cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 07/CT-UB ngày 16/04/1986 Về việc đẩy mạnh chăn nuôi heo tại thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 07/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 16-04-1986
  • Ngày có hiệu lực: 16-04-1986
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4510 ngày (12 năm 4 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Chỉ thị số 07/CT-UB ngày 16/04/1986 Về việc đẩy mạnh chăn nuôi heo tại thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 07/ CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 4 năm 1986

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CHĂN NUÔI HEO TẠI THÀNH PHỐ

Thời gian qua, trong tình hình khó khăn chung của Thành phố, năm 1985 đàn heo phát triển chậm và giảm so với năm 1984. Thành phố đã có chủ trương phát triển đàn heo, nhưng biện pháp tháo gỡ chưa thật mạnh dạn và thiếu đồng bộ, ngành chưa đủ sức tự cân đối để duy trì và phát triển sản xuất.

Để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phấn đấu thực hiện Nghị quyết 11 của Thành ủy, hoàn thành kế hoạch 300.000 đầu heo vào cuối năm 1986, và tiến tới chủ động đến mức cao nhất việc giải quyết thực phẩm cho Thành phố, UBND Thành phố chỉ thị :

1. Về nguyên tắc :

- Chuyển việc chăn nuôi heo tại Thành phố sang hướng hạch toán kinh doanh, làm ăn có lãi, chống bao cấp, có chính sách giá thu mua hợp lý, bảo đảm cho người nuôi có mức lãi thỏa đáng, khuyến khích sản xuất.

- Sản phẩm do ngành chăn nuôi sản xuất ra phải được kinh doanh theo hướng bảo đảm cho ngành tái sản xuất mở rộng. Sở Thương nghiệp cũng như các ngành khác khi nhận sản phẩm thịt heo của ngành nông nghiệp đối lưu lại cho ngành nông nghiệp quỹ hàng hóa tương ứng theo hợp đồng kinh tế.

2. Sở Nông nghiệp cùng UBND các quận huyện có kế hoạch triển khai ngay chủ trương nêu trên trong ngành chăn nuôi Thành phố.

- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch 1986 phải đạt (300.000 đầu heo) mỗi đơn vị chăn nuôi (quận huyện và các đơn vị thuộc khu vực chăn nuôi quốc doanh thành phố) chỉnh lý lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể cho đơn vị mình theo hướng cơ sở phấn đấu tự cân đối.

- Chú ý phát triển mạnh và đồng bộ cả 3 khu vực kinh tế: quốc doanh, tập thể, gia đình, đặc biệt coi trọng khu vực gia đình.

Sở Nông nghiệp cần có biện pháp chỉ đạo đẩy mạnh gia công chăn nuôi và thu mua nắm sản phẩm chăn nuôi bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng nơi, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên trong đó hết sức quan tâm và hỗ trợ người chăn nuôi để khuyến khích sản xuất phát triển.

- Cần có kế hoạch thu mua và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có hiệu quả nhất tạo được quỹ hàng hóa đối lưu cần thiết để tái sản xuất mở rộng, nâng cao số lượng và chất lượng đàn heo.

3. Việc tạo quỹ hàng hóa cho ngành chăn nuôi để đối lưu thu mua nguyên liệu thức ăn gia súc là một yêu cầu hết sức bức thiết, UBND Thành phố cho phép giải quyết theo các hướng:

- Khuyến khích việc phát triển nuôi heo xuất khẩu. Nhà máy Vissan và Xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre làm gia công chế biến thịt xuất khẩu cho các đơn vị nuôi heo, chỉ được thu khoản phí gia công chế biến đủ bù đắp cho phí, và khấu hao máy móc thiết bị không tính lãi. Sau khi trừ phí gia công, tất cả ngoại tệ và hàng hóa đối lưu do việc xuất khẩu thịt heo phải để lại cho ngành chăn nuôi tái sản xuất, nhập lại vật tư chủ yếu phục vụ ngành.

Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố và các ngành chức năng cần nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu thịt heo cho các nước xã hội chủ nghĩa, kể cả các nước ngoài phe xã hội chủ nghĩa.

- Chấp thuận cho ngành chăn nuôi heo được vay vốn ngoại tệ nước ngoài để nhập nguyên liệu, hàng đối lưu cần thiết cho phát triển nuôi heo. Sở Nông nghiệp chỉ đạo và tổng hợp phương án vay ngoại tệ, đơn hàng nhập, cách trả nợ trình thường trực UBND Thành phố quyết định. Tổng Công ty xuất nhập khẩu cần tạo điều kiện thuận lợi giúp cho ngành Nông nghiệp cần có biện pháp sử dụng hợp lý và có phương án hoàn trả nợ đúng hạn.

- Tăng cường đầu tư liên kết, liên doanh tạo chân hàng để chủ động lâu dài nguồn nguyên liệu thức ăn gia súc. Nên phát huy tiềm năng của Thành phố về con giống, thuốc thú y bổ sung quỹ hàng đối lưu trao đổi nguyên liệu thức ăn gia súc với các tỉnh.

- UBND các huyện và quận vên có sản xuất nông nghiệp được phép sử dụng số lương thực thuế nông nghiệp và nghĩa vụ của địa phương để cân đối phát triển đàn heo chung của địa phương, đồng thời phải thu hồi sản phẩm chăn nuôi tương ứng để xuất khẩu và giải quyết nhu cầu thịt tại địa phương.

4. Về giá thu mua heo.

- Trong khu vực nhân dân tự nuôi phải bảo đảm giá mua thỏa đang để người nuôi có lãi.

Nguyên tắc tính giá thu mua là :

1 kg heo hơi: 8,5kg lúa cộng thêm 30% lãi.

Cần nghiên cứu giá lúa cho hợp lý (căn cứ giá thành thực tế hợp lý), để bảo đảm cho người nuôi có mức lời thỏa đáng.

Các ngành chức năng : Ủy ban Vật giá thành phố, Sở nông nghiệp,Sở thương nghiệp thường xuyên theo dõi tình hình thực tế đề xuất kịp thời việc điều chỉnh giá thu mua heo hơi cho hợp lý.

- Trong khu vục quốc doanh, nguyên tắc là hạch toán giá thành đầy đủ và đúng đắn, không bao cấp, phấn đấu để giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi bằng cách tăng năng suất lao động, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cào sản xuất, giảm bộ máy gián tiếp, giảm các chi phí không hợp lý không hợp lệ.

5. Về tổ chức :

Sở Nông nghiệp và UBND các quận huyện tính toán sắp xếp lại tổ chức ngành chăn nuôi heo cho hợp lý, theo tinh thần cải tiến cơ chế quản lý chống bao cấp. Mạnh dạn phân cấp và giao quyền cho cơ sở, để cơ sở chủ động trong tổ chức sản xuất kinh doanh; đồng thời phải củng cố bộ phận pháp chế thú y, tổ chức tốt khâu phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Hết sức gắn bó giữa nghiệp vụ và kỹ thuật chăn nuôi với phong trào chăn nuôi của quần chúng. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tích cực phát động ở phong trào chăn nuôi gia đình nâng tỷ lệ chăn nuôi ở hộ gia đình lên 40 – 50%. Từng thời gian có sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo để phong trào chăn nuôi gia đình ngày càng tốt hơn.

Đối với hai Công ty chăn nuôi heo I và II của Sở Nông nghiệp, trước mắt vẫn giữ nguyên tổ chức chức hiện nay để mỗi đơn vị phát huy hết khả năng của mình hoàn thành kế hoạch 1986, sau đó Sở Nông nghiệp nghiên cứu thêm việc tổ chức lại cho phù hợp để phát huy được : sức mạnh tổng hợp và trở thành đơn vị đầu đàn có tác dụng hỗ trợ ngành chăn nuôi toàn thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Phan Văn Khải