cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 18/CT-UB ngày 28/05/1988 Về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát quản lý thị trường (thi hành Thông tri 35/TT-TU của Thành ủy và Chỉ thị 01/CT-UB của UBND thành phố) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 18/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 28-05-1988
  • Ngày có hiệu lực: 28-05-1988
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3737 ngày (10 năm 2 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Chỉ thị số 18/CT-UB ngày 28/05/1988 Về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát quản lý thị trường (thi hành Thông tri 35/TT-TU của Thành ủy và Chỉ thị 01/CT-UB của UBND thành phố) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 18/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 5 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG (THI HÀNH THÔNG TRI 35/TT-TU CỦA THÀNH ỦY VÀ CHỈ THỊ 01/CT-UB CỦA UBND THÀNH PHỐ).

Tiếp theo chỉ thị số 01/CT-UB của Ủy ban nhân dân thành phố ngày 11/5/1988 “về một số công tác cấp bách nhằm lập lại trật tự kinh tế, phân phối lưu thông và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở thành phố trong năm 1988”;

Để nhanh chóng lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1/ Các sở, ban, ngành, các tổ chức Nhà nước, đoàn thể cấp thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc Trung ương đóng tại thành phố, các văn phòng, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các văn phòng, đại diện, trạm… của các tỉnh đang đóng tại thành phố Hồ Chí Minh, cần phải:

Kiểm tra lại các hoạt động của các đơn vị thuộc mình quản lý đã có hoạt động mua, bán chứa trữ hàng hóa có được phép hay không, các hoạt động có trái với giấy phép và sự cho phép hay không, để kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt các hoạt động sai trái ấy và kiểm điểm, xử lý rõ ràng nghiêm minh.

2/ Ủy ban nhân dân thành phố nhắc lại rằng: Việc kinh doanh gạo tại thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào Công ty Lương thực thành phố. Tại các chợ đầu mối chỉ có Công ty Lương thực (hoặc Cửa hàng lương thực trung tâm quận, huyện do Công ty Lương thực thành phố giao) mới được tổ chức đại lý thu mua. Công ty Lương thực chỉ tổ chức một số trạm hoặc đại lý thu mua cần thiết, không tổ chức tràn lan, người đại lý phải là người tốt, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của công ty, của nhà nước, phải kiên quyết loại trừ sự lũng đoạn của tư thương núp dưới danh nghĩa đại lý để lũng đoạn trong kinh doanh. Sở Thương nghiệp và Ủy ban nhân dân quận, huyện sở tại phải tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước tại khu vực chợ An Lạc, chợ Trần Chánh Chiếu nhằm bảo đảm cho Công ty Lương thực thu mua, người không có giấy phép đại lý thu mua phải chấm dứt hoạt động. Nếu hộ nào không chấp hành sau “Thông báo chấm dứt hoạt động” lần thứ 2 của Giám đốc Sở Thương nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định về kinh doanh trái phép. Để giúp cho việc mua ăn của nhân dân thêm thuận tiện, các hợp tác xã tiêu thụ và mua bán phường, xã được phép nhận mua lại gạo từ các trạm thu mua ở chợ đầu mối thuộc Công ty Lương thực để về bán lẻ cho nhân dân trong phường, xã mình; các tổ chức thương nghiệp quốc doanh khác có nhu cầu lương thực chính đáng trong quan hệ đối lưu trao đổi các mặt hàng khác cần cho thành phố thì được phép mua lại của Công ty Lương thực. Nghiêm cấm mọi trường hợp lợi dụng danh nghĩa “nhu cầu đối lưu” nhằm mục đích mua bán lòng vòng lương thực để lấy lãi, hoặc tích trữ chờ tăng giá.

3/ Giám đốc Sở Thương nghiệp phải tổ chức kiểm tra lại việc cấp giấy phép kinh doanh trên toàn thành phố. Qua kiểm tra phải sắp xếp lại việc mua bán có trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh và kiên quyết các vi phạm. Việc cấp giấy phép kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ phải theo đúng các quy định chung. Phải theo quy hoạch, phải bảo đảm các lợi ích công cộng, bảo vệ các cơ sở hạ tầng, bảo đảm các yêu cầu về trật tự vệ sinh, an toàn xã hội… Khi không hội đủ được các điều kiện cần thiết theo quy định thì không được cấp giấy phép, hoặc phải rút lại giấy phép.

4/ Phải kiểm tra lại hệ thống mạng lưới thu mua hàng nông sản xuất khẩu. Chấm dứt các tổ chức thu mua không có giấy phép, hay các tổ chức không có chức năng thu mua mà trước đây đã cấp giấy phép thì phải rút lại giấy phép. Đối với các cơ sở sản xuất cải thiện đời sống của các cơ quan, đơn vị thành lập theo chỉ thị 54/CT-UB chỉ được hoạt động sản xuất và dịch vụ, tuyệt đối không được kinh doanh thương nghiệp, không được thu mua hàng nông hải sản xuất khẩu. Trong lĩnh vực tổ chức thu mua hàng các địa phương lưu thông về thành phố để cung ứng chế biến xuất khẩu, phải thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị 39/CT-UB ngày 2/11/1987 và quyết định số 122/QĐ-UB ngày 11/5/1988 của Ủy ban nhân dân thành phố. Các tổ chức thương nghiệp, cung ứng xuất khẩu, các Công ty xuất nhập khẩu và các trạm thu mua trực thuộc các tổ chức đó phải thi hành đúng theo quy chế về tổ chức và hoạt động của các trạm thu mua nông sản trên địa bàn thành phố do Giám đốc Sở Thương nghiệp ban hành theo quyết định số 01/TN-QĐ ngày 9/1/1988. Phải kiểm tra lại việc sử dụng tư thương trong lĩnh vực thu mua cung ứng xuất khẩu, nhằm chấn chỉnh lại, loại trừ các hoạt động tranh mua đẩy giá lên, lũng đoạn giá cả thị trường hàng hóa xuất khẩu và phá giá đồng bạc Việt Nam.

Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Thương nghiệp xem xét và quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép lập trạm thu mua nông sản tại thành phố. Mỗi quận, huyện chỉ tổ chức từ 2 đến 4 điểm thu mua trong phạm vi địa bàn quận, huyện mình; tại các chợ đầu mối, bến xe… bến cảng cần tổ chức thu mua thì tập trung vào đó. Các Công ty cấp 2, Công ty Nông sản xuất khẩu thành phố có chức năng thu mua do Sở Thương nghiệp quy định được phép tổ chức trạm thu mua ở nơi có nhiều hàng lưu thông về.

5/ Phải tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát của các Đội kiểm soát quản lý thị trường. Trưởng ban Quản lý thị trường thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo các Đội kiểm soát thị trường hoạt động đúng pháp luật, tập trung vào các khu vực trọng điểm, mặt hàng trọng điểm và đúng đối tượng. Phối hợp chặt chẽ kịp thời và có hiệu quả với các lực lượng công an các cấp, nhằm tăng cường sức mạnh nâng cao kết quả đấu tranh. Phối hợp và dựa vào các tổ chức đoàn thể, vào nhân dân các khu phố thu thập các nguồn thông tin phục vụ kiểm tra kiểm soát kịp thời, chính xác.

Lực lượng kiểm soát quản lý thị trường các cấp hoạt động mạnh mẽ ngay trong tháng 6/1988 và giữ cường độ hoạt động bền bỉ liên tục trong những tháng sau, để giữ vững được khí thế đấu tranh góp phần đáng kể vào việc lập lại trật tự trên thị trường thành phố.

Hoàn thành nhanh việc trang phục phù hiệu, giấy chứng nhận cho lực lượng Đội kiểm soát quản lý thị trường. Ủy ban nhân dân thành phố đã ra quyết định ban hành quy chế hoạt động của Đội kiểm soát quản lý thị trường tại thành phố và Sở Thương nghiệp phải thông báo mọi điều cần thiết cho nhân dân biết để chấp hành và giám sát.

6/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm Giám đốc Sở Thương nghiệp theo chức năng quản lý nhà nước của mình được quyền rút giấy phép kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ của bất cứ cơ quan đơn vị nào thuộc các cấp hoạt động trên địa bàn thành phố, khi xét thấy giấy phép ấy cấp không đúng quy định của Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố, hoặc giấy phép cấp không bảo đảm theo quy hoạch, hoặc người kinh doanh vi phạm đến mức cần xử lý rút giấy phép.

Giám đốc Sở Thương nghiệp được ủy quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ của người hoặc tổ chức kinh doanh không giấy phép dù người và tổ chức đó thuộc bất cứ cơ quan nào. Các quyết định đó phải được các cơ quan liên quan nhất là các cơ quan bảo đảm thi hành pháp luật các cấp áp dụng thi hành kể cả việc kiểm kê, niêm phong… và xử lý tiếp theo sau đó.

Trên đây là một số việc làm cụ thể, nhằm bảo đảm cho kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh lập lại trật tự kinh tế, trật tự thị trường. Các cơ quan đơn vị các ngành các cấp của thành phố, các đơn vị cơ quan Trung ương, các trạm, đại diện của các tỉnh đóng và ngụ tại thành phố đều cần tổ chức thi hành cho tốt. Nếu gặp điều gì vướng mắc, yêu cầu các nơi báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Phan Văn Khải