cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 14/CT-UB ngày 29/05/1989 Về việc huy động toàn xã hội chăm lo cho trẻ em do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 14/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 29-05-1989
  • Ngày có hiệu lực: 29-05-1989
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3486 ngày (9 năm 6 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 14/CT-UB ngày 29/05/1989 Về việc huy động toàn xã hội chăm lo cho trẻ em do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 14/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 5 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC HUY ĐỘNG TOÀN XÃ HỘI CHĂM LO CHO TRẺ EM

Năm 1989 là năm chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, 20 năm thực hiện di chúc của Bác và 10 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết định lấy năm 1989 làm “Năm trẻ em” và gần đây Hội đồng Bộ trưởng cũng chọn năm nay làm “Năm trẻ em” của Việt Nam.

Ủy ban nhân dân thành phố phát động tất cả các cấp, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân thành phố hưởng ứng “Năm trẻ em” 1989 với kết quả cao nhất.

Có mấy nội dung và yêu cầu nhất thiết phải đạt được là :

+ Làm chuyển biến thật sự ý thức trách nhiệm trong Đảng, chính quyền các cấp và trong nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Từ những chuyển biến đó mà có những chương trình hoạt động thiết thực mang lại quyền lợi chính đáng cho trẻ em, tạo thành nếp hoạt động thường xuyên trong nhân dân, chính quyền thành phố.

+ Từng bước nâng dần thể lực, chất lượng học tập, đạo đức của trẻ em thành phố.

+ Tập trung thực hiện 6 chương trình công tác của “Năm trẻ em” đã đề ra :

- Phát huy có hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em và sử dụng quỹ thật hợp lý.

- Bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là chương trình nuôi và sử dụng tảo Spirulina để chống suy dinh dưỡng trẻ em, cố gắng giảm 30% trẻ em suy dinh dưỡng ở độ tuổi mầm non (0-6t).

- Phấn đấu đưa hết số cháu đến tuổi được đi học, giảm ½ số trẻ bỏ học ở cấp 1 và giảm ½ số lớp ca 3.

- Mở hệ giáo dục khuyết tật để đưa các cháu tật nguyền, câm điếc, mù lòa đến trường.

- Tổ chức quản lý có hiệu quả các cháu ngoài giờ học tại khu vực cư trú. Cố gắng giảm số cháu phạm pháp.

- Tổ chức những khu vui chơi thích hợp cho cháu.

Riêng ở thành phố, sẽ hoàn thành các công trình và hoạt động sau đây :

+ Tổ chức trại “sẵn sàng”, Hội chợ từ thiện, họp mặt các đội viên khuyến tật, mồ côi, nghèo hiếu học và giúp bạn, họp mặt những tài năng tương lai…

+ Xây dựng Hội trường Nhà văn hóa thiếu nhi.

+ Xây dựng Xí nghiệp bột dinh dưỡng.

+ Một công viên thiếu nhi do quốc tế viện trợ.

+ Làng trẻ em SOS do quốc tế viện trợ.

Về tổ chức chỉ đạo thực hiện :

- Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu mỗi ngành, mỗi cấp phải xây dựng kế hoạch “Năm trẻ em” thật nghiêm túc thực hiện đạt kết quả cao mang lại lợi ích thiết thực cho trẻ em.

- Sở Y tế, Sở Giáo dục, Ủy ban thiếu niên nhi đồng và Thành Đoàn theo chức năng chủ trì thực hiện 6 chương trình công tác lớn, có phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Theo hướng dẫn của Ban Tuyên huấn, các cơ quan thông tấn báo, đài mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động sôi nổi về “Năm trẻ em” 1989, đặc biệt trong đợt 1/6 này cần để 1 tuần cho chủ đề trẻ em.

Những nội dung nói trên đều nằm trong tầm tay của thành phố nếu được các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân hết lòng hưởng ứng và đóng góp. Chỉ cần mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị bớt đi một số chi phí bất hợp lý thì hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của con em chúng ta.

Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch, vàng bạc, giải trí… đều phải có phụ thu để đưa vào quỹ bảo trợ trẻ em.

Ủy ban nhân dân thành phố tin tưởng rằng nhân dân thành phố chúng ta vốn có truyền thống nhịn ăn nhịn mặc cho con, luôn luôn sẵn lòng chăm chút cho trẻ em, chính là chăm lo cho tương lai của dân tộc mình.

Các cấp, các ngành, các đoàn thể nghiêm túc thực hiện có hiệu quả nhất chỉ thị này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Nguyễn Vĩnh Nghiệp