cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 12/CT-UB ngày 25/04/1984 Về thực hiện tốt chính sách đối với những người học tập cải tạo được về do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 12/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 25-04-1984
  • Ngày có hiệu lực: 25-04-1984
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5313 ngày (14 năm 6 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-11-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-11-1998, Chỉ thị số 12/CT-UB ngày 25/04/1984 Về thực hiện tốt chính sách đối với những người học tập cải tạo được về do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 5987/QĐ-UB-NC ngày 11/11/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực nội chính ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 12/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 4 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN TỐT CHÁNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HỌC TẬP CẢI TẠO ĐƯỢC VỀ

Trong những năm vừa qua, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chánh sách của Đảng, Nhà nước và của Ủy ban Nhân dân thành phố đối với những người làm việc trong quân đội, chánh quyền, các tổ chức chính trị chế độ cũ học tập cải tạo được về, tích cực tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở thành phố.

Tuy nhiên, sự chỉ đạo thực hiện ở một số nơi chưa được đầy đủ, có những thiếu sót chậm được khắc phục. Đến nay còn hàng vạn người học tập cải tạo được về thuộc diện thường trú ở thành phố, nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Việc phục hồi quyền công dân thường bị chậm trễ. Công tác quản lý còn nhiều máy móc, không chặt chẽ và không toàn diện.

Để nghiêm chỉnh thực hiện chánh sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường an ninh chính trị và trật tự xã hội, để đảm bảo quyền dân chủ trong cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân sắp tới đối với những người học tập cải tạo được về, Ủy ban Nhân dân thành phố lưu ý Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các ngành liên quan ở thành phố triển khai thực hiện một số vấn đề như sau :

1. Để kịp phục vụ cho bầu cử Hội đồng Nhân dân ngày 20-5-1984, cần xét phục hồi quyền công dân cho những người trước khi tập trung học tập cải tạo có hộ khẩu gốc ở thành phố mà giấy ra trại ghi cho về thành phố, đã hết hạn quản chế và trong thời gian đó không bị xử lý về hành vi phạm pháp (không kể vi cảnh), kể cả số đã được thường trú và số đang còn tạm trú.

Những người đã quản chế được 2/3 thời hạn quy định, có những tiến bộ rõ cũng được xét phục hồi quyền công dân đợt này.

Từ nay, việc phục hồi quyền công dân phải làm kịp thời sau khi đương sự hết hạn quản chế. Ngoài tiêu chuẩn “không có hành vi phạm pháp – trừ vi cảnh”, các ngành và quận, huyện không được đặt thêm tiêu chuẩn nào khác. Căn cứ vào tiêu chuẩn trên, Công an phường, xã lập danh sách báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp mình để ký đề nghị. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện ra quyết định phục hồi quyền công dân và sau đó phường, xã công bố trong sinh hoạt tổ dân phố, tổ nhân dân.

Những người có giấy ra trại không ghi quản chế hoặc có ghi “do chính quyền tại chỗ quyết định” mà Ủy ban Nhân dân thành phố không ra quyết định quản chế, không thuộc diện quản chế, được hưởng quyền công dân như những công dân khác.

Không xét phục hồi quyền công dân cho những người được tha về các tỉnh, thành phố khác nhưng họ đang cư ngụ không đúng quy định ở thành phố Hồ Chí Minh.

2. Căn cứ chỉ thị số 01/CT-UB ngày 14-01-1982 của Ủy ban Nhân dân thành phố khẩn trương xét cho đăng ký thường trú đối với những người :

- Trước khi tập trung học tập cải tạo có hộ khẩu gốc ở thành phố, có vợ con (hoặc cha mẹ nếu chưa có vợ con) có hộ khẩu thường trú ở thành phố và giấy ra trại cho về thành phố.

- Những người đã đi hồi hương lập nghiệp, hoặc đi xây dựng vùng kinh tế mới, nhưng do đời sống khó khăn đã trở lại thành phố từ ngày 14-01-1982 trở về trước.

Nếu chỗ ở cũ không còn thân nhân nữa và đã bố trí hộ khác ở thì giải quyết cho đương sự thường trú ở chỗ vợ con, cha mẹ, anh chị em ruột đang cư trú. Trường hợp vợ con, cha mẹ họ đã đi nước ngoài thì giải quyết cho đương sự thường trú nơi có bà con, hoặc người thân bảo lãnh nhưng phải làm đúng các quy định về quản lý và sử dụng nhà ở; nếu đương sự đang làm thủ tục xuất cảnh thì giải quyết tạm trú dài hạn.

Công an thành phố cần chỉ đạo giải quyết nhanh thủ tục, cố gắng trước ngày 02-9-1984 giải quyết xong số đang còn tồn đọng.

Đối với số mới về hoặc sẽ về, cần xem xét giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ khi họ đến trình diện.

Đối với những người học tập cải tạo được tha về các tỉnh, hoặc thành phố khác, đến nay còn cư ngụ không đúng quy định tại thành phố Hồ Chí Minh, phải kiên quyết buộc họ trở về địa phương cũ. Nếu họ không thực hiện thì xử lý theo thông báo số 173/TB-UB ngày 23-7-1983 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

3. Quản lý người học tập cải tạo được về là công tác quan trọng, nhằm tiếp tục giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ họ thành người công dân tốt, chủ động phòng ngừa những hành vi sai phạm, không để địch lôi kéo họ làm công cụ kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, kịp thời trừng trị số ngoan cố tiếp tục hoạt động phản cách mạng.

Do đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, chủ yếu là ở phường, xã, tổ dân phố để tiến hành công tác quản lý, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, chấp hành tốt chủ trương, chánh sách của Đảng và Nhà nước và của thành phố.

Theo quy định, trong thời gian quản chế, đương sự phải đến trình diện Công an phường, xã mỗi tháng một lần, không được tham gia bầu cử và ứng cử, ra khỏi thành phố phải xin phép, còn các quyền lợi khác của công dân như: lao động sản xuất, học tập, kết hôn, khai sinh con cái, xin đăng ký hộ khẩu thường trú .v.v… họ vẫn được hưởng, các quận, huyện, các ngành quản lý không được đặt ra những điều kiện hạn chế nào khác.

Công an thành phố cần có kế hoạch kiện toàn hệ thống quản lý ở các cấp, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, ban, ngành hữu quan triển khai thực hiện tốt các chính sách và các mặt công tác quản lý đối với người học tập cải tạo được về, đưa công tác này đi vào nề nếp, có hiệu quả ngày càng cao. Cần có kế hoạch kiểm tra, kết luận rõ đối với những người được tha về thành phố mà không trình diện, hoặc không còn ở thành phố để đề xuất đối sách thích hợp nhằm tăng cưòng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở thành phố.

Vì tầm quan trọng của công tác giáo dục giúp đỡ những người hoạt động trong các tổ chức của chế độ cũ, tiếp tục tiến bộ sau thời gian cải tạo. Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các ngành hữu quan ở thành phố phát huy trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này và các chánh sách khác đối với những người học tập cải tạo được về, tạo không khí phấn khởi ở địa phương, thiết thực lập thành tích kỷ niệm 10 năm thành phố được hoàn toàn giải phóng.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh