệp, sẽ do Sở Tài chánh bàn bạc với ngành hữu quan thống nhất mẫu và phát hành.
Điều 4.- Quy định thủ tục kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng lưu thông tích trữ trái phép như sau :
a) Trừ một vài khoản thu lệ phí như thu tiền chỗ… nói chung các loại thuế và một số lệ phí khác phải tiến hành thủ tục thu nộp tại trạm thu cố định. Nhân viên thu không được phép thu tại nhà riêng hoặc thu dọc đường.
Nhân viên thu có quyền kiểm tra những yếu tố nộp thuế tại nơi cư trú của người nộp thuế, nhưng phải đeo phù hiệu, xuất trình giấy tờ và cùng đi với cán bộ cơ sở (tổ dân phố, an ninh hoặc nhân viên trong Ban Tài chánh phường, xã) trong thời gian mà nhân dân khu phố chưa biết mặt, chưa biết tên cán bộ đó.
b) Sau khi được Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép, Sở Thuế có thể phối hợp với An ninh, Giao thông vận tải, Thương nghiệp,… đặt trạm kiểm soát ở những nơi cần thiết. Cấm khám xét dọc đường. Mọi việc khám xét xử lý phải đưa về trạm, cán bộ kiểm soát phải mang phù hiệu và xuất trình giấy tờ nếu người bị kiểm soát yêu cầu.
c) Chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền xử lý hàng lưu thông, tích trữ trái phép :
- Nếu là hàng lậu thuế, thì đưa về Phòng Thuế quận, huyện xử lý.
- Nếu là vi phạm chế độ quản lý thị trường, thì do Phòng Thương nghiệp quận, huyện xử lý. Kết quả xử lý bằng tiền, Phòng Thương nghiệp nộp vào ngân sách.
- Những người có nhiệm vụ kiểm tra bắt giữ hàng lưu thông, tích trữ trái phép (nhân viên an ninh, nhân viên thuế, nhân viên quản lý thị trường, nhân viên Ban Tài chánh phường, xã…) phải lập biên bản rồi đưa về cơ quan chức năng xử lý.
Điều 5.- Tăng cường vai trò chánh quyền cơ sở và quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong việc giám sát thực hiện các chế độ, chánh sách thu.
a) Mọi chế độ thuế cùng các khoản thu lệ phí đều phải phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
b) Các cơ quan thu và các nhân viên làm nhiệm vụ thu trong dân, phải trình báo với chánh quyền phường, xã về nội dung chánh sách, chế độ thu cùng các thủ tục thu và báo cáo kết quả thực hiện cùng với những tình hình có liên quan giúp cho chánh quyền địa phương lãnh đạo kinh tế tài chánh trong phường, xã.
Chánh quyền địa phương phải có trách nhiệm giúp đỡ và giám sát mọi công tác thu ở địa phương. Giáo dục nhân dân có nhiệm vụ chấp hành chánh sách, giám sát việc làm của cán bộ, phát hiện và đấu tranh những vụ vi phạm chánh sách.
Điều 6.- Gắn với việc thi hành điều lệ ngân sách xã và theo khả năng của mỗi phường, xã, Sở Tài chánh nghiên cứu phân cấp nguồn thu cho ngân sách xã, để trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân phường, xã quan tâm hơn đến trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý tài sản, lãnh đạo kinh tế, tăng cường tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân đối với việc xây dựng ngân sách xã nói riêng và ngân sách thành phố nói chung.
Điều 7.-Sở Tài chánh và Sở Thuế có trách nhiệm bàn bạc với các ngành hữu quan, tổ chức thực hiện quyết định này
Điều 8.- Ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, các ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, các ông Giám đốc Sở Tài chánh, Sở Thuế và các ngành hữu quan có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |