cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 330-CT ngày 13/09/1990 Về việc tăng cường quản lý ngoại hối do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 330-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 13-09-1990
  • Ngày có hiệu lực: 13-09-1990
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-10-1994
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 330-CT

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Ngày 18 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 161-HĐBT kèm theo Điều lệ quản lý ngoại hội của nước ta.

Gần hai năm thực hiện Điều lệ quản lý ngoại hối nói trên, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị mở rộng sản xuất, kinh doanh góp phần làm nghĩa vụ cho ngân sách Nhà nước và ổn định giá cả thị trường.

Bên cạnh một số kết quả bước đầu còn hạn chế nói trên, việc thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối vẫn còn nhiều vi phạm nguyên tắc quản lý ngoại hối của Nhà nước.

CHỈ THỊ:

1. Các tổ chức xuất nhập khẩu hàng hoá và làm dịch vụ thu được ngoại tệ ở nước ngoài phải chuyển hết vào tài khoản ngoại tệ của mình tại các ngân hàng Việt Nam.

Các tổ chức được phép kinh doanh hàng hoá và làm dịch vụ thu ngoại tệ trong nước phải gửi số ngoại tệ thu được vào ngân hàng.

Ngân hàng phải bảo đảm chi trả kịp thời cho người gửi và làm tốt chức năng thanh toán giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh và ngoài nước.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân mua bán ngoại tệ qua Ngân hàng với tỷ giá phù hợp thị trường. Cấm mua bán ngoại tệ ngoài tổ chức Ngân hàng. Ngân hàng phải tổ chức mua, bán ngoại tệ nhanh chóng thuận tiện không gây phiền hà.

2. Các tổ chức có ngoại tệ không được mở tài khoản và gửi ngoại tệ tại nước ngoài, trừ những trường hợp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Những tổ chức hiện đang có ngoại tệ gửi ở nước ngoài mà chưa có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước thì phải xin Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Nếu Ngân hàng Nhà nước xét không đủ điều kiện cấp giấy phép thì phải tất toán tài khoản và chuyển hết ngoại tệ về nước trước ngày 15 tháng 10 năm 1990.

Các tổ chức có ngoại tệ được phép gửi ở Ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm báo cáo thường xuyên cho Ngân hàng Nhà nước số lượng ngoại tệ, nơi gửi tiền và tình hình sử dụng ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Việc quản lý ngoại tệ đối với cá nhân thực hiện theo quy định của Điều lệ quản lý ngoại hối ban hành kèm theo Nghị định số 161-HĐBT ngày 18 tháng 10 năm 1988.

4. Các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải chuyển đủ phần vốn góp bằng ngoại tệ vào Việt Nam theo cam kết.

5. Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm rà soát lại giấy phép hoạt động thu ngoại tệ đã cấp cho các tổ chức bán hàng hoá, làm dịch vụ thu ngoại tệ và các tổ chức là dịch kiều hối tại Việt Nam. Từ ngày 01 tháng 10 năm 1990 những tổ chức không được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thì không được hoạt động thu ngoại tệ.

6. Các ngành, địa phương và các tổ chức của các Bộ, các tỉnh, thành phố có thu chi ngoại tệ đều phải lập kế hoạch về dự toán và quyết toán thu chi ngoại tệ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Thương nghiệp lập bảng cân đối thu chi ngoại tệ trình Hội đồng Bộ trưởng.

7. Giao cho Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố tỷ giá chính thức giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ và các ngoại tệ chuyển đổi khác phù hợp với tỷ giá thị trường. Các Ngân hàng được phép mua, bán ngoại tệ căn cứ tỷ giá chính thức để định tỷ giá mua, bán ngoại tệ trong biên độ quy định của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước.

8. Việc nhập khẩu vàng do Ngân hàng Nhà nước đảm nhận, các tổ chức khác chỉ được nhập vàng khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Việc lưu thông vàng thỏi trên thị trường nội địa do Ngân hành Nhà nước đảm nhận. Các cửa hàng kim hoàn được phép kinh doanh theo Quyết định 139-CT ngày 24 tháng 5 năm 1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Các tổ chức đã nhập vàng về nước từ đầu năm 1990 đến nay phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước số lượng vàng đã nhập, số vàng đã tiêu thụ và số vàng tồn kho đến ngày 30 tháng 9 năm 1990.

Cấm sử dụng vàng dưới bất kỳ dạng nào để thanh toán, chi trả cho việc mua, bán hàng hoá qua biên giới.

9. Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức huy động tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ của các tầng lớp dân cư với lãi suất thoả đáng do Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam , Bộ Tài chính, Bộ Thương nghiệp, Tổng cục Hải quan ra văn bản hướng dẫn chi tiết và tổ chức việc thực hiện Chỉ thị này theo chức năng của mình. Các Bộ, các tỉnh, thành phố, các cơ sở có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 254-CT ngày 7 tháng 7 năm 1990.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)