Chỉ thị số 19/CT-UB ngày 05/08/1986 Về việc quyên góp trong dân do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 19/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 05-08-1986
- Ngày có hiệu lực: 05-08-1986
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4399 ngày (12 năm 0 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 8 năm 1986 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUYÊN GÓP TRONG DÂN
Từ sau ngày giải phóng, đồng bào ta đã không tiếc sức người sức của, đóng góp nhiều vào việc xây dựng các công trình công ích, cứu trợ những nơi bị thiên tai, địch họa, ủng hộ các chiến sĩ đang chiến đấu và công tác ở tuyến đấu Tổ quốc... Đã có rất nhiều việc làm biểu lộ rõ tinh thần yêu nước nồng nan, truyền thống dân tộc “lá lành đùm lá rách”, lòng thương yêu con em đang chịu đựng gian khổ, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và tình nghĩa chăm sóc gia đình họ ở hậu phương.
Nhưng, lâu nay, do hiểu sai dẫn đến làm sai, có lúc lạm dụng khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều nơi, chánh quyền, đoàn thể, ở các cấp nhất là phường xã, đã đề ra nhiều hình thức quyên góp tràn lan thiếu tổ chức, có những quyên góp không đúng ý nghĩa, đã huy động tiền của làm tăng gánh nặng đối với nhân dân. Đáng chú ý là nhiều nơi thiếu giải thích, động viên, thường dùng mệnh lệnh, ấn định không dựa trên cơ sở tự nguyện, không phân biệt khả năng, hòan cảnh của từng hộ, từng người; các khoản thu chi lại thiếu rành mạch, sử dụng tùy tiện, thiếu báo cáo công khai, để xãy ra tham ô, lợi dụng…
Tình hình trên đây đã gây dư luận bất bình và ảnh hưởng xấu đến đời sống hiện đang còn nhiều khó khăn của các tầng lớp nhân dân lao động nghèo, cán bộ công nhân viên chức, cán bộ hưu trí, mất sức.
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các ngành các cấp trong thành phố cần chấn chỉnh lại việc quyên góp trong dân theo tinh thần như sau :
1. Tổ chức quyên góp trong nhân dân là do tình hình đất nước đang còn nhiều khó khăn, nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân cùng với Nhà nước đáp ứng cho yêu cầu xây dựng những công trình, sự nghiệp quan trọng, lợi ích đến toàn dân hoặc gấp rút cứu trợ những nơi bị thiên tai địch họa nặng nề hoặc để chăm lo thêm cho đời sống vật chất, tinh thần của chiến sỹ đang gian khổ hy sinh bảo vệ Tổ quốc và gia đình hậu phương. Do đó, từ nay, trong thành phố, chỉ có huy động đồng bào đóng góp :
- Cho xây dựng công trình thủy điện Trị An.
- Cho tuyến đầu Tổ quốc và chăm sóc hậu phương quân đội.
- Cho đồng bào nơi bị thiên tai địch họa nặng.
- Cho bảo trợ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.
Bốn loại quyên góp này đều trên cơ sở tự nguyện, có phân biệt, chiếu cố đến hoàn cảnh thực tế từng hộ, từng người.
Mức đóng góp, cách đóng góp do Ủy ban nhân dân thành phố quy định. Ngoài 4 loại quyên góp nói trên, không có loại quyên góp nào khác. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, các đoàn thể, các tôn giáo không được tự ý đề ra các loại quyên góp cho nhu cầu địa phương và tổ chức mình.
2. Cần phân biệt quyên góp trong nhân dân với các loại đóng góp thuộc nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc (như đóng góp về nghĩa vụ lao động, về bảo trợ nhà trường…) hay đóng góp của hội viên đối với đoàn thể mà điều lệ đã có quy định (như nguyệt liễm của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông hội, công đoàn.v.v…)
Cũng cần phân biệt những quyên góp chính thức do Ủy ban nhân dân thành phố quy định nói trên với những đóng góp của từng bộ phận nhỏ lẻ trong dân cư ở tổ dân phố xóm ấp xuất phát từ tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau tự trong nhân dân xướng ra bàn bạc một cách tự nguyện (như góp phần ma chay, cưới xin, giúp đỡ người bị tai nạn, người quá nghèo khó trong tổ, trong khu phố, xóm ấp…) hay một số đóng góp nhỏ lẻ để xây dựng công ích trong 1 khu vực, hoàn toàn do tự nguyện của những người trong khu vực đó (như góp tiền sửa chữa nhỏ 1 chỗ cống bị bể, bắt 1 ngọn đèn công cộng bị tắt hay bắt thêm đèn ở khi vực tối…). Những đóng góp này do bà con trong tổ dân phố, khu phố, xóm ấp hay 1 khu vực nào đó bàn bạc cùng làm, có chánh quyền phường, xã giúp đỡ, kiểm tra.
Từ nay các loại quyên góp và đóng góp không thuộc quy định nói trên đều là không hợp lệ và phải được chấm dứt.
3. Việc thu góp và chi tiêu đối với tất cả các loại quyên góp và đóng góp đều phải có sổ sách ghi chép rõ ràng, rành mạch, từng thời kỳ phải báo cáo công khai rõ ràng cho những người đã tham gia đóng góp được biết (trong tổ dân phố, khu phố đối với những đóng góp thuộc phạm vi tổ, khu phố; trên báo, đài đối với những quyên góp do thành phố chủ trương…).
Mọi hành động lợi dụng, tham ô đều bị xử lý theo pháp luật.
4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, Ban chấp hành các đoàn thể, Ban trị sự các tôn giáo phải phổ biến rộng rãi chỉ thị này đến các tầng lớp nhân dân, soát xét lại các loại quyên góp, chấp dứt các quyên góp không đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố. Đặc biệt là phải kiểm tra lại các quỹ đã huy động, báo cáo rõ cho nhân dân trong tôn giáo được biết, đồng thời báo cáo lên Ủy ban nhân dân cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo về sử dụng số tiền còn lại cũng như về xử lý những vụ vi phạm, tiêu cực.
Đến cuối tháng 8-1986, Ủy ban nhân dân quận, huyện, các đoàn thể phải sơ kết báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thi hành chỉ thị này. Quá trình thực hiện, gặp khó khăn vướng mắc, phải báo cáo xin ý kiến kịp thời. Cần chú ý chống bọn địch, kẻ xấu xuyên tạc. Sở Tài chánh thành phố có trách nhiệm quản lý về mặt Nhà nước đối với tất cả các quyên góp theo quy định trong chỉ thị này..
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |