Chỉ thị số 48/CT-UB ngày 21/11/1990 Về việc sản xuất, lưu thông, tiêu dùng pháo ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 48/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 21-11-1990
- Ngày có hiệu lực: 21-11-1990
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2830 ngày (7 năm 9 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 11 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC SẢN XUẤT, LƯU THÔNG, TIÊU DÙNG PHÁO Ở THÀNH PHỐ
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số 374/CT ngày 26 tháng 10 năm 1990 về việc sản xuất, lưu thông và tiêu dùng pháo. Căn cứ tình hình thực tế của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể hóa những nội dung chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề đó trên địa bàn thành phố như sau :
1/ Giao cho sở Thương nghiệp tổ chức đăng ký lại các cơ sở sản xuất pháo trên địa bàn thành phố, chỉ đạo Công ty Bách hóa tính toán kinh doanh đảm bảo nhu cầu của thành phố và phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với mặt hàng này trên tinh thần hạn chế tối đa việc sản xuất, kinh doanh và tiết kiệm tối đa việc tiêu dùng. Lượng pháo sản xuất hàng năm phải được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận.
2/ Về sản xuất, không cho đăng ký cơ sở mới, chỉ những cơ sở cũ có 2 điều kiện dưới đây mới được xét cấp lại giấy phép sản xuất :
a) Có đủ biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối.
b) Đã có truyền thống, kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất pháo, bảo đảm chất lượng pháo.
Chỉ những cơ sở có giấy phép do Sở Thương nghiệp cấp đợt này mới được sản xuất pháo và chỉ được gia công cho Công ty Bách hóa thành phố, không được làm gia công cho bất cứ cơ quan, đơn vị nào khác cũng như không được tự sản xuất để bán.
Kết hợp với việc đăng ký lại, cấp giấy phép mới, Sở Thương nghiệp hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất kê khai số pháo tồn kho (nếu có), Công ty Bách hóa thành phố sẽ xem xét chất lượng để mua lại.
Các quận, huyện không được tổ chức sản xuất, gia công sản xuất pháo. Nếu còn pháo tồn kho (của năm trước) thì báo cho Công ty Bách hóa thành phố xem xét mua lại.
Pháo tồn kho của ácc cơ sở sx
Pháo tồn kho của các cơ sở sản xuất, của quận, huyện, nếu không đảm bảo chất lượng, không được Công ty Bách hóa mua lại đều phải hủy bỏ.
Công ty Bách hóa thành phố không tổ chức gia công pháo cho đơn vị khác, dù có hợp đồng trước.
Pháo của Công ty Bách hóa thành phố chỉ có 1 nhãn hiệu duy nhất : Chiến Thắng. Độ dài của mỗi nồi pháo không quá 1 mét. Đường kính viên pháo lớn nhất không quá 0,02m.
Pháo sản xuất ra phải nộp thuế theo đúng quy định Nhà nước.
3/ Về lưu thông : Việc chuyên chở pháo trên địa bàn thành phố phải có đủ các loại giấy tờ cần thiết (giấy phép sản xuất, giấy phép chuyên chở… ghi rõ số lượng, nơi đến…) và phải bằng phương tiện có đủ điều kiện phòng cháy, nổ.
Pháo chỉ bán tại các cơ sở của thương nghiệp XHCN ( quốc doanh và HTX), giá cả do Công ty Bách hóa thành phố tính toán và Sở Thương nghiệp duyệt. Tư nhân không được buôn bán pháo.
Các đơn vị thuộc Trung ương, tỉnh bạn chuyên chở pháo qua địa phận thành phố cũng phải đủ các điều kiện chuyên chở nói ở trên, không được bán pháo trên địa bàn thành phố. Tất cả các thứ pháo mua bán trên địa bàn thành phố (ngoài pháo của Công ty Bách hóa thành phố) dù sản xuất trong nước hay pháo ngoại đều là hàng bất hợp pháp, sẽ bị tịch thu và xử phạt theo quy định.
Người tiêu thụ có quyền mua pháo ở một tỉnh, địa phương khác về dùng với điều kiện hạn chế tối đa, nhưng không được phép buôn bán.
4/ Về đốt pháo : Được đốt pháo trong 3 ngày Tết Nguyên đán (30, mùng 1, mùng 2). Ngoài những ngày Tết, cần đốt pháo phải xin phép của Ủy ban nhân dân phường, xã.
Cấm các cơ quan Nhà nước, các đơn vị kinh tế quốc doanh, lực lượng vũ trang, các đoàn thể đốt pháo trong mọi trường hợp.
Cấm các hành động đốt pháo có thể gây nguy hiểm, tai nạn (đốt pháo chỗ đông người, đốt pháo ném vào người khác…).
5/ Về các vi phạm và xử lý :
Những người làm pháo lậu, buôn bán pháo lậu, đốt pháo không theo đúng các quy định ở trên đều phải được xử lý theo các quy định hiện hành. Nếu đốt pháo để gây ra hỏa hoạn hoặc có thiệt hại đến tài sản, sinh mạng người khác phải xử lý theo luật pháp. Nếu người vi phạm là vị thành niên thì cha mẹ (người nuôi dưỡng) phải chịu trách nhiệm.
Công an và Quản lý thị trường các cấp chịu trách nhiệm đấu tranh chống bọn sản xuất và buôn bán pháo lậu. Toàn bộ số tiền do tịch thu pháo lậu, sau khi được Công ty Bách hóa thành phố nhận mua lại, sẽ được chuyển về địa phương dùng để trích thưởng.
Chánh quyền (Ủy ban nhân dân, công an) xã, phường có các cơ sở sản xuất pháo chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và bắt buộc các cơ sở đó theo đúng các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố, xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất pháo lậu theo pháp luật.
Chánh quyền (UBND, công an) tại chỗ (phường, xã) chịu trách nhiệm xử lý các vụ vi phạm về đốt pháo không đúng quy định trên địa bàn mình.
Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để tồn tại tại cơ sở sản xuất pháo lậu hoặc xảy ra các vụ hỏa hoạn do đốt pháo trên địa bàn mình.
6/ Các phương tiện, các cơ quan thông tin, tuyên truyền, các đoàn thể cần tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về tác hại của làm pháo lậu, buôn bán pháo lậu, đốt pháo bừa bãi; vận động giáo dục nhân dân tiết kiệm, chấp hành những quy định về sản xuất, chuyên chở, buôn bán, đốt pháo; phê phán, lên án những người đốt pháo quá đáng để khoe của, khoe sang; tích cực góp phần cùng các cơ quan chức năng đấu tranh chống bọn sản xuất và buôn bán pháo lậu.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |