cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 04/05/1983 Về tăng cường công tác thanh toán bệnh sốt rét trong những năm tới do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 21/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 04-05-1983
  • Ngày có hiệu lực: 04-05-1983
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5703 ngày (15 năm 7 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 04/05/1983 Về tăng cường công tác thanh toán bệnh sốt rét trong những năm tới do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 21/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 05 năm 1983

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TOÁN BỆNH SỐT RÉT TRONG NHỮNG NĂM TỚI

Hội đồng Bộ trường vừa ban hành Chỉ thị số 80-CT ngày 25-3-1983 về việc tăng cường công tác thanh toán bệnh sốt rét, chỉ rõ bênh cạnh những thành tích đã đạt được vẫn còn những tồn tại do cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ ngành y tế có tư tưởng chủ quan, chưa quyết tâm khắc phục khó khăn; mặt khác, kinh phí, phương tiện hoạt động không được cung cấp đầy đủ và kịp thời cho các đội chuyên khoa phun hóa chất diệt muỗi, việc theo dõi phát hiện bệnh còn nhiều thiếu sót sơ hở…

Từ sau ngày giải phóng, thành phố ta đã chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác thanh toán sốt rét, tiến hành các công tác phòng chống : phun thuốc diệt muỗi, điều trị dự phòng, theo dõi và quản lý bệnh, nhưng với một địa bàn khá phức tạp nhiều kênh rạch, hồ ao thuận lợi cho việc sinh sản muỗi ; nhiều cán bộ, chiến sĩ ta từ trong chiến khu về mang ký sinh trung sốt rét, ta lại tiếp tục đưa cán bộ, công nhân, các đối tượng xã hội đi xây dựng các công trình kinh tế tại các vùng trọng điểm sốt rét như Trị An, Dak Nông, Phú Văn, các nông trường cao su… Ta lại mắc một số thiếu sót nhược điểm như chỉ thị đã nêu, nên tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn thành phố ta vẫn còn nghiêm trọng : mỗi năm hàng chục vạn người mắc bệnh, cướp đi hàng trăm sinh mệnh và đứng về mặt kinh tế hàng triệu ngày công đã mất đi với thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Thực tế ở một số địa phương đã chứng minh ta có thể thanh toán bệnh sốt rét nếu có sự tập trung chỉ đạo của các cấp Uỷ, Uỷ ban, phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp, bản thân ngành y tế ra sức khắc phục khó khăn, tranh thủ để được đầu tư thích đáng về người, trang bị vật chất cho công tác phòng chống sốt rét.

Chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị 80-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, bảo vệ sản xuất, Uỷ ban Nhân dân thành phố yêu cầu các ngành các cấp khẩn trương thực hiện:

1. Trước hết, thành lập Ban chỉ đạo thanh toán sốt rét thành phố để giúp Uỷ ban Nhân dân theo dõi chỉ đạo mặt công việc quan trọng này. Sở Y tế cùng ban Tổ chức chánh quyền nghiên cứu dự thảo quyết định trình Thường trực Uỷ ban Nhân dân thành phố ban hành.

2. Sở Y tế tiến hành kiểm điểm công tác thanh toán sốt rét trong những năm qua và đề xuất kế hoạch thanh toán sốt rét một cách cụ thể trong 3 năm 1983- 1985, mục tiêu phấn đấu vào năm 1990, qua Ban chỉ đạo thanh toán sốt rét trình Uỷ ban Nhân dân vào đầu tháng 6- 1983.

3. Sở Y tế cùng Uỷ ban Nhân dân huyện, quận (đặc biệt là các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Duyên Hải, Thủ Đức, Quận 8) hoàn chỉnh tổ chức, biên cho hệ thống mạng lưới thanh toán sốt rét từ thành phố cho đến quận, huyện, phường, xã theo quy định của Nhà nước và tình hình thực tế địa phương. Củng cố đội chuyên nghiệp phun hóa chất diệt muỗi, chọn người có năng lực và sức khỏe tốt đồng thời đề xuất giải quyết các chế độ chính sách một cách thích đáng.

4. Uỷ ban Nhân dân các quận huyện, trước hết các huyện ngoại thành và quận 8 cần phải :

4-1. Lập ngay một bộ phận chỉ đạo thanh toán sốt rét nằm trong Ban chống dịch địa phương để trực tiếp chỉ đạo công tác thanh toán sốt rét một cách thường xuyên. Có thêm các thành viên của các đoàn thể.

4-2. Lưu ý đế công tác cải tạo môi trường sống, dẹp bỏ nơi sinh sản của muỗi ( ở các hồ, ao nước không lưu thông và có thực vật thích hợp với lăng quăng như cỏ đuôi chồn).

4-3. Khi đưa lao động đi xây dựng các công trình kinh tế ở vùng trọng điểm sốt rét cần phải thông báo cho Sở Y tế ( Trạm sốt rét) để có sự chuẩn bị đầy đủ về công tác phòng chống sốt rét.

4-4. Chỉ đạo chặt chẽ Uỷ ban Nhân dân xã, phường để tổ chức các đợt phun hóa chất. Hết sức coi trọng công tác vận động quần chúng (qua Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Phụ lão, Chữ thập đỏ, Nông hội).

4-5. Các phòng y tế, các trạm y tế cần có kế hoạch triển khai cụ thể, kiểm tra thường xuyên.

5. Các ban ngành của thành phố cần tạo mọi điều kiện để thanh toán sốt rét.

5-1. Công an thành phố : chỉ đạo theo ngành để gìn giữ trật tự, bảo vệ đội phun thuốc, để đề phòng những luận điệu và hành động gây trở ngại cho công tác thanh toán sốt rét (đặc biệt là công tác phun thuốc diet muỗi).

5-2. Bộ Tư lệnh thành và các lực lượng võ trang đóng trên địa bàn thành phố cần phối hợp với Sở Y tế trong việc phòng chống sốt rét trong khu vực của mình. Khi có quân nhân phục viên mắc bệnh sốt rét cần bàn giao cho Sở Y tế (Trạm sốt rét) tiếp tục quản lý.

5-3. Sở Văn hóa – thông tin và cá cơ quan thông tin khác ( đài, vô tuyến truyền hình, báo chí) cần phối hợp với ngành y tế để tuyên truyền giáo dục về bệnh sốt rết, những tai hại của nó và cách phòng chống.

5-4. Sở Thương nghiệp : ưu tiên phân phối mùng cho các vùng bị sốt rét, cùng với ngành y tế bồi dưỡng bằng hiện vật cho đội phun hóa chất và các người làm công tác phòng chống sốt rét.

5-5. Sở Lương thực : cấp lương thực cho cán bộ nhân viên làm công tác thanh toán sốt rét theo quy định của Nhà nước.

5-6. Sở Tài chánh : tạo các điều kiện về kinh phí thuận lợi cho công tác sốt rét, coi đây là một công trình có hiệu quả kinh tế rất cao.

5-7. Ban Kinh tế mới, Lực lượng thanh niên xung phong, Sở Thương binh xã hội, Công an… cử cán bộ theo dõi chuyên trách về công tác phòng chống sốt rét, phối hợp với Sở Y tế ( Trạm sốt rét) để có kế hoạch bảo vệ lao động.

6. Công tác thanh toán sốt rét chỉ thành công khi có sự thanh toán sốt rét chỉ thành công khi có sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân. Xin đề nghị Mặt trận Tổ quốc, Thành hội Phụ nữ, Đòan Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, liên hiệp Công đoàn thành phố, Nông hội, Hội Chữ thập đỏ thành phố chỉ đạo màng lưới của mình để bà con hiểu rõ tầm nguy hiểm của bệnh sốt rét, những cố gắng của Đảng và Nhà nước nhằm thanh toán bệnh sốt rét, sự cần thiết phải phun thuốc diệt muỗi (tài liệu Sở Y tế cung cấp). Riêng Hội Chữ thập đỏ thành phố với lực lượng đông đảo của mình ở các địa phương cần phối hợp tốt với cán bộ y tế và làm nồng cốt ở cơ sở để triển khai công tác sốt rét.

Vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Uỷ ban Nhân dân các cấp, Thủ trưởng các ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này, theo kế hoạch hướng dẫn của Ban chỉ đạo thanh toán bệnh sốt rét thành phố và Sở Y tế thành phố.

Sở Y tế thành phố có trách nhiệm theo dõi tình hình, thường xuyên báo cáo và kiến nghị với Uỷ ban Nhân dân thành phố những vấn đề cần thiết để chỉ đạo.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh