cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 40/CT-UB ngày 26/09/1984 Về khẩn trương triển khai thực hiện phương án xây dựng vùng lúa năng suất cao ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 40/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 26-09-1984
  • Ngày có hiệu lực: 26-09-1984
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5077 ngày (13 năm 11 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Chỉ thị số 40/CT-UB ngày 26/09/1984 Về khẩn trương triển khai thực hiện phương án xây dựng vùng lúa năng suất cao ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 40/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 9 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG VÙNG LÚA NĂNG SUẤT CAO Ở THÀNH PHỐ

Trong các năm qua, đi đôi với việc đẩy mạnh xây dựng các vùng cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi ; Thành phố đã coi trọng việc chỉ đạo thâm canh cho cây lúa, hàng năm đã gieo trồng trên 77.000 ha sản lượng lúa thu được trên 232.000 tấn, trong đó đã đã có 17.000 ha lúa cao sản, sản lượng đạt gần 67.000 tấn, chiếm 22% về diện tích và 29% sản lượng so với diện tích và sản lượng chung.

Về mặt chỉ đạo thâm canh, thành phố đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi các loại giống lúa mới cho năng suất cao và chống sâu bệnh, bố trí cơ cấu vụ mùa hợp lý, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuận liên hoàn trong sản xuất, nhờ đó nên trong các năm qua về mặt sản xuất lương thực, chủ yếu đối với cây lúa, thành phố đã giành được thắng lợi tương đối toàn diện trên cả 3 mặt : diện tích, năng suất và sản lượng, năm sau đều cao hơn năm trước.

Qua việc chỉ đạo thí điểm vùng lúa năng suất cao ở các nơi cho thấy rõ nơi nào chú ý đầu tư đồng bộ về kinh tế - kỹ thuật và áp dụng đúng đắn các quy luật thâm canh đều cho năng suất cao và sản lượng lớn, do đó để tăng nhanh sản lượng lương thực ở thành phố việc đẩy mạnh xây dựng vùng lúa năng suất cao nhằm tăng nhanh năng suất và sản lượng là việc làm đúng đắn và sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Tuy nhiên những thắng lợi vừa qua còn rất hạn chế, chưa tương xứng với khả năng của thành phố có thế mạnh về công nghiệp và khoa học kỹ thuật, do chúng ta chưa thật tập trung chỉ đạo phát triển và mở rộng vùng lúa năng suất cao, nên hiện nay diện tích chỉ chiếm có 22% tổng số diện tích sản xuất lúa của thành phố ; năng suất nói chung còn thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng như những loại vật tư kỹ thuật đưa vào phục vụ cho sản xuất cây lúa được đầu tư cũng chưa nhiều… đó là những nguyên nhân gây sự hạn chế kết quả sản xuất lương thực ở thành phố trong các năm qua.

Với sản lượng lương thực tăng và đạt được hàng năm trên đây, thành phố đã bước đầu cân đối cho nhu cầu về ăn đối với nhân khẩu nông nghiệp ở ngoại thành và làm nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước tốt hơn trước. Nhưng nhìn chung chưa đạt được mức yêu cầu về cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân ngày càng tăng lên.

Trong những năm sắp đến, để phấn đấu đạt được mục tiêu trong sản xuất lương thực ở thành phố như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ III đề ra, đến năm 1985 đạt được 270.000 tấn và năm 1990 ổn định 40.000 ha lúa cao sản, với năng suất bình quân 10 tấn/ ha, để có sản lượng đạt được 400.000 tấn ; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành ở thành phố và Ủy ban nhân dân các huyện cần khẩn trương triển khai thực hiện một số công việc sau đây :

1. Giao nhiệm vụ cho công ty dịch vụ kỹ thuật thuộc Ủy ban khoa học và kỹ thuật thành phố tiến hành xây dựng phương án kinh tế vùng lúa năng suất cao ở thành phố, phương án đã được các ngành liên quan góp ý kiến và thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã sơ bộ xác định địa bàn và diện tích sản xuất lúa năng suất cao ở các huyện :

- Củ Chi : 10.000 ha

- Hóc Môn : 3.500 ha

- Thủ Đức : 6.000 ha

- Bình Chánh : 13.000 ha

- Nhà Bè : 4.000 ha

- Duyên Hải: 3.500 ha

Cộng: 40.000 ha

(Phấn đấu ổn định đến năm 1990) các ngành và các huyện căn cứ vào địa bàn và diện tích đã duyệt, khẩn trương soát xét những điều kiện bảo đảm (thủy lợi, giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, công cụ, máy móc, tổ chức sản xuất…). Khẩn trương xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức thực hiện cho từng vụ và từng năm nhằm đạt được chỉ tiêu về năng suất và sản lượng như phương án đã đề ra.

2. Các sở, ban, ngành ở thành phố và Ủy ban nhân dân các huyện trong việc chỉ đạo thực hiện phương án xây dựng vùng lúa năng suất cao, phải :

a) Đối với các sở, ban, ngành chức năng ở thành phố, gồm Ủy ban kế hoạch, Sở Nông nghiệp, Sở Công nghiệp, Sở Thương nghiệp, Tổng công ty xuất nhập khẩu, Sở Giao thông vận tải, Sở Lương thực có trách nhiệm chỉ đạo từ khâu kế hoạch, chỉ đạo sản xuất, cân đối các nhu cầu phục vụ cho sản xuất và kiến nghị giải quyết chánh sách nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các huyện trực tiếp chỉ đạo sản xuất thực hiện phương án vùng lúa năng suất cao của thành phố.

b) Các cơ quan khoa học và kỹ thuật phục vụ sản xuất, gồm :

Sở Thủy lợi, Sở Điện lực, Ủy ban vật giá, Ủy ban khoa học và kỹ thuật, Sở Xây dựng, Ban phân vùng kinh tế, Đài khí tượng thủy văn, Sở Tài chánh, Ngân hàng thành phố, Ngân hàng đầu tư và xây dựng, Bưu điện, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch sản xuất hàng năm và từng vụ sản xuất có kế hoạch đầu tư khoa học - kỹ thuật và đề ra các biện pháp kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, đầu tư đúng mức vốn và vật tư tạo mọi điều kiện cho việc đẩy mạnh thâm canh và tăng năng suất cây trồng.

c) Các ngành chức năng và liên quan khác ở thành phố như: Sở Văn hóa và Thông tin, Đài, báo…tùy theo chức năng và nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, kết hợp công tác của ngành mình có sự đóng góp tích cực và thiết thực cho việc đẩy nhanh tốc độ và sớm mang lại hiệu quả trong việc xây dựng vùng lúa năng suất cao của thành phố.

d) Ủy ban nhân dân các huyện là người trực tiếp chỉ đạo và giải quyết các mặt yêu cầu cho sản xuất là cấp chịu trách nhiệm chính, cần quan hệ chặt chẽ với các ngành chức năng, các ngành khoa học - kỹ thuật và phục vụ cho sản xuất ở thành phố để hợp đồng cùng nhau thực hiện tốt phương án chung của thành phố và kế hoạch cụ thể ở từng huyện.

3. Đồng thời với việc triển khai chỉ đạo thực hiện phuơng án xây dựng vùng lúa năng suất cao, các huyện cần tích cực chỉ đạo phong trào hợp tác hóa dưới nhiều hình thức thích hợp ở từng địa phương nhằm xây dựng và củng cố tốt các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp; tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp để thúc đẩy cho việc sớm xây dựng ổn định vùng lúa năng suất cao ở thành phố.

4. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện:

Để triển khai chỉ đạo thực hiện tốt phương án xây dựng vùng lúa năng suất cao ở thành phố từ năm đến năm 1985 về tổ chức chỉ đạo chung phải :

Ở cấp thành phố: sẽ kiện toàn Ban chỉ đạo vùng lúa năng suất cao thành phố, thành phần gồm có :

- Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách khối nông nghiệp làm trưởng ban.

- Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Chủ nhiệm Ủy ban khoa học - kỹ thuật và Chủ nhiệm Công ty dịch vụ kỹ thuật, làm phó ban.

- Các ủy viên trong Ban chỉ đạo gồm: đại diện Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Thủy lợi, Sở Lương thực, Sở Tài chánh, Ngân hàng đầu tư xây dựng, Ngân hàng thành phố, Sở Công nghiệp, các đoàn thể: Thanh niên, Nông hội thành phố v.v…

Đối với các huyện và cấp xã : cũng sẽ thành lập ra Ban chỉ đạo, thành phố tương tự như cấp thành phố.

Sở Nông nghiệp và Ủy ban khoa học - kỹ thuật cần dựa vào Chỉ thị này vạch kế hoạch cụ thể hướng dẫn các nơi tổ chức thực hiện.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các đồng chí Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện căn cứ phương án đã thông qua (do Công ty dịch vụ kỹ thuật xây dựng tháng 4/1984) có kế hoạch tổ chức chỉ đạo thực hiện sớm và thường xuyên báo cáo kết quả cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
QUYỀN CHỦ TỊCH




Phan Văn Khải