cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 90-CT ngày 19/03/1992 Về việc thực hiện những biện pháp cấp bách để chặn đứng nạn phá rừng do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 90-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 19-03-1992
  • Ngày có hiệu lực: 03-04-1992
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 90-CT

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ CHẶN ĐỨNG NẠN PHÁ RỪNG 

Gần đây, nạn chặt phá rừng, cháy rừng xẩy ra rất nghiêm trọng ở nhiều nơi. ở các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Bình Thuận có tình trạng chặt, đốt cây rừng bừa bãi để lấy củi, lấy than; hàng loạt các xưởng cưa xẻ gỗ, các lò gạch, ngói đốt bằng gỗ, củi hoạt động thường xuyên mà hầu như không có sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền. ở một số tỉnh khác cũng có tình hình phá rừng, xuất khẩu gỗ trái phép rất nghiệm trọng.

Việc để xẩy ra tình hình nghiêm trọng nói trên có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là: Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có rừng và các ngành khác có liên quan buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, về lâm sản; không chấp hành nghiêm túc luật bảo vệ và phát triển rừng, các quyết định của Chính phủ về bảo vệ rừng, về xuất khẩu gỗ (đã ban hành từ các năm 1990, 1991); chưa thực hiện những biện pháp tích cực, có hiệu lực để ngăn chặn các tệ nạn nói trên.

Để chặn đứng nạn đốt, phá rừng đang diễn ra hiện nay, nghiêm chỉnh thực hiện luật bảo vệ và phát triển rừng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có rừng và các ngành có liên quan thực hiện ngay những biện pháp cấp bách sau đây:

1. Bộ Thương mại và Du lịch, Bộ Lâm nghiệp phải đình chỉ ngay việc cấp giấy phép xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ thu hồi ngay các giấy phép đã cấp.

Thực hiện nghiêm chủ trương đã quyết định là từ năm 1992 trở đi, nghiêm cấm xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ ván sàn sơ chế và các loại song mây nguyên liệu, kể cả việc tái xuất những loại gỗ, song mây nói trên, chỉ được phép xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, từ song mây đã qua chế biến theo đúng danh mục sản phẩm do Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương mại và Du lịch thống nhất quy định.

...

Những đơn vị do phải đình chỉ hợp đồng hoặc tái xuất mà thiếu tiền trả nợ nước ngoài, thì được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên bán đủ ngoại tệ để trả nợ. Bộ Thương mại và du lịch và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét giải quyết cụ thể việc này.

- Đối với các loại gỗ thông thường như keo, bạch đàn... do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh gây trồng, thì được khai thác và khuyến khích chế biến thành sản phẩm để xuất khẩu, nhưng khi khai thác phải theo quy hoạch, phương án được cấp có thẩm quyền cho phép, cấm khai thác trắng hàng loạt.

Giao cho Tổng Thanh tra Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thương mại và Du lịch và Tổng cục Hải quan kiểm tra việc cấp giấy phép xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ từ sau ngày ban hành các Quyết định số 99-CT ngày 24 tháng 4 năm 1989 và số 146-CT ngày 30 tháng 4 năm 1991 đến nay. Mọi trường hợp cấp giấy cho xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ sau khi đã có các Quyết định nói trên mà không được phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đều coi là vi phạm pháp luật, phải quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc.

2. Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ, củi, các lâm sản khác đối với tất cả các địa phương, đơn vị, các tổ chức và cá nhân. Đình chỉ ngay mọi trường hợp khai thác gỗ, lâm sản không theo quy hoạch, kế hoạch hoặc không theo phương án, thiết kế khai thác được cấp có thẩm quyền duyệt.

Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư cùng Bộ Lâm nghiệp kiểm tra và đình chỉ ngay mọi hợp đồng liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực khai thác, xuất khẩu gỗ. Chỉ cho thực hiện tiếp những hợp đồng chuyển sang trồng rừng hoặc chuyển sang khai thác gắn với chế biến.

Bộ Lâm nghiệp ra lệnh đóng cửa rừng ở những khu vực cần thiết. Chỉ đạo các địa phương quy định những khu rừng, những đối tượng được phép hoặc không được phép khai thác gỗ, củi, các lâm sản khác và thông báo công khai để mọi người biết và thực hiện.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Lâm nghiệp soát xét, điều chỉnh lại các chỉ tiêu về khai thác sử dụng gỗ, củi, lâm sản khác năm 1992 của các địa phương, đơn vị theo tinh thần của Chỉ thị này, trình Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng trong quí II năm 1992.

3. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra việc cấp giấy phép kinh doanh của các xưởng cưa xẻ gỗ, các lò vôi, lò gạch ngói, lò gốm, lò sấy... đốt bằng gỗ, củi, than củi trên địa bàn địa phương. Giải tán ngay các xưởng, lò hoạt động bất hợp pháp; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các xưởng, lò kinh doanh hợp pháp chuyển sang dùng than đá để đốt thay gỗ, củi. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ gỗ trái phép. Kiên quyết bắt giữ, tịch thu và xử lý theo pháp luật đối với người, phương tiện và tang vật phạm pháp.

4. Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan xem xét xử lý tại chỗ hoặc kiến nghị ngay với các cơ quan có thẩm quyền xử lý những vụ vi phạm pháp luật về rừng. Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng để đưa ra xét xử công khai, kể cả những vụ tồn đọng từ trước đến nay. Đồng thời, xét khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.

5. Đồng thời với việc tập trung thực hiện khẩn trương, có hiệu quả những việc cấp bách nói trên, giao cho Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm:

- Khẩn trương tổ chức lại sản xuất đối với các lâm trường quốc doanh theo hướng chuyển mạnh sang làm dịch vụ, làm chủ các dự án là chủ yếu. Chuyển hướng mạnh mẻ công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản để nhanh chóng góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Củng cố lực lượng kiểm lâm các cấp, trước hết là ở cấp hạt, để làm lực lượng nòng cốt cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở, đồng thời khẩn trương hoàn chỉnh các văn bản chủ yếu để triển khai Luật bảo vệ và phát triển rừng để trình Hội đồng Bộ trưởng vào quí II năm 1992.

- Chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng ở tất cả các địa phương và cơ sở, trước hết là ở những khu vực dễ cháy, dễ phát sinh sâu bệnh.

- Phối hợp với các Bộ: Năng lượng, Xây dựng, Tài chính, Thương mại và Du lịch, Lao động - thương binh và xã hội và các ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể, liên ngành bao gồm các giải pháp kinh tế - xã hội - giáo dục - hành chính - luật pháp nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc như: lương thực, chất đốt thay gỗ củi, gỗ gia dụng, vật liệu xây dựng, công ăn việc làm v.v... Từng bước ổn định đời sống nhân dân nơi có rừng, khắc phục một cách căn bản nạn phá rừng để trình Hội đồng Bộ trưởng trong quý II năm 1992.

6. Cùng với việc tiến hành sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị này, Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có rừng và các ngành liên quan nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của mình về việc đã để xẩy ra nạn phá phá rừng bừa bãi, tìm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân, biện pháp để khắc phục và báo cáo kết quả việc kiểm điểm này lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cùng với báo cáo sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị.

Căn cứ vào Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra việc triển khai và thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng tháng và sơ kết 3 tháng tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Thủ trưởng các Bộ, ngành: Thanh tra, Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Năng lượng, Xây dựng, Lao động - Thương binh và xã hội, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Giao thông vận tải và Bưu điện, Thương mại và Du lịch, Hải quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Lâm nghiệp và các địa phương thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị này.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện khẩn trương, có hiệu quả Chỉ thị này trong phạm vi địa phương mình theo sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra của Bộ Lâm nghiệp, các ngành có liên quan và các đồng chí Đặc phái viên của Hội đồng Bộ trưởng.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ nhiệm đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Đặc phái viên của Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra Bộ Lâm nghiệp, các ngành có liên quan và các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)