Chỉ thị số 28/CT-UB ngày 22/05/1981 Về việc giải quyết căn bản tình trạng trẻ em thất học do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 28/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 22-05-1981
- Ngày có hiệu lực: 22-05-1981
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6415 ngày (17 năm 7 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 05 năm 1981 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CĂN BẢN TÌNH TRẠNG TRẺ EM THẤT HỌC
Từ sau ngày giải phóng, thành phố ta đã có nhiều cố gắng xây dựng và phát triễn sự nghiệp giáo dục. Ta đã xoá được về cơ bản nạn mù chữ, điều chỉnh và mở rộng hệ thống trường lớp và đang từng bước nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường phổ thông, bổ túc văn hoá.
Tuy nhiên, do nhận thức sai lệch, và do hoàn cảnh khó khăn của một bộ phận nhân dân nên thành phố chúng ta còn tồn đọng hàng chục vạn trẻ em dưới 15 tuổi chưa được đến trường; gần đây tình hình bỏ học của học sinh ở các trường phổ thông lại có chiều hướng tăng lên. Tất cả tình hình đó đang là nỗi lo âu lớn của Thành uỷ và Uỷ ban Nhân dân thành phố.
Ngày 13-2-1981, Uỷ ban Nhân dân thành phố ra chỉ thị số 03/CT-UB cho phép giáo viên dạy thêm ngoài giờ và tổ chức các lớp học ban đêm để thu hút rộng rãi số trẻ em thất học. Sau đó Uỷ ban Nhân dân thành phố đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị với các ngành liên quan, các quận, huyện để bàn bạc về biện pháp thực hiện; đã tiến hành những cuộc vận động, tổ chức thêm được một số lớp học, thu hút gần 4 vạn em vào lớp.
Để sớm giải quyết và giải quyết căn bản tình trạng trẻ em thất học, thực hiện tốt nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 2 và nghị quyết 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải cách giáo dục; và sau khi trao đổi thống nhất với Mặt trận, Uỷ ban Thiếu niên nhi đồng và các đoàn thể thành phố, Uỷ ban Nhân dân thành phố chủ trương tiến hành một số biện pháp như sau:
1) Dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, kết hợp chặt chẽ với Mặt trận, Uỷ ban Thiếu niên Nhi đồng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, Nông hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ, Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện, Phường, Xã tổ chức 1 đợt giáo dục vận động chuyên đề về vấn đề “đưa trẻ en thất học vào trường lớp”. Lấy đơn vị Tổ dân phố (nội thành), ấp (ngoại thành) làm đơn vị sinh hoạt, kiểm điểm. Mỗi Tổ dân phố, mỗi ấp cần lập danh sách số trẻ em dưới 15 tuổi không đi học, phân loại nguyên nhân và trên cơ sở đó tiến hành giáo dục vận động, giúp đỡ giải quyết khó khăn cụ thể trong từng gia đình để các cháu sớm được đi học.
Đợt giáo dục này cần tiến hành ngay và làm liên tục suốt trong thời gian nghỉ hè của học sinh, coi đây là một trong những nội dung sinh hoạt hè của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh cơ sở.
2) Thông qua kết quả của công tác giáo dục vận động nắm số lượng thực tế, Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện chỉ đạo Ban Giáo dục nhà trẻ quận, huyện cùng Uỷ ban Nhân dân phường, xã có kế hoạch mở rộng thêm lớp học ban ngày và tổ chức nhiều lớp học ban đêm do trường phổ thông cơ sở địa phương phụ trách để thu hút tuyệt đại bộ phận các cháu vào trường lớp. Theo chỉ thị 03/CT-UB ngày 13-2-1981 của Uỷ ban Nhân dân thành phố, các lớp học ban đêm sẽ do ngân sách địa phương đài thọ, được tính bình quân như sau:
- 5 đồng/1 em/tháng để chi bồi dưỡng giáo viên, người quản lý và phục vụ.
- 10 đồng/1 em/năm để chi việc trang bị sửa chữa trường lớp, dầu đèn, giấy mực…
Kinh phí này được cấp trực tiếp cho Ban Giáo dục nhà trẻ quận, huyện. Sở Tài chánh và Sở Giáo dục cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, kiểm tra chặt chẽ việc cấp chi phí và thanh quyết toán khoản kinh phí này.
Học sinh học các lớp ban đêm được phân phối mượn sách giáo giao, mua học phẩm như các học sinh các lớp ban ngày. Học sinh nào quá khó khăn về đời sống được xét trợ cấp theo văn bản số 2108/UB ngày 27-11-1979 của Uỷ ban Nhân dân thành phố, Sở Giáo dục cần nghiên cứu cùng Sở Tài chánh, Sở Thương binh và xã hội bàn bạc để có kiến nghị với Uỷ ban Nhân dân thành phố xét quyết định bổ sung và điều chỉnh hợp lý.
Nhằm mục đích động viên khuyến khích, Sở Giáo dục nghiên cứu sớm đề nghị với Uỷ ban Nhân dân thành phố chế độ khen thưởng vật chất đối với học sinh giỏi từng học kỷ và toàn niên khoá.
3) Vai trò, tác dụng của thầy cô giáo đối với việc học tập của các cháu này có ý nghĩa và quan trọng quyết định. Sở Giáo dục cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng giáo viên động viên cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên trong việc dạy dỗ chăm sóc học sinh một cách nhiệt tình và toàn diện, về kiến thức văn hoá cũng như về tư tưởng, phẩm chất đạo đức và đời sống với tất cả trách nhiệm và tình thương. Thầy cô giáo phải là người mẫu mực, thực sự gần gũi, người hướng dẫn nhiệt thành đối với các em.
Học sinh theo học lớp ban đêm này là những em gặp nhiều khó khăn nhau, có thể bỏ học giữa chừng. Vì vậy, ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm theo dõi chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể, kịp thời giải quyết khó khăn cho cơ sở. Sở Giáo dục cũng như Ban Giáo dục quận, huyện cần có chỉ đạo thí điểm, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm.
Cần chọn những giáo viên có nhiệt tình, có phẩm chất đạo đức, có kinh nghiệm phụ trách các lớp ban đêm.
Ngoài tác dụng của thầy cô, của ngành giáo dục và từng trường học, cần kết hợp chặc chẽ và thường xuyên với Mặt trận, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên nhi đồng Hồ Chí Minh trong việc quản lý chăm sóc học sinh tăng cường sinh hoạt vui chơi bổ ích trong trường học.
Sở Giáo dục cần sớm nghiên cứu triễn khai việc thành lập Hội đồng giáo dục các cấp theo quyết định số 124/CP ngày 19-3-1981 của Hội đồng Chính phủ. Trước mắt, cần hướng dẫn các cơ sở, các trường củng cố và tăng cường hoạt động của Ban bảo trợ học sinh, Hội phụ huynh học sinh để cùng nhà trường quản lý, chăm sóc và động viên học sinh học tốt.
4) Giải quyết căn bản việc đưa trẻ em thất học vào trường là công việc cách mạng rất quan trọng và mang nhiều ý nghĩa lớn lao, là trách nhiệm của các ngành, các cấp.
Để giúp cấp uỷ và Uỷ ban Nhân dân theo dõi, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi công việc này ở quận, huyện và phường, xã tổ chức Ban chỉ đạo giải quyết trẻ em thất học gồm đại diện các đoàn thể và ban ngành liên quan do 1 đồng chí trong Uỷ ban Nhân dân làm Trưởng ban và ngành giáo dục làm thường trực. Ban chỉ đạo cần có sinh hoạt định kỳ, có chương trình hoạt động cụ thể, thực hiện tốt sự hợp đồng giữa các ngành để đến đầu niên học 1981-1982 đưa tất cả trẻ em còn trong độ tuổi vào trường có thể kịp thời được đi học.
Sau khi khai giảng niên học 1981-1982, các cấp theo đề nghị của Uỷ ban Nhân dân các Quận, Huyện và Sở Giáo dục, xét và đề nghị Uỷ ban Nhân dân thành phố khen thưởng những địa phương, ngành và cá nhân có những thành tích xuất sắc.
Uỷ ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Giáo dục tổ chức một bộ phận chuyên trách để theo dõi, tập hợp tình hình, nghiên cứu đề xuất ý kiến giúp Sở Giáo dục và Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ đạo tốt mặt công tác quan trọng này.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |