cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 49/CT-UB ngày 08/12/1989 Về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ đường công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 49/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 08-12-1989
  • Ngày có hiệu lực: 08-12-1989
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7151 ngày (19 năm 7 tháng 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-07-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-07-2009, Chỉ thị số 49/CT-UB ngày 08/12/1989 Về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ đường công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 48/2009/QĐ-UBND ngày 07/07/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bãi bỏ văn bản”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 49/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 12 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ ĐƯỜNG CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tổ chức, đơn vị kinh tế và cá nhân vì lợi ích cục bộ đã tự phát xây dựng cửa hàng, kiốt, lều quán hoặc đào bới lòng, lề đường v.v… trong phạm vi lộ giới phục vụ cho mục đích riêng.

Đây là những hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, làm cho tình hình lưu thông trên đường công cộng phức tạp, mất trật tự, không bảo đảm an toàn cho người và xe cộ; gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Sở dĩ có tình trạng thiếu kỷ cương trên là vì những cơ quan chức năng quản lý Nhà nước và các tổ chức thừa hành chưa thực hiện nghiêm minh Nghị định số 203/HĐBT ngày 21 thánng 12 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng, buông lơi trách nhiệm, nể nang, giải quyết mang tính chủ quan, tùy tiện, cục bộ v.v…

Để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, ngăn chặn sự tiếp diễn hành động lệch lạc đã qua, chấp hành nghiêm túc Nghị định số 203/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 184/GTTB ngày 19 tháng 10 năm 1989 của Bộ Giao thông Vận tải về việc bảo vệ đường bộ, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo, tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, mình hiểu rõ và chấp hành nghiêm ngặt các yêu cầu sau:

1/ Toàn bộ hệ thống đường bộ trong địa bàn thành phố bao gồm:

- Mái đường, lề đường (vỉa hè, bờ lộ), nền đường, mặt đường tiểu đảo, vòng xoay,

- Hệ thống thoát nước của nền và mặt đường,

- Các cầu, cống, công trình ngầm, đường vòng, đường tránh cầu,

- Bến phà, bến cầu phao, phà, phao, kè, tường chắn dòng nước,

- Hệ thống cọc, tiêu, biển báo, cột cây số,

- Hệ thống chiếu sáng điều khiển giao thông, hệ thống tín hiệu,

- Các dải phân chia đường,

- Các công trình phụ trợ cho cầu, đường, bến phà,

- Hành lang bảo vệ cầu, đường,

- Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng dọc theo các đường công cộng.

là tài sản xã hội chủ nghĩa. Các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế - quốc phòng và mọi công dân có nghĩa vụ bảo vệ.

Không một tổ chức hoặc cá nhân nào được xâm phạm hoặc gây hư hại đến các công trình đường bộ này.

2/ Sở Giao thông vận tải thành phố có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo các lực lượng giao thông thành phố và quận, huyện thực hiện các công việc sau:

a) Tổ chức quản lý bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường công cộng, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt, trên cơ sở được phân cấp.

b) Các đơn vị quản lý đường tổ chức lực lượng thường xuyên phối hợp với lực lượng cảnh sát (giao thông và trật tự) tổ chức kiểm tra, kiểm soát đường và giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ hệ thống giao thông. Lưu ý các quy định tại điều 7 đến điều 19 Nghị định số 203/HĐBT.

c) Kiên quyết lập biên bản và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định bảo vệ đường công cộng. Đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng cần kịp thời đưa ra truy tố trước pháp luật.

3/ Ngành giao thông vận tải phối hợp chặt với công an thành phố và Sở xây dựng thành phố tổ chức khảo sát, nghiên cứu đặc điểm hệ thống đường công cộng trên địa bàn thành phố để xác định phạm vi hành lang và quy định cụ thể giới hạn bảo vệ đường; có lưu ý đến quy hoạch, kế hoạch mở rộng sau này, báo cáo trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

4/ Một số nơi trên địa bàn quận, huyện hiện đang xây cất cửa hàng, Kiốt, lều quán hoặc buôn bán trên lề đường (vỉa hè, bờ lộ), tiểu đảo hoặc vòng xoay. Đây là những hành vi vi phạm đến các điều khoản quy định tại Nghị định số 203/HĐBT, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự và an toàn giao thông trên đường công cộng. Các ngành chức năng thừa hành (giao thông, cảnh sát trật tự và xây dựng) cần phải kiên quyết yêu cầu giải tỏa ngay.

5/ Mọi yêu cầu sử dụng tạm thời (trong thời gian ngắn) mặt bằng trong phạm vi giới hạn đường công cộng (lòng đường, vỉa hè, bờ lộ, hành lang) phải xin phép ngành giao thông vận tải. Sở giao thông vận tải chịu trách nhiệm ra văn bản phân cấp rõ tuyến đường nào do Sở giao thông vận tải ấp giấy phép, tuyến đường nào do Ủy ban nhân dân quận, huyện thông qua phòng giao thông vận tải cấp giấy phép.

Các yêu cầu sử dụng lâu dài trên mặt bằng lộ giới đường công cộng thuộc thành phố quản lý phải được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận.

6/ Tổ chức hay cá nhân được cấp giấy phép sử dụng một phần mặt bằng lộ giới phải nộp lệ phí theo quy định tại quyết định số 431/QĐ-UB ngày 6 tháng 10 năm 1989 của Ủy ban nhân dân thành phố và có trách nhiệm bảo quản tốt, nếu gây hư hỏng phải bồi hoàn đầy đủ thiệt hại.

Đối với việc đào bới mặt đường, lề đường thì phải thu đủ toàn bộ phần vật chất bị làm hư hại, để phục vụ cho việc tái tạo lại.

7/ Sở Tài chánh phối hợp chặt với Sở Giao thông vận tải tổ chức thu đúng đủ, thuận lợi bằng ấn chỉ do ngành Tài chánh phát hành. Tất cả số tiền thu lệ phí này nộp vào ngân sách thành phố để đưa vào kế hoạch tái tạo vật chất cơ sở hạ tầng.

8/ Mọi trường hợp vi phạm đến các điều khoản được quy định tại Nghị định số 203/HĐBT ngày 21 tháng 12 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng phải được xử lý nghiêm theo các mức phạt được quy định tại quyết định 273/QĐ-UB ngày 19 tháng 9 năm 1988 của Ủy ban nhân dân thành phố.

9/ Những quy định trước đây có liên quan đến công tác bảo vệ đường công cộng trái với chỉ thị này đều bãi bỏ.

Nhằm từng bước đưa guồng máy hoạt động của xã hội đi vào kỷ cương, nề nếp, tôn trọng luật pháp; bảo vệ có hiệu quả tài sản xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành và công dân trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm túc chỉ thị này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Huấn