cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 20:2015/BLĐTBXH về an toàn lao động đối với sàn nâng dùng để nâng người (năm 2015)

  • Số hiệu văn bản: QCVN 20:2015/BLĐTBXH
  • Loại văn bản: TCVN/QCVN
  • Cơ quan ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Ngày ban hành: 08-12-2015
  • Ngày có hiệu lực: 30-11--0001
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 20050 ngày (54 năm 11 tháng 9 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

QCVN 20: 2015/BLĐTBXH

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI SÀN NÂNG DÙNG ĐỂ NÂNG NGƯỜI

National technical regulation on safe work of Elevating Platform for lifting people

Lời nói đầu

QCVN 20: 2015/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với sàn nâng dùng để nâng người do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư số 48/2015/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 12 năm 2015, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI SÀN NÂNG DÙNG ĐỂ NÂNG NGƯỜI

National technical regulation on safe work of Elevating Platform for lifting people

1. Quy định chung

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về an toàn lao động đối với sàn nâng dùng để nâng người lên vị trí làm việc (sau đây gọi là sàn nâng dùng để nâng người).

Quy chuẩn này không áp dụng với:

a) Các thiết bị dùng để nâng người lên các độ cao khác nhau được lắp đặt cố định.

b) Các thiết bị chữa cháy.

c) Các lồng làm việc không người lái được treo lên từ các thiết bị nâng.

d) Thang máy chở người hoặc người và vật liệu.

e) Thiết bị hỗ trợ đưa người lên cao.

g) Nâng vị trí người vận hành trên các xe đẩy công nghiệp.

1.2. Đối tượng áp dụng

1.2.1. Các tổ chức, cá nhân thiết kế, sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, lắp đặt và sử dụng sàn nâng dùng để nâng người (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp);

1.2.2. Các cơ quan và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Người có thẩm quyền

Những người được giao hoặc phê duyệt để thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ tại một hoặc nhiều vị trí cụ thể ở nơi làm việc.

1.3.2. Người quản lý sàn nâng

Tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp sử dụng sàn nâng, hoặc sở hữu, hoặc được chủ sở hữu cho thuê/mượn hay ủy quyền.

1.3.3. Bảo dưỡng

Các hoạt động bảo trì như kiểm tra, bôi trơn, cấp nhiên liệu, làm sạch, điều chỉnh và thay thế các bộ phận của sàn nâng.

1.3.4. Vận hành

Thực hiện các chức năng của sàn nâng trong phạm vi các thông số của nó và phù hợp với các chỉ dẫn của nhà sản xuất, các quy tắc làm việc của người quản lý và các quy định hiện hành.

1.3.5. Người vận hành

Người điều khiển quá trình hoạt động của sàn nâng.

1.3.6. Độ ổn định

Điều kiện mà tại đó sàn nâng không bị lật. Về mặt kỹ thuật, đây là điều kiện mà trong đó tổng mô men có thể làm lật sàn nâng nhỏ hơn tổng mô men có chống lại việc lật đổ sàn nâng.

1.3.7. Tải trọng định mức

Tải trọng trọng lớn nhất cho phép để sàn nâng có thể vận hành bình thường, bao gồm người, dụng cụ, vật liệu kèm theo hoạt động trên sàn.

1.3.8. Khu vực hoạt động

Khoảng không gian trong đó sàn nâng được thiết kế để chịu được lực và tải trọng cụ thể trong điều kiện làm việc bình thường.

2. Quy định về kỹ thuật

Một sàn nâng dùng để nâng người tối thiểu phải gồm một sàn công tác với bộ điều khiển và một khung đỡ, ngoài ra có thể có thêm cấu trúc mở rộng.

2.1. Yêu cầu đối với sàn nâng

2.1.1. Chiều cao lan can của sàn nâng không được thấp hơn 1100mm được tính từ mặt sàn nâng đến điểm trên cùng của lan can. Khoảng cách của thanh nằm giữa của lan can với mép trên của tấm chống vật rơi không vượt quá 550mm. Tấm chống vật rơi có chiều cao không thấp hơn 100 mm tính từ mặt trên của sàn nâng.

2.1.2. Kích thước của sàn làm việc phải phù hợp với số người được phép làm việc trên sàn và các dụng cụ, vật liệu mang theo. Chiều rộng của sàn làm việc không nhỏ hơn 500mm. Diện tích làm việc của sàn nâng không nhỏ hơn 0,25 m2/người.

2.1.3. Mặt thao tác của sàn làm việc phải là mặt chống trượt được gắn chặt vào mặt sàn và chỉ có thể gỡ bỏ khi thật sự cần thiết.

2.1.4. Lỗ hổng trên mặt sàn thao tác phải có kích thước đủ nhỏ để ngăn ngừa không cho các vật liệu tương tự khối cầu có đường kính 15mm lọt qua.

2.1.5. Phải thiết kế các điểm thoát nước thích hợp để chống việc đọng nước trên mặt sàn.

2.1.6. Sàn làm việc trên cao dạng treo phải được trang bị các dụng cụ thoát hiểm cho người vận hành trong trường hợp mất điện.

2.1.7. Cửa sàn làm việc phải được chế tạo để có thể đóng lại và giữ chặt ở vị trí cố định. Cửa chỉ mở trong trường hợp cần thiết do chủ ý của người vận hành và phải đảm bảo an toàn.

2.1.8. Các sàn nâng phải trang bị các phương tiện để tránh việc va chạm với các vật khác xung quanh và không gây nguy hiểm cho người hay khu vực xung quanh.

2.1.9. Phải trang bị cho hệ thống sàn nâng thiết bị để hạn chế tốc độ chuyển động của sàn làm việc, khi tốc độ chuyển động vượt quá 1,4 lần tốc độ thì phải được hạn chế ngay.

2.1.10. Công tắc điện điều khiển sàn nâng phải được đặt ở vị trí dễ dàng tiếp cận, tại một vị trí an toàn để có thể ngắt kết nối bằng cách sử dụng ổ khóa hoặc các thiết bị tương đương để ngăn chặn việc vận hành vô ý hoặc của những người không có thẩm quyền. Ngoài ra phải bố trí thêm một công tắc dừng khẩn cấp lắp ngay tại vị trí người vận hành để khi gặp sự cố có thể dễ dàng dừng hoạt động của sàn nâng.

2.1.11. Các phần phía trên mặt sàn và khu vực có người vận hành phải không có các cạnh sắc hoặc phần nhô ra có thể gây chấn thương cho người.

2.1.12. Đối với các sàn nâng sử dụng cho công tác lắp đặt điện thì sàn phải được cách điện với đất để tránh gây điện giật cho người thao tác trên sàn.

2.1.13. Các thay đổi hoặc bổ sung đối với sàn nâng chỉ được thực hiện nếu được sự cho phép cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2.2. Yêu cầu đối với các thiết bị an toàn

2.2.1. Các chốt an toàn của sàn nâng phải được gắn chắc chắn và đảm bảo không bị tuột ra do sơ ý.

2.2.2. Các sàn nâng dùng để nâng người phải được trang bị thiết bị an toàn để ngăn không cho sàn vận hành ra khỏi vị trí cho phép trừ khi bộ cân bằng được đặt tương ứng với chỉ dẫn vận hành.

2.2.3. Trong các trường hợp xảy ra mất an toàn thì các thiết bị an toàn của sàn nâng phải ngắt được các chuyển động liên quan đến các hướng không an toàn trừ khi có các quy định khác.

2.2.4. Các thiết bị an toàn được bố trí và bảo vệ để chống lại các mối nguy hại có thể làm hỏng hoặc giảm khả năng làm việc. chúng phải được điều chỉnh bằng các công cụ và phải dễ tiếp cận để phục vụ cho việc kiểm tra.

2.2.5. Dây dẫn điện truyền tín hiệu phải được lắp đặt và bảo vệ để tránh được hư hại do môi trường hay các tác động từ bên ngoài.

2.3. Yêu cầu đối với hệ thống phanh

2.3.1. Các sàn nâng phải được trang bị hệ thống phanh, phanh phải luôn sẵn sàng ngay cả khi bộ truyền động chưa hoạt động.

2.3.2. Hệ thống phanh phải đảm bảo có thể dừng và giữ lại trong trường hợp các sàn nâng chịu mức trọng tải 1,5 lần so với tải trọng định mức đối với các sàn nâng cơ sử dụng bằng tay và 1,25 lần so với tải trọng danh định đối với các sàn nâng khác. Hệ thống phanh phải được bảo vệ để chống lại sự nhả ra do vô ý.

2.4. Yêu cầu đối với hệ thống thủy lực

2.4.1. Hệ thống thủy lực phải được gắn kèm các thiết bị giới hạn áp lực (ví dụ như van giảm áp) trước van điều khiển đầu tiên. Nếu có các áp lực tối đa khác nhau được sử dụng trong các hệ thống thủy lực, thì phải lắp thêm nhiều hơn một thiết bị giới hạn áp lực.

2.4.2. Ống dẫn và các mối nối phải chịu được ít nhất bằng hai lần áp lực tối đa cho phép mà không bị biến dạng dư.

2.4.3. Mỗi mạch thủy lực phải lắp đầy đủ các thiết bị đo để có thể kiểm tra được các thông số hoạt động của nó một cách chính xác.

2.4.4. Mỗi thùng chứa chất lỏng của hệ thống thủy lực phải trang bị các thiết bị để dễ dàng theo dõi mức chất lỏng có trong thùng.

2.4.5. Yêu cầu thử nghiệm an toàn đối với hệ thống thủy lực

2.4.5.1. Trước khi tiến hành thử nghiệm hệ thống thủy lực phải kiểm tra sự phù hợp của các số liệu kỹ thuật của các phần tử trong hệ thống thủy lực, cũng như các mối nối của ống dẫn và phụ tùng nối ống theo các tài liệu kỹ thuật hồ sơ lý lịch của nhà sản xuất.

2.4.5.2. Thử nghiệm hệ thống thủy lực phải được tiến hành với chất lỏng công tác theo chỉ dẫn trong lý lịch máy. Nhiệt độ chất lỏng công tác phải phù hợp với nhiệt độ cho phép khi sử dụng và nó được đo tại chỗ rót chất lỏng công tác vào thùng chứa hoặc tại chỗ khác được chỉ dẫn trong tài liệu hướng dẫn sử dụng máy. Phải kiểm tra trạng thái và lượng chất lỏng trong thùng chứa.

2.4.5.3. Khi thử an toàn hoạt động của thiết bị thủy lực đặc biệt phải kiểm tra:

2.4.5.3.1. Sự làm việc của bộ phận điều khiển;

2.4.5.3.2. Sự làm việc của tất cả các van an toàn;

2.4.5.3.3. Thiết bị đề phòng rơi hàng trong trường hợp hỏng ống dẫn;

2.4.5.3.4. Sự làm việc của các thiết bị báo hiệu và dụng cụ kiểm tra;

2.4.5.3.5. Sự điều chỉnh của các thiết bị hạn chế áp lực;

2.4.5.3.6. Việc bảo vệ ống dẫn khỏi bị hỏng cơ học;

2.4.5.3.7. Khả năng tiếp cận thuận tiện và an toàn tới các phần tử được điều chỉnh hoặc thay thế;

2.4.5.3.8. Việc bảo vệ các phần tử điều chỉnh áp lực của hệ thống thủy lực để tránh sự can thiệp của những người không có thẩm quyền;

2.4.5.3.9. Khả năng nâng hạ của hệ thống thủy lực.

2.5. Yêu cầu đối với việc kiểm tra và thử nghiệm sàn nâng

2.5.1. Các sàn nâng thuộc đối tượng và phạm vi nêu trên phải đảm bảo các yêu cầu kiểm tra tối thiểu theo quy định của Tiêu chuẩn ISO 18893:2004 Sàn làm việc nâng di động - Nguyên tắc an toàn, kiểm tra, bảo dưỡng và vận hành (ISO 18893:2004 Mobile elevating work platforms - Safety principles, inspection, maintenance and operation) và các yêu cầu thử nghiệm tối thiểu theo quy định của Tiêu chuẩn ISO 16368:2010 Sàn làm việc nâng di động - Thiết kế, tính toán, yêu cầu về an toàn và phương pháp thử (ISO 16368 Mobile elevating work platforms - Design, calculations, safety requirements and test methods).

Các quy định về kiểm tra và thử nghiệm quy định tại 02 tiêu chuẩn ISO 18893:2004 và ISO 16368:2010 có liên quan đến các tiêu chuẩn sau đây thì không bắt buộc áp dụng:

2.5.1.1. ISO 18878 Mobile elevating work platforms - Operator (driver) training (Sàn nâng di động - Huấn luyện vận hành sàn nâng).

2.5.1.2. ISO 4302 Cranes - Wind load assessment (Cần trục - Đánh giá tải trọng gió).

2.5.1.3. ISO 4305 Mobile cranes - Determination of stability (Cần trục di động - Xác định độ ổn định).

2.5.1.4. ISO 20381 Mobile eleveting work platforms - Symbols for operator controls and other displays (Sàn nâng di động - Biểu tượng cho việc điều khiển vận hành và các hiển thị khác).

2.5.1.5. IEC 60204-32:2008 Safety machinery - Electrical equipment of machines - Part 32: Requirements for hoisting machines (An toàn máy - Thiết bị điện - Phần 32: Các yêu cầu đối với máy nâng).

2.5.1.6. IEC 60947-5-1:2000 Low-voltage swichgear and controller and controlgear - Part 5-1: Control circuit devices and switching elements - Electromechanical control circuit devices (Bộ chuyển mạch và bộ điều khiển hạ thế - Phần 5-1: Điều khiển các thiết bị mạch và các bộ phận chuyển mạch - thiết bị mạch điều khiển điện cơ).

2.5.2. Lưu giữ toàn bộ các kết quả kiểm tra và thử nghiệm, tên và địa chỉ người tiến hành kiểm tra, thử nghiệm có kèm dấu và chữ ký của những người liên quan.

2.5.3. Yêu cầu đối với việc kiểm tra thiết kế.

Kiểm tra thiết kế phải được tiến hành để xác minh các sàn nâng được thiết kế đảm bảo độ an toàn cho phép. Quá trình này phải bao gồm việc kiểm tra dưới đây:

2.5.3.1. Các bản thể hiện các thông số kích, thước chính của các sàn nâng;

2.5.3.2. Mô tả về khả năng làm việc của sàn nâng;

2.5.3.3. Thông tin về vật liệu được sử dụng;

2.5.3.4. Các sơ đồ mạch điện, mạch thủy lực và khí lực sẽ được sử dụng;

2.5.3.5. Hướng dẫn sử dụng;

2.5.3.6. Các tính toán.

Các tài liệu này phải đưa ra tất cả thông tin cần thiết phục vụ cho việc kiểm tra và tính toán.

2.5.4. Kiểm tra quá trình sản xuất.

Việc kiểm tra quá trình sản xuất  phải xác nhận được rằng:

2.5.4.1. Các tài liệu phục vụ cho quá trình sản xuất đã đảm bảo đủ các quy định về an toàn;

2.5.4.2. Các thành phần đã phù hợp với các bản vẽ;

2.5.4.3. Dây cáp, xích và các cơ cấu thủy lực đã có các chứng nhận chất lượng;

2.5.4.4. Chất lượng các mối hàn đặc biệt trong các thành phần chịu tải đã được đảm bảo;

2.5.4.5. Kết cấu và việc lắp đặt các bộ phận (đặc biệt là các thiết bị an toàn) phù hợp theo quy định.

2.6. Yêu cầu đối với người vận hành sàn nâng

2.6.1. Chỉ những người đủ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe, đủ năng lực chuyên môn, được huấn luyện và cấp chứng chỉ an toàn lao động mới được phép vận hành sàn nâng.

2.6.2. Người vận hành phải được huấn luyện những chủ đề sau:

2.6.2.1. Lựa chọn loại sàn nâng phù hợp;

2.6.2.2. Mục đích và việc sử dụng các tài liệu hướng dẫn, các cảnh báo, chỉ dẫn của người vận hành và các nguyên tắc an toàn của người quản lý;

2.6.2.3. Kiểm tra trước khi bắt đầu vận hành;

2.6.2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định của sàn nâng;

2.6.2.5. Những mối nguy hiểm phổ biến và những biện pháp phòng tránh;

2.6.2.6. Kiểm tra nơi làm việc;

2.6.2.7. Kiến thức chung về mục đích sử dụng và chức năng của tất cả các loại sàn nâng, gồm cả sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp;

2.6.2.8. Di chuyển an toàn;

2.6.2.9. Vận hành thực tế sàn nâng;

2.6.2.10. Sử dụng các trang thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp với công việc.

2.6.3. Trước khi được phép vận hành đối với sàn nâng cụ thể, người vận hành phải được làm quen với:

2.6.3.1. Các cảnh báo và chỉ dẫn của nhà sản xuất;

2.6.3.2. Chức năng điều khiển riêng biệt từng loại sàn nâng;

2.6.3.3. Chức năng mỗi thiết bị an toàn riêng biệt của mỗi sàn nâng.

2.7. Yêu cầu đối với việc gắn nhãn đối với sàn nâng

2.7.1. Tất cả các sàn nâng khi xuất xưởng, lưu thông trên thị trường hoặc trong quá trình sử dụng đều phải được gắn nhãn theo quy định.

2.7.2. Nhãn gắn trên sàn nâng phải được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy và phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:

2.7.2.1. Tên và địa chỉ nhà sản xuất/nhà cung cấp hoặc đơn vị có trách nhiệm;

2.7.2.2. Quốc gia sản xuất;

2.7.2.3. Số seri hay số sản xuất;

2.7.2.4. Năm sản xuất;

2.7.2.5. Khối lượng không tải tính bằng kg;

2.7.2.6. Tải trọng danh định mức bằng kg;

2.7.2.7. Tải trọng định mức như số lượng người cho phép và khối lượng thiết bị tính bằng kg;

2.7.2.8. Độ nghiêng tối đa cho phép.

3. Quy định về quản lý an toàn trong chế tạo, nhập khẩu, lưu thông, lắp đặt và sử dụng sàn nâng.

3.1. Hồ sơ kỹ thuật của sàn nâng bao gồm:

3.1.1. Bản thuyết minh chung phải thể hiện được:

3.1.1.1. Tên và địa chỉ của nhà sản xuất;

3.1.1.2. Kiểu mẫu, mã hiệu, năm sản xuất;

3.1.1.3. Tải trọng và số lượng người cho phép;

3.1.1.4. Loại dẫn động, điều khiển.

3.1.2. Bản vẽ sơ đồ nguyên lý hoạt động, bản vẽ tổng thể của sàn nâng có ghi các kích thước và thông số chính.

3.1.3. Các kích thước chính của thiết bị và các đặc trưng kỹ thuật chính của hệ thống (thiết bị điều khiển, thiết bị an toàn, cơ cấu hạn chế quá tải), các tiêu chuẩn áp dụng của sàn nâng.

3.1.4. Quy trình kiểm tra và thử tải, quy trình xử lý, khắc phục sự cố.

3.1.5. Hướng dẫn vận hành, lắp đặt và tháo rời. Nội dung của hướng dẫn phải bao gồm thông tin sau:

3.1.5.1. Hướng dẫn vận hành chi tiết về việc sử dụng an toàn sàn nâng.

3.1.5.2. Thông tin về việc vận chuyển và lưu trữ.

3.1.5.3. Thông tin về việc kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ.

3.1.5.4. Tháo lắp các bộ phận của hệ thống sàn nâng.

3.1.6. Chứng nhận về chất lượng và xuất xứ các bộ phận hợp thành của sàn nâng.

3.2. Điều kiện đảm bảo an toàn đối với sàn nâng chế tạo trong nước

3.2.1. Đủ hồ sơ kỹ thuật theo quy định tại Mục 3.1 của Quy chuẩn này.

3.2.2. Sàn nâng chế tạo trong nước phải được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Mục 4.1 của Quy chuẩn này trên cơ sở việc chứng nhận hợp quy của Tổ chức chứng nhận hợp quy được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định.

3.2.3. Đơn vị chế tạo phải công bố hợp quy và đăng ký hợp quy đối với sàn nâng theo quy định sau khi được chứng nhận hợp quy.

3.2.4. Gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

3.2.5. Chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3.3. Điều kiện đảm bảo an toàn đối với sàn nâng nhập khẩu

3.3.1. Đủ hồ sơ kỹ thuật theo quy định tại Mục 3.1 của Quy chuẩn này.

3.3.2. Đối với sàn nâng hoặc các phụ kiện của sàn nâng khi nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy theo quy định tại Mục 4.1.

3.3.3. Trong trường hợp nhập khẩu mà theo thỏa thuận song phương, đa phương giữa cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước xuất khẩu sàn nâng quy định không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu thì các sàn nâng này được miễn kiểm tra nhập khẩu.

3.3.4. Sàn nâng nhập khẩu không đáp ứng được quy định tại Mục 3.1 nêu trên, khi nhập khẩu phải được tổ chức chứng nhận hợp quy được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định hoặc được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết tiến hành giám định tại cửa khẩu.

3.3.6. Sàn nâng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng theo trình tự, thủ tục quy định và bị xử lý nếu có vi phạm theo luật định.

3.3.7. Các sàn nâng phải được gắn dấu hợp quy, ghi nhãn trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

3.4. Điều kiện đảm bảo an toàn đối với sàn nâng lưu thông trên thị trường

Sàn nâng lưu thông trên thị trường, người bán hàng phải thực hiện các yêu cầu sau:

3.4.1. Đảm bảo các sàn đã được chứng nhận hợp quy và gắn dấu hợp quy theo quy định.

3.4.2. Tuân thủ các quy định trong quá trình bảo quản, lưu thông sàn nâng theo hướng dẫn của nhà chế tạo.

3.4.3. Chịu sự kiểm tra chất lượng theo những nội dung, trình tự, thủ tục quy định và bị xử lý nếu có vi phạm theo luật định.

3.5. Các yêu cầu đối với việc lắp đặt, bảo trì sàn nâng

3.5.1. Sàn nâng chỉ được lắp đặt khi có đủ các điều kiện sau:

3.5.1.1. Có đủ hồ sơ kỹ thuật như đã nêu ở mục 3.1 của quy chuẩn này.

3.5.1.2. Sàn nâng sản xuất trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy định. Sàn nâng nhập khẩu ở dạng tháo rời phải được chứng nhận hợp quy và hoàn thành thủ tục hải quan sau khi lắp đặt xong.

3.5.1.3. Các bộ phận chi tiết máy đi kèm phải đồng bộ hoặc chế tạo theo dạng liên kết của nhiều hãng, nhiều quốc gia thì phải đảm bảo các đặc tính kỹ thuật theo yêu cầu của nhà sản xuất sàn nâng đứng tên.

3.5.1.4. Trong quá trình lắp đặt sàn nâng phải đặt các biển cảnh báo để ngăn chặn những người không có thẩm quyền vào khu vực đang lắp đặt, bảo trì.

3.5.2. Yêu cầu đối với đơn vị lắp đặt, bảo trì sàn nâng:

3.5.2.1. Có đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.

3.5.2.2. Có đủ cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo kỹ thuật chuyên ngành. Có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, được huấn luyện về an toàn lao động và được cấp chứng chỉ an toàn lao động theo quy định.

3.5.2.3. Có đủ điều kiện trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công việc lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa sàn nâng.

3.5.2.4. Chịu trách nhiệm về lắp đặt, bảo trì theo hợp đồng đã ký kết với đơn vị sử dụng.

3.5.2.5. Hướng dẫn vận hành, chế độ bảo dưỡng, sửa chữa, chế độ kiểm tra định kỳ và các biện pháp khắc phục sự cố khẩn cấp cho đơn vị sử dụng.

3.5.2.6. Xây dựng các biện pháp an toàn cho quá trình lắp đặt, bảo trì, đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động có liên quan và hướng dẫn lắp đặt, bảo trì của nhà chế tạo.

3.6. Quản lý sử dụng an toàn sàn nâng

3.6.1. Sàn nâng phải được sử dụng, bảo trì và bảo dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3.6.2. Người chịu trách nhiệm quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành và người vận hành sàn nâng phải được huấn luyện an toàn lần đầu trước khi giao việc, huấn luyện an toàn định kỳ hàng năm và phải được cấp chứng chỉ an toàn lao động theo quy định.

3.6.3. Những yêu cầu an toàn khi sử dụng sàn nâng:

3.6.3.1. Chỉ sử dụng sàn nâng có tình trạng kỹ thuật tốt và chưa hết hạn kiểm định kỹ thuật an toàn. Trong quá trình sử dụng nếu phát hiện sàn nâng không đảm bảo an toàn đơn vị sử dụng có thể đưa ra yêu cầu kiểm định trước thời hạn.

3.6.3.2. Những hồ sơ sau phải được người quản lý lưu lại:

3.6.3.2.1. Hồ sơ kỹ thuật theo quy định tại Mục 3.1 và lý lịch sàn nâng (trong đó thể hiện tên, địa chỉ của người mua, nơi sử dụng, thời gian bắt đầu hoạt động) phải được lưu giữ cho đến khi sàn nâng không còn được sử dụng.

3.6.3.2.2. Các biên bản kết quả kiểm định, kiểm tra hàng năm và định kỳ đối với sàn nâng phải bao gồm ghi kiểm tra, các khiếm khuyết được tìm thấy, phương án đề xuất sửa chữa và xác nhận của người tiến hành kiểm tra. Những biên bản này phải được lưu lại ít nhất 10 năm.

3.6.3.2.3. Các công việc sửa chữa, kiểm tra, thay thế chi tiết trong quá trình hoạt động phải được lưu trữ lại trong đó ghi rõ ngày tháng và người chịu trách nhiệm thực hiện. Những biên bản này phải được lưu lại cho đến khi sàn nâng không còn được sử dụng.

4. Chứng nhận hợp quy và kiểm định kỹ thuật an toàn đối với sàn nâng

4.1. Chứng nhận hợp quy đối với sàn nâng

4.1.1. Việc chứng nhận hợp quy đối với sàn nâng dùng để nâng người hoặc các phụ kiện của sàn nâng sản xuất trong nước được thực hiện theo phương thức 5: thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất nếu chúng được sản xuất hàng loạt; đối với sàn nâng sản xuất đơn chiếc, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 8: thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm hàng hóa (phụ lục II của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo).

4.1.2. Việc chứng nhận hợp quy đối với sàn nâng hoặc các phụ kiện của sàn nâng nhập khẩu được thực hiện theo phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa lô hàng hóa nếu chúng được nhập khẩu hàng loạt; nếu nhập khẩu đơn chiếc thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 8: thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm hàng hóa (phụ lục II của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo).

4.1.3. Việc chứng nhận hợp quy phải do tổ chức chứng nhận hợp quy được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định.

4.2. Kiểm định kỹ thuật an toàn đối với sàn nâng

4.2.1. Đối với sàn nâng lắp đặt cố định trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ hoặc bất thường trong quá trình sử dụng.

Việc kiểm định kỹ thuật an toàn sàn nâng phải do tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn đã được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định.

4.2.2. Chu kỳ kiểm định định kỳ đối với sàn nâng không quá 03 năm một lần.

4.2.3. Các sàn nâng sau khi kiểm định đạt yêu cầu phải được dán tem theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

5.1. Thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện Quy chuẩn này do thanh tra nhà nước về lao động thực hiện.

5.2. Việc kiểm tra chất lượng sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng sàn nâng treo được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

6.1. Các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ chế tạo, nhập khẩu, lưu thông, sửa chữa lắp đặt, quản lý và sử dụng sàn nâng có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này.

6.2. Quy chuẩn này là căn cứ để các cơ quan thanh tra, kiểm tra chất lượng sàn nâng tiến hành việc thanh tra, kiểm tra và cũng là căn cứ để các tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành chứng nhận hợp quy.

7. Tổ chức thực hiện

7.1. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quy chuẩn này.

7.2. Các cơ quan quản lý nhà nước về  lao động địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quy chuẩn này.

7.3. Quy chuẩn này có hiệu lực sau 06 tháng kể từ ngày Thông tư số 48/2015/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 12 năm 2015 ký ban hành.

7.4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm kịp thời phản ánh với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.