Chỉ thị số 31/CT-UB ngày 02/08/1990 Về quản lý lương thực tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 31/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 02-08-1990
- Ngày có hiệu lực: 02-08-1990
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6914 ngày (18 năm 11 tháng 14 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-07-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 08 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ LƯƠNG THỰC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ra văn bản về việc quản lý lương thực tại thành phố. Tuy các ngành lương thực, công an cùng quản lý thị trường các cấp có tích cực kiểm tra kiểm soát nhưng giá gạo, cám ở thành phố vẫn chưa được kéo xuống. Nhìn chung giá lương thực ở thành phố vẫn còn ở mức cao làm cho người lao động, người có thu nhập cố định thêm khó khăn.
Hội đồng Bộ trưởng đã chỉ thị những biện pháp bảo đảm về phân bón, về xuất khẩu gạo, cám tránh tình trạng vét gạo, cám ở thị trường thành phố để đưa xuất khẩu cộng với vụ hè thu năm nay tuy có khó khăn nhưng nhìn chung vẫn có thể đạt sản lượng như năm trước, cho thấy ta có khả năng kềm giữ và từng bước kéo giá gạo xuống ở mức trên dưới 900/1 kg (gạo thường) bằng các biện pháp kinh tế-hành chánh và vận động quần chúng. Để đạt được mức phấn đấu trên, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1/ Công ty Lương thực thành phố tích cực tranh thủ thu mua lúa vụ hè thu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thành phố. Và bảo đảm xuất khẩu theo kế hoạch. Từ nay theo chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng, việc xuất nhập khẩu lương thực tại thành phố Hồ Chí Minh do Công ty Lương thực chịu trách nhiệm. Không một đơn vị nào khác được cấp giấy phép xuất khẩu gạo và nhập bột mì vào thành phố.
2/ Cấm triệt để các đơn vị thuộc trung ương, thành phố, tỉnh bạn (kể cả huyện của tỉnh bạn) tổ chức thu mua gạo tại thành phố. Đơn vị nào có nhu cầu về lương thực, đến Công ty Lương thực thành phố để mua và cấp giấy vận chuyển ra khỏi thành phố.
3/ Yêu cầu Công an thành phố, quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân quận huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán lương thực ở thành phố. Phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nếu nặng như tội đầu cơ thì phải truy tố trước pháp luật.
4/ Báo chí, đài phát thanh, truyền hình cần có một số bài về tình hình sản xuất lương thực, thu hoạch, năng suất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và chung cả nước những biện pháp quản lý lương thực tại thành phố để nhân dân an tâm, đẩy lùi tâm lý sợ giá gạo tăng, gạo thiếu, mua dự trữ…
Nhận được chỉ thị này, Ủy ban nhân dân các quận huyện, Giám đốc, thủ trưởng các sở ban ngành có liên quan triển khai ngay cho cơ sở để thực hiện.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |