Chỉ thị số 25/CT-UB ngày 13/07/1991 Về việc khẩn trương thực hiện tổng thanh toán nợ trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 25/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 13-07-1991
- Ngày có hiệu lực: 13-07-1991
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2711 ngày (7 năm 5 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 7 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN TỔNG THANH TOÁN NỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Thi hành theo Quyết định 88/CT ngày 30-3-1991 và Quyết định 104/CT ngày 10-4-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương, nhằm đẩy nhanh tiến độ thanh toán nợ trên toàn thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện thi hành triệt để những quy định sau:
1/ Quán triệt nội dung quyết định 88/CT ngày 30-3-1991 và quyết định 104/CT ngày 10-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổng thanh toán nợ, đôn đốc các đơn vị có nợ phải thu hoặc có nợ phải trả đều phải đăng ký kê khai theo hướng dẫn của Ban thanh toán nợ quận, huyện nơi đơn vị đặt trụ sở chính.
2/ Bắt buộc các đơn vị khách nợ phải ký xác nhận trên thẻ xác nhận nợ (toàn bộ số tiền hay từ chối một phần, số tiền từ chối phải có chứng từ chứng minh hợp pháp).
- Đối với đơn vị quốc doanh, công tư hợp doanh, kinh tế tập thể: nếu Giám đốc bị bắt, bỏ trốn… thì người kế nhiệm phải ký xác nhận. Trường hợp đơn vị đang thanh lý thì Ban thanh lý ký xác nhận: nếu không có Ban thanh lý thì cơ quan nào quản lý hồ sơ thanh lý và tài sản của đơn vị ký xác nhận; nếu đơn vị đã giải thể thì cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp của đơn vị đó ký xác nhận.
- Đối với đơn vị tư doanh: nếu chủ tư nhân vào tù thì Ban thanh toán nợ quận, huyện cử chuyên viên mang thẻ xác nhận nợ đến trại giam và đề nghị Công an cho tù nhân đó ký xác nhận; nếu chủ tư nhân đã bỏ trốn, đã chết hoặc không có địa chỉ như đã ghi trên thẻ xác nhận nợ thì chánh quyền địa phương (phường, xã) xác nhận là tư nhân đó đã bỏ trốn, chết hoặc không có ở địa phương này.
3/ Những đơn vị có nợ phải thu, phải trả mà Ban thanh toán nợ quận, huyện đã mời nhiều lần nhưng không đến đăng ký kê khai thì Ban thanh toán nợ quận, huyện báo cho Công an và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xử. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân thành phố và Công an thành phố chỉ đạo cụ thể cho Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện và Công an quận, huyện buộc các đơn vị kinh tế và tư nhân đó thi hành quyết định 88/CT ngày 30-3-1991 và quyết định 104/CT ngày 10 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng.
Các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện phối hợp với Ban Thanh toán nợ thành phố và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Công an hỗ trợ để công tác thanh toán công nợ được kịp thời, chính xác đúng luật pháp. Các đơn vị vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |