cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 09/CT-UB ngày 10/03/1980 Về việc quản lý viện trợ của các Tổ chức quốc tế và của Việt kiều do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 10-03-1980
  • Ngày có hiệu lực: 10-03-1980
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6738 ngày (18 năm 5 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Chỉ thị số 09/CT-UB ngày 10/03/1980 Về việc quản lý viện trợ của các Tổ chức quốc tế và của Việt kiều do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 09/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 3 năm 1980

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VIỆN TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ VÀ CỦA VIỆT KIỀU

Để nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, tăng cường công tác quản lý viện trợ quốc tế, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Năm 1980, chúng ta cần tranh thủ viện trợ quốc tế, kể cả của Việt kiều, nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện những nhiệm vụ mà Nghị quyết 6 của Trung ương đã đề ra cho thành phố, chủ yếu phục vụ cho việc đẩy mạnh sản xuất (máy móc, vật tư, thiết bị, phụ tùng …), và các công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhân dân (các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, phúc lợi công cộng); sách báo, tài liệu, trang bị khoa học kỹ thuật. Về hàng tiêu dùng, nên hạn chế, trừ trường hợp các tổ chức quốc tế muốn viện trợ và nhân dân thành phố đang có yêu cầu cần thiết như thuốc men, vải, sữa, giấy học sinh, … Tùy theo từng đối tượng, cần tập trung vào một vài yêu cầu quan trọng, chấm dứt tình trạng đề ra những thứ vụn vặt không thật cần thiết, vừa không có lợi cho nhân dân, vừa gây ấn tượng không tốt cho các tổ chức cung cấp viện trợ.

2. Các cơ quan, đoàn thể, có chương trình viện trợ trong năm 1979, cần kiểm điểm công tác quản lý viện trợ, rút kinh nghiệm khắc phục những thiếu sót, đưa công tác quản lý viện trợ vào nền nếp chặt chẽ và đề ra những yêu cầu viện trợ cho năm 1980 báo cáo cho Ủy ban Nhân dân thành phố và Ủy ban Kế hoạch thành phố. Ủy ban Kế hoạch thàh phố chịu trách nhiệm tập hợp lập thành phương án thông qua Ủy ban Nhân dân thành phố trình Thủ tướng Chánh phủ xét duyệt.

3. Các cơ quan, đoàn thể muốn tiến hành thăm dò, vận động tranh thủ viện trợ cần có sự bàn bạc, hợp đồng chặt chẽ với các cơ quan chủ trì đón tiếp các đoàn khách quốc tế, với Sở Ngoại vụ hoặc với Ban liên lạc Việt kiều thành phố để nắm rõ tình hình và khả năng của đối tượng, tập trung các yêu cầu viện trợ thành chương trình kế hoạch chung của thành phố và tránh quan hệ riêng lẻ và để xảy ra những va vấp trong quan hệ với các tổ chức ở nước ngoài.

4. Các cơ quan, đoàn thể có dự án xin viện trợ phải trình cho Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt trước khi gởi các văn bản đó cho các tổ chức ở nước ngoài. Đối với các công trình viện trợ quan trọng, do các tổ chức ở nước ngoài cung cấp vật tư, thiết bị toàn bộ và Nhà nước phải bỏ ra một khoản đầu tư lớn, cơ quan chủ quản đề án phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tập hợp cán bộ chuyên môn, lập thành phương án kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh thông qua Ủy ban Nhân dân thành phố để trình Thủ tướng Chánh phủ xét duyệt.

5. Tất cả các văn bản quan hệ với các tổ chức quốc tế phải thông qua Sở Ngoại vụ hướng dẫn, góp ý kiến chuẩn bị chặt chẽ. Đối với các tài liệu khoa học kỹ thuật, các tài liệu có liên quan đến bí mật quốc gia, cần cung cấp theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế, phải thông qua Sở Công an và Sở Ngoại vụ nghiên cứu trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt.

6. Trong quá trình thực hiện các chương trình viện trợ, các cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều đã cam kết trong khi đàm phán. Nếu có những yêu cầu mới, phải báo cáo, xin chỉ thị và phải được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận mới được làm.

7. Từ nay, các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, kể cả các đơn vị của Trung ương đóng tại thành phố, có chương trình viện trợ phải chấp hành đúng chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý và năm cho Uy ban Nhân dân thành phố.

Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giúp cho Ủy ban Nhân dân thành phố thống nhất quản lý toàn bộ viện trợ của các tổ chức quốc tế và của Việt kiều ở nước ngoài.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/ THƯỜNG TRỰC




Phan Văn Khải