Chỉ thị số 09/CT-UB ngày 08/02/1991 Về việc giải quyết những tồn tại về hợp tác xã tín dụng trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 09/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 08-02-1991
- Ngày có hiệu lực: 08-02-1991
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2751 ngày (7 năm 6 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 02 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG TỒN TẠI VỀ HTX.TD TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Đầu năm 1990, trước nguy cơ đổ vỡ hàng loạt của hệ thống hợp tác xã tín dụng, Ủy ban nhân dân thành phố đã có những chỉ đạo kịp thời hỗ trợ cho hợp tác xã tín dụng vượt qua khó khăn bằng chỉ thị số 02/CT-UB ngày 23/2/1990, chỉ thị số 19/CT-UB ngày 18/4/1990, chỉ thị số 44/CT-UB ngày 2/11/1990 với những nội dung chủ yếu là tăng cường kiểm tra, kiểm soát tất cả các hợp tác xã tín dụng, hỗ trợ tích cực cho hợp tác xã tín dụng thu hồi nợ, thực hiện việc đảo nợ cho các đơn vị quốc doanh trả cho hợp tác xã tín dụng, ngăn chặn việc rút tiền gởi ào ạt ở các hợp tác xã tín dụng. Nhờ vậy, riêng khu vực nội thành, các hợp tác xã tín dụng đã thu hồi được một số lượng tiền đáng kể trả cho dân, đưa số dư vốn huy động của dân từ 150,5 tỷ vào đầu năm 90 xuống còn 77,9 tỷ vào cuối ngày 31 tháng 12 năm 1990.
Tuy nhiên, vấn đề hợp tác xã tín dụng càng về sau càng khó khăn phức tạp, những khoản nợ còn lại là những khoản nợ khó đòi. Gần 90% các hợp tác xã tín dụng không còn khả năng mở cửa hoạt động. Đồng thời, theo pháp lệnh của Nhà nước về Ngân hàng hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chánh thì tất cả hợp tác xã tín dụng phải tiến hành điều chỉnh cho đúng pháp lệnh; những hợp tác xã tín dụng không đủ điều kiện phải ngưng hoạt động và thanh lý trước ngày 31/3/1991. Vì vậy chủ trương chung là phải giải quyết xong cơ bản phần nợ của các đơn vị quốc doanh trước khi các hợp tác xã tín dụng nói trên ngừng hoạt động; ngăn chặn bọn xấu xuyên tạc kích động dư luận.
Do đó, tiếp theo chỉ thị số 19/CT-UB ngày 18/4/1990 và căn cứ vào chỉ thị số 313/CT ngày 1/9/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, thông tư số 10/TT-LB ngày 25/10/1990 của liên ngành Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Trọng tài kinh tế Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
1/ Tất cả các đơn vị quốc doanh, đơn vị kinh tế thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và quận, huyện phải khẩn trương giải quyết trả dứt điểm nợ cho hợp tác xã tín dụng.
Những trường hợp đơn vị vay không có khả năng trả nợ, hoặc đã phá sản hoặc đã thanh lý hoặc giám đốc bị bắt… thì cơ quan chủ quản phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm thanh toán số nợ cho hợp tác xã tín dụng. Nếu cơ quan chủ quản hoặc Ủy ban nhân quận, huyện không có khả năng trả nợ thì phải báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố và đứng ra bảo lãnh nợ để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết theo khả năng cho phép.
2/ Triệt để áp dụng nguyên tắc người vay không trả được nợ thì người bảo lãnh hoặc đơn vị bảo lãnh phải trả nợ thay.
Nghiêm cấm mọi hành vi trốn tránh trách nhiệm bảo lãnh số nợ đã vay của hợp tác xã tín dụng.
3/ Đối với những đơn vị quốc doanh của các tỉnh và Trung ương nợ HTX tín dụng, Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước thành phố phối hợp với Ban thanh toán công nợ thành phố nghiên cứu và khẩn trương giải quyết theo phương thức cấn trừ qua đầu mối Ngân hàng Nhà nước TW để có tiền cho hợp tác xã tín dụng trả cho dân.
4/ Ngân hàng Nhà nước thành phố chịu trách nhiệm cùng Ủy ban nhân dân quận, huyện soát xét lại toàn bộ tình hình hợp tác xã tín dụng trên địa bàn để có những hỗ trợ kịp thời cho hợp tác xã tín dụng ngăn chặn những biến động trong dịp Tết Nguyên đán.
5/ Tình hình hợp tác xã tín dụng trong những ngày cận Tết hết sức cấp bách, Sở Tài chánh, Chi cục kho bạc thành phố và Ngân hàng Nhà nước thành phố phải triệt để chấp hành sự điều động của Ủy ban nhân dân thành phố xung quanh việc giải quyết đối với HTX tín dụng để tránh những đáng tiếc có thể xảy ra. Đề nghị Viện Kiểm sát, Công an, Trong tài kinh tế các cấp cần tích cực và kiên quyết thi hành đúng đắn luật pháp Nhà nước chung quanh vấn đề vay nợ, thiếu nợ, thanh toán nợ nần lẫn nhau kể cả sử dụng biện pháp cưỡng chế khi cần thiết.
6/ Trong tình hình bức xúc đầu năm 1990, Ủy ban nhân dân thành phố đã giải quyết cho Ủy ban nhân dân một số quận, huyện vay để giải quyết cho tín dụng. Sở Tài chánh chủ trì thu hồi số cho vay đã đến hạn để có tiền tiếp tục đảo nợ cho các đơn vị có yêu cầu cấp bách khác.
7/ Những chỉ đạo trước đây nếu trái với tinh thần chỉ thị này đều được bãi bỏ.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |