Chỉ thị số 32/CT-UB ngày 18/08/1980 Về việc mở đợt thảo luận và áp dụng rộng rãi 3 lợi ích trong tất cả các ngành kinh tế, kỹ thuật, tài chánh, văn hóa và xã hội để thúc đẩy công cuộc cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân lao động ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 32/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 18-08-1980
- Ngày có hiệu lực: 18-08-1980
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6577 ngày (18 năm 0 tháng 7 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/CT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 8 năm 1980 |
CHỈ THỊ
MỞ ĐỢT THẢO LUẬN VÀ ÁP DỤNG RỘNG RÃI 3 LỢI ÍCH TRONG TẤT CẢ CÁC NGÀNH KINH TẾ, KỸ THUẬT, TÀI CHÁNH, VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI ĐỂ THÚC ĐẨY CÔNG CUỘC CẢI TẠO, XÂY DỰNG CNXH VÀ KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN LAO ĐỘNG Ở THÀNH PHỐ
Thi hành nghị quyết 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và nghị quyết 10 của Thường vụ Thành ủy, các ngành các cấp ở thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các biện pháp kinh tế tài chánh nhằm quán triệt nội dung 3 lợi ích để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên việc thực hiện 3 lợi ích còn lại chưa được phổ biến rộng rãi, các chế độ lương khoán, lương sản phẩm, tiền thưởng, v.v… đã ban hành chưa được thực hiện đầy đủ, các cơ chế để phát huy 3 lợi ích, theo tinh thần các nghị quyết trên, còn nhiều gò bó phải tháo gỡ. Do đó, chúng ta phải lấy những điển hình tiên tiến, những nơi làm tốt để phát động quần chúng học tập, thảo luận, phát huy sáng kiến, gom góp những ý kiến của quần chúng để khắc phục những thiếu sót trở ngại trên, làm cho sản xuất kinh doanh nhất là ở khu vực Nhà nước được bung ra, đời sống công nhân viên chức được cải thiện một bước và từng bước hạn chế, khắc phục các mặt tiêu cực.
Qua kinh nghiệm học tập và nhân điển hình tiên tiến trong ngành cơ khí và dệt quốc doanh của thành phố hồi đầu tháng 8 năm 1980 đã chứng minh: với hoàn cảnh có khó khăn như nhau (thiếu nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng, khó khăn về đời sống, v.v…) nhưng một số đơn vị sản xuất đã cố gắng khắc phục, làm cho sản xuất bung ra đúng hướng, đời sống của anh chị em công nhân có tốt hơn và các mặt tiêu cực được hạn chế (đoàn tàu đánh cá Côn Đảo, xí nghiệp dệt 13, nhà máy Caric, xưởng cơ khí huyện Thủ Đức, đội xe chở công nhân thuộc nhà máy dệt Phước Long, hợp tác xã Quyết Tiến ở Quận 5, v.v…)
Những đơn vị điển hình nêu trên đã:
– Bước đầu có sự vận dụng đúng đắn và hợp lý các chế độ, chánh sách quản lý; nâng cao trách nhiệm, chịu khó bám sát và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc làm cản trở sản xuất kinh doanh.
– Biết chủ động khai thác, vận dụng một cách sáng tạo và thỏa đáng các chế độ, chánh sách kinh tế tài chánh hiện hành vào hoàn cảnh cụ thể của mình, nhất là các chế độ tiền lương, tiền thưởng để bảo đảm đúng đắn và đầy đủ 3 lợi ích (Nhà nước, tập thể và cán bộ công nhân viên chức), nhất là lợi ích của công nhân;
– Biết kết hợp tốt giữa khuyến khích lợi ích vật chất với việc không ngừng giáo dục, động viên, giác ngộ chính trị.
Do đó, động viên được toàn thể cán bộ công nhân viên chức quan tâm một cách thường xuyên đến hiệu quả kinh tế của đơn vị và quan tâm đến kết quả lao động của mình, tự giác quản lý mình vào nếp làm việc có kỹ luật, có kỹ thuật, có sáng tạo và có năng suất cao.
Để phát huy kịp thời và mạnh mẽ việc vận dụng rộng rãi 3 lợi ích trong tất cả các đơn vị kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, xã hội ở các ngành, các cấp và các giới công thương trong thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trương:
1) Phát động một đợt thảo luận 3 lợi ích sâu rộng đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp nói trên, kể từ ngày 19-8-1980 đến ngày 30-9-1980.
Ngoài một số mẫu điển hình gởi kèm theo đây để làm cơ sở thảo luận, các đơn vị cơ sở cần chọn các điển hình của ngành mình hoặc thích hợp với bộ phận mình để thảo luận, học tập, vận dụng và kiến nghị những biện pháp, chánh sách thực hiện.
2) Sau khi học tập thảo luận xong, Thủ trưởng các ngành ở thành phố và Chủ tịch các quận, huyện phải kịp thời tổng kết, nêu rõ những đề nghị nào mình sẽ giải quyết, những đề nghị nào đề nghị thành phố giải quyết – những đề nghị nào đề nghị các Bộ giải quyết. Những đề nghị thuộc trách nhiệm các ngành tổng hợp ở thành phố phải giải quyết, thì gởi ngay về các cơ quan đó (đồng gởi cho Ủy ban Nhân dân thành phố 1 bản). Đối với đơn vị thuộc ngành Trung ương trực tiếp quản lý thì gởi về Bộ, Tổng cục, đồng gởi Ủy ban Nhân dân thành phố 1 bản.
3) Những đề nghị nào xét thấy đúng theo qui định Nhà nước đã ban hành mà ta chưa thi hành thì phải thi hành ngay, không được chần chờ.
Những vấn đề nào xét thấy hợp tình hợp lý, đảm bảo đúng 3 lợi ích theo tinh thần các nghị quyết trên, và có yêu cầu cấp bách thì các sở, ban, ngành có trách nhiệm thực hiện và đồng thời báo cáo lên trên.
4) Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện 3 lợi ích ở thành phố, ở từng ngành cần thiết và ở các quận, huyện (khi cần). Ban chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn và theo dõi thảo luận, tổng kết những kiến nghị và giúp cơ quan lãnh đạo điều hòa, phối hợp nghiên cứu giải quyết hoặc đề nghị cấp trên giải quyết tốt các kiến nghị đó. Việc tổ chức tiến hành phải theo một kế hoạch chung thống nhất, có kèm theo chỉ thị này.
5) Chi cục Thống kê cần ban hành và hướng dẫn thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo nhanh và định kỳ với nội dung tóm tắt và rõ ràng để các đơn vị cơ sở phản ánh kịp thời về Ủy ban Nhân dân thành phố lãnh đạo, chỉ đạo được kịp thời đợt thảo luận và vận dụng 3 lợi ích này (kể cả các đơn vị thuộc ngành Trung ương quản lý).
Tóm lại,việc thảo luận và áp dụng tốt 3 lợi ích là một đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay để đẩy mạnh sản xuất và lưu thông phân phối, tăng nguồn thu nhập cho Nhà nước và cải thiện đời sống cho nhân dân, nhất là trong công nhân viên Nhà nước.
Đây không những là sự thể hiện cụ thể Nghị quyết 6, Nghị quyết 26 và Nghị quyết 10 của Trung ương và Thành ủy mà còn là việc làm để nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống, tăng thêm sự phấn khởi và tin tưởng trong công nhân viên chức và nhân dân.
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các ngành (Trung ương và thành phố) và các cấp ở thành phố hết sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này.
Đề nghị các Ban của Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, Ban liên lạc công thương và các đoàn thể như Liên hiệp Công đoàn, Phụ nữ, thanh niên và Nông hội thành phố cùng phối hợp đầy đủ với các ngành, các cấp, và thành phố để giúp đỡ, động viên và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tốt kế hoạch này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |