cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 116/CT-UB ngày 09/10/1979 Về việc tổ chức lựa chọn, xác định điển hình và tiến hành thí điểm bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 116/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 09-10-1979
  • Ngày có hiệu lực: 09-10-1979
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7006 ngày (19 năm 2 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 116/CT-UB ngày 09/10/1979 Về việc tổ chức lựa chọn, xác định điển hình và tiến hành thí điểm bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 116/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 10 năm 1979

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC LỰA CHỌN, XÁC ĐỊNH ĐIỂN HÌNH VÀ TIẾN HÀNH THÍ ĐIỂM BỒI DƯỠNG, NHÂN ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN

Mấy năm nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, phong trào đồng khởi, thi đua xã hội chủ nghĩa của thành phố có nhiều chuyển biến tốt, khí thế thi đua của quần chúng tiếp tục phát triển cả chiều sâu và cả bề rộng, xuất hiện ngày càng nhiều những nhân tố mới, điển hình mới, toàn diện hoặc trên từng mặt, nhất là ở cơ sở, phường, xã, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, tập đoàn sản xuất và hợp tác xã. Chỉ thị số 41/CT-TV của Thành ủy đã xác định : ”... đó là sự khẳng định xu thế đi lên và triển vọng phát triển của phong trào quần chúng” và chỉ rõ : “Từ thực tiễn này, chúng ta có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm quý báu về khả năng, phương hướng, biện pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào cách mạng thành phố. Từ những đơn vị có những điều kiện tiên tiến này, chúng ta có thể nhân ra rộng rãi, đều khắp ở các địa phương, các ngành, thúc đẩy thành một phong trào quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng, liên tục...”.

Để triển khai thực hiện chỉ thị số 41/CT-TV ngày 29-8-1979 của Thường vụ Thành ủy “Về việc chỉ đạo, xây dựng và bồi dưỡng thí điểm về điển hình tiên tiến”, Ủy ban nhân dân thành phố đề ra một số yêu cầu và nội dung tiến hành sau đây :

I. CÁC NGÀNH, CÁC CẤP CẦN QUÁN TRIỆT Ý NGHĨA VÀ TÁC DỤNG CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN.

Nêu gương điển hình tiên tiến là phương pháp thi đua quan trọng nhất trong các biện pháp và hình thức tổ chức vận động thi đua, vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định là biện pháp chủ yếu nhất, quan trọng bậc nhất (Chỉ thị 01/TTg ngày 2-1-1978 và Chỉ thị 12/TTg ngày 8-1-1979). Vì mỗi điển hình là một nhân tố mới, biểu hiện tính tích cực và sáng tạo của quần chúng trong việc giải quyết một hoặc nhiều vấn đề nóng hổi của nhiệm vụ cách mạng nhất là trong lúc khó khăn. Từ lâu, muốn cho việc trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau trở thành phong trào quần chúng có nội dung phong phú, có hình thức sinh động và có hiệu quả thiết thực thì phải coi trọng nêu gương điển hình. Tác dụng của nêu gương điển hình là nhằm động viên phong trào quần chúng làm như điển hình. Trong phong trào quần chúng bao giờ cũng có ba loại : tiên tiến - trung bình - yếu kém. Nghệ thuật lãnh đạo phong trào thi đua là phải làm sao mở rộng diện tiên tiến, thu hẹp diện trung bình và hạn chế tới mức thấp nhất diện yếu kém. Muốn vậy, cách tốt nhất là phải nêu lên những điển hình tiên tiến, thường xuyên tiến hành việc so sánh công khai giữa các cá nhân (anh hùng, chiến sĩ thi đua), giữa những tập thể với nhau (tổ, đội, đơn vị) : tổ chức học tập, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến, đồng thời động viên người và đơn vị tiên tiến giúp đỡ người và đơn vị chậm tiến với tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, giúp đỡ, dìu dắt nhau cùng tiến bộ. Mặt khác, cần chú ý bồi dưỡng các điển hình, giúp cho điển hình luôn lưôn tiến bộ, phát huy tốt tác dụng đối với phong trào thi đua chung, tránh tình trạng nêu điển hình lên rồi buông trôi, không có sự chỉ đạo thường xuyên.

II. PHƯƠNG HƯỚNG NÊU GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN CẦN PHẢI QUA BA BƯỚC CƠ BẢN :

Xác định điển hình tiên tiến ; tổng kết những bài học kinh nghiệm của điển hình ; tổ chức phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến.

1. Xác định điển hình tiên tiến :

“Đặc trưng cơ bản nhất của điển hình tiên tiến năm qua là phát huy tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tổ chức phong trào cách mạng của quần chúng, khai thác tốt nguồn vốn quý nhất là lao động dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp tốt với sử dụng tốt cơ sở vật chất - kỹ thuật và công cụ lao động, không trông chờ ỷ lại vào bên ngoài và bên trên, nạnh dạn tiến công khắc phục các khó khăn và làm được nhiều việc lớn” (Chỉ thị 01-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Như vậy, điển hình tiên tiến là đơn vị có nhiều thành tích và những thành tích đó có tính chất vững chắc dù là khi lên khi xuống, nhưng nhìn chung là đi lên. Kết quả thành tích đạt được là do :

- Biết vận dụng đường lối chung của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của mình một cách sáng tạo (xây dựng được phương hướng sản xuất đúng, tổ chức sản xuất tổ chức lao động, cải tiến quản lý, ...).

- Thực hiện tốt 3 cuộc cách mạng.

- Phát huy và tôn trọng quyền làm chủ tập thể của quần chúng.

- Tổ chức tốt phong trào thi đua, v.v..

Nói chung, điển hình tiên tiến phải có 3 điều kiện :

a/ Có tính vững chắc :

Thành tích đã qua thử thách, dù khi lên khi xuống nhưng nói chung là đi lên, vững vàng, là cơ sở, là vốn quý để phát huy rộng lớn hơn.

Thành tích do tự lực tự cường mà làm nên, theo đó cũng là kết quả của lao động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của quần chúng trong quá trình thiếp thu, vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Lãnh đạo ở đó đoàn kết, nhất trí, có khí thế vươn lên, quần chúng tin tưởng vào lãnh đạo.

b/ Có tính thuyết phục :

Trên cơ sở thành tích có tính vững chắc, có phân tích so sánh, rút ra những bài học kinh nghiệm phản ảnh được thực tiễn làm sáng tỏ chủ tương, chính sách, phương pháp chỉ đạo và triển vọng của phong trào.

c/ Có tính phổ biến :

Những bài học về gương điển hình có thể vận dụng thực hiện rộng rãi trong ngành một cách toàn diện hoặc từng mặt.

Điển hình có nhiều loại :

- Điển hình tập thể, điển hình cá nhân.

- Điển hình tương đối toàn diện.

- Điển hình từng mặt.

- Điển hình của thành phố, của ngành, của quận, huyện, của phường, xã ...

2. Tổng kết những bài học kinh nghiệm của điển hình :

Có 2 loại bài học kinh nghiệm : bài học kinh nghiệm có tính chất chung, nang tính phổ biến và bài học kinh nghiệm cụ thể của từng loại vấn đề.

Những bài học ta cần rút ra để phổ biến chung là những bài học mang tính chất chung, phổ biển để trao đổi với các nơi khác học tập.

Cần tổng kết rút kinh nghiệm, cả những bài học thành công và bài học không thành công.

Ngành ở thành phố chỉ đạo tổng kết các đơn vị cơ sở tiên tiến của ngành.

Quận, huyện chủ trì việc tổng kết kinh nghiệm các phường, xã, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp có sự phối hợp với các ban, ngành và đoàn thể cấp thành phố.

3. Tổ chức phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt điển hình :

Sau khi tổng kết, tổ chức phổ biến kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến xong, các ngành và địa phương cần tổ chức phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến ngay trong phạm vi ngành và địa phương mình. Tiến hành việc này, cần vận dụng hình thức vận động đăng ký thi đua với các điển hình tiên tiến thật sôi nỗi, rầm rộ để kích thích khí thế của quần chúng ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, nhân nhanh điển hình tiên tiến ; và trên cơ sở đó mà từng bước thu hẹp diện trung bình, yếu kém, trì trệ kéo dài.

Vấn đề xác định điển hình, tổng kết điển hình và nhân nhanh điển hình là một khâu rất quan trọng của lãnh đạo, những bài học tốt hay xấu đều có ích cho công tác chỉ đạo phong trào, cho nên tổng kết không thể giao cho bộ phận thi đua hay tổ chức nghiệp vụ tổng kết, mà phải do cấp Ủy, Thủ trưởng chủ trì, có một bộ phận giúp việc. Tổng kết ngành nào thì sử dụng cán bộ ngành đó kết hợp với tuyên huấn thi đua, tổng hợp, tổ chức, v.v..

Ban Thi đua khen thưởng là một trong các cơ quan có trách nhiệm cùng với các ban khác giúp cấp Ủy Đảng và chánh quyền về vấn đề này, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đề xuất ý kiến nuôi dưỡng, phát huy phong trào học tập, thi đua đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Cấp Ủy và Thủ trưởng chánh quyền cần tổ chức nghiên cứu quán triệt Chỉ thị số 41/CT-TV của Thành ủy và có kế hoạch phổ biến đến cán bộ, công nhân, xã viên thông suốt ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng, bồi dưỡng và học tập điển hình. Việc xây dựng và bồi dưỡng điển hình tiên tiến là một trong những công tác chỉ đạo nhằm thúc đẩy phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu, nên cần tiến hành khẩn trương, chu đáo và có hiệu quả thiết thực ; Từ đây đến cuối năm, các ngành và địa phương phấn đấu để tuyển chọn xác định và xây dựng được những điển hình (toàn diện hoặc từng mặt) cho ngành và địa phương mình theo trình tự thời gian dưới đây :

1. Sở, ban, ngành và quận, huyện :

+ Trong tháng 10/1979 : Sở Công nghiệp thành phố cần làm xong việc lựa chọn, xác định điển hình và tổ chức hội nghị sơ kết điển hình tiên tiến trong ngành công nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh.

- Các quận tổ chức tuyển chọn điển hình của phường trong nội thành.

+ Tháng 11/1979 : Liên hiệp xã cùng với Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức sơ kết tuyển chọn và xác định điển hình trong ngành tiểu công nghiệp, thủ công.

- Các ngành giao thông vận tải, xây dựng, lưu thông phân phối, văn xã và các cơ quan hành chánh sự nghiệp triển khai và làm xong việc xác định, bồi dưỡng và xây dựng điển hình.

- Tháng 12-1979 : Các huyện ngoại thành sơ kết tuyển chọn điển hình xã.

- Sở Nông nghiệp cùng với Nông hội và các quận, huyện tổ chức tuyển chọn xác định điển hình nông nghiệp (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, ...).

Riêng đối với các cơ sở trung ương đóng tại thành phố cần tranh thủ thêm sự chỉ đạo của Bộ chủ quản để cùng tiến hành việc tuyển chọn điển hình cùng với thời gian của các ngành thành phố để có thể tổng kết phong trào chung của thành phố vào đầu năm 1980.

Quá trình triển khai ở cơ sở, các ngành và quận, huyện cần phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể (Công đoàn, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, ...) và các Ban chuyên môn thành phố để tiến hành cho tốt.

2. Ở thành phố :

- Trong tháng 1-1980 : Ủy ban nhân dân thành phố sẽ cùng với các ngành và địa phương nghiên cứu xét chọn và xác định điển hình của thành phố (sẽ chọn lọc trong số các điển hình của các ngành và quận, huyện) chuẩn bị tổ chức hội nghị tổng kết xây dựng điển hình toàn thành phố.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm, thành phố triển khai nhiều công tác quan trọng, nhất là việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1979, việc xây dựng, bồi dưỡng, học tập và nhân điển hình tiên tiến là một trong những khâu quan trọng của công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện, làm tốt việc này sẽ tạo thêm sức mạnh của quần chúng sôi nổi thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ kế hoạch của thành phố.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần nghiên cứu có kế hoạch chỉ đạo cụ thể thực hiện chỉ thị này và báo cáo về ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh