cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 04/CT-UB ngày 27/02/1982 Triển khai Chỉ thỉ 29/HĐBT về công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 04/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 27-02-1982
  • Ngày có hiệu lực: 27-02-1982
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6134 ngày (16 năm 9 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 04/CT-UB ngày 27/02/1982 Triển khai Chỉ thỉ 29/HĐBT về công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 04/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 02 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 29/HĐBT NGÀY 12-8-1981 TRONG 5 NĂM 1981 – 1985 VỀ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG SINH ĐẺ CÓ KẾ HOẠCH

Để khắc phục những thiếu sót vừa qua và cương quyết đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch sắp đến, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các ban, ngành, sở, đoàn thể cần làm tốt các việc sau đây :

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm về chỉ tiêu phát triển dân số mà Ủy ban nhân dân thành phố, thông qua cơ quan chức năng là Sở Y tế, đã giao cho các quận, huyện. Muốn đạt và vượt các chỉ tiêu về sinh đẻ có kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã , Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thông qua cơ quan tham mưu, trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch trong cán bộ, công nhân viên và trong nhân dân nhất là đối với quần chúng lao động và ở các vùng nông thôn ngoại thành, vùng tôn giáo với phương hướng chỉ tiêu : “Sanh đẻ ít, 5 năm đẻ 1 đứa con, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 2 con, sinh con đầu lòng ở lứa tuổi 22 trở lên ; tỷ lệ sinh đẻ trong nữ công nhân viên cần đạt dưới 8% so với tổng số nữ công nhân viên trong cơ quan, đơn vị ; phấn đấu đến năm 1985, hạ được tỷ lệ phát triển dân số của thành phố xuống 1,2%”.

Ban chỉ đạo vận động sinh đẻ có kế hoạch ở các cấp đã được thành lập, nay cần củng cố lại để thực sự hoạt động.

2. Ngành Y tế nghiên cứu các chủ trương, chỉ tỉêu, biện pháp thực hiện về vấn đề sinh đẻ có kế hoạch của Trung ương để vận dụng vào điều kiện cụ thể của thành phố. Phát triển màng lưới y tế phục vụ thuận lợi cho công tác sinh đẻ có kế hoạch như khám, chữa bệnh phụ khoa, hướng dẫn và thực hiện các biện pháp ngừa tránh thai, nạo thai, cung cấp thuốc men, dụng cụ, đào tạo cán bộ làm công tác sinh đẻ có kế hoạch.

Trạm Bảo vệ Bà mẹ và sinh đẻ có kế hoạch thành phố được giao nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo sinh đẻ có kế hoạch thành phố theo dõi việc thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch trong toàn thành phố ; hàng tháng báo cáo để hàng quý, 6 tháng có sơ kết, rút kinh nghiệm trình Ủy ban nhân dân thành phố.

Ngoài ra, Trạm Bảo vệ Bà mẹ và sinh đẻ có kế hoạch thành phố khẩn trương nghiên cứu và thông qua Sở Y tế đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố các chế độ phụ cấp, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác phong trào và đối với những người áp dụng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch.

Khoa sản các bệnh viện và nhà hộ sinh phải nâng cao chất lượng chuyên môn để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong, tỷ lệ 5 tai biến trong sản khoa và đảm bảo phục vụ quần chúng đến xin áp dụng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch.

3. Hội Liên hiệp Phụ nữ phải xem xét việc sinh đẻ có kế hoạch là một nội dung công tác quan trọng của Hội vì nếu làm tốt, kết quả sẽ là những lợi ích thiết thực về nhiều mặt đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Phải đưa các chỉ tiêu, biện pháp về sinh đẻ có kế hoạch vào nghị quyết công tác hàng năm. Thuờng xuyên giáo dục, hướng dẫn chị em (nhất là chị em lao động và ở ngoại thành) giữ gìn vệ sinh phụ nữ, định kỳ đi khám, chữa các bệnh phụ khoa, ngoài ra, Hội nên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với chị em áp dụng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch để cùng các cơ quan chức năng y tế, tài chánh, thương nghiệp..) kịp thời sửa chữa các thiếu sót nếu có.

4. Đối với Nông hội, việc vận động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách vì ở thành phố ta, khâu yếu của công tác sinh đẻ có kế hoạch vẫn ở các xã ngoại thành. Trước hết, Nông hội cần tập trung các việc sau :

a/ Tuyên truyền, giáo dục bà con nông dân, hiểu được ý nghĩa lợi ích của việ hạn chế sinh đẻ để xóa dần các tư tưởng phong kiến như sinh con nhiều là có phúc, trời sinh voi sinh cỏ v.v.. để bà con tự nguyện áp dụng các hình thức hạn chế sinh đẻ.

b/ Vận động chị em phụ nữ thường xuyên đi khám, chữa bệnh phụ nữ và thực hiện vệ sinh phụ nữ cho tốt.

5. Công đoàn là đoàn thể có nhiều thuận lợi trong việc vận động sinh đẻ có kế hoạch, nhất là trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty, cơ quan ; sinh đẻ có kế hoạch không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngày công, giờ công, sản lượng, kế hoạch của xí nghiệp, nhà máy, công ty .. mà còn là điều kiện để chăm sóc cải thiện, tái tạo sức lao động cho công nhân viên chức, cần đưa sinh đẻ có kế hoạch vào các nghị quyết công tác của Công đoàn và phải xem kết quả sinh đẻ có kế hoạch là một trong những chỉ tiêu bình bầu hàng năm đối với mỗi công đoàn viên.

6. Đối với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, cần giáo dục cho thanh niên nhất là đoàn viên hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch để tự giác thực hiện như không lấy vợ chồng trước 20 tuổi, không sinh con trước 22 và chỉ nên có 2 con là vừa, sau đó, thanh niên cũng là một nòng cốt của cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch trong gia đình, cơ quan, đơn vị mình.

7. Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch đối với các thành viên Mặt trận (chú ý cả số vị lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo để mọi người hưởng ứng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch do các cơ quan chuyên môn áp dụng).

8. Ngành giáo dục giữ vai trò quan trọng trong cuộc vận động này, cụ thể như sau :

a/ Vận động, giáo dục cho toàn thể giáo viên (cả nam và nữ) của ngành gương mẫu thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch.

b/ Giáo dục cho học sinh lớp 11, 12 nhất là nữ sinh về vệ sinh nữ giới thường thức và quan điểm đúng đắn về sinh đẻ có kế hoạch.

9. Ngành Văn hóa và thông tin bằng nhiều hình thức như báo chí, kịch, phim ảnh, pa-nô, áp-phích v.v.. thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch, làm cho nhân dân đồng tình và tích cực tham gia vào cuộc vận động này.

Xin đề nghị Ban Tuyên huấn, Ban Khoa giáo Thành ủy có chỉ thị cho các cơ quan tuyên truyền, giáo dục của Đảng hỗ trợ tích cực cho cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch này.

Trước mắt cũng như lâu dài, việc sinh đẻ có kế hoạch là một quốc sách mà Ban Bí thư và Hội đồng Chính phủ đã thường xuyên chỉ thị và nhắc nhở. Chúng ta phải ra sức thực hiện, hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số trong cả nước nhằm tạo điều kiện tốt cho việc nuôi dưỡng giáo dục thế hệ tương lai, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Sinh đẻ có kế hoạch phải là một phong trào quần chúng hưởng ứng rộng rãi do đó cần sự hợp tác thường xuyên, đồng bộ và tích cực của các ngành, các cấp, của đông đảo quần chúng, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các quận, huyện, ban, ngành, sở, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo và tham gia tích cực cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch này.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




 Lê Đình Nhơn