cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 22/CT-UB ngày 29/04/1981 Về việc cấm lưu hành và thu hồi văn hoá phẩm phản động, đồi trụy do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 22/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 29-04-1981
  • Ngày có hiệu lực: 29-04-1981
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6438 ngày (17 năm 7 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 22/CT-UB ngày 29/04/1981 Về việc cấm lưu hành và thu hồi văn hoá phẩm phản động, đồi trụy do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 22/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 4 năm 1981

 

CHỈ THỊ

CẤM LƯU HÀNH VÀ THU HỒI VĂN HOÁ PHẨM PHẢN ĐỘNG, ĐỒI TRỤY

Từ ngày thành phố được giải phóng đến nay (1975-1981), thi hành chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, ta đã đồng thời mở nhiều đợt truy quét các loại văn hoá phẩm phản động, đồi trụy cũ của địch để lại, với việc đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ nền văn hoá, văn nghệ dân tộc kết tinh với tính hiện đại xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, gần đây do những sơ hở, lỏng lẻo của ta trong việc quản lý các hoạt động văn hoá, văn nghệ, nên kẻ địch và những phần tử cơ hội đã lợi dụng làm sống lại các tàn dư văn hoá, văn nghệ phản động, đồi trụy cũ của địch và đang hoạt động ngày càng lan tràn ở nhiều nơi trong thành phố, nhất là các quán cà phê, sạp bán sách báo cũ của tư nhân hoặc trong một số trường học phổ thông, câu lạc bộ và nhà văn hoá quần chúng ở cơ sở (phường, cơ quan, xí nghiệp…); đồng thời bằng nhiều nguồn từ các nước tư bản đã xâm nhập bất hợp pháp các loại sách báo, băng nhạc, phim ảnh… chứa đầy tính chất phản động, đồi trụy vào thành phố và đã được một số nhà in tư nhân hoặc nhà in tập thể cho in, ấn tái bản, sang băng và phát hành bừa bãi trong thành phố.

Tác hại của những hoạt động trên đây, chẳng những đã trực tiếp phá hoại nền văn hoá, văn nghệ dân tộc lành mạnh của ta, mà còn gieo rắc nọc độc vào không ít thanh niên, sinh viên, học sinh, xúi giục một số người lao động nghệ thuật chạy theo sự kích thích thị hiếu lạc lỏng, vọng ngoại rất xa lạ với người Việt Nam mới – xã hội chủ nghĩa.

Để góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ nên văn hoá, văn nghệ dân tộc của ta; đồng thời chấm dứt các hoạt động văn hoá, văn nghệ phản động kể trên, Ủy ban nhân dân thành phố nghiêm cấm lưu hành và triệt để thu hồi các loại văn hoá phẩm phản động, đồi trụy của địch còn rơi rớt trong thành phố hoặc mới xâm nhập trái phép vào thành phố bằng các biện pháp sau đây:

1) Thông qua các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình mở đợt sinh hoạt chánh trị thật sự sâu rộng trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, các cơ sở kinh tế tập thể, các tổ chức hoạt động văn hoá văn nghệ, các câu lạc bộ, các đoàn thể quần chúng và các tổ dân phố; nhằm vạch trần âm mưu thâm độc của địc phá hoại cách mạng văn hoá- tư tưởng của ta, đồng thời làm rõ những tác hại nghiêm trọng của loại văn hoá văn nghệ vay mượn lai căng, phá hủy tính dân tộc truyền thống của nhân dân ta, lung lạc thế hệ thanh thiếu niên ta sao nhãng nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, gây dư luận xã hội và vận động quần chúng nhất là đối với thanh niên, sinh viên, học sinh và những người lao động nghệ thuật kiên quyết lên án, tích cực loại trừ và hăng hái tham gia đội quân xung kích truy quét các loại văn hoá phẩm phản động, đồi trụy, xây dựng và bảo vệ nền văn hoá, văn nghệ lành mạnh của ta.

2) Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện cũng như Đảng ủy và Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, trường học và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, lấy cơ quan văn hoá thông tin làm tham mưu và nòng cốt, có sự cộng tác chặt chẽ của các ngành chức năng (Công an, Kiểm sát, Toà án, Thanh tra…) cần mở một đợt dẹp phăng các cơ sở in, ấn (kể cả sang băng, photocopi…) và phát hành bất hợp pháp các loại văn hoá phẩm phản động, đồi trụy của địch như các sạp mua bán hoặc cho thuê sách, báo, tranh vẽ, phim ảnh, bản nhạc, … của tư nhân mang tính chất phản động, đồi trụy cũ hoặc mới xâm nhập bất hợp pháp vào thành phố.

Cần nắm vững phương châm: đánh trúng, đánh mạnh đánh sâu và đánh liên tục, nhưng tránh gây ồn ào, xáo động không cần thiết. Phải bảo đảm được sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng, làm đúng chánh sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3) Phải gấp rút củng cố phát động quần chúng các cơ sở in, ấn và phát hành các loại văn hoá, văn nghệ cách mạng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của quần chúng, nhất là phải sáng tác và phát hành rộng rãi các loại sách báo văn hoá, văn nghệ cho thanh niên, sinh viên và học sinh phổ thông các cấp trong thành phố. Nhà nước nắm độc quyền các nhà in và các nhà xuất bản. Phải nghiêm chỉnh chấp hành các thể chế quy định của Nhà nước về việc in, ấn và phát hành sách báo.

4) Phải tổ chức quản lý chặt chẽ sự hoạt động của các cơ sở thu mua giấy vụn, sản xuất bột giấy và phân phối các loại giấy cho các cơ sở in, ấn của quốc doanh và của tập thể. Nhà nước nắm độc quyền về sản xuất và phân phối các loại giấy in, ấn; đồng thời, tuỳ theo khả năng thực tế của các cơ sở tập thể, Nhà nước có thể gia công cho các cơ sở này và nộp sản phẩm trả lại cho Nhà nước.

5) Củng cố tổ chức quản lý, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động văn hoá, văn nghệ chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư của quần chúng ở cơ sở (phường, xã và cơ quan xí nghiệp, trường học, cửa hàng ăn uống quốc doanh) đi đôi xây dựng củng cố ngành thông tin văn hoá các cấp đưa ra khỏi tổ chức những phần tử tiêu cực, cơ hội, cửa quyền, móc ngoặc, hối lộ làm cho ngành văn hoá thật sự là tham mưu nòng cốt cho cấp ủy và Ủy ban các cấp trong lãnh vực quản lý hoạt động văn hoá, văn nghệ.

6) Các vụ hoạt động văn hoá văn nghệ đồi trụy bất hợp pháp phản động sẽ bị xử lý thật nghiêm minh, từ xử lý hành chánh đến truy tố trước pháp luật cả tổ chức và cá nhân.

Đây là một số biện pháp có tính chất cấp bách trước mắt, nhằm loại trừ và chấm dứt các hoạt động văn hoá, văn nghệ có tính chất phản động, đồi trụy của địch; đồng thời, xây dựng và bảo vệ nền văn hoá, văn nghệ lành mạnh của ta. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành và các đoàn thể cần có kế hoạch triển khai cho tốt trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và thường xuyên báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố biết kết quả.

Ủy ban nhân dân thành phố giao cho đồng chí Giám đốc Sở Văn hoá và thông tin thành phố hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ thị này; đồng thời giúp Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi tiếp tục chỉ đạo, và sơ kết theo từng thời gian quy định việc triển khai chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT: CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn