Chỉ thị số 42/CT-UB ngày 04/09/1981 Về giá bán hàng hoá nhập khẩu và quản lý các sản phẩm công nghiệp làm từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 42/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 04-09-1981
- Ngày có hiệu lực: 04-09-1981
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6195 ngày (16 năm 11 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 9 năm 1981 |
CHỈ THỊ
VỀ GIÁ BÁN HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU VÀ QUẢN LÝ CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP LÀM TỪ NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ NHẬP KHẨU
Để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch năm1981 của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã cho nhập một số nguyên liệu, vật tư, hàng hóa nhằm giải quyết một phần nhu cầu của thành phố mà Nhà nước không đáp ứng được. Để quản lý tốt số hàng hóa nhập ngay từ khi đưa vào sản xuất kinh doanh, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao, duy trì và phát triển nguồn vốn ngoại tệ của thành phố, chỉ thị này quy định một số điểm về giá bán nguyên liệu, vật tư, hàng hóa nhập và việc quản lý những sản phẩm công nghiệp làm từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu.
I. GIÁ BÁN CÁC LOẠI NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ, HÀNG HÓA NHẬP KHẨU (DƯỚI ĐÂY GỌI TẮT LÀ HÀNG HÓA NHẬP KHẨU):
1- Hiện nay thành phố đã hình thành một hệ thống Công ty và xí nghiệp quốc doanh trực thuộc Sở Ngoại thương và 4 Công ty công tư hợp doanh xuất nhập khẩu trực dụng chuyên ngành. Mọi hoạt động về xuất nhập khẩu của các Công ty, xí nghiệp nói trên đều do Sở Ngoại thương chỉ đạo và quản lý về chính sách và nhiệm vụ xuất nhập khẩu. Mọi kế hoạch về xuất nhập khẩu của toàn ngành ngoại thương bao gồm cả các Công ty công tư hợp doanh xuất nhập khẩu đều nằm trong phạm vi kế hoạch của thành phố; từ đó việc phân phối hàng hóa nhập khẩu được quy định ngay từ khi lập kế hoạch nhập khẩu. Cụ thể:
- Bán cho các xí nghiệp công nghiệp để sản xuất theo kế hoạch của thành phố hoặc hợp đồng gia công với các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất.
- Bán cho thương nghiệp quốc doanh, bổ sung quỹ hàng hóa của thành phố;
- Bán cho các đối tượng khác (bán cho tỉnh theo hợp đồng, cho các xí nghiệp công nghiệp Trung ương…).
- Các đơn vị kinh tế (quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể…) thuộc thành phố quản lý nếu được phân phối các loại hàng hóa nhập khẩu đều thanh toán bằng đồng Việt Nam. Với các đối tượng khác có thể thu bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ hoặc thu bằng sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu.
2- Nguyên tắc định giá hàng hóa nhập khẩu:
Giá bán hàng hóa nhập khẩu được tính bằng (=) giá vốn hàng nhập (đến Cảng Sài Gòn), cộng (+) chiết khẩu thương nghiệp của công ty nhập khẩu, cộng (+) một khoản tích lũy vào hàng nhập.
- Giá vốn hàng nhập là giá thực thanh toán của Công ty nhập khẩu, tính đến Cảng Sài Gòn.
- Chiết khấu thương nghiệp bao gồm các chi phí về nhập khẩu và lợi nhuận định mức cho Công ty nhập khẩu, được ấn định bằng một tỷ lệ phần trăm (%) trên giá vốn hàng nhập khẩu.
- Khoản tích lũy vào hàng nhập được ấn định bằng một tỷ lệ phần trăm (%) trên giá vốn hàng nhập khẩu. Sở Tài chánh phối hợp cùng Ủy ban Kế hoạch, Sở Thương nghiệp và Ủy ban Vật giá có nhiệm vụ tính toán và trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt, ban hành.
3- Cách tính đổi giá hàng mà thành phố nhập về phải thanh toán bằng ngoại tệ ra giá bán bằng đồng Việt Nam: Ủy ban Vật giá thành phố phối hợp cùng Sở Ngoại thương, Sở Tài chánh, Ủy ban Kế hoạch và Chi nhánh Ngân hàng ngoại thương tính toán trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
Nguyên tắc tính đổi là căn cứ từ giá một số nông sản mà các Công ty của thành phố đã thu mua để xuất khẩu tạo ra ngoại tệ. Mức tính đổi này được xét ấn định cho từng quý hoặc 6 tháng một lần.
4- Cách phân phối số tiền bán hàng nhập:
a) Công ty có hàng nhập khẩu bán ra, thu lại đủ vốn hàng nhập, cộng (+) chiết khấu thương nghiệp của Công ty.
b) Số tiền còn lại (khoản tích lũy vào hàng nhập, như nói ở điểm 2 trên), Công ty nộp vào quỹ xuất nhập khẩu của thành phố.
c) Nếu hàng nhập khẩu bán và thu bằng ngoại tệ hoặc bằng sản phẩm hàng hóa khác, thì số ngoại tệ hoặc hàng hóa thu về đều qui ra đồng Việt Nam và phân phối số tiền này như nói ở các mục a và b.
d) Quỹ xuất nhập khẩu của thành phố bao gồm số ngoại tệ và đồng Việt Nam, hình thành từ khoản tích lũy do bán hàng nhập khẩu như nói ở trên.
Quỹ này chủ yếu dùng bổ sung vốn để tạo thức ăn hàng hóa xuất khẩu và một phần bổ sung cho ngân sách thành phố. Quỹ này giao cho Sở Tài chánh quản lý. Việc sử dụng quỹ phải căn cứ vào kế hoạch, được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt.
II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC ĐƠN VỊ ĐƯỢC PHÂN PHỐI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU:
1- Các đơn vị thuộc thành phố quản lý (bao gồm cả cấp thành phố, quận, huyện và phường, xã) :
a) Thanh toán tiền mua hàng nhập bằng vốn tự có và vốn tín dụng.
b) Nguyên liệu, vật tư đưa vào sản xuất theo kế hoạch của thành phố và phân phối sản phẩm làm ra theo kế hoạch của thành phố.
c) Làm đầy đủ các nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước (nộp các khoản tích luỹ tiền tệ theo các quy định hiện hành).
2- Riêng các Công ty bán lẻ có chức năng thu ngoại tệ (như quy định ở điểm 1 trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 135/TTg ngày 22-6-1981):
a) Toàn bộ hàng hóa mà các Công ty này bán ra đều bán thu bằng ngoại tệ như nói ở trên.
b) Cách phân phối số tiền bán hàng cũng thực hiện như quy định ở phần 1, điểm 4, nói trong văn bản này.
III.- ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY CÔNG TƯ HỢP DOANH XUẤT NHẬP KHẨU TRỰC DỤNG, CHUYÊN NGÀNH ĐƯỢC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHO PHÉP NHẠP NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ, HÀNG HÓA:
1- Phải làm đầy đủ các thủ tục theo các quy định hiện hành.
Công ty phải có kế hoạch xuất khẩu và nhập khẩu cho cả năm (chia quý) và kế hoạch xuất nhập khẩu của từng thương vụ. Các kế hoạch này trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt phải có sự thoả thuận của Ủy ban Kế hoạch, Sở chủ quản và Sở Ngoại thương (Ủy ban Kế hoạch thành phố bàn bạc với Sở Ngoại thương ra văn bản hướng dẫn cho các Công ty về việc lập các kế hoạch này).
2- Hàng hóa nhập khẩu của các Công ty một khi về đến thành phố sẽ phân phối theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
Nguyên tắc định giá bán hàng nhập theo đúng các quy định ở phần 1, điểm 2 trong văn bản này.
Số tiền bán hàng hóa nhập khẩu nộp vào tài khoản của Công ty gửi tại Ngân hàng.
Riêng khoản tích lũy thêm ngay từ khâu hàng nhập, Công ty phải nộp 30% (ba mươi phần trăm) vào quỹ xuất nhập khẩu của thành phố.
3- Toàn bộ sản phẩm là ra từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu của công ty đều do thành phố quản lý, bất luận số nguyên liệu vật tư đó Công ty đã bán đứt hay đưa gia công (trừ phần nguyên liệu, vật tư nhập khẩu mà Công ty đã hợp đồng bán cho các tỉnh và các xí nghiệp Trung ương).
a) Công ty được sử dụng tối đa 70% (bảy mươi phần trăm) số sản phẩm này dể có quỹ hàng hóa tái tạo hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp Công ty có nhu cầu nhiều hơn quy định này, phải có sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Số 30% (ba mươi phần trăm) sản phẩm còn lại, Công ty bán cho thương nghiệp quốc doanh thành phố để bổ sung quỹ hàng hóa của thành phố.
Giá bán các sản hẩm này cho thương nghiệp quốc doanh, về nguyên tắc là giá kinh doanh, bằng giá mà nội thương mua của ngoại thương đối với sản phẩm cùng loại.
4- Đối với hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu, Công ty được sử dụng tối đa 80% (tám mươi phần trăm) và bán cho thương nghiệp quốc doanh thành phố 20% (hai mươi phần trăm) để bổ sung quỹ hàng hóa của thành phố.
Căn cứ các quy định nói trong văn bản này, Sở Tài chánh và Ủy ban Vật giá thành phố phối hợp với Ủy ban Kế hoạch, Sở Ngoại thương thương thảo các văn bản chi tiết hướng dẫn việc thi hành.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |