Chỉ thị số 25/CT-UB ngày 05/06/1983 Về việc thực hiện chế độ quyết toán vật tư trong các đơn vị kinh tế cơ sở và các sở ngành, quận huyện có sử dụng vật tư của nhà nước do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 25/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 05-06-1983
- Ngày có hiệu lực: 05-06-1983
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5556 ngày (15 năm 2 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 6 năm 1983 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ QUYẾT TOÁN VẬT TƯ TRONG CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ CƠ SỞ VÀ CÁC SỞ NGÀNH, QUẬN HUYỆN CÓ SỬ DỤNG VẬT TƯ CỦA NHÀ NƯỚC
Thi hành quyết định số 195/HĐBT ngày 14-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng vể việc thực hiện chế độ quyết toán vật tư trong nền kinh tế quốc dân và Thông tư số 85/TK-KH-TC-VT ngày 02-02-1983 của Liên bộ Tài chính - Vât tư - Tổng cục Thống kê – Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn thực hiện quyết định 195/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Thường trực Uỷ ban Nhân dân thành phố có ý kiền chỉ đạo thực hiện công tác quyết toán vật tư trên địa bàn thành phố như sau :
1. Tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc doanh và các thành phần kinh tế khác do địa phương quản lý hoặc Trung ương quản lý đóng trên lãnh thổ thành phố được Nhà nước cung ứng vật tư đều phải thực hiện chế độ quyết toán vật tư và báo cáo đúng theo quy định.
Giám đốc các sở ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các quận huyện có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện chế độ quyết toán vật tư đối với những đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi mình quản lý. Định kỳ 6 tháng và năm phải tổng hợp và báo cáo, phân tích tình hình sử dụng vật tư và kết quả sản xuất kinh doanh của ngành mình, địa phương mình đúng theo quy định.
Thủ trưởng các đơn vị cơ sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các chế độ ghi chép ban đầu, báo cáo thống kê kế toán, thông tin kinh tế nội bộ v.v… nhằm bảo đảm cho việc lập duyệt quyết toán vật tư được chính xác, đầy đủ và kịp thời.
Người duyệt, ký báo cáo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Nhà nước về tính trung thực của số liệu.
Trước mắt, để thành phố kịp tổng hợp báo cáo quyết toán vật tư quý I và 6 tháng đầu năm 1983 về Trung ương, yêu cầu các cơ sở khẩn trương chỉnh lý số liệu và báo cáo quyết toán vật tư gởi về Chi cục Thống kê chậm nhất vào ngày 31-7-1983, các sở ngành và quận, huyện báo cáo chậm nhất vào ngày 15-8-1983.
2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, Uỷ ban Kế hoạch, Chi cục Thống kê, Sở Tài chính và các cơ quan cung ứng vật tư có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện chế độ quyết toán vật tư này ở từng cấp, từng ngành và từng đơn vị kinh tế cơ sở được Nhà nước cung ứng vật tư.
a) Uỷ ban kế hoạch thành phố có trách nhiệm nghiên cứu cải tiến cách giao kế hoạch, bảo đảm tính cân đối giữa kế hoạch sản xuất, cung ứng vật tư và giao nộp sản phẩm, triển khai công tác định mức sử dụng vật tư theo Nghị định 201-CP ngày 26-5-1981 của Hội đồng Chính phủ. Trường hợp chưa có định mức chính thức thì Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, các sở ngành và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các quận huyện phải căn cứ vào nội dung và tinh thần của Nghị định : 201-CP nói trên quy định tạm thời các định mức để làm căn cứ tính toán các chỉ tiêu kế hoạch phân phối vật tư và kiếm tra sử dụng vật tư. Trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày ban hành chỉ thị này, Uỷ ban kế hoạch thành phố và các cơ quan chủ quản của đơn vị phải rà soát lại để xét và phê chuẩn thành định mức chính thức.
b) Các cơ quan cung ứng vật tư cần theo dõi chính xác việc cung ứng vật tư cho các đơn vị sử dụng theo chỉ tiêu đã được thông báo và phải phản ánh kịp thời cho Uỷ ban kế hoạch, Chi cục thống kê và Sở Tài chánh tình hình cung ứng, kết quả xử lý những vật tư thiết bị tồn khi ứ đọng, chậm luân chuyển v.v… nhằm bảo đảm tiến hành quyết toán vật tư đạt hiệu quả tốt. Mặt khác, cơ quan cung ứng vật tư các cấp cũng phải báo cáo đúng chế độ số vật tư sử dụng nội bộ và kết quả kinh doanh đạt được.
c) Chi cục Thống kê có trách nhiệm phổ biến chủ trương và tổ chức hướng dẫn thực hiện chế độ quyết toán vật tư, kiểm tra việc hạch toán ghi chép ban đầu của đơn vị cơ sở, xác nhận và ra thông báo việc chấp hành chế độ quyết toán vật tư của các sở ngành, quận, huyện và các đơn vị cơ sở (do Trung ương hoặc do địa phương quản lý). Trên cơ sở thực hiện thống nhất và tập trung các quyết toán vật tư, định kỳ 6 tháng cuối năm Chi cục Thống kê phải lập báo cáo quyết toán những loại vật tư chủ yếu trong toàn nền kinh tế quốc dân trình Uỷ ban Nhân dân thành phố và gởi các ngành có liên quan.
d) Sở Tài chánh có trách nhiệm cùng Chi cục Thống kê hướng dẫn thực hiện và kiểm tra quyết toán vật tư của các đơn vị cơ sở. Căn cứ vào xác nhận của Chi cục Thống kê , Sở Tài chính có quyền phạt trừ hoặc giảm mức trích lập các quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi hàng quý và hàng năm đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh không lập báo cáo quyết toán vật tư đúng theo quy định hoặc báo cáo quyết toán vật tư không được Chi cục Thống kê xác nhận. Khi quyết định phạt trừ đối với đơn vị nào, cơ quan tài chánh cần thông báo trở lại cho Chi cục Thống kê và Uỷ ban Kế hoạch biết.
3. Những đơn vị không thực hiện tốt chế độ báo cáo quyết toán vật tư, Chi cục Thống kê có thể đề nghị Uỷ ban Kế hoạch ngưng giao kế hoạch sản xuất, và cơ quan cung ứng vật tư tạm ngừng cung cấp vật tư để tiến hành kiểm tra đơn vị. Mọi việc vi phạm chế độ quyết toán vật tư sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể truy tố trước pháp luật.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |