Chỉ thị số 34/CT-UB ngày 30/08/1990 Về đăng ký mở trường, lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 34/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 30-08-1990
- Ngày có hiệu lực: 30-08-1990
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6886 ngày (18 năm 10 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-07-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 08 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ MỞ TRƯỜNG, LỚP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT, NGHIỆP VỤ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Vừa qua, nhiều trường lớp dạy nghề của các cơ quan, trường học hội đoàn, trường học tư nhân trên địa bàn thành phố đã đăng ký và được cấp giấy phép hành nghề theo quy chế tổ chức và hoạt động các trường lớp dạy nghề tập thể và tư nhân do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trong quyết định số 274/QĐ-UB ngày 22 tháng 12 năm 1988. Nhiều trường đã đóng góp tích cực vào việc dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo thanh niên, nhân dân lao động, kể cả bộ đội và thanh niên xung phong xuất ngũ có công ăn việc làm.
Tuy nhiên, gần đây có một số cơ quan thành phố và trung ương, trường học, hội đoàn tùy tiện tổ chức trường, lớp, trung tâm đào tạo bồi dưỡng với nhiều ngành nghề khác nhau, kể cả việc mời người nước ngoài giảng bài, nhưng không đăng ký xin giấy phép hành nghề, nên các cơ quan chức năng ở thành phố và quận huyện không quản lý được hoạt động và chất lượng giảng dạy của các trường, lớp, trung tâm này.
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở dạy nghề không đủ điều kiện hành nghề. Mục tiêu, nội dung chương trình giảng dạy không rõ ràng, giáo viên thiếu hoặc không đủ trình độ nghiệp vụ chuyên môn, cơ sở vật chất, phòng học lý thuyết thực hành không đạt yêu cầu tối thiểu cần thiết cho giảng dạy và học tập. Chất lượng đào tạo bồi dưỡng không đảm bảo. Thu học phí cao.
Để tăng cường việc quản lý thống nhất trong công tác đào tạo bồi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các cơ quan, các ngành, các cấp, tập thể và tư nhân ở thành phố cần chấp hành nghiêm chỉnh quyết định số 274/QĐ-UB ngày 22/12/1988 của Ủy ban nhân dân thành phố. Cụ thể :
1/ Tất cả các cơ quan, đoàn thể, đơn vị sản xuất kinh doanh của thành phố và trung ương, tập thể và tư nhân trên địa bàn thành phố, muốn mở trường lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn, kể cả các trường chính qui ở thành phố (đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật nghiệp vụ) muốn mở thêm các lớp mới ngoài ngành nghề đào tạo chính qui của nhà trường đã được Nhà nước cho phép, đều phải đăng ký xin giấy phép hành nghề của Ủy ban nhân dân thành phố.
2/ Nội dung đăng ký gồm có :
a) Mục tiêu, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, nội dung, chương trình giáo trình môn học cho từng ngành nghề.
b) Danh sách, trình độ văn bằng học lực, tay nghề về chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ, sư phạm của giáo viên và Ban Giám hiệu.
c) Cở sở vật chất, phòng học lý thuyết và thực hành, học cụ, máy móc trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập theo ngành nghề.
d) Qui mô trường lớp cân đối với số lượng học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.
g) Biểu giá thu học phí của học sinh cho từng nghề, từng khóa học.
3/ Giao cho Ban Giáo dục chuyên nghiệp thành phố giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý thống nhất toàn bộ công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật, nghệip vụ trên địa bàn thành phố.
- Xét và cấp giấy phép hành nghề theo ngành nghề đã được Nhà nước qui định (trừ một số chuyên ngành : y tế, sư phạm, văn hóa thông tin, thể dục thể thao và an ninh quốc phòng).
- Cùng với Ủy ban nhân dân quận huyện, các ngành liên quan có trách nhiệm : kiểm tra, xử lý và đình chỉ các trường lớp hoạt động trên địa bàn thành phố không có giấy phép hành nghề.
Ủy ban nhân dân thành phố mong các ngành, các cấp, các đoàn thể của thành phố, các cơ quan đơn vị trung ương đóng trên địa bàn thành phố thực hiện tốt các vấn đề chỉ đạo nêu trên, để sớm thống nhất quản lý công tác dạy nghề và đưa công tác dạy nghề đi vào nề nếp.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |