Chỉ thị số 21/CT-UB ngày 11/06/1987 Về việc tổ chức và triển khai hoạt động Ban kinh tế đối ngoại thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 21/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 11-06-1987
- Ngày có hiệu lực: 11-06-1987
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4089 ngày (11 năm 2 tháng 14 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 6 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC TỔ CHỨC VÀ TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG BAN KINH TẾ ĐỐI NGOẠI THÀNH PHỐ
(Thi hành quyết định số định 157/QĐ-UB ngày 8-6-1987 của UBND Thành phố)
Ban kinh tế đối ngoại là sự vận dụng của thành phố về một mô hình tổ chức mới trong hệ thống bộ máy cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, nên vừa làm, vừa quản lý kinh nghiệm, qua thực tiễn mà bổ sung sửa đổi hoàn chỉnh tổ chức và hoạt động của Ban cho có hiệu lực và phù hợp tình hình nhiệm vụ của thành phố theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 4.
Để triển khai thực hiện quyết định 157/QĐ-UB ngày 8 tháng 6 năm 1987 về việc thành lập ban kinh tế đối ngoại, Ủy ban nhân dân thành phố quy định một số việc để tiến hành:
1/ Ủy ban nhân dân thành phố phân công đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách khối kinh tế đối ngoại kiêm nhiệm chức Trưởng Ban kinh tế đối ngoại có một số Phó ban giúp việc Trưởng ban.
2/ Bộ máy tổ chức của Ban kinh tế đối ngoại phải hết sức tinh gọn, biên chế năm 1987 ấn định 15 người gồm một số chuyên viên cán bộ có trình độ, năng lực nghiên cứu, tổng hợp, am hiểu về công tác kinh tế đối ngoại.
Tách các bộ phận sau đây vế Ban kinh tế đối ngoại (gồm cán bộ nhân viên và tài liệu):
- Bộ phận chuyên lo về hợp tác kinh tế văn hoá với Campuchia và Lào của Ban hợp tác hinh tế thành phố.
- Bộ phận theo dõi về kinh tế đối ngoại của Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố.
Trên cơ sở 2 bộ phận nêu trên, đồng chí Trưởng ban kinh tế đối ngoại sắp xếp kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban, thay đổi số cán bộ trình độ khả năng không thích hợp, bổ sung một số chuyên viên cán bộ cần thiết theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ của Ban.
Ban kinh tế đối ngoại có phân công cán bộ làm nhiệm vụ tổng hợp tình hình báo cáo định kỳ tuần, tháng, 3 tháng, 6 tháng, năm và báo cáo đột xuất cho thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
Trước mắt, bộ máy của ban kinh tế đối ngoại làm việc trong khuôn viên trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố; dự toán kinh phí của Ban tạm ghép với dự toán kinh phí Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; các mặt hậu cần của Ban do Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đảm nhiệm.
3/ Trung tâm phát triển xuất khẩu thành phố vẫn là tổ chức sự nghiệp nghiên cứu trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm đồng chí Phó chủ tịch phụ trách kinh tế đối ngoại trực tiếp quản lý chỉ đạo công tác của Trung tâm.
Trung tâm phát triển xuất khẩu phải phối hợp và gắn chặt công tác với Ban kinh tế đối ngoại, hỗ trợ bổ sung cho nhau trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa. Giám đốc Trung tâm phát triển xuất khẩu được cấu tạo làm Phó Ban kinh tế đối ngoại (Phó ban kinh tế đối ngoại kiêm Giám đốc trung tâm phát triển xuất khẩu thành phố).
4/ Trong khi chờ đợi xây dựng ban hành quy chế cụ thể về tổ chức và hoạt động của Ban kinh tế đối ngoại, Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Ban kinh tế đối ngoại giải quyết một số vấn đề phát sinh vượt quá quyền hạn của các đơn vị, sở ngành trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại:
a) Về xuất nhập khẩu:
- Duyệt những hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các đơn vị của thành phố với công ty nước ngoài.
- Duyệt những hợp đồng về liên doanh, liên kết kinh tế - kỹ thuật giữa các đơn vị của thành phố với nước ngoài với số vốn đầu tư dưới 1 triệu R/USD.
- Duyệt cho phép các thương nhân nước ngoài vào thành phố có quan hệ giao dịch mua bán hàng hoá (trừ thương nhân của một số nước như: Đài Loan, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Israen… thì phải xin ý kiến của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố).
- Quyết định các thương vụ xuất khẩu, nhập khẩu trong khuôn khổ kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
- Xử lý các mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị quận, huyện có làm cung ứng xuất khẩu và có các nghiệp vụ xuất nhập khẩu.
- Thẩm định các hoạt đồng liên doanh, liên kết tạo chân hàng xuất khẩu.
- Thông qua giá bán nội bộ hàng nhập và giá giao nội bộ hàng xuất.
- Thông qua giá bán hàng INTERSHOP và giá bán hàng cho Việt kiều.
b) Về vay vốn và liên doanh, liên kết kinh tế với nước ngoài
- Tham mưu giúp việc cho Ủy ban nhân dân thành phố tiếp xúc xác định và ký kết các phương án đầu thư với nước ngoài.
- Duyệt các phương án nhằm mở rộng dịch vụ thu ngoại tệ trong khuôn khổ kế hoạch hàng năm, đã được Ủy ban nhân dân thành phố thông qua.
- Giải quyết các công việc thường ngày về hợp tác kinh tế văn hoá và xuất nhập khẩu với Lào ( C) và Campuchia (K).
c) Về quản lý các đoàn ra vào thành phố (có liên quan đến kinh tế, kỹ thuật đối ngoại và viện trợ quốc tế).
- Lập kế hoạch các đoàn của thành phố ra nước ngoài để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố thông qua.
- Làm các thủ tục cho các đoàn và cán bộ của thành phố được cử đi nước ngoài về lĩnh vực công tác kinh tế đối ngoại, sau khi thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận.
- Đề xuất ý kiến về việc cho thương nhân ở nước ngoài vào thành phố (trong phạm vi quyền hạn được Hội đồng Bộ trưởng phân cấp cho thành phố).
- Đề xuất chủ trương cử các đoàn cán bộ, nhân viên đi công tác ở C và K trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác kinh tế văn hoá giữa hai bên đã ký kết. Giải quyết các thủ tục, giấy tờ có liên quan đến ngoại vụ cho các đoàn đi.
- Xem xét yêu cầu đối với việc gia hạn giấy thông hành cho cán bộ đi C và K.
- Dự thảo quyết định cho các đoàn đi C và K.
- Xác nhận yêu cầu cấp giấy phép ra vào cảng cho người nước ngoài.
d) Viện trợ quốc tế:
- Thừa ủy quyền Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố ký các dự án kế hoạch xin viện trợ quốc tế.
- Thừa ủy quyền Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố ký các văn bản đề nghị Hải quan cho các cơ quan, đơn vị của thành phố nhận miễn thuế hàng viện trợ nhân đạo lẻ.
-Quyết định việc phân giao điều động, sử dụng hàng viện trợ quốc tế theo kế hoạch.
- Kiểm tra việc sử dụng hàng viện trợ quốc tế.
Chỉ thị này mang tính chất cụ thể hoá để triển khai tổ chức và hoạt động Ban kinh tế đối ngoại theo phương châm làm từng bước, rút kinh nghiệm hoàn chỉnh nâng dần, trong quá trình thực hiện phải tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc: phân biệt rành mạch giữa quản lý nhà nước (quản lý hành chánh - kinh tế) với quản lý sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.
Yêu cầu thủ trưởng các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này; trong quá trình thi hành có gì vướng mắc phải báo cáo kịp thời để Ủy ban nhân dân thành phố xem xet giải quyết.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |