Chỉ thị số 36/CT-UB ngày 10/09/1988 Về việc huy động quản lý và chi trả kiều hối trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 36/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 10-09-1988
- Ngày có hiệu lực: 10-09-1988
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3632 ngày (9 năm 11 tháng 17 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 9 năm 1988 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC HUY ĐỘNG QUẢN LÝ VÀ CHI TRẢ KIỀU HỐI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Xuất phát từ nhu cầu vốn ngoại tệ để phục vụ cho sản xuất, đời sống văn hóa, xã hội v.v… của thành phố.
Căn cứ khả năng thực tế về nguồn kiều hối trên địa bàn thành phố đã huy động qua các năm dưới dạng chuyển ngân, nguyên vật liệu, phát hàng quà biếu.
Để bảo đảm thực hiện kế hoạch huy động kiều hối theo tinh thần chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố trong năm 1988 và các năm tới.
Ủy ban nhân dân thành phố quy định lại một số nguyên tắc, phương thức hoạt động huy động chi trả và quản lý kiều hối trên địa bàn thành phố như sau:
I.- VỀ NGUYÊN TẮC:
1/ Các đơn vị kinh tế trực thuộc sở, ban, ngành và các quận, huyện của thành phố có nhu cầu vốn ngoại tệ cần làm phương án trình Thường trực Ủy ban xem xét quy định sẽ được tổ chức huy động và chi trả kiều hối.
Đơn vị nào tự bảo đảm tiền mặt bà bảo đảm kỷ luật về tỷ giá sẽ được tự chi trả (Ủy ban nhân dân sẽ cấp giấy phép).
Đơn vị nào không tự làm được sẽ liên hệ với Cosevina để bàn biện pháp liên kết, tổ chức hỗ trợ nhau thực hiện.
2/ Về tỷ giá chi trả kiều hối, tất cả các đơn vị được phép tham gia hoạt động kiều hối đều phải chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc thống nhất tỷ giá chi trả kiều hối theo từng thời điểm do Ủy ban nhân dân thành phố quy định và Cosevina thông báo. Nghiêm cấm mọi hành vi độn tỷ giá dưới mọi hình thức để tranh giành kiều hối, gây khó khăn cho công tác quản lý.
3/ Công tác quản lý hoạt động kiều hối:
Công ty Dịch vụ Việt kiều và xuất khẩu tại chỗ (COSEVINA) là cơ quan đầu mối quản lý thống nhất việc huy động chi trả kiều hối trên địa bàn thành phố cụ thể là:
- Công ty Cosevina chịu trách nhiệm kiểm soát hợp đồng giao dịch của các tổ chức kinh tế trong nước với nước ngoài, với sự tham khảo ý kiến Ban Việt kiều thành phố.
- Hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức hạch toán, kiểm tra kiểm soát việc chấp hành quy chế hoạt động kiều hối của tất cả các đơn vị được phép hoạt động kiều hối và tổng hợp báo cáo tình hình huy động kiều hối trên địa bàn thành phố hằng tháng, quý và năm để báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
II.- PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ:
1/ Về quan hệ giao dịch đối ngoại:
Tất cả các đơn vị kinh tế thuộc thành phố được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép tham gia huy động và chi trả kiều hối đều phải thực hiện giao dịch đối ngoại thông qua hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận có xác nhận của cơ quan chủ quản cấp trên và được sự đồng ý của Công ty Cosevina.
Riêng nhập khẩu vàng và huy động chi trả kiều hối bằng vàng trước mắt Thường trực Ủy ban giao Công ty Cosevina tổ chức thực hiện. Các đơn vị kinh tế muốn tham gia phải thông qua Cosevina, nếu có đủ điều kiện thì Cosevina trình Ủy ban nhân dân thành phố cho phép mới được giao dịch đối với nước ngoài trong vấn đề huy động kiều hối bằng vàng.
2/ Phương thức hoạt động trong nước:
- Bảo đảm tổ chức chi trả nhanh chóng kịp thời, thuận tiện, dễ dàng và an toàn cho kiều quyến.
- Thực hiện thống nhất tỷ giá chi trả kiều hối do Ủy ban nhân dân thành phố quy định trong từng thời điểm.
- Việc tính toán xác định và điều chỉnh tỷ giá giao cho Công ty Cosevina chủ động phối hợp với Ủy ban Vật giá thành phố, Ban Việt kiều, Sở Tài chánh, Ủy ban Kế hoạch, Ban Kinh tế đối ngoại bàn bạc thống nhất trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố quyết định từng thời điểm, hằng tháng hoặc quý.
- Về nguyên tắc cho phép tính tỷ giá chi trả kiều hối lấy cơ sở là tỷ giá bình quân hàng xuất khẩu hằng tháng do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt; mức định giá kiều hối bằng 80% giá bình quân hàng xuất khẩu tại thành phố.
- Các đơn vị có kế hoạch huy động kiều hối dưới các phương thức chuyển ngân, nguyên liệu vật tư, máy móc thiết bị hay vàng đều phải thông qua Ủy ban Kế hoạch thành phố và Ban Kinh tế đối ngoại để trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt làm cơ sở giao dịch ký kết hợp đồng đối ngoại (Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm Ban Kinh tế đối ngoại duyệt).
- Về nhập khẩu vàng hay huy động, chi trả kiều hối bằng vàng phải tính toán hiệu quả kinh tế, giá mua, giá bán, mức lãi và tỷ giá chi trả.
Việc tính toán giá cả vàng tương ứng với tỷ giá kiều hối giao cho Giám đốc Công ty Cosevina chịu trách nhiệm tính toán trên nguyên tắc vừa đảm bảo kinh doanh có lãi, vừa góp phần ổn định và kéo giá vàng xuống.
- Về việc tiếp nhận và phát hàng quà biếu (phi mậu dịch) cố gắng tập trung dần các điểm vào một số Trạm đầu mối lớn trên địa bàn thành phố. Đầu mối tập trung thống nhất là Công ty Cosevina. Việc giao dịch ký kết với các tổ chức gom hàng ở bên ngoài giao Công ty Cosevina phụ trách. Cosevina chịu trách nhiệm phân phối điều hòa hợp lý lượng hàng cho các Trạm hiện nay. Giám đốc Công ty Cosevina sớm trình Thường trực Ủy ban bản quy chế thống nhất quy trình phát hàng, thống nhất mức lệ phí trong nước để áp dụng chung cho các Trạm.
- Riêng về lệ phí thu của các công ty nước ngoài, sẽ tăng từ 1 USD lên 1,5 USD cho mỗi kiện hàng gởi về (cả bao bì). Phần tăng giá 0,5 USD/kg phải nộp toàn bộ cho ngân sách thành phố (TK 9946). Phần 1 USD gốc cũ giao Sở Tài chánh đề xuất ý kiến phân chia sử dụng hợp lý, trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố duyệt (trước mắt phân chia như cũ).
3/ Công tác quản lý hoạt động kiều hối:
Thực hiện chủ trương mở rộng diện huy động và trực tiếp chi trả kiều hối trên địa bàn thành phố của Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời phải tăng cường công tác quản lý nhằm đảm bảo giữ gìn trật tự, kỷ cương của Nhà nước và của thành phố trong lĩnh vực này. Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Giám đốc Công ty Dịch vụ Việt kiều và xuất khẩu tại chỗ (Cosevina) cùng với Sở Tài chánh chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức hạch toán mở sổ sách ghi chép đầy đủ rõ ràng mọi nghiệp vụ phát sinh có liên quan đến hoạt động kiều hối trên địa bàn thành phố.
Hằng tháng, quý và năm các đơn vị được phép hoạt động huy động và chi trả kiều hối phải gởi đầy đủ báo cáo tình hình huy động kiều hối cho Công ty Cosevina để tổng hợp báo cáo lên Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định, đồng gởi cho Ban Kinh tế đối ngoại để theo dõi.
Công ty Cosevina có trách nhiệm thiết lập các mẫu biểu thống kê báo cáo và hướng dẫn để các đơn vị thực hiện thống nhất trong toàn thành phố.
Từ nay các đơn vị chưa có phép làm kiều hối không được ký hợp đồng mua bán với các công ty nước ngoài thanh toán bằng đồng Việt Nam.
Các đơn vị Trung ương, tỉnh bạn và các đơn vị kinh tế khác của thành phố chưa được phép của Ủy ban nhân dân thành phố không được hoạt động chi trả kiều hối trên địa bàn thành phố bất cứ dưới hình thức nào.
Trên đây là một số quy định để các đơn vị hoạt động kiều hối quán triệt và thực hiện. Trong quá trình thi hành nếu có gì vướng mắc khó khăn yêu cầu Giám đốc các đơn vị phản ảnh kịp thời và đề xuất ý kiến để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét bổ sung sửa đổi cho phù hợp.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |